Chương trình xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên"

Ngày 8-12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng nhằm tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh tỉnh; các giá trị văn hóa bản địa, sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của địa phương. Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối du lịch và tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư trong lĩnh vực du lịch Cao Bằng.

Các đại biểu tham dự chương trình

Tham dự các chương trình có: Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu…

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại Chương trình

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Đối với tỉnh Cao Bằng, trong những năm qua, ngành Du lịch bước đầu phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 98% so với giai đoạn 2011-2015; doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng; tăng trưởng du lịch bình quân đạt 25,8%.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch - dịch vụ là một trong ba đột phá chiến lược, với mục tiêu từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Từ đầu năm 2023 đến nay, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ và giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tỉnh đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, thể thao và du lịch nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư.

Ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: “Chương trình xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên" được tổ chức ngày hôm nay là sự tiếp nối các hoạt động thúc đẩy xúc tiến, quảng bá của Tỉnh, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng nói riêng, cả nước nói chung”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định thêm: Cao Bằng hội tụ nhiều yếu tố để hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế cao như du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch đô thị, du lịch ban đêm như phố đi bộ Kim Đồng. Đặc biệt là Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) kỳ vọng sẽ trở thành Khu du lịch kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh và bền vững.

Ngoài ra, Cao Bằng còn có vị trí kinh tế - chính trị quan trọng của vùng Đông Bắc. Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho du lịch còn khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng; chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các điểm, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng.

Vì vậy, Chương trình xúc tiến điểm đến "Non nước Cao Bằng - Xử sở thần tiên” được tổ chức nhằm quảng bá, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch Cao Bằng với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao UBND tỉnh Cao Bằng đã quan tâm, tạo các điều kiện cần thiết để ngành Du lịch Cao Bằng tích cực, chủ động tổ chức Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng nói chung và Chương trình xúc tiến điểm đến du lịch Cao Bằng nói riêng tại Thủ đô Hà Nội.

Tại Chương trình, thay mặt Bộ VHTTDL, Thứ trưởng đã nêu ra một số ý kiến đề nghị tỉnh Cao Bằng, các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan truyền thông, báo chí cùng quan tâm, nghiên cứu:

Thứ nhất, về sản phẩm du lịch: Phát huy các sản phẩm, chương trình, tuyến, điểm du lịch hiện có; Làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như: du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch ẩm thực; Chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên huyện, liên tỉnh mới, đặc trưng, hấp dẫn du khách; Sớm báo cáo kết quả thí điểm việc khai thác trao đổi khách giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc, từ đó tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch qua biên giới; Xây dựng các gói kích cầu du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh so với các điểm đến khác.

Thứ hai, về xúc tiến du lịch: Lấy hạt nhân là các sản phẩm du lịch gắn liền với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp và triển khai chuyên nghiệp, rộng rãi trong nước và quốc tế. Hợp tác chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến với Việt Nam nói chung và Cao Bằng nói riêng.

Hằng năm, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đều gửi Kế hoạch xúc tiến du lịch tại thị trường quốc tế đến các Sở, Trung tâm xúc tiến du lịch. Đề nghị Cao Bằng nghiên cứu, thường xuyên liên kết, hợp tác xúc tiến tại sự kiện trong nước; từng bước cùng thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài để thu hút khách quốc tế.

Thứ ba, về công tác chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch. Phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở; Chủ động tích hợp dữ liệu vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, nền tảng số vietnam.travel và các mạng xã hội du lịch Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube… Địa phương cần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới.

Thứ tư, đề nghị tỉnh Cao Bằng quan tâm đến vấn đề thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và kết nối các điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Tuyến đường bộ cao tốc kết nối từ Lạng Sơn tới Cao Bằng sau khi hoàn thành sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thời gian di chuyển cho du khách, từ đó các doanh nghiệp du lịch có điều kiện xây dựng những sản phẩm kết nối Cao Bằng với các khu du lịch tại các địa phương khác.

Thứ năm, đề nghị các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí sát cánh, đồng hành trong xây dựng, giới thiệu sản phẩm du lịch Cao Bằng trên cơ sở phát huy những thế mạnh khác biệt; quảng bá, chào bán các chương trình du lịch cụ thể đưa khách đến Cao Bằng; góp ý, hiến kế trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng điểm đến để ngành du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp du lịch địa phương bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.

Tiết mục văn nghệ chào mừng chương trình

Chương trình Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng năm 2023 với chủ đề “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” diễn ra từ ngày 8 đến 10-12, tại khu vực Vườn hoa Bà Kiệu và không gian các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, hứa hẹn mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều trải nghiệm ý nghĩa, đáng nhớ dịp cuối tuần.

NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

 

 

 

 

 

 

;