Bài học kinh nghiệm từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định

Nằm ở phía Nam tỉnh Nam Định, Hải Hậu được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - anh hùng và là một trong năm huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới năm 2015. Tiếp nối thành công này, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (XDĐSVHCS) cũng được Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu quan tâm khi huyện Hải Hậu là địa phương được Trung ương thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019-2025.

Để thực hiện tốt phong trào, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong việc phối hợp thực hiện nội dung, chương trình, kế hoạch của phong trào và cuộc vận động, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân nghiêm túc thực hiện, đặc biệt sự phối hợp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) ở xóm, tổ dân phố (TDP). Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức tập huấn, xây dựng kế hoạch triển khai phong trào đến các địa bàn dân cư; chỉ đạo thực hiện tốt các bước công tác và triển khai đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Xóm/ TDP văn hóa”. Tính đến năm 2020, tổng số cơ quan, trường học, trạm y tế toàn huyện được công nhận đạt chuẩn văn hóa là 178 đơn vị. Với cách làm mới và hiệu quả, năm 2015 số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa là 80.249 đạt 86%; đến năm 2020 số gia đình văn hóa tăng lên là 94.691 đạt 97,8 % (1). Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện thường xuyên được kiện toàn; trên cơ sở quy chế tổ chức và hoạt động, định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức hội nghị sơ, tổng kết để kịp thời đánh giá những kết quả đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề ra giải pháp lãnh đạo phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Các xã, thị trấn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển đổi sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, các hộ gia đình vươn lên làm kinh tế giỏi tăng lên, tính đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,67%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 64,15 triệu đồng/ năm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội (2). Thiết chế văn hóa đóng một vị trí quan trọng trong XDĐSVHCS. Ở Hải Hậu, các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, nhà truyền thống, sân vận động, bể bơi, dụng cụ thể thao ngoài trời được đầu tư đồng bộ từ huyện đến cơ sở. 100% các xã đều có nhà văn hóa. Toàn huyện có 546/546 xóm/ TDP có nhà văn hóa đạt 100%, trong đó có 6 nhà văn hóa liên xóm (15 nhà văn hóa sử dụng nhà văn hóa chung); 9/34 xã, thị trấn có sân cầu lông trong nhà (Hải Long, Hải Hà, Hải Hưng, Hải Minh, Thị trấn Cồn, Hải Đường, Hải Thanh, Hải Trung, Hải Bắc); 22/34 xã hoàn thành việc xây dựng cổng chào xã (3).

Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa xóm/ TDP và xóm/ TDP đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, các nhà văn hóa xóm/ TDP ngày càng phát huy hiệu quả, tác dụng, góp phần thiết thực tạo điều kiện cho việc sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp và các nhà tài trợ. Các nhà văn hóa xóm/ TDP được xây dựng có đầy đủ trang thiết bị ampli, micro, loa, tượng Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, khẩu hiệu, nội quy, hương ước; công trình phụ trợ, cổng, cây xanh, tường bao bảo vệ. 100% Nhà văn hóa có tủ sách (trên 100 đầu sách/tủ), có quy hoạch đất để xây dựng khu thể thao xóm/ TDP và khu thể thao liên xóm; 417/ 546 xóm/ TDP có sân cầu lông, 386/ 546 xóm/ TDP sân bóng chuyền; 117/546 xóm/ TDP sân bóng đá mini; toàn huyện có thêm 216/546 xóm/ TDP có bàn bóng bàn, 121 sân thể thao liên xóm/ TDP, 106 cổng làng, 68 bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời (4).

Trong 20 năm (2000-2020) triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước tiến mới, đặc biệt là phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng xóm/ TDP văn hóa; cơ quan, doanh nghiệp, trường học, trạm y tế đạt chuẩn văn hóa; phong trào đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa thể thao xóm/ TDP đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, được nhân dân đồng tình hưởng ứng mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần duy trì và giữ vững điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Có được thành công trong các hoạt động XDĐSVHCS ở huyện Hải Hậu là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện, xã - thị trấn, đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Thực tế đã khẳng định, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, UBND và các ban ngành, đoàn thể; các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được đư­ a vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện đư­ a vào tiêu chí thi đua, thì phong trào sẽ đạt kết quả cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết về xây dựng đời sống văn hóa từ Trung ương đến địa phương được huyện thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa với 5 nội dung và 7 phong trào cuộc vận động và đã đạt được kết quả cao như: phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xóm/ TDP văn hóa, khu dân cư văn hóa; phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, doanh nghiệp, đơn vị văn hóa; phong trào học tập, lao động sáng tạo; phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cấp; mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện có những bước chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được giữ vững. Các chỉ tiêu xã hội như y tế, giáo dục được thực hiện tốt, tệ nạn xã hội giảm đáng kể. Tình làng nghĩa xóm được củng cố, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội được thực hiện theo đúng quy định. An ninh chính trị được đảm bảo, người dân có ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, mặt bằng kinh tế của người dân trong huyện được nâng lên rõ rệt.

Trong quá trình xây dựng huyện Hải Hậu nói chung và XDĐSVHCS ở Hải Hậu nói riêng, ngoài nền tảng vững chắc là công lao đắp bồi, gây dựng của các thế hệ cha ông đi trước còn là sự kế thừa, gìn giữ và phát huy của các thế hệ sau. Với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, biết tận dụng sức dân, lấy dân làm gốc nên trong quá trình thực hiện phong trào được nhân dân ủng hộ nhiệt tình, nhiều gia đình đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao ở các xóm/ TDP.

Cùng với đó là việc nghiên cứu đổi mới, đa dạng các hình thức tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phù hợp với từng nơi để thu hút đông đảo nhân dân tham gia; duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa thể thao truyền thống cơ sở dịp 19-8 và ngày hội Văn hóa thể thao truyền thống của huyện dịp 2-9 hằng năm. Việc đầu tư các nguồn lực để tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cũng được quan tâm. Các thiết chế văn hóa, thể thao đã được đầu tư xây dựng, tiêu biểu là công trình bảo tàng của huyện được đi vào sử dụng năm 2018, cùng với đó là xây dựng cổng chào huyện, một công trình có giá trị văn hóa tinh thần của mỗi người con Hải Hậu khi trở về về quê hương. Hằng năm, UBND huyện, Ban chỉ đạo phong trào huyện nói chung, ngành Văn hóa nói riêng cũng tổ chức họp, giao ban thường kỳ, sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động của phong trào cũng như của ngành Văn hóa - Thông tin. Công tác khen thưởng, động viên, biểu dương được tiến hành kịp thời. Tỷ lệ gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa năm sau cao hơn năm trước. UBND huyện đã ban hành cơ chế khen thưởng cho những xóm/ TDP văn hóa được cấp giấy chứng nhận kèm theo tiền thưởng 500.000 đồng; xóm/ TDP văn hóa duy trì 5 năm liên tục tặng giấy khen kèm theo tiền thưởng 500.000 đồng; xã, thị trấn có 100% xóm/ TDP đạt văn hóa (trong đó có 70% xóm/ TDP duy trì văn hóa theo tiêu chí của huyện tại thời điểm xét thưởng), giai đoạn 2007-2008 thưởng 40 triệu đồng, giai đoạn 2009-2015 thưởng 30 triệu đồng. Qua tổng kết, trong 20 năm toàn huyện có 15.432 người tốt, việc tốt và điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa, trong đó cấp xã, thị trấn là 14.322; cấp huyện là 1.110 người (5).

Đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn chính là lực lượng chủ đạo trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, việc bồi dưỡng, đào tạo và tuyển chọn cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện xuống cơ sở cũng được chú trọng, công tác cán bộ cũng được lựa chọn kỹ càng với kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới tư duy và nâng cao năng lực lãnh đạo, vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế tại địa phương.

Khác với các miền quê khác, Hải Hậu lựa chọn cho mình một lối đi riêng, những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với địa phương mình để áp dụng trong xây dựng văn hóa Hải Hậu. Bài học đầu tiên mà mô hình văn hóa Hải Hậu là phát triển của một xã hội, sự đồng bộ trong đó phát triển văn hóa là kết quả tổng hợp của nhiều lĩnh vực, từ kinh tế - chính trị - văn hóa, không đơn thuần chỉ là các hoạt động văn hóa - thông tin, mà nó là sự phát triển một cách đa dạng, có chiều sâu và được tiếp nối trong một thời gian dài. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, Hải Hậu biết huy động sức mạnh và nguồn lực chủ yếu từ nhân dân, để văn hóa ngấm sâu vào đời sống của nhân dân. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Hải Hậu, nhân dân chính là chủ thể, thể hiện bằng việc nhân dân bàn bạc, quyết định và trực tiếp tham gia giám sát các công trình của địa phương. Chính vì vậy, trong những năm qua, Hải Hậu không có tình trạng khiếu kiện, tham ô, tham nhũng.

Những thành tựu về mặt văn hóa của thời kỳ trước đổi mới đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Hải Hậu hôm nay. Phong trào xây dựng làng (xóm, TDP) văn hóa, gia đình văn hóa, nếp sống văn minh ở Hải Hậu đã được phát triển cách đây hàng chục năm nay và đi vào chiều sâu. Do vậy mà sự phát triển của văn hóa Hải Hậu là lâu dài, có sự kế thừa liên tục, điều mà các nơi khác chưa có được. Sự huy động nhiều lực lượng xã hội vào các hoạt động văn hóa ở Hải Hậu là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu cho các đơn vị trong cả nước học tập. Đảng bộ và chính quyền các cấp đã biết phát huy tiềm năng văn hóa của mọi lực lượng xã hội, từ thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, Hội cựu chiến binh, đội ngũ giáo viên, sự đoàn kết lương - giáo, biết đưa văn hóa tôn giáo gia nhập với cộng đồng dân cư vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa. Thấm nhuần tư tưởng của Đảng về văn hóa như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hậu lần thứ XXVII trong giai đoạn hiện nay, việc củng cố, xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển nền văn hóa của đất nước và cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19. Từ đó, để nhanh chóng xây dựng huyện Hải Hậu phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn với một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối hoàn thiện gắn kết chặt chẽ với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân để sớm đưa Hải Hậu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước, xứng danh mảnh đất văn hóa - anh hùng - nông thôn mới.

_____________________

1, 3, 4. Báo cáo số 298/BC-UBND ngày 11-12-2020, của UBND huyện Hải Hậu Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

2, 5. Báo cáo số 204/BC-UBND ngày 14-8-2020, của UBND huyện Hải Hậu Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020.

NGUYỄN CÔNG HUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;