Khám phá Cù Lao Thu

Cù Lao Thu là tên gọi dân gian của đảo Phú Quý nằm ngoài khơi biển Bình Thuận. Về Phan Thiết, thủ phủ của tỉnh Bình Thuận, muốn ra đảo Phú Quý, du khách có thể đi tàu cao tốc Hưng Phát, SuperDong, Express... Cách đây mươi năm, việc đi ra, vào Phú Quý khá vất vả, phải đi tàu cây, tàu sắt gần nửa ngày. Bây giờ, thời gian vượt biển chỉ 2 tiếng rưỡi đồng hồ trong điều kiện thời tiết bình thường. Mỗi ngày có 3 chuyến cao tốc ra, vô Cù Lao Thu, khách du lịch ngày càng đông hơn.

Tàu cập cảng Phú Quý, khách lên bờ về khách sạn nghỉ ngơi, sau đó sẽ bắt đầu khám phá hòn đảo xinh đẹp này. Thuê xe máy 150.000 đồng/ngày, tự đổ xăng, bạn sẽ tha hồ tiếp cận những điểm đến không thể bỏ qua.

Đảo Phú Quý còn gọi Cù Lao Thu, xưa là Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ… Các nhà hàng hải phương Tây gọi đảo Phú Quý là Poulo-Cécir-de-Mer. Quần đảo này cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 104 km) về phía Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540km về hướng Tây Nam.  

Đảo Phú Quý nằm  giữa biển khơi, khá xa đất liền nhưng những di chỉ khảo cổ học được phát hiện cho thấy, đảo đã có cư dân sinh sống từ lâu. Trải qua thời gian, Phú Quý là nơi cộng cư của nhiều dân tộc khác nhau từ đất liền đến đây. Trong đó, người Kinh là thành phần đông nhất, có mặt ở đảo khá sớm. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672), có không ít ngư dân ở các tỉnh ven biển miền Trung, thuộc Đàng Ngoài và Đàng Trong thuở ấy, lánh nạn giặc giã, hoặc đi đánh bắt thủy sản xa bờ, thuyền vượt sóng cả trùng khơi, đôi khi gặp dông bão lớn buộc phải lên đảo tá túc, dần dần, sau đó định cư luôn. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã kiểm soát dân cư trên đảo, lập thành ấp và làng. Ngày 26/12/1991, tỉnh Thuận Hải được tách thành 2 tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận, huyện đảo Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận, gồm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh. Đến Phú Quý, sau khi ổn định nơi chốn nghỉ ngơi trên đảo, bạn hãy đến vịnh Triều Dương. Đây là một vịnh biển đẹp tuyệt với bãi cát trắng tinh như bột nghiền,  mênh mông dài hút mắt. Phía trên bãi là rừng dương xanh, lá reo vi vu như tiếng nhạc êm đềm... Bãi thoai thoải, nước trong vắt thấy cả đáy. Du khách tha hồ tung tăng tắm, chạy nhảy, đá bóng, tìm hớt, bắt những chú cá con, ốc, bị lạc, kẹt lại trong những vũng nước nhỏ khi thủy triều rút.

Nằm đối diện bãi Triều Dương là hòn Tranh, chỉ cách bãi chừng 15 phút đi tàu thuyền. Nhưng ở đây không có dân cư sinh sống, du khách có thể đi thuyền ra tham quan để cảm nhận sự hoang sơ, vắng lặng của hoang đảo.

Hải đăng Phú Quý là nơi mà du khách nhất thiết phải đến, bởi vì đây là điểm cao nhất của đảo (108m) trên đỉnh núi Cấm. Đứng trên ngọn hải đăng, du khách có thể quan sát toàn cảnh Cù Lao Thu với đủ sắc màu cảnh quan của đảo như thôn xóm, nhà cửa lô nhô phía dưới chân núi, đại dương thăm thẳm với muôn trùng sóng lượn bạc đầu, những cánh quạt điện gió sừng sững trên nền trời xanh lồng lộng, những con tàu đánh cá lớn nhỏ dọc ngang giăng câu, thả lưới…

Đến Phú Quý không thể không ghé Linh Sơn cổ tự. Đây là ngôi chùa có hơn 100 năm tuổi nằm trên đỉnh Cao Cát, cao 106m so với mực nước biển. Núi Cao Cát ở phía Bắc đảo Phú Quý, được người dân địa phương  xem như ngọn núi thiêng. Du khách đến chân núi rồi đi bộ theo các bậc thang bằng đá để lên chùa. Chùa Linh Sơn thoáng rộng, bề thế với lối kiến trúc truyền thống pha lẫn hiện đại độc đáo. Linh Sơn cổ tự là địa điểm tâm linh  của người dân Phú Quý. Họ luôn tỏ lòng thành kính, tin tưởng, cầu xin các chư Phật, bồ tát  phù hộ cho ngư dân đi biển gặp may mắn, bình an vô sự. Trước cổng tam quan chùa có tượng Phật Bà Quan Âm hướng ra biển. Theo những bậc đá lên chùa, hai bên là hai con rồng đá chạy dài lên tới cổng. Đường lên Linh Sơn cổ tự rợp mát bóng cây sứ, phượng, bông giấy... Những đêm trăng sáng, cảnh chùa huyền hoặc hư ảo như cõi tiên bồng.

Ngoài các điểm tham quan trên, du khách có thể đến Hòn Tranh tận hưởng thiên nhiên hoang dã, không khí trong lành; có thể bơi lặn dưới đáy biển, khám phá những rạn san hô thiên hình vạn trạng. Đi bắt cua, ghẹ trong các gành, hốc đá, khém nước cũng là một trải nghiệm thú vị.

Linh Quang Tự là một điểm tham quan đáng nhớ nữa. Chùa có niên đại trên 250 năm, nơi đây còn lưu giữ nhiều sắc phong và tượng Phật quý, ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Phật giáo. Chùa Linh Quang là một trong ba di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của huyện đảo Phú Quý.

Vạn An Thạnh thuộc làng Triều Dương, xã Tam Thanh, Vạn An Thạnh được xây dựng năm 1781 theo lối kiến trúc truyền thống đình làng trong đất liền, gồm chính điện, nhà Tiền hiền, Võ ca. Bên trong vạn còn có chỗ chứa xương cốt cá voi gọi là Tẩm. Vạn An Thạnh hiện lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Đây được xem như là một bảo tàng về cá Voi. Vạn An Thạnh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 12/1/1996.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh tọa lạc tại xã Long Hải, đi từ xã Long Hải khoảng 8km là đến di tích. Tích xưa kể lại rằng công chúa Bàn Tranh  xinh đẹp vì chống lệnh vua Chăm nên bị kết tội phản nghịch và bị đày ra đảo.

Đền còn lưu giữ 3 bia Kut thờ công chúa Bàn Tranh có niên đại khoảng 400 năm, các bức hoành phi, câu đối, chiêng, trống, chuông, chân đèn, đỉnh đồng, lư hương và 5 sắc phong một số đời vua triều Nguyễn phong tặng cho công chúa Bàn Tranh.

Hằng năm, vào ngày mồng 3 tháng Giêng (âm lịch), Lễ hội đền thờ công chúa Bàn Tranh được tổ chức trọng thể, thể hiện nét đẹp tinh thần, mang sắc thái tâm linh, văn hóa độc đáo của người dân Phú Quý từ bao đời nay. Đền thờ công chúa Bàn Tranh cũng là một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Vùng biển quanh đảo Phú Quý có rất nhiều hải sản như cua hoàng đế, cua mặt trăng, cá mú bông, cá mú đỏ,  các loại ốc, mực lá, mực trứng, tôm, ghẹ, bạch tuộc... rất tươi ngon. Nếu du khách ra cảng lúc tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân về bến, có thể trực tiếp lựa các loại “mồi” mà mình thích, sau đó nhờ người dân chế biến rồi trả cho họ ít tiền công, cách này bảo đảm ngon, rẻ, do chủ động nguồn nguyên liệu và chế biến theo ý muốn.

Về Phú Quý với biển xanh, cát trắng, tham quan, vui chơi, thưởng thức ẩm thực thỏa thích sẽ là chuyến trải nghiệm khó quên.

Tác giả: Đặng Hoàng Thám

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

;