Hạt muối phương Nam trong biển trời Tổ quốc

Cuối năm 2020, Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNAVN) khóa IX (2020-2025) đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Hà Nội. Một giai đoạn tiếp nối của nhiếp ảnh nước nhà được mở ra với lòng quyết tâm cao trong việc kế thừa và tiếp tục sứ mệnh phụng sự Tổ quốc. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có Chủ tịch là nữ: Trần Thị Thu Đông.

Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội các Hội VHNT và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng hoa chúc mừng Chủ tịch Hội NSNAVN và các ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ IX

 

Chuyện hạt muối, từ cuối trời Tổ quốc!

Nhà báo, NSNA Trần Thị Thu Đông (nghệ danh Nhật Nam, E.VAPA, E.FIAP) sinh năm 1969 tại Cà Mau nhưng phần lớn thời gian sinh sống, học tập và công tác của chị lại ở Bạc Liêu. Từ năm 1990, chị đã bắt đầu công việc phóng viên tại Báo ảnh Đất Mũi (tỉnh Minh Hải cũ), một tờ báo ảnh uy tín hàng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng từ cái duyên đó, sự nghiệp báo chí - nhiếp ảnh được khơi dòng và chảy những mạch nguồn đầu tiên trong suốt chặng đường dài cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của NSNA Thu Đông.

NSNA Trần Thị Thu Đông

Những năm đầu, sau khi tỉnh Minh Hải được chia tách (1997) thành Cà Mau và Bạc Liêu, để hợp lý hóa gia đình, NSNA Thu Đông về nhận nhiệm vụ công tác mới tại Báo Bạc Liêu. Với thế mạnh của một phóng viên ảnh và những đóng góp cho lĩnh vực nhiếp ảnh địa phương, năm 2002, chị được bầu vào Ủy viên thường trực Hội VHNT Bạc Liêu (nay là Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Bạc Liêu) và tiếp tục giữ các vị trí quan trọng Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội, Ủy viên BCH Hội NSNA Việt Nam khóa VIII... cho đến khi được chuyển về Trung ương nhận nhiệm vụ mới (2016).

Là người say mê nhiếp ảnh nhưng NSNA Thu Đông không xem đó là cuộc chơi riêng, cũng không chỉ để thỏa mãn một sở thích mà hướng nó đến những điều ý nghĩa mang tính cộng đồng với tinh thần đóng góp cho quê hương, đất nước. Song song với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chị cùng nhiều anh em phóng viên, hoặc những tác giả có cùng niềm đam mê nhiếp ảnh tăng cường sáng tác, trau dồi kiến thức, kỹ năng để tạo ra những tác phẩm đẹp, ý nghĩa về đất và người Bạc Liêu. Chị cùng anh em lặn lội bùn đất, muỗi bám vắt đeo, chắt chiu từng thước phim quý, miệt mài sớm tối... không sợ đói khổ, chỉ sợ không chụp được những bức ảnh đẹp của quê mình. NSNA Thu Đông nói riêng và  giới nhiếp ảnh Bạc Liêu nói chung đã kịp thời bắt trọn những khoảnh khắc chuyển mình đầy ý nghĩa ấy của một vùng đất trẻ, vừa kịp thời ghi lại lịch sử địa phương bằng hình ảnh, vừa góp phần quảng bá tiềm năng của tỉnh nhà. Những công trình lớn, những thay đổi của diện mạo nông thôn, sự sung túc, ấm no của nhân dân hiện lên chân thật, sống động, sát với hiện thực nhưng vẫn đầy chất thơ, chất lãng mạn của một loại hình nghệ thuật. Cũng từ đó, trong nhiều cuộc thi ảnh chuyên nghiệp lớn nhỏ các cấp, các tác phẩm như Dẫn dòng điện xanh, Thu hoạch muối, Hạnh phúc đơn sơ, Vũ điệu Apsara, Ra chợ... mang về  cho chị không ít các giải thưởng lớn. Tuy nhiên, như  có đôi lần chị chia sẻ, đoạt giải là một niềm vui lớn nhưng lớn hơn nữa là vinh dự góp sức nhỏ của mình đưa hình ảnh của quê hương, đất nước, con người Bạc Liêu nói riêng, Việt Nam nói chung đến được với bạn bè trong nước, quốc tế.

Tác phẩm Góc quê của NSNA Trần Thị Thu Đông đoạt 2 Giải thưởng quốc tế tại Singapore

Phấn đấu trở thành một NSNA chuyên nghiệp không phải chuyện dễ, điều đó lại càng khó khăn hơn đối với người phụ nữ. Để có được khoảnh khắc vàng trên tác phẩm, người cầm máy phải nghiêm túc và miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật lại mênh mông vô tận nên trí tuệ, công sức người nghệ sĩ càng phải dày theo năm tháng. Một người phụ nữ làm nhiếp ảnh như chị phải vượt qua được cái hạn chế về thể chất; phải chu toàn với trách nhiệm thiêng liêng trong vai trò người vợ, người mẹ của gia đình. Nếu được liên tưởng chị thông qua một hình ảnh chân thật nhất, tôi muốn nhắc đến chị như hạt muối của quê hương Bạc Liêu. Hạt muối của vùng đất phù sa này chắt lọc nắng mưa của trời, vị mặn mòi của biển, gom hết vào mình những ngầu đục theo dòng nước từ muôn nơi chảy về để trầm lắng, gạn lọc mới kết tinh nên hạt muối trắng. Chắc nhiều người phương xa sẽ không biết điều đặc biệt của hạt muối Bạc Liêu, đó là khi ta nếm vào thấy mặn thanh nơi đầu lưỡi nhưng đi đến cuối đoạn đường lại có chút dư vị ngọt đọng lại, điều đó là nét đặc trưng giúp phân biệt được đâu là hạt muối Bạc Liêu trong vô vàn những hạt muối khác. Và giữa mênh mông biển trời, hạt muối Bạc Liêu nguyện giữ lại vị mặn cho bản thân mình để dành cái dư vị ngọt cuối cùng ấy cho người, cho đời!

Tác phẩm Mùa thu hoạch của NSNA Trần Thị Thu Đông đoạt 12 giải thưởng quốc tế tại Mỹ, Ấn Độ
 

“Một sợi chỉ không thành dây, một cái cây không thành rừng”

Mặc dù công việc lãnh đạo, quản lý nhưng niềm đam mê mà NSNA Thu Đông dành cho nhiếp ảnh chưa phút giây nào bị gián đoạn . Sau này, khi đã chuyển công tác về Bộ VHTTDL với cương vị Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (2016), rồi tân Chủ tịch của Hội NSNA Việt Nam khóa IX thì tâm huyết của chị đối với nhiếp ảnh vẫn vẹn nguyên. Tuy nhiên, sự tâm huyết ấy đã biến chuyển từ trau dồi cho cá nhân mình chuyển thành sự vun đắp, ủng hộ, tạo mọi điều kiện để các nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng, tác giả yêu thích nhiếp ảnh cả nước nói chung được cùng nhau thăng hoa và tỏa sáng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho NSNA Trần Thị Thu Đông

 

Ở cương vị đầu tàu của nhiếp ảnh nước nhà, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm tới với nhiều khó khăn và thách thức khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, kinh tế còn nhiều khó khăn,... NSNA Thu Đông cùng với BCH Hội phải nỗ lực hết mình để dẫn dắt các toa tàu nhiếp ảnh trên cả nước tiến về phía trước. Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống số 381-382 tháng 10 -11/2020, NSNA Trần Thị Thu Đông trên cương vị Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam đã chia sẻ: “Đoàn kết, xây dựng Hội vững mạnh về lực lượng, vững vàng về tư tưởng chính trị, uy tín về nghề nghiệp là trách nhiệm của Ban Chấp hành và mọi hội viên... Mỗi hội viên sẽ trở thành đại diện của Hội ở các diễn đàn, các hoạt động nhiếp ảnh nên sẽ luôn ý thức giữ gìn thương hiệu VAPA. Mỗi thành viên có trách nhiệm đã góp phần xây dựng lực lượng lớn mạnh, có uy tín đối với xã hội và công chúng yêu nhiếp ảnh”. Đúng như tinh thần đó, việc phát huy sức mạnh đoàn kết tập thể luôn là yếu tố then chốt, quyết định mọi thành bại trên mọi phương diện, đặc biệt là trong các đoàn thể, tổ chức. Bởi chị đã từng tâm đắc rằng “Một sợi chỉ không thành dây, một cái cây không thành rừng”.

NSNA Trần Thị Thu Đông trong chuyến đi sáng tác tại đồng muối Bạc Liêu

Nhìn lại đoạn đường đã qua, từ một phóng viên ảnh, NSNA đến một nhà quản lý, hiện tại đang đảm nhận vai trò dẫn dắt nghệ thuật Nhiếp ảnh - một trong các loại hình VHNT đặc sắc - là một quá trình cống hiến không ngừng, vượt qua được mọi hoàn cảnh, thử thách của NSNA Thu Đông. Có thể nói, dù ở bất cứ cương vị nào, chị cũng luôn thể hiện bản lĩnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chị còn là niềm cảm hứng, là câu chuyện tích cực vun bồi thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dung dị, hiền hòa nhưng vẫn đủ đầy tài năng và ý chí kiên định trên con đường sự nghiệp. Ngẫm lại để thấy rằng, lửa càng lớn thỏi vàng sẽ càng già, đường càng chông gai đỉnh thành công càng vững chắc. Hy vọng rằng từ đoạn đường cống hiến bền bỉ đã qua, NSNA Thu Đông sẽ càng vững vàng, kiên định và thành công hơn trên hành trình đưa nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam xứng đáng với truyền thống và kỳ vọng của quê hương, đất nước; như lời chị chia sẻ “Là Chủ tịch Hội tôi sẽ phát huy tối đa lợi thế mềm dẻo, linh hoạt của phụ nữ, cố gắng làm thật tốt vai trò là trung tâm đoàn kết để tập hợp, phát huy trí tuệ các thành viên trong BCH, của hội viên nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đưa nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng phát triển”.

Tác giả: Nam Kha

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

 

;