Thư viện "thông minh" trong trường đại học: Xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số

Sự phát triển công nghệ số đã tác động mạnh mẽ đến nhu cầu tiếp cận nguồn tài nguyên thông tin học thuật của người dùng tin (NDT). Ngày nay, NDT vừa tiếp nhận thông tin, vừa sản xuất thông tin. Họ có kỹ năng sử dụng thông tin và thẩm định nguồn tài nguyên thông tin tri thức. Thư viện “thông minh” ra đời như là một xu thế tất yếu, là cách thức tối ưu trong hoạt động giao tiếp giữa thư viện và NDT, đáp ứng được nhu cầu của NDT. Thư viện “thông minh” đo lường được nhu cầu NDT thông qua phân tích các dữ liệu, phát hiện thay đổi hay nhu cầu mới của NDT. Thư viện “thông minh” như là một trung tâm tri thức thu thập, lưu trữ, tổ chức, phân phối, dữ liệu, quản trị tri thức. Thông qua các dịch vụ thông minh kết nối và đưa thư viện đến NDT, phục vụ nhiều đối tượng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tri thức. Bài viết nêu lên tầm quan trọng, sự cần thiết của thư viện “thông minh” như là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số; Hình thành phương thức giao tiếp mới giữa NDT và thư viện, thúc đẩy phát triển nguồn tài nguyên thông tin học thuật, nguồn thông tin tri thức số trong kỷ nguyên số.

Tầm quan trọng của thư viện “thông minh” trong kỷ nguyên số

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo ra những dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của xã hội ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Thư viện cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Từ thư viện đại học phục vụ NDT các nguồn tài liệu in ấn, Thư viện số ra đời, như một bước tiến mới, NDT tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin dạng điện tử với máy tính có kết nối internet. Gần đây, vai trò mới của thư viện không chỉ là nơi cung cấp nguồn tài liệu in ấn hay tài liệu số, mà như là một trung tâm tri thức số, giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra tri thức để phục vụ nhu cầu đa dạng của NDT. Thư viện “thông minh” cung cấp cho NDT nhiều sản phẩm dịch vụ thông minh. NDT như có những trải nghiệm mới trong tiếp cận tài nguyên thông tin học thuật. Thư viện “thông minh” quản lý dữ liệu nghiên cứu, xây dựng nền tảng và cơ sở hạ tầng để chia sẻ tri thức và đẩy mạnh tiếp thu tri thức nghiên cứu đào tạo. Tác giả Gul, S., Bano, S. (2018) cho rằng: “Thư viện thông minh là sự tích hợp của sách và dữ liệu liên quan, cũng như tài nguyên số và không gian số, dựa trên việc thực hiện thông tin hóa toàn diện của thư viện”. Sự “tích hợp” các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện “thông minh”: “sách, dữ liệu” cùng tài nguyên số và không gian số, mang đến NDT những nguồn tài nguyên thông tin học thuật khổng lồ để khai thác, sử dụng, nâng cao kiến thức, sự sáng tạo. Thư viện “thông minh” có thể được gọi là sự kết hợp của các thư viện điện tử, kỹ thuật số, thông minh, ảo và mạng. Tác giả Baryshev, R. A., Verkhovets, S. V., Babina, O. I. (2018), nhấn mạnh: “Thư viện thông minh là một tổ hợp phần cứng và phần mềm với nhiều cơ hội tìm kiếm và cung cấp thông tin cần thiết cho người dùng ảo từ những câu hỏi tìm hiểu thông tin và theo yêu thông tin của họ”.

Thư viện “thông minh” luôn lấy NDT làm trung tâm và thích ứng với nhu cầu của NDT. Thư viện “thông minh” có khả năng tự động nắm bắt được nhu cầu của NDT qua các trang thiết bị thông minh, công cụ đo lường và kỹ năng phân tích dữ liệu của người làm thư viện. Thư viện như là một không gian tri thức cộng đồng, người mở cổng thông tin. Mối quan hệ giữa NDT và thư viện đã có nhiều thay đổi, thư viện “thông minh” đưa thư viện và tài nguyên thông tin đến NDT. Tác giả Okwu, E., PhD. (2021) “Thư viện thông minh là thư viện cung cấp các dịch vụ thư viện hỗ trợ người dùng cho NDT của thư viện bằng cách sử dụng các hệ thống và công nghệ do internet điều khiển thường để giảm thời gian truy cập, chi phí và các ràng buộc đối với việc cung cấp dịch vụ”. Thư viện với ứng dụng công nghệ thông minh cung cấp cho NDT nhiều dịch vụ thông minh tiện ích. Thư viện thông minh không chỉ cung cấp nguồn tài nguyên thông tin theo yêu cầu mà hơn thế, có thể đưa ra những gợi ý thích hợp cho NDT tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin học thuật.

Trong thời đại kỹ thuật số, phương thức giao tiếp giữa NDT và thư viện đã có những thay đổi rõ nét. Thư viện giữ vai trò trung gian giữa nhu cầu tiếp cận thông tin và cung cấp thông tin. Tác giả Baryshev, R. A., Verkhovets, S. V., Babina, O. I. (2018) đã chỉ ra vai trò của thư viện thông minh: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thư viện thông minh là đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của người dùng”. Đó như là xu thế tất yếu và là nền tảng của xã hội thông tin. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thư viện “thông minh” cần hiểu nhu cầu thông tin của NDT. Qua dữ liệu hồ sơ của NDT thu thập từ các thiết bị thông minh, loại hình tài liệu, những chủ đề bạn đọc quan tâm, thời gian sử dụng thư viện, phân tích về thói quen sử dụng thư viện… thư viện sẽ có những gợi ý, cung cấp hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin cho NDT. Ví dụ, thư viện phân chia NDT theo từng nhóm đối tượng khác nhau. Đây là phương thức tốt để thư viện xác định nhu cầu thông tin cụ thể của mỗi nhóm đối tượng. Từ đó, thư viện cung cấp cho NDT nguồn tài nguyên thông tin xác thực nhất hay không gian học tập phù hợp cho từng nhóm đối tượng NDT khác nhau.

Thư viện “thông minh” trong trường đại học có vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của NDT. Ngày nay, NDT mong muốn tìm kiếm tài nguyên thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng và chất lượng, phục vụ cho hoạt động học tập, nghiên cứu, sáng tạo tri thức. Thư viện thông minh với vai trò như là hệ thống thông tin “thông minh” thông qua nhiều hoạt động quản trị tri thức, sản phẩm dịch vụ thư viện thông minh, ứng dụng công nghệ hướng tới tự động hóa thông minh… nhằm thực hiện tốt vai trò cung cấp thông tin cho NDT.

Sự phát triển thư viện thông minh: xu thế tất yếu

Tác giả Dương Thị Thu Thủy (2019), trong bài viết Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, đã nêu: “Thư viện “thông minh” (smart library) là một hình thái thư viện mới được xây dựng dựa trên 4 yếu tố chính bao gồm địa điểm thông minh, quản trị thông minh, dịch vụ thông minh và người dùng thông minh”. Thư viện “thông minh” kết nối với NDT qua các dịch vụ ảo, hỗ trợ từ xa, hay khả năng truy cập nguồn tài nguyên thông tin không giới hạn không gian và thời gian. Thư viện “thông minh” xây dựng được hệ thống tự động hóa. Người sử dụng thư viện được trải nghiệm với những nguồn tài nguyên thông tin học thuật giá trị để sáng tạo ra tri thức mới. Mặt khác, NDT phát huy vai trò của mình, vừa là người tiếp nhận thông tin, vừa là người thẩm định nguồn tài nguyên thông tin.

Dịch vụ thông minh mang thư viện đến với NDT. Với những ứng dụng công nghệ thông minh: nhận diện khuôn mặt, camera quan sát hành vi, thói quen của người sử dụng thư viện, lịch sử truy cập của NDT vào các các cơ sở dữ liệu, nguồn tài nguyên thông tin thư viện. Thư viện phân tích các dữ liệu xác định được nhu cầu của NDT, gợi ý và cung cấp những dịch vụ thông minh phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng NDT. Ví dụ, Thư viện thông minh cung cấp dịch vụ hỗ trợ hướng dẫn nhà nghiên cứu trẻ có những định hướng bước đầu trong quá trình nghiên cứu, những nguồn tài liệu uy tín hướng dẫn về cách viết bài báo học thuật, cách thức nộp bài báo và các nguyên tắc chọn tạp chí thuộc nhóm SCI (Science Citation Index)/ SSCI (Social Science Citation Index)... có chỉ số đánh giá cao. Thư viện giới thiệu về chỉ số tạp chí và yếu tố tác động, như: chỉ số H (H-index) là chỉ số tác giả đo lường cả năng suất và tác động trích dẫn của các ấn phẩm của một nhà khoa học; chỉ số tác động IP (impact factor) một số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản gần đây trên tạp chí đó… Hay dịch vụ chỉnh sửa bản thảo ENAGO hỗ trợ kiểm tra ngôn ngữ, chỉnh sửa nội dung và cấu trúc bản thảo bài báo khoa học đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để nộp và được xuất bản trên tạp chí quốc tế. Hay hệ thống trao đổi liên thư viện, là một bước tiến mới và hỗ trợ tích cực cho NDT tiếp cận các nguồn tài nguyên thông tin học thuật trong hệ thống thư viện liên kết. Người dùng có thể sử dụng tài liệu từ các thư viện khác. Hệ thống liên thư viện mở rộng không gian phục vụ NDT, cũng như cơ hội tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên thông tin đa dạng.

Thư viện “thông minh” vận hành với hệ thống công nghệ, các phần mềm, tự động hóa trong chuyên môn. Người làm thư viện phải có kiến thức nhất định về công nghệ, sử dụng phần mềm thư viện, am hiểu thuật ngữ phần mềm. Người làm thư viện bên cạnh các kỹ năng tìm kiếm, khai thác, phân tích, đánh giá, xử lý thông tin cần có kỹ năng kết nối với NDT trực tiếp và môi trường ảo. Nghĩa là người làm thư viện phải có khả năng tương tác, giao tiếp phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau, thiết lập mối quan hệ giữa thư viện và NDT. Thông qua hoạt động kết nối đó, thư viện có sự hỗ trợ, chỉ dẫn NDT tìm kiếm tài liệu họ cần. Hay phân tích nhu cầu và gợi ý những tài liệu liên quan đến chủ đề mà họ quan tâm. Ngoài ra, người làm thư viện phải có năng lực chuyên môn và khả năng hiểu biết để phát huy vai trò của mình. Năng lực chuyên môn được tích lũy qua quá trình tự học tập, đọc tài liệu, các chương trình đào tạo, tập huấn. Năng lực đó, giúp người làm thư viện có khả năng xử lý dữ liệu theo yêu cầu của NDT. Công nghệ thông minh liên tục phát triển và cán bộ không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để tương ứng với sự phát triển đó. Nâng cao vốn tri thức để đáp ứng tốt nhu cầu NDT thông minh. Bên cạnh đó, người làm thư viện sử dụng được các công cụ thông minh để nâng cao chất lượng nội dung của các cơ sở dữ liệu thư viện hay sử dụng các công cụ quản lý tri thức.

Công nghệ thông tin là một công cụ hữu hiệu để quản trị tri thức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện phát huy sự liên kết chặt chẽ nguồn tri thức và thư viện, giữa thư viện với NDT. Nguồn tri thức được mở rộng và việc truy cập tài nguyên thông tin trở nên nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện trên môi trường số. Công nghệ thông tin vừa giúp hội tụ tri thức và vừa bảo mật tri thức. Thư viện với những đột phá về tiến bộ công nghệ để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số. Ví dụ, công nghệ RFID (Radio Frequency Identification/ nhận dạng qua tần số vô tuyến), giúp phân loại tự động sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xếp sách lên giá sách, mượn trả tự động, xác định vị trí tài liệu, thu thập số liệu thống kê. Hay cổng tìm kiếm liên kết các cơ sở dữ liệu, chỉ từ một lệnh tìm kiếm, NDT dễ dàng tìm được tất cả các nguồn tài nguyên thông tin học thuật liên quan trong bộ sưu tập tài liệu của thư viện.

Mục đích chính của Thư viện “thông minh” là đáp ứng yêu cầu thông tin của NDT thông qua công nghệ thông tin hiện đại. Với hệ thống tự động hóa, Thư viện “thông minh” cung cấp cho NDT những tài liệu khoa học và tức thì, không bị giới hạn không gian và thời gian. Thư viện “thông minh” trong trường đại học cần thực hiện tốt vai trò của mình, phục vụ tốt nhu cầu cần thiết của NDT “thông minh” trong kỷ nguyên số.

Kết luận

Thư viện “thông minh” trong trường đại học là một bước tiến mới, là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số. Thư viện “thông minh” luôn lấy NDT làm trung tâm. Sự thay đổi về cách tiếp cận nguồn tài nguyên thông tin của NDT đòi hỏi các thư viện đại học nhanh chóng phát triển thành Thư viện “thông minh” để đáp ứng kịp thời nhu cầu của NDT. Thư viện “thông minh” là cơ hội để cải tiến và phát triển các dịch vụ Thư viện “thông minh”, không gian thư viện, ứng dụng công nghệ và năng lực của của người làm thư viện trong xu thế kỷ nguyên số. Thư viện “thông minh” làm thay đổi phương thức giao tiếp giữa thư viện và NDT. Thư viện chủ động cung cấp nguồn tài nguyên thông tin phù hợp với nhu cầu NDT và tạo ra nguồn tài nguyên thông tin học thuật riêng có giá trị. Thư viện “thông minh” là phương thức tích cực để thư viện tối ưu hóa các dịch vụ thư viện, ứng dụng công nghệ và là bước nhảy vọt trong mối quan hệ hài hòa giữa Thư viện “thông minh” và NDT “thông minh” trong kỷ nguyên số.

________________

Tài liệu tham khảo

1.Baryshev, R. A., Verkhovets, S. V., Babina, O. I., The smart library project: Development of information and library services for educational and scientific activity (Dự án thư viện thông minh: Phát triển các dịch vụ thông tin và thư viện phục vụ hoạt động giáo dục và khoa học), Tạp chí Thư viện Điện tử, số 36 (3), 2018, tr. 535-549.

2. Dương Thị Thu Thủy, Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, Tối ưu hóa quản trị tri thức số: Chính phủ - Doanh nghiệp - Thư viện, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, 681-700.

3. Gul, S., Bano, S., Smart libraries: An emerging and innovative technological habitat of 21st century (Thư viện thông minh: Môi trường công nghệ mới nổi và sáng tạo của thế kỷ 21). Tạp chí Thư viện Điện tử, 37(5), 2018, tr.764-783.

4. Okwu, E., Academic libraries,science and technology development and the Nigerian smart city initiative (NSCI): Issues,roles and challenges(Thư viện học thuật, phát triển khoa học, công nghệ và sáng kiến thành phố thông minh Nigeria (NSCI): Các vấn đề, vai trò và thách thức), Tạp chí Thư viện Triết học và Thực hành, 2021, tr.1-21.

BÙI THỊ PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;