Chuyển soạn và biểu diễn tác phẩm piano cổ điển theo phong cách nhạc nhẹ

Hiện nay, đời sống âm nhạc với nhiều điều kiện giao lưu văn hóa đã giúp người yêu nhạc Việt Nam được tiếp xúc với các thể loại âm nhạc khác nhau trên thế giới, đồng thời, cũng giới thiệu nhiều tác phẩm kinh điển thế giới đến với khán giả trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng học và trình diễn piano nhạc nhẹ ngày càng phát triển. Chuyên ngành piano nhạc nhẹ được công nhận và góp mặt trong các cơ sở đào tạo trong nước, đòi hỏi một hệ thống bài bản hợp lý, khoa học cũng như lộ trình học tập cụ thể. Chính vì vậy, chuyển soạn và biểu diễn tác phẩm piano cổ điển theo phong cách nhạc nhẹ là một hướng đi mới, đưa thể loại âm nhạc hàn lâm đến với công chúng một cách “nhẹ nhàng” hơn, từ đó, nâng dần thẩm mỹ âm nhạc và trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả, đồng thời khoác lên một chiếc áo mới cho những giai điệu “cũ”.

Ảnh minh họa: Doãn Khánh

1. Chuyển soạn từ các tác phẩm piano cổ điển sang nhạc nhẹ

Những tác phẩm mà chúng tôi bàn đến ở đây là những tác phẩm piano được chuyển soạn lại từ những sáng tác trong các thời kỳ âm nhạc Cổ điển, Lãng mạn của nền âm nhạc kinh viện châu Âu TK XVIII, XIX..., gắn liền với rất nhiều nhà soạn nhạc thiên tài như W.A.Mozart, L.V.Beethoven, F.Chopin, F.Listz… Trong thời gian dài, những tác phẩm đó chỉ được giới thiệu trong phạm vi công chúng hẹp có hiểu biết về nghệ thuật âm nhạc kinh viện và nghệ thuật diễn tấu đàn piano chuyên nghiệp. Sau khi được chuyển soạn theo phong cách nhạc nhẹ, những tác phẩm kinh điển đã bước ra khỏi sách vở hoặc chương trình âm nhạc kinh viện, đi vào đời sống thường nhật, trở nên phổ biến hơn. Số lượng tác phẩm piano chuyển soạn theo phong cách nhạc nhẹ khá phong phú, có thể giới thiệu 2 nhóm điển hình sau:

Chuyển soạn theo phong cách pop - ballad

Nhóm tác phẩm này bao gồm các tác phẩm của các nhạc sĩ thuộc trường phái Cổ điển như W.A.Mozart, L.V.Beethoven…; các nhạc sĩ trường phái Lãng mạn như F.Chopin, F.Schubert, R.Schumann… Moonlight Sonate (Sonat ánh trăng) hay Fur Elise (Thư gửi Elise) của L.V.Beethoven là những tác phẩm được chuyển soạn sớm nhất. Điển hình cho phong cách này là các chuyển soạn của Olivier Toussaint và Paul De Senneville được Richard Clayderman biểu diễn.

Ở Việt Nam, vào những năm 80 thế kỷ trước, những tác phẩm piano do Richard Clayderman biểu diễn được phát ở tiệm cà phê, khách sạn, phòng khách của các văn phòng và ở nhiều gia đình. Thậm chí, người ta biết đến âm nhạc của piano qua những bản do Richard Clayderman thể hiện mà không cần biết tác phẩm do ai sáng tác, đó là tác phẩm đã qua chuyển soạn, thậm chí theo thói quen, gọi tên là “nhạc Richard Clayderman”! Nếu như Lịch sử âm nhạc thế giới (1) vinh danh L.V.Beethoven là người đã đưa nghệ thuật biểu diễn của cây đàn piano lên đỉnh cao thì cũng cần nói thêm, chính R.Clayderman đã đưa cây đàn piano đến với đông đảo công chúng bình dân.

Chuyển soạn theo phong cách jazz

Jazz là một thể loại âm nhạc “dân gian” Mỹ, pha trộn nhiều thể loại âm nhạc, lấy “ngẫu hứng” làm nội dung chính của ngôn ngữ nghệ thuật - âm nhạc và phong cách của thể loại. Hiện nay nhạc jazz đã có vị trí đáng kể trong đời sống âm nhạc ở nhiều nước trên thế giới. Trong chương trình đào tạo ngành piano, các tác phẩm piano cổ điển được sử dụng để chuyển soạn, giảng dạy, hoặc sử dụng biểu diễn theo phong cách ngẫu hứng của jazz vô cùng phổ biến. Cùng một tác phẩm âm nhạc, chẳng hạn như Nocturne Opus 9 No.2 của F.Chopin, chúng ta dễ dàng tìm thấy rất nhiều “phiên bản” chuyển soạn của Ryan Zhu, Matthew Etwistle, Fazil Say, Andrew Gregg... Chưa kể, trong hình thức biểu diễn ngẫu hứng của nhạc jazz, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ sẵn sàng tạo nên những phiên bản xuất thần ngay trong quá trình biểu diễn mà không có một bản ký âm, bản chuyển soạn được ghi chép trước đó.

2. Biểu diễn tác phẩm piano chuyển soạn theo phong cách nhạc nhẹ - kỹ thuật và thủ pháp thể hiện

Việc chuyển soạn có thể tạo một hình ảnh mới cho tác phẩm đã có trước, đồng thời cũng tạo dấu ấn riêng cho nhạc sĩ, đã trở thành một trong những xu hướng khá phổ biến trong hầu hết các giai đoạn của lịch sử âm nhạc. Việc biểu diễn và giảng dạy các tác phẩm piano chuyển soạn từ tác phẩm kinh viện sang phong cách nhạc nhẹ cũng có những yêu cầu, nội dung riêng. Bởi, mỗi dòng nhạc đều có những đặc điểm khác nhau về ngôn ngữ âm nhạc, thể hiện qua giai điệu, hòa âm, tiết tấu, tiết điệu, cách thể hiện… Do vậy, khi biểu diễn các tác phẩm chuyển soạn, người trình diễn cần phải nắm vững những yêu cầu và đặc điểm này.

Biểu diễn các tác phẩm chuyển soạn theo phong cách pop - ballad

Sau khi công bố Album Best of Classics, đặc biệt với tác phẩm Fur Elise của L.V.Beethoven được Oliver Toussaint chuyển soạn, Richard Clayderman trở nên nổi tiếng với phong cách diễn tấu piano được gọi là “tân cổ điển” với nhiều khác biệt. Ông đã đơn giản hóa tác phẩm theo cách dễ hiểu nhất và nhẹ nhàng nhất để mang âm nhạc piano đến số đông công chúng.

 Các tác phẩm chuyển soạn dù được đơn giản hóa nhưng vẫn thu hút do cách trình diễn của nghệ sĩ, đặc biệt là sự kết hợp với dàn nhạc điện tử, dàn nhạc có rất nhiều nhạc khí thuộc dàn nhạc giao hưởng và nhạc khí điện tử, trống jazz và các nhạc khí màu sắc khác. Với sự kết hợp này, giai điệu âm nhạc nổi bật hơn, đơn giản mà không đơn điệu; âm thanh của piano mỏng hơn nhưng lại được bổ khuyết bằng độ dày của dàn nhạc, sự phong phú của âm sắc các nhạc khí khác nhau, tạo âm hưởng đa dạng cho hình tượng âm nhạc. Bên cạnh đó là cách trình diễn mềm mại, trữ tình hơn so với bản gốc mang tính triết lý, học thuật của nghệ sĩ. Phần hỗ trợ giai điệu của dàn nhạc cùng với những biến đổi về tiết tấu, nhịp điệu, nhịp độ đã tạo nên sự cuốn hút cho các tác phẩm.

Trong một số trường hợp, trình diễn không có dàn nhạc hỗ trợ sẽ tạo nên nhu cầu thể hiện phần giai điệu cần có sự hỗ trợ của bè đệm, do đó, những kỹ thuật dành cho phần đệm cần phải hòa hợp với phần giai điệu. Trong trường hợp này, tuy nhiều bản phổ không ghi chú chi tiết cách thể hiện bè tay trái nhưng người diễn tấu cần thể hiện phần đệm này tinh tế để không đánh vỡ tính triết lý sâu sắc của hình tượng âm nhạc ở các bản gốc, mà chỉ nên chuyển sang thể hiện một cách nhẹ nhàng ở những bản chuyển soạn theo phong cách pop-ballad của các tác giả như: L.V.Beethoven, Chopin, R.Schumann, F.Schubert…

Như vậy, với phong cách pop - ballad, việc thể hiện tính chất kể chuyện, trữ tình, nhẹ nhàng không làm khó người diễn tấu về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, để có thể thể hiện một cách mềm mại, đơn giản nhưng không đơn điệu mà sâu lắng, trữ tình (dù có hay không sự hỗ trợ của dàn nhạc), để không đánh mất tính chất triết lý sâu sắc của bản gốc… đòi hỏi nghệ sĩ phải có cái nhìn toàn diện, hiểu biết đối với bản gốc. Nghệ sĩ cần tự tìm tòi cách thể hiện mới mẻ, cần thể hiện những đường nét giai điệu, hình tượng âm nhạc của các tác phẩm đã nổi tiếng và đi vào lòng người hâm mộ bấy lâu nay một cách trọn vẹn nhưng đầy sáng tạo, đem đến cách nhìn mới, tư duy mới cho người thưởng thức nghệ thuật.

Diễn tấu các tác phẩm chuyển soạn theo phong cách jazz

Jazz là thể loại âm nhạc đa phong cách, mỗi giai đoạn, thời kỳ trong lịch sử của mình, jazz đều sản sinh ra một thể loại âm nhạc đặc trưng, mỗi một vùng đất cũng đã sáng tạo ra một phong cách riêng mang tên mình. Trong nghệ thuật piano jazz, người ta thường kể nhiều đến: ragtime, blues jazz, swing, cool jazz, free jazz, soul jazz (thập kỷ 60 TK XX), fusion (jazz rock), afro - cuban (latin jazz), jazz acid jazz, smooth jazz, European jazz (cuối TK XX)… Trong đó ragtime, blues jazz hay swing là những thể loại thường được các nhạc sĩ chọn lựa để chuyển soạn.

Ragtime, được hình thành và phát triển trong khoảng từ năm 1895-1918, được xem là khởi nguyên của piano jazz. Ragtime có nguồn gốc từ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại thành phố St.Louis và trở thành âm nhạc phổ biến cho piano khi các nghệ sĩ như Ernest Hogan, Scott Joplin đã phát triển và trình diễn rộng rãi. Yếu tố đảo phách, thay đổi nhịp điệu là đặc điểm chính của thể loại này. Trong các tác phẩm piano, hình thức thường bắt đầu với phần dạo đầu 2 tay cùng giai điệu trước khi vào nhịp điệu chính của bài, âm hình đặc trưng tiết tấu móc đơn tay trái, nhịp 2/4...

Bản chuyển soạn Old French Song của Martha Mier (từ sáng tác gốc của P.I.Tchaicosky) được xem là một trong những tác phẩm điển hình chuyển soạn theo phong cách ragtime.

Martha Mier đã thêm phần Intro (mở đầu), giữ nguyên một phần giai điệu chính của bản gốc nhưng biến hóa bằng nhiều cách khác nhau. Khi thể hiện, những điểm “khác nhau” ấy chính là đặc điểm mở rộng giai điệu của jazz, khi diễn tấu cần thể hiện sự khác biệt đó.

Trong bản chuyển soạn, điểm lưu ý là phần bè tay trái với thủ pháp thay đổi tiết tấu đệm đặc trưng của hình nốt móc đơn tiếp theo là hình nốt đen và diễn tấu với nhịp độ nhanh đã làm tác phẩm không chỉ mới mẻ hơn, mà còn mang đến cho người nghe một hình tượng âm nhạc hoàn toàn khác.

Ví dụ, bản chuyển soạn Old French Song với thủ pháp thay đổi tiết tấu phần đệm đã làm tác phẩm trở nên mới mẻ hơn.

 Để diễn tả được đặc điểm của nhịp điệu ragtime, lưu ý, phần tay trái với tiết điệu đặc trưng nên việc nhấn trọng âm khi diễn tấu là cần thiết. Không chỉ những tiểu phẩm piano được chuyển soạn lại với mục đích giảng dạy dành cho những người bước đầu làm quen với phong cách jazz, các tác phẩm lớn của F.Chopin, W.A.Mozart, L.V.Beethoven... được chuyển soạn lại với kỹ thuật phức tạp hơn, cũng là thử thách đối với những nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp. Etude “Butterfly chuyển soạn từ Etude G-flat major của Chopin, là một trong những tác phẩm được rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn. Với phần chuyển soạn theo phong cách ragtime của Andrew Gregg, tác phẩm đã mang một màu sắc mới, phần hòa âm jazz được khai thác triệt để, thủ pháp kéo dài nét giai điệu bằng cách sử dụng tiết tấu đảo phách nhưng vẫn không làm mất đi nét giai điệu của bản nguyên tác mà chuyển sang trạng thái rộng hơn.

Bản nguyên tác của Chopin:

Bản chuyển soạn của Andrew Gregg:

Swing, trong số những tác phẩm piano chuyển soạn, nổi bật có Bagatelle Swing do Martha Mier chuyển soạn từ Bagatelle của L.V.Beethoven. Ở đây, tiết tấu swing yêu cầu được thể hiện một cách say đắm, nhộn nhịp ở tốc độ nhanh vừa.

Bản nguyên tác Bagatelle Op. 119, No.9 của L.V.Beethoven:

Bản chuyển soạn của Martha Mier theo phong cách swing, thay đổi tiết tấu phần đệm tay trái nhưng vẫn giữ nguyên giai điệu của bản nguyên tác.

Phong cách swing được thể hiện rõ ở phần nhịp đơn diễn tấu theo kiểu liên ba là nét đặc trưng và thường được tác giả ghi chú trên tác phẩm. Không chỉ tiết điệu nằm ở tay trái, với tất cả các hình tiết tấu móc đơn nằm trên giai điệu hay phần đệm thì người biểu diễn cần phải chú trọng và tạo kỹ năng độc lập khi diễn tấu loại hình tiết tấu này. Tiết điệu cần đong đưa, nhộn nhịp bởi cách nhấn trọng âm của swing. Bên cạnh đó, swing cũng là tiết điệu được sử dụng kết hợp với ragtime hay blues trong cùng một tác phẩm. Điển hình của lối diễn tấu này được thể hiện khi Martha Mier chuyển soạn Fur Elise hoặc June Blues.

Diễn tấu những tác phẩm piano chuyển soạn hoàn toàn theo phong cách swing sẽ dễ dàng bị tiết điệu chi phối, do vậy, cần phải nghiên cứu, tìm hiểu hình tượng âm nhạc của tác phẩm nguyên bản, thể hiện mới mà không quá khác biệt với tác phẩm nguyên bản. Vì vậy, khi diễn tấu chủ đề, giai điệu chính của tác phẩm cần phải có sự tập trung, chăm chút, cố gắng thể hiện cho được hình ảnh của chủ đề, giai điệu của tác phẩm nguyên bản trên nền tảng của tiết điệu mới.

Diễn tấu các tác phẩm chuyển soạn bằng thủ pháp pha trộn nhiều phong cách

Sự sáng tạo của các nhạc sĩ trong việc chuyển soạn là vô cùng đa dạng và phong phú. Có nhạc sĩ đã kết hợp nhiều phong cách trong cùng một bản phối và tăng độ khó trong phần kỹ thuật cho người trình diễn cùng với những đoạn ngẫu hứng ngày càng phức tạp hơn. Điển hình cho sự pha trộn nhiều phong cách khác nhau như pop - ballad, jazz... và một chút jazz trong một tác phẩm được chuyển soạn từ tác phẩm piano kinh viện, là tác phẩm Bye bye Tristesse lấy từ tác phẩm nguyên bản là Etude E Major opus 10 No.3. Đây là một trong những bản etude đặc biệt của Chopin trong tuyển tập các etude dành cho piano của ông. Nhịp điệu chậm rãi, tính triết lý được đề cao khác hẳn với các bản etude tập trung vào việc thể hiện kỹ thuật chạy ngón điêu luyện của người trình diễn. Để thể hiện hình tượng tác phẩm, giai điệu hòa quyện trong các bè phải được làm rõ là một thách thức đối với người học. Tuy nhiên, tác phẩm Etude - Tristesse sau khi được Olivier Toursaint và Gerad Salesses chuyển soạn lại mang màu sắc tươi sáng hơn, nhịp độ nhanh làm cảm giác u buồn không còn mà trở nên nhộn nhịp tươi vui (từ Lento ma non troppo ở tác phẩm nguyên bản, chuyển thành Allegro).

Ví dụ tác phẩm Bye bye Tritesse của Olivier Toussaint và Gerard Salesses:

Hay bản Classic Medley (Bach Gammon của Paul de Senneville) với sự pha trộn tiết tấu của các phong cách nhạc nhẹ như pop, jazz với tính chất nhộn nhịp, tươi vui, hiện đại trở nên gần gũi với người nghe thời đại hiện nay.

Ví dụ, chủ đề Toccata & Fugue của J.S.Bach chuyển soạn cho piano nhạc nhẹ trong bản Bach Gammon:

Như vậy, để thể hiện các tác phẩm chuyển soạn theo phong cách jazz, hoặc tác phẩm chuyển soạn có kết hợp các phong cách, người trình diễn cần nhận biết tính chất âm nhạc trong tác phẩm thông qua thang âm, điệu thức, hòa âm, các nét nhạc, tiết điệu, cách nhấn trọng âm của phần bè đệm tay trái… của phong cách jazz. Trong các tác phẩm chuyển soạn, người nghệ sĩ trình diễn cần nắm vững các kỹ thuật diễn tấu của hai tay (sắp xếp số ngón tay), cách nhấn nhịp (nhịp 4/4 thường được sử dụng, nhưng phách 2 và 4 được nhấn mạnh). Bên cạnh đó, cần nắm vững các thang âm nói chung và đặc biệt thang âm trung cổ, thang âm Blue là những nguyên tố chính tạo nên màu sắc jazz cho tác phẩm.

3. Một số gợi ý trong biểu diễn các tác phẩm piano chuyển soạn theo các phong cách - thể loại nhạc nhẹ

Để có thể thể hiện tác phẩm chuyển soạn theo các phong cách piano nhạc nhẹ, người biểu diễn cần tiến hành theo các bước cơ bản sau:

Thứ nhất, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm gốc trong lịch sử nghệ thuật đàn piano; hiểu biết về hoàn cảnh xuất xứ, các mối tương quan của tác phẩm trong đời sống văn hóa, xã hội cũng như trường phái nghệ thuật âm nhạc; nắm bắt được phong cách âm nhạc của tác giả trong giai đoạn sáng tác tác phẩm; nghiên cứu về hình thức, cấu trúc tác phẩm gốc.

Thứ hai, tìm hiểu tác phẩm chuyển soạn ở góc độ phong cách, thể loại mà nó được chọn để chuyển soạn; nghiên cứu tổng thể cấu trúc của tác phẩm, ngôn ngữ âm nhạc, hòa âm; nắm vững những kỹ thuật diễn tấu chủ yếu và cần thiết, những yêu cầu thể hiện của thể loại, phong cách âm nhạc của tác phẩm chuyển soạn.

Thứ ba, nghe và xem có chọn lọc các chương trình biểu diễn có giá trị học thuật của các nghệ sĩ uy tín để hình dung, làm quen với tác phẩm. Qua đó, tham khảo cách xử lý kỹ thuật, nghệ thuật diễn tấu, cảm nhận màu sắc và tính chất của tác phẩm. Từ đó, chủ động chọn lựa cách thức thể hiện riêng phù hợp với hình tượng âm nhạc mới và không bỏ qua những gợi ý từ những hiểu biết về tác phẩm nguyên bản.

Thứ tư, soạn bài với việc thể hiện giai điệu ở phần diễn tấu tay phải trên nền tảng khung tiết điệu được thể hiện bằng hòa âm và tiết tấu của phần tay trái; xây dựng câu, phân đoạn nhạc; xử lý các chi tiết về nốt, tiết tấu, cường độ, sắc thái, tốc độ được ghi chú trên bài; nắm vững và thể hiện chính xác, trung thành với các thuật ngữ, chỉ dẫn âm nhạc được tác giả ghi trong tác phẩm.

Thứ năm, nghiên cứu xử lý các kỹ thuật pedal để tạo hiệu ứng màu sắc âm thanh, kỹ thuật phát âm đa dạng; thay đổi các tính chất, trạng thái âm nhạc khác nhau, tạo sự tương phản, cao trào.

Thể hiện một tác phẩm âm nhạc chuyển soạn không đơn thuần là trình diễn lại tác phẩm đó mà còn đòi hỏi người biểu diễn phải hiểu, tôn trọng tác phẩm nguyên bản, tác giả gốc. Không chỉ tìm hiểu, có kiến thức về phong cách âm nhạc cũng như thời điểm sáng tác, tác giả… của tác phẩm được chuyển soạn để biểu diễn, người nghệ sĩ còn phải có sự đồng cảm với tác giả gốc, hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ âm nhạc và kỹ thuật diễn tấu của tác phẩm nguyên bản, để trong sự sáng tạo cần đảm bảo cho nội dung âm nhạc của tác phẩm chuyển soạn mang tinh thần của tác phẩm nguyên bản trong một dung mạo mới và hình tượng âm nhạc được truyền tải tốt nhất đến người nghe.

Một số yêu cầu trong xử lý tác phẩm chuyển soạn như: nắm vững hòa âm nhạc nhẹ, các thuật ngữ, ký hiệu âm nhạc; làm quen với các hệ thống thang âm và cách áp dụng trong phần ngẫu hứng cho tác phẩm; cần có nhận thức về phong cách và tìm hiểu về tác phẩm chuyển soạn trên tinh thần hiểu biết, liên tưởng, xử lý theo nội dung âm nhạc hay hình tượng âm nhạc của tác phẩm nguyên bản mà tác giả bản gốc và tác giả chuyển soạn quan tâm, trao gửi.

Đối với nghệ thuật biểu diễn ngày nay cũng như đối với sự phát triển của công nghệ trong việc phổ biến, giới thiệu cho công chúng và những yêu cầu ngày càng cao của người thưởng thức, đòi hỏi người biểu diễn luôn cần có sự đổi mới, sáng tạo không chỉ về tác phẩm mà còn trong hình thức thể hiện. Vấn đề của biểu diễn âm nhạc còn là sự tổng hòa từ trang phục đến cách trình diễn trên sân khấu cũng như cách thể hiện tác phẩm giúp người nghe có thể cảm nhận được dòng nhạc mà người biểu diễn muốn đem lại. Do đó, cũng cần phải quan tâm đến những yếu tố như trang phục, phong cách trình diễn, cách thể hiện tác phẩm và kỹ năng diễn tấu thì việc thể hiện nội dung âm nhạc, hình tượng của tác phẩm sẽ thêm phong phú, giúp người thưởng thức dễ dàng tiếp cận, thấu hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc.

Biểu diễn nhạc nhẹ thường gắn liền với các động tác ngoại hình của nghệ sĩ, nhịp điệu lôi cuốn, sự lặp lại các tiết tấu, nhịp điệu theo chu kỳ, màu sắc hòa âm, các yếu tố bất ngờ trong tác phẩm buộc người trình diễn độc tấu hoặc nhóm nhạc phải có động tác ngoại hình ăn khớp với nhau tạo nên sự hấp dẫn, thu hút và tương tác cùng khán giả. Khác với âm nhạc của đàn piano trong nghệ thuật kinh viện, thường thưởng thức bằng trạng thái thụ động, tĩnh tại, suy tư, người thưởng thức nhạc nhẹ luôn ở trong một trạng thái chủ động, hòa điệu với cảm xúc của các nghệ sĩ trên sân khấu và đòi hỏi người biểu diễn phải mang đến cho họ một loại âm nhạc khá cụ thể, một phong cách rõ ràng: cần lãng mạn, trữ tình thì thật lãng mạn, trữ tình, nếu bay bổng, ngẫu hứng thì cũng thật bay bổng, ngẫu hứng và khi cuồng nhiệt, mãnh liệt thì phải hết sức cuồng nhiệt, mãnh liệt…

__________________

1. Lịch sử Âm nhạc thế giới, tập 1, Tài liệu giảng dạy, Nhạc viện Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

1. Alison Latham, The Oxford Companion to Music (Từ điển Âm nhạc Oxford), Oxford University Press, 1938.

2. Nguyễn Hồng Ánh, Giảng dạy các tác phẩm chuyển soạn cho đàn tam thập lục hệ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Luận văn, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 2016.

3. David Baker, Arranging and composing for the small ensemble: jazz, R&B, jazz rock (Chuyển soạn và sáng tác cho nhóm hòa tấu jazz, R&B, jazz rock), Alfred Pub Co. USA, 1988.

4. Jamey Aebersold, How to play jazz and impovise (Jazz và ngẫu hứng), Alfred Pub Co. Inc, USA, 2000.

5. Nguyễn Tài Hưng, Nghệ thuật chuyển soạn tác phẩm âm nhạc cho Accordéon, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2008.

6. Vũ Tự Lân (1998), Nhạc nhẹ du nhập và phát triển, Tạp chí Âm nhạc, Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình, Hà Nội, 2004.

7. Vũ Tự Lân, Giáo trình lịch sử Jazz-pop-rock, Hà Nội, 2007.

8. Lê Lôi (1987), Nhạc nhẹ và ca khúc, Tạp chí Văn nghệ, 24-26, Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình, Hà Nội, 2004.

9. Martha Mier, Classical jazz, rags & blues (Những giai điệu cổ điển chuyển soạn theo phong cách jazz, rags và blues), Alfred Pub Co. Inc, USA

10. Phúc Minh (1977), Nhạc nhẹ, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (10), Hợp tuyển tài liệu Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình, Hà Nội, 2004.

11. Robert Doezema, Arranging (Chuyển soạn), Berklee College of music, USA, 1986.

12. Scott Joplin, Complete piano rags (Tuyển tập Piano rags), Dover Publications, USA, 1988.

13. Stanley Sadie & John Tyrrell, The New Grove Dictionary of Music and Musicians (Từ điển Âm nhạc The New Grove), tập 15, Macmillan Publisher, USA, 1995.

14. Tô Ngọc Thanh, Góp phần lý giải vấn đề nhạc nhẹ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2, 1984.

15. The Piano solo of Richard Clayderman (Những tác phẩm Piano độc tấu của Richard Clayderman), Wise Publication, New York, USA, 1987.

Ths NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;