Bảo tồn âm nhạc truyền thống trong cộng đồng - những hướng đi cần lan tỏa - Bài 2: Những điểm sáng cần nhân lên

Hiện nay, các câu lạc bộ của những người yêu âm nhạc dân tộc cũng như các nghệ nhân tại các địa bàn dân cư, địa phương ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động có tổ chức, bài bản. Đây là việc làm thiết thực trong việc đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, sống trong dân gian, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các thể loại âm nhạc truyền thống.

Câu lạc bộ về âm nhạc truyền thống hiện nay ngày càng đông đảo về số lượng, được thành lập với nhiều loại hình: Ca trù, Quan họ, Nhã nhạc cung đình, Xẩm, Chèo, Tuồng, Đờn ca tài tử, Hát Xoan… Các câu lạc bộ hoạt động sôi nổi, rộng khắp tại các địa bàn dân cư, địa phương trong cả nước, từng bước đi vào đời sống hằng ngày của nhân dân, là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong các buổi lễ, hội, và các hoạt động xã hội. Dưới sự quản lý của các cơ quan nhà nước, các thành viên trong câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đã sinh hoạt say mê, nhiệt tình, tự nguyện đóng góp vào hoạt động văn hóa cộng đồng tại các địa bàn dân cư của địa phương, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn… Thành viên trong các câu lạc bộ đa dạng, từ các nghệ nhân tuổi cao, đến các bậc trung niên, rồi các bạn trẻ, em nhỏ.

Tiết mục dự thi của Giáo phường Đình Làng Việt tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018

Có rất nhiều câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đã hình thành từ khá lâu, kinh phí để duy trì sinh hoạt là do tự nguyện đóng góp. Từ khi có những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, thì hoạt động của câu lạc bộ đã trở nên sôi động. Điển hình là tại Thủ đô Hà Nội được coi là trung tâm ca trù lớn nhất của cả nước. Ngay sau khi ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc hồi sinh cho loại hình nghệ thuật này. Sau hơn 11 năm được ghi danh, ca trù Hà Nội lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động bảo vệ, tạo môi trường thực hành, tôn vinh nghệ nhân, tài năng ca trù, xây dựng chế độ đãi ngộ nhằm bảo tồn, phát huy môn âm nhạc dân tộc này.

Nói về sự phát triển của ca trù tại Hà Nội, NSƯT Lê Thị Bạch Vân - chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Hà Nội từng chia sẻ: “Trong quá trình phục hồi của ca trù, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 28-4-1991. Chính từ sự kiện này, một số nhà yêu nước, yêu nghệ thuật truyền thống ở nước ngoài đã chú ý đầu tư kinh phí phục hồi ca trù trong nước… Sau đó, với việc hàng loạt câu lạc bộ, giáo phường/ nhóm ca trù tự phát thành lập ở Hà Nội, nhất là sau khi ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, năm 2009. Cùng thời điểm đó, nhiều địa phương cũng thành lập các câu lạc bộ ca trù mang tính cộng đồng… Điều này, thực sự là một biến đổi tích cực, đưa ca trù đến với đông đảo công chúng. Như vậy, đáp ứng phần nào mong muốn phục hồi, giữ gìn và phát triển ca trù của đại bộ phận nhân dân trân quý nghệ thuật này… sau một thời gian dài chìm lấp; không chỉ tại Thủ đô Hà Nội mà còn tạo thành phong trào hoạt động sôi nổi tại nhiều địa phương”.

Lớp học hát quan họ cho các em học sinh vào dịp hè của câu lạc bộ Quan họ làng Diềm - Ảnh: NVCC

Hay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, số lượng làng quan họ gốc và làng quan họ thực hành khá đông, nằm trong số đó có câu lạc bộ Quan họ làng Diềm (hay còn gọi là thôn Viêm Xá) thuộc địa phận xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã có thời gian hoạt động khá lâu. Chính thức đi vào hoạt động có tổ chức là vào tháng 8-1994 khi câu lạc bộ tiến hành bầu Ban chủ nhiệm với 7 thành viên. Câu lạc bộ được quy tụ đủ 5 bọn quan họ với trên 70 thành viên, người cao tuổi nhất là 90, thấp nhất là 18. Định hướng của câu lạc bộ chơi theo lề lối quan họ làng Diềm: Với tổng số hơn 200 câu hát cổ mẫu mực, điệu thức nhấn nhá, luyến láy, ca từ theo lối tự sự với cách dùng ngôn ngữ cổ dân gian. Sự cách điệu ngôn ngữ của quan họ làng Diềm bao hàm ý nghĩa trữ tình sâu sắc, tổng hòa của mọi mối quan hệ phu-thê, mẫu-tử, huynh-đệ… Không đặt lịch sinh hoạt đều đặn, và đặc thù của thể loại quan họ là hát có đôi, nên những lúc nông nhàn, các cặp sẽ tự sắp xếp cùng nhau tập luyện. Đồng thời, cứ đến dịp lễ hội hay có công việc của làng thì câu lạc bộ Viêm Xá sẽ tổ chức làm lễ thờ thánh hay hát giao lưu phục vụ nhân dân trong và ngoài làng.

Trong câu lạc bộ Quan họ Viêm Xá, có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm và nghệ nhân Nguyễn Thị Sáng là hai trong số các thành viên hoạt động rất tích cực và nhiệt tình. Các nghệ nhân không chỉ truyền dạy miễn phí cho các em nhỏ trong làng, các học sinh tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, mà còn đào tạo, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng như những người yêu thích làn điệu quan họ trong cả nước.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm và nghệ nhân Nguyễn Thị Sáng trong một làn điệu quan họ - Ảnh: NVCC

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm cho biết: “Trước đây, để câu lạc bộ hoạt động, các hội viên tự túc đóng góp, trong những năm gần đây kinh phí hoạt động đã được nhà nước hỗ trợ, được nhận từ tỉnh Bắc Ninh. Với sự hỗ trợ này, góp phần cho câu lạc bộ thêm trong các khoản chi phí may trang phục, phục vụ công việc của làng cũng như những hoạt động khác”.

Nghệ nhân ưu tú cũng chia sẻ: "Các em nhỏ ở làng rất yêu thích loại hình âm nhạc dân tộc này, nên vào mỗi dịp hè, thường có 4 đến 5 lớp được mở để dạy và mỗi lớp có vài chục em tham gia. Việc dạy học thường được truyền khẩu, truyền từ những người đi trước và có sức lan tỏa lớn. Hiện nay, không chỉ các con em trong làng Diềm mà còn có rất nhiều bạn trẻ ở các nơi khác về đây học tập các làn điệu quan họ”.

Khác với nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thềm, bà Nguyễn Thị Thứ - chủ nhiệm câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, khu 5 phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chưa là nghệ nhân mà là một người yêu thích bộ môn hát Xoan - một loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”.

Là di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn cộng đồng, Hát Xoan nuôi dưỡng sự hiểu biết văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau. Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Với ý nghĩa sâu sắc đó đồng thời yêu thích nghệ thuật hát Xoan, bà Nguyễn Thị Thứ đã đứng lên thành lập Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, khu 5 phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ những ngày đầu tiên chỉ có 30 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên, với nhiều thế hệ, lứa tuổi. Những hoạt động chính của câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ là tuyên truyền đến với mọi tầng lớp nhân dân biết về thể loại hát Xoan. Câu lạc bộ đã sinh hoạt được gần 20 năm, nhưng được tỉnh ra quyết định công nhận từ năm 2011, đồng thời cũng được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để hoạt động. Cùng với số tiền của Nhà nước, thì mỗi dịp vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nhân dân cả nước về với Phú Thọ để thắp hương kính dâng Vua Hùng, lúc đó câu lạc bộ cũng đi biểu diễn, có được khoản thu và lấy số tiền đó để trang trải cho các hoạt động tại câu lạc bộ.

Những đào Xoan nhí của thành phố Việt Trì biểu diễn hát Xoan, góp phần gìn giữ và lan tỏa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong cộng đồng - Ảnh: TTXVN

Nói về những đóng góp trong công tác bảo tồn của câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Thứ chia sẻ, “Là người con vùng đất Phú Thọ, đồng thời nhà tôi cũng có cửa đình thờ Vua Hùng nên tôi rất yêu thích hát Xoan. Tôi đã tìm đến nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch để học. Phải mất một khoảng thời gian dài tôi mới vào được giai điệu. Thông qua câu lạc bộ, các thành viên mong muốn người dân biết đến ý nghĩa, nét đẹp của Hát xoan, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia và tạo nên sự gắn kết. Trong câu lạc bộ của chúng tôi, có rất đông thành viên trẻ. Các bạn vẫn đi làm việc, học tập, nhưng mỗi khi vào dịp lễ hội, lại trở về biểu diễn. Trong số đó, đã có những bạn có thể dạy cho các em nhỏ tiếp nối”.

Bà Nguyễn Thị Thứ cũng cho biết, câu lạc bộ sinh hoạt khá thường xuyên và có thời gian cố định. Cùng với việc học hỏi, giao lưu giữa các câu lạc bộ trong tỉnh thì câu lạc bộ của bà cũng đi biểu diễn tại nhiều địa phương khác và được tiếp đón nồng nhiệt. “Việc lan tỏa những giá trị của hát Xoan có ý nghĩa rất lớn và cần thiết đối với các thế hệ sau này, vì thế câu lạc bộ của chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, thu hút các bạn trẻ để bảo tồn và phát triển loại hình dân ca đặc sắc của dân tộc”.

Là một nghệ nhân còn khá trẻ, Bá Linh (Đào Bạch Linh) là học trò của nghệ nhân nhân dân Hà Thị Cầu, anh là chủ nhiệm Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành hay còn gọi là chiếu xẩm Hà Thành tại quận Lê Chân, Hải Phòng. Năm 2008, từ một nhóm của những người yêu thích hát Xẩm, câu lạc bộ đã được tỉnh ban hành quyết định thành lập chính thức năm 2021. Các thành viên của câu lạc bộ Xẩm Hà Thành sinh hoạt tại khuôn viên của gia đình nghệ nhân Đào Bạch Linh theo định kỳ 1 tuần 2 buổi. Đồng thời, Xẩm Hà Thành là một trong những câu lạc bộ tích cực trong việc lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm ra cộng đồng thông qua các buổi công diễn tại phố đi bộ.

Cũng như các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc khác, Xẩm Hà Thành là nơi tụ hội của những người đam mê hát Xẩm, đồng thời bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị của thể loại nghệ thuật đặc sắc này. “Xẩm Hà Thành tại Hải Phòng là một trong những câu lạc bộ đi đầu trong phong trào giữ nề nếp trong việc tổ chức lễ giỗ tổ, tổ chức liên hoan, giao lưu âm nhạc. Năm 2019 và 2022, khi Nhà nước tổ chức Liên hoan hát Xẩm toàn quốc, thì CLB luôn tham dự và luôn giành Huy chương Vàng của liên hoan” - nghệ nhân Bá Linh cho hay.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh (Bá Linh) - truyền nhân của Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu

Không chỉ giao lưu, sinh hoạt tại câu lạc bộ, nghệ nhân Bá Linh cũng đứng ra tổ chức dạy hát Xẩm bằng hai hình thức: mở lớp cho mọi người đến học tại câu lạc bộ và đi đến với những nơi được mời dạy. Trên con đường truyền dạy đó, nghệ nhân Bá Linh đã giúp đỡ nhiều nhóm ở nhiều địa phương cách thức tổ chức, thành lập câu lạc bộ hát Xẩm.

“Đối với những nơi mời tôi đến dạy, họ chủ động và có mục đích rõ ràng, điều đó cho thấy họ là những người có tình yêu đối với hát Xẩm. Việc truyền dạy, hướng dẫn mọi người thành lập nhóm, hội, câu lạc bộ để sinh hoạt, nơi nào làm tốt và nghiêm túc tôi cảm thấy rất vui mừng. Điều đó cho thấy, phản ứng của xã hội đối với hát Xẩm mang hướng tích cực, mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt, thích thú, say mê, và mọi người cũng nhận thấy rằng xẩm dễ nghe và gần gũi với cuộc sống”- nghệ nhân Bá Linh chia sẻ.

Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành có khoảng hơn 30 thành viên, nhưng có mặt thường xuyên trong các hoạt động thì khoảng 20 người. Câu lạc bộ không nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, nên để duy trì hoạt động thì mỗi thành viên đóng góp một khoản tiền nhỏ bé. Bá Linh cho rằng, bảo tồn, phát huy, giới thiệu loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng để Xẩm phát triển, không bị mai một, mất đi là trách nhiệm của mỗi nghệ nhân.

Với sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng, đến nay nhiều loại hình âm nhạc dân tộc đã ngày càng phát triển và được nhiều người yêu thích trong đó có cả giới trẻ. Điều đó cho thấy các giá trị tinh hoa của dân tộc sẽ ngày càng được phát huy, góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... phát huy sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

* Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm: "Âm nhạc truyền thống thì nên bảo tồn trong dân gian, bởi vì nó được dân gian sáng tạo và lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, từ cộng đồng đến từng cá nhân. Những tác giả vô danh chính là những người sáng tạo ra âm nhạc truyền thống ấy và chính họ là những người bảo tồn thông qua thể hiện, trình diễn, đồng thời họ giao lưu, truyền dạy cho nhiều người. Nghệ thuật truyền thống phải tồn tại trong cộng đồng mới phát triển được, thì mới có những sáng tạo mới".

* Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: "Tất cả các câu lạc bộ của những thể loại âm nhạc truyền thống đóng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn. Chính các câu lạc bộ làng, xã, gia đình tại các thôn xóm, địa phương tạo ra nền tảng vững chắc trong việc bảo tồn nghệ thuật dân gian".

NGỌC BÍCH

;