Công nghiệp sáng tạo - cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế và văn hóa ở thế kỷ XXI

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, công nghiệp sáng tạo là lĩnh vực mới, thu hút nhiều đầu tư về vốn và tri thức. Trong kinh tế học hiện đại, công nghiệp sáng tạo chỉ mọi hoạt động sáng tạo nhằm chuyển thể ý tưởng (trong đó phần lớn liên quan tới văn hóa, nghệ thuật và giải trí) thành hàng hóa hoặc dịch vụ. Công nghiệp sáng tạo là một dạng thức lao động đặc biệt trong tiến trình lao động sáng tạo của loài người và tồn tại ở tất cả mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Bài viết đề cập tới tính mở của khái niệm và tiến trình tiếp cận khai thác nền tảng văn hóa cho kinh tế ở Việt Nam.

1. Bối cảnh thế giới và cách tiếp cận mới

Sáng tạo là đặc trưng lớn nhất của con người, là dạng vật chất đặc biệt của loài người khiến cho họ tạo ra các sản phẩm hoàn toàn khác nhau, có giá trị hơn hay hấp dẫn hơn. Kẻ thù lớn nhất của sáng tạo chính là sự khuôn phép, sao chép và tư duy định kiến. Ngược lại, môi trường lớn nhất của sáng tạo chính là đời sống phong phú của con người với mọi nhu cầu. Công nghiệp sáng tạo hình thành khi nghệ sĩ và doanh nhân gặp nhau, nghệ sĩ thì bàn chuyện sản xuất còn doanh nhân thì đang thiếu ý tưởng, họ gặp nhau và tạo nên câu chuyện mới, câu chuyện của công nghiệp sáng tạo.

Như chúng ta đều biết, công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo là hai thuật ngữ được người châu Âu đưa ra nhằm chỉ các hoạt động đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng hóa. Khi các cuộc cách mạng công nghiệp dần đi tới giới hạn của năng lực sản xuất cũng như khả năng đáp ứng của con người thì tất yếu dẫn tới sự ra đời học thuyết kinh tế mới, nhằm tạo ra khung lý thuyết mang tính dẫn dắt không chỉ nền kinh tế trong nước, trong khu vực mà còn có thể xuất khẩu ra toàn cầu.

Công nghiệp văn hóa

Thuật ngữ này xuất phát từ Đức sau Thế chiến thứ Hai (tiếng Đức: Kulturindustrie). Công nghiệp văn hóa được các học giả người Đức là nhà lý thuyết phê bình Theodor Adorno (1903-1969) và Max Horkheimer (1895-1973) đề cập tới trong chương Công nghiệp văn hóa: Khai sáng là lừa dối hàng loạt trong cuốn sách Biện chứng của Khai sáng (1947). Trong đó, sản phẩm văn hóa được sản xuất một cách tiêu chuẩn hóa, với số lượng nhiều (công nghiệp) nhằm phục vụ đại trà công chúng và có ý đồ sử dụng để thao túng tâm lý, nhận thức của xã hội.

Xét về hoàn cảnh lịch sử châu Âu giai đoạn sau Thế chiến thứ Hai, cả châu lục đang phải xây dựng lại sau tàn phá của chiến tranh thì việc văn hóa, nghệ thuật mang tính công nghiệp cũng là điều đương nhiên, khi mà việc thiếu thốn các nhu yếu phẩm còn dẫn nước Anh tới việc sử dụng tem phiếu tới năm 1950. Cũng giai đoạn này, văn hóa, nghệ thuật tại châu Âu cũng có những bước chuyển mình song hành cùng thời đại. Nghệ thuật hiện đại (modern art) và chủ nghĩa hiện đại (modernism) được phát triển cực thịnh, cuốn vào trong đó mọi biểu hiện của văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc. Trong công cuộc tái thiết sau Thế chiến thứ Hai, có vẻ như mọi thứ đều được chấp nhận, miễn là đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của công chúng. Đó chính là môi trường xã hội phù hợp để công nghiệp văn hóa ra đời và phát triển.

Tuy nhiên, dưới quan niệm của hai học giả và thực tế cũng đã chứng minh công nghiệp văn hóa tồn tại nhiều điểm bất cập, khi nền văn hóa được sản xuất công nghiệp cướp đi trí tưởng tượng của con người và chiếm lấy tư duy của họ đối với thế giới tâm hồn. Lúc này, ngành công nghiệp văn hóa cung cấp “hàng hóa” để sau đó con người chỉ còn nhiệm vụ tiêu thụ chúng.

UNESCO cho rằng: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Mọi sản phẩm văn hóa đều trở nên quy trình hóa, vật lý hóa và làm giảm thiểu các ước mơ, khiến công chúng không thể còn không gian và thời gian cho cảm xúc hoặc mỹ cảm tao nhã hay tạo ra “cái đẹp” theo cách riêng tư. Nói cách khác, công nghiệp văn hóa lại trở thành một nền công nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa. Vì thế, cách tiếp cận, khai thác yếu tố văn hóa trong xã hội cần thêm bước đổi mới, khi bên cạnh nó, yếu tố công nghệ và công nghiệp sản xuất đã chuyển từ điện khí hóa sang tự động hóa và sử dụng nhiều công nghệ thông tin.

Sang những năm 80 của TK XX, khi trung tâm công nghiệp thế giới đã chuyển sang trục Mỹ - Nhật và hình thành 4 “con rồng” kinh tế Đông Nam Á, một lần nữa châu Âu lại đưa lên vũ đài thế giới các khái niệm mới về kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa - sáng tạo - công nghệ, đó chính là công nghiệp sáng tạo.

Công nghiệp sáng tạo

Kinh tế sáng tạo lần đầu tiên được coi là một ngành độc lập trong kinh tế học vào những năm 1960. Có một số tài liệu cho thấy khái niệm “công nghiệp sáng tạo” hình thành từ Anh quốc khoảng cuối TK XX. Năm 2001, John Howkins đã đưa thuật ngữ “kinh tế sáng tạo” vào cuộc sống trong cuốn sách Nền kinh tế sáng tạo: Cách mọi người kiếm tiền từ ý tưởng (The Creative Economy: How people make money from ideas) (1).

Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Văn hóa và Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới “đã phát triển các tiêu chí khác nhau trong nỗ lực phân loại các lĩnh vực sáng tạo”. Công nghiệp sáng tạo - bao gồm các sản phẩm nghe nhìn, thiết kế, phương tiện truyền thông mới, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản và nghệ thuật thị giác - là một lĩnh vực mang tính chuyển đổi cao của nền kinh tế thế giới về mặt tạo thu nhập, tạo việc làm và thu nhập từ xuất khẩu. Văn hóa là một thành phần thiết yếu của phát triển bền vững là nguồn gốc của bản sắc, đổi mới và sáng tạo cho cá nhân và cộng đồng.

Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu với gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29, trong đó nổi bật là tỷ lệ nữ giới.

Theo thông tin trên trang của cộng đồng châu Âu, việc nghiên cứu và đổi mới cho di sản văn hóa châu Âu xanh, kỹ thuật số và sáng tạo là công việc trọng tâm (2). Châu Âu xác định: “Di sản văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCI) là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xã hội ở châu Âu, trong khi tiềm năng đổi mới của chúng có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của châu Âu”. Việc tăng cường tương tác với các di sản văn hóa và nghệ thuật góp phần vào sự gắn kết và hòa nhập xã hội trong châu Âu (3).

Phạm vi di sản văn hóa châu Âu xác lập rất rộng lớn, nó bao gồm những giá trị chung, các di tích và địa danh và sự đa dạng sáng tạo về truyền thống, thủ công, nghệ thuật, kiến ​​trúc, văn học, ngôn ngữ, sân khấu, phim ảnh và âm nhạc. Có thể nói, công nghiệp sáng tạo chính là cơ sở để xây dựng thế cạnh tranh mới của châu Âu trên bình diện thế giới, tôn vinh và lan tỏa các giá trị châu Âu với cách tiếp cận mới. Năm 2014, Liên minh châu Âu bắt đầu chương trình châu Âu sáng tạo bao gồm 1,8 nghìn tỷ euro đầu tư “nhằm mục đích nâng cao các ngành Công nghiệp sáng tạo và văn hóa châu Âu”. Điều này bao gồm “Cơ sở bảo lãnh cho lĩnh vực văn hóa và sáng tạo”, do Quỹ đầu tư châu Âu quản lý, nhằm tăng cường sức mạnh cho các doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa. Có 5 tổ chức chính ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Vương quốc Anh đại diện cho hơn 400 thương hiệu và tổ chức văn hóa chiếm hơn 70% thị trường thế giới và cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, từ năm 2002 đến 2012, số lượng các doanh nghiệp có thành phần nghệ sĩ, nhà văn và nghệ sĩ biểu diễn độc lập, đã tăng gần 40%. Ví dụ, từ năm 2001 đến năm 2014, các nhạc sĩ tự kinh doanh đã tăng 45% và các nhà văn tự kinh doanh tăng 20%. Các nghệ sĩ ở Mỹ có khả năng tự kinh doanh cao hơn 3,6 lần so với phần còn lại của lực lượng lao động ở Mỹ (4).

2. Đặc điểm của công nghiệp sáng tạo

Qua những nghiên cứu về công nghiệp sáng tạo của thế giới, châu Âu và Mỹ, chúng ta thấy các đặc điểm chính của công nghiệp sáng tạo là:

Các ngành công nghiệp văn hóa nói chung bao gồm: nguyên tác, âm nhạc, truyền hình, sản xuất phim và xuất bản cũng như các ngành nghề thủ công và thiết kế, kiến trúc, các loại hình nghệ thuật biểu diễn và trực quan, thể thao, quảng cáo và du lịch văn hóa... Nó góp phần tạo nên giá trị cho các cá nhân và xã hội, phát triển dựa trên tri thức và cần nhiều nhân công, tạo ra việc làm và của cải. Việc nuôi dưỡng sự sáng tạo và khuyến khích các xã hội đổi mới sẽ duy trì tính đa dạng văn hóa và nâng cao thành tựu, hiệu quả kinh tế. Các định nghĩa về “nền kinh tế sáng tạo” có thể khác nhau, nhưng đều thống nhất rằng trung tâm của nền kinh tế sáng tạo, là các ngành công nghiệp sáng tạo trong đó yếu tố sáng tạo, đổi mới, cá nhân hóa được đề cao.

Giải trí là lĩnh vực mang loại doanh thu lớn trong ngành công nghiệp sáng tạo - Ảnh: Internet

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành công nghiệp sáng tạo đang thích ứng với nền tảng công nghệ số hiện đại. Các quốc gia đặc biệt quan tâm tới sự liên kết giữa văn hóa và công nghệ đã có nhiều chính sách thúc đẩy xu hướng đó gia tăng. Những nhân tố công nghệ số thay đổi hoàn toàn phạm vi mà các sản phẩm văn hóa dịch chuyển giữa các quốc gia, và do đó những ngành công nghiệp này đã và đang trải qua một quá trình quốc tế hóa và tập trung phát triển không ngừng. Quá trình cạnh tranh và hội nhập dẫn đến sự mua bán sáp nhập doanh nghiệp và hình thành một vài tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Cách gọi tên này đã thể hiện rõ phạm vi mà nó bao trùm, gồm tất cả hoạt động sáng tạo, trong đó con người trực tiếp tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa hoặc trực tiếp thực hiện dịch vụ, hoạt động đó. Nền kinh tế sáng tạo tự đặt mình vào vị trí giao thoa của kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và cạnh tranh trong các hoạt động truyền thống, gia tăng giá trị xã hội (kích thích tri thức và tài năng) và tính bền vững (dựa vào đầu vào không giới hạn của sự sáng tạo và vốn tri thức). Đây là thời đại cá nhân hóa tuyệt đối các sản phẩm trong đó công nghiệp văn hóa được xác định một phần của ngành công nghiệp sáng tạo.

3. Cơ hội và thách thức phát triển công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

Việt Nam là nền kinh tế khá trẻ và đang được đánh giá có cơ hội vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao. Năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 44 trên thế giới theo đánh giá của UNIDO. Trong khi đó, GDP Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 368 tỷ USD (đứng thứ 5 trong khu vực ngay sát sau Singapore và Philipine, đứng trên Malaysia). Nhiều nghiên cứu cho rằng, đến 2050, Việt Nam sẽ tham gia 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Công nghiệp là ngành phát triển nhanh nhất, đóng góp khoảng 30% GDP và là ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước. Đặc biệt, công nghiệp còn góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 22 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018. Chính vì thế, tiếp cận công nghiệp sáng tạo nhằm gia tăng hàm lượng tri thức trong sản phẩm công nghiệp là điều quan trọng. Trong đó, công nghiệp văn hóa có thể là ngành công nghiệp đầy thẩm mỹ và cảm xúc sẽ góp phần xứng đáng trong kinh tế quốc gia.

Người Việt Nam luôn gắn với truyền thống và văn hóa dân tộc. Điều này không chỉ phản ánh quá khứ mà còn định hình hiện tại và xây dựng tương lai của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần thấy rõ tầm quan trọng của khả năng đoàn kết phát huy nội lực, phát triển và tiềm năng đổi mới của các địa phương ở Việt Nam, đồng thời phát triển mối liên hệ chặt chẽ với di sản văn hóa, nghệ thuật và các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà địa phương đó, ngành đó có thể khai thác.

Về các lĩnh vực trong công nghiệp sáng tạo, trên thế giới có xu hướng gộp chung công nghiệp văn hóa với công nghiệp sáng tạo. Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa (5).

Với đặc điểm văn hóa và kinh tế của Việt Nam, ta không nên phát triển đơn lẻ từng khía cạnh mà cần tạo thành từng cặp hoặc tổ hợp ngành công nghiệp văn hóa. Ví dụ: trường hợp kết hợp kiến trúc và du lịch văn hóa. Trong phát triển vùng công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, có thể kiến trúc hiện tại chưa thực sự là điểm độc đáo, nhưng nếu kết hợp kiến trúc và du lịch văn hóa sẽ tạo nên các khu du lịch tầm cỡ thế giới như Nha Trang, Phú Quốc, Bà Nà, Sa Pa… Hoặc kết hợp quảng cáo - biểu diễn - kiến trúc - du lịch sẽ tạo thành các sản phẩm thật đặc biệt. Ngoài ra, Việt Nam đang là trung tâm phát triển các trò chơi trực tuyến cũng như sản xuất nội dung chương trình trên không gian mạng. Hiện tại, ngành đang thu hút nhân lực và trở thành các doanh nghiệp có thể cạnh tranh trong khu vực.

Trong tương lai gần, các lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa là thế mạnh của Việt Nam và mang tính cạnh tranh lớn trên trường quốc tế nếu biết cách đầu tư đúng hướng và đúng mức. Nhận thấy cơ hội phát triển, Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ phát triển Công nghiệp sáng tạo một cách đặc biệt với việc hình thành nhiều trung tâm sáng tạo, đa dạng hóa hoạt động văn hóa, gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội và con người.

Công nghiệp sáng tạo cũng không phải là khái niệm duy nhất và một chiều, mà là khái niệm đang hình thành và dựa trên các thành công trong thực tiễn đời sống để tiếp tục mở rộng các phạm vi. Một quan niệm hình thành rằng công nghiệp sáng tạo là sự tương tác giữa ý tưởng của con người và công nghệ. Về cơ bản, đó là các hoạt động kinh tế tri thức. Nó khác với các dạng công nghiệp khác là công nghiệp sáng tạo hàm chứa, tích lũy giá trị sáng tạo với tỷ trọng lớn. Nó không chỉ tạo nên hàng hóa (sáng tạo) như các ngành khác mà nó còn tạo ra các dạng dịch vụ sáng tạo trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật mà đồng thời, sáng tạo và văn hóa có một giá trị quan trọng, phi tiền tệ, góp phần vào sự phát triển xã hội đối thoại và hiểu biết giữa các dân tộc.

Ngày nay, các ngành công nghiệp sáng tạo là một trong những lĩnh vực năng động nhất trong nền kinh tế thế giới, mang lại cơ hội mới cho các nước đang phát triển để đi tắt đón đầu trong các lĩnh vực tăng trưởng cao mới nổi của nền kinh tế thế giới.

Cũng như các nước khác trên thế giới, bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa, sử dụng các phương pháp tiếp cận mới và sáng tạo với sự hợp tác của các bên liên quan sáng tạo, là một ưu tiên chính sách quan trọng của Việt Nam cần được nghiên cứu vững chắc để tạo ra bằng chứng cho việc hoạch định chính sách trong tương lai. Nó nuôi dưỡng sự sáng tạo, tư duy độc lập và đối thoại, đồng thời thúc đẩy các giá trị Việt Nam trên thế giới.

____________________

1, 4. The Creative Economy (Kinh tế sáng tạo), thepolicycircle.org.

2, 3. Cultural heritage and Cultural and Creative Industries (CCIs) (Di sản văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CCIs), ec.europa.eu.

5. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

2. Lê Tâm, Từ trường vẽ Gia Định đến Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mythuat.edu.vn.

3. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng - Thực trạng và giải pháp, 2019.

4. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Kỷ yếu Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-2005, Hà Nội, 2005.

5. Theodor Adorno, Max Horkheimer, The Culture Industry: Enlightenment as Mass Deception (Công nghiệp văn hóa: Khaisáng là lừa dối hàng loạt), marxists.org, 2005.

TS HỒ TRỌNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;