Con đường phượng tím

Mỗi năm, cứ sau Tết Nguyên đán, nhất là vào tháng 3, trên hầu hết các con đường, từ trung tâm đến các phường, xã, cơ quan, trường học, các khu dân cư trên TP Đà Lạt… tím thẫm màu hoa phượng khiến du khách thập phương và ngay cả người dân bản địa cũng phải ngẩn ngơ.

Đà Lạt - vùng đất kỳ diệu

Ngoài những đặc trưng vốn có, những đặc sản gây “thương nhớ” cho du khách trong và ngoài nước mà trước nay ai cũng đã biết và dành nhiều mỹ từ khi nhắc đến, Đà Lạt còn những điều kỳ diệu khác cũng khá thú vị.

Trên “thành phố ngàn hoa” này có những loài hoa “báo mùa” rất khác biệt. Ví như, mỗi năm khi thấy hoa dã quỳ nở vàng trên các đồi thông, lũng vắng, người ta biết mùa nắng đã hiện diện trên cao nguyên; trong tiết trời se se lạnh, dưới cái nắng hanh vàng ủ mật, chấp chới hoa mai đào nở phớt hồng trên mái phố, trên những con đường là lúc mùa xuân về. Và khi trên các con đường Đà Lạt nhuộm thẫm một máu tím lãng mạn, hút hồn lữ thứ - tháng 3 đã gõ cửa thành phố ngàn hoa.

Dường như thiên nhiên đặc biệt ưu đãi thêm cho Đà Lạt, giúp thành phố này “giàu có” hơn tỉnh, thành khác ở Việt Nam, kể cả các nước trên thế giới, đó là nhiều giống hoa (cả rau) có nguồn gốc từ khắp các châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ… đã được di thực đến Đà Lạt trồng, chăm sóc đều khá thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên phát triển rất tốt .

Phượng tím cũng vậy, loài hoa có tên khoa học là Jacranda mimosaefolia D.Don, nguồn gốc từ Nam Mỹ. Năm 1962, kỹ sư Lương Văn Sáu (sinh 1942 tại Tịnh Biên, Châu Đốc, An Giang, tốt nghiệp trường Canh nông Versailles, Pháp) mang giống phượng tím này về trồng đầu tiên tại Đà Lạt.

Phượng tím chỉ ra hoa rồi rụng chứ không kết trái, do đó không thể nhân giống bằng hạt. Sau một thời gian dài, đến năm 1994, kỹ sư Lương Văn Sáu mới thành công trong việc nhân giống phượng tím bằng phương pháp chiết cành và gây trồng được 3 cây. Khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một số nhà khoa học ở Đà Lạt đã lấy mầm của 3 cây phượng tím đầu dòng thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp vô tính thành công, từ đó, phượng tím được trồng ngày càng nhiều, đến nay đã khẳng định “thương hiệu” riêng cho TP. Đà Lạt.

Để phát triển một loài hoa đẹp, đưa vào “bộ sưu tập” các loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, góp phần làm cho thành phố ngàn hoa đa sắc màu, những năm 2000, chính quyền TP. Đà Lạt trong quá trình quy hoạch thành phố, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị đã chỉ đạo trồng hoa phượng tím hai bên vỉa hè, tại các công viên, khu vực công cộng; đồng thời khuyến khích các cơ quan, trường học, khu dân cư, hộ gia đình tích cực trồng hoa. Nhờ đó, đến nay hầu hết các phường, xã trên địa bàn TP. Đà Lạt đều hiện hữu loài hoa lãng mạn, quyến rũ này.

Con đường mới được trồng toàn hoa phượng tím mà đôi bạn trẻ gọi  là “Con đường phượng tím” Đà Lạt. Ảnh T.D.H

Con đường phượng tím

Hiện, từ TP. Đà Lạt cho đến các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành, Tà Nung và một số huyện của tỉnh Lâm Đồng trên các tuyến đường, trong sân các cơ quan, trường học, tại các khu dân cư… bên cạnh các loài cây xanh, các loài cây phân tán, các loài hoa như: thông, tùng, mai anh đào, bằng lăng, ban trắng… đều có những cây phượng tím được trồng xen kẽ, vươn cao, nở hoa tím ngát, tô điểm sắc trời Tây Nguyên.

Trên các tuyến  phố của Đà Lạt như: Quang Trung, Trần Phú, Phù Đổng Thiên Vương…, chen giữa các hàng cây hoa ban trắng cổ thụ, người ta trồng các cây phượng tím cao chừng 10 - 15m và đều đã ra hoa. Màu trắng hoa ban xen lẫn, quyện hòa với màu tím bâng khuâng của hoa phượng tạo nên bức tranh đa sắc.

Ở một số con đường Đà Lạt, phượng tím được trồng nhiều hơn cả, hiện hoa đang bung nở dưới sắc nắng đầu mùa, thu hút khá đông khách du lịch và người dân địa phương, nhất là giới trẻ tìm đến chụp hình như: đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Phú, quanh bờ hồ Xuân Hương…

Đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài cây phượng tím đầu tiên đã gần 60 năm tuổi, thân cành vươn cao, nở hoa tím thẫm mỗi khi tháng 3 về, người ta còn trồng thêm nhiều cây phượng tím khác dọc hai bên đường, góp vào khoảng trời tím nên thơ giữa trung tâm thành phố.

Đặc biệt, cách đó vài trăm mét, năm 2002, sau khi giải tỏa một số hộ dân khu Ấp Ánh Sáng, Đà Lạt đã mở con đường mới khá rộng nối với đường Nguyễn Văn Cừ, nhằm biến nơi đây thành khu vực công cộng, “điểm nhấn” phục vụ du lịch. Ngoài xây dựng công viên, người ta còn thường xuyên trồng, thay đổi các loài hoa: Xác pháo, cẩm tú cầu, cúc trắng… để khách du lịch dừng chân, trải nghiệm. Hai bên vỉa hè của con đường này (dài chừng 500m) được trồng toàn hoa phượng tím. Hai hàng phượng tím cao lớn và đã nhiều năm nở hoa, trở thành điểm check- in của  khách du lịch và nhân dân địa phương.

Hai du khách trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh đang “săn” những tấm hình với hoa phượng tím, gặp tôi, họ dừng lại hỏi: “Chú ơi, có phải đây là con đường phượng tím Đà Lạt không ạ ?”.

“Con đường phượng tím” - nghe cũng hay. Ở Đà Lạt đã có những con đường mang tên hoa: Đường mimosa, mai anh đào, “tại sao không có đường phượng tím”?.

Nhớ lại, tháng 3 năm trước - khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bạn tôi ở Hà Nội gọi điện: “Mình biết Đà Lạt đang vào mùa phượng tím, yêu lắm, cả nhà mình đều thích, muốn “bay” lên đó ngay, nhưng đành ngắm hoa qua “mạng” thôi...”.

Rõ ràng, hoa phượng tím đã “ám ảnh” du khách và trở thành sản phẩm du lịch. Nếu được quy hoạch, phát triển, có thêm “Con đường phượng tím” chắc chắn Đà Lạt sẽ thu hút đông khách du lịch đến với thành phố ngàn hoa mỗi độ tháng 3 về.

Tác giả: Thanh Dương Hồng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

;