"Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035" là hết sức cần thiết. Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, và nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, góp phần phát triển bền vững của đất nước.
Bộ VHTTDL vừa trình cấp có thẩm quyền “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035". Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành Văn hóa, thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Theo PGS, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa- Du lịch: Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa là rất cần thiết, nhất là đối với các tỉnh miền núi, khu công nghiệp. Vì, các tỉnh này còn nghèo, các thiết chế văn hóa đều thiếu thốn, thậm chí các thôn, bản, xã không thể xây dựng được các thiết chế văn hóa vì không có nguồn lực tài chính. Các cơ sở của trung tâm văn hóa cấp huyện trở lên, tuy đã có sự đầu tư, nhưng do đã qua nhiều năm, nên cũng đã hư hỏng nhiều, trong khi nguồn thu của các tỉnh rất thấp, không thể trang bị được. Vì thế, các tỉnh rất mong chờ “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035”, để có thể được tiếp tục đầu tư về thiết chế văn hóa, nguồn lực tài chính… đưa văn hóa ở các vùng sâu, vùng xa có thể phát triển.
Tiết mục nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh minh họa
Một vấn đề rất quan trọng đó là trong nhiều năm trở lại đây sự xuất hiện nhiều yếu tố mới mà trước kia không hề có trong truyền thống, nó đòi hỏi phải đầu tư xây dựng. Ví dụ: các khu nhà văn hóa gắn liền với đô thị, khu công nghiệp, các khu công nghiệp cần thiết phải có nhà văn hóa, chính vì thế cũng cần có một chương trình đầu tư. Trong đó, quỹ đất dành cho việc này cần được đầu tư, các thiết chế văn hóa cũng cần nguồn lực lớn mới đủ để xây dựng và khi xây dựng xong thì cần có các thiết bị bên trong. Dân cư khu công nghiệp càng nhiều thì đầu tư càng lớn hơn.
Sự cần thiết nữa mà Chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải đầu tư đó là về công nghệ, thời điểm hiện nay không thể tuyên truyền văn hóa theo kiểu truyền thống như những năm trước đây, mà phải đầu tư tuyên truyền qua hệ thống mạng, không gian số, đó chính là thiết chế mới, vì thế cũng cần phải đầu tư .
Nêu quan điểm về con số tài chính thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, do Bộ VHTTDL xây dựng, đề xuất trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành là 350.000 tỷ đồng, PGS, TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài đến năm 2035 là khoảng thời gian dài, qua thực tế thì con số đó không hề nhiều vì phải đầu tư rất nhiều: từ thiết chế văn hóa, trang thiết bị, công nghệ số, con người… mà sự đầu tư này là rất lớn.
“Theo tôi, bên cạnh nguồn lực tài chính từ Chương trình mục tiêu quốc gia thì rất cần thiết, cần phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp, chung cư… các chủ doanh nghiệp cần phải chung tay đóng góp để phát triển văn hóa. Chẳng hạn như khu vực nông thôn vùng đồng bằng, không gian, đường sá ở các làng xã hiện nay rất đẹp, có sự đóng góp rất lớn từ người dân, chính vì thế cũng cần phát huy sức mạnh từ cộng đồng, trong đó có nguồn lực từ người dân”- PGS, TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.
Còn theo Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn: Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là hội nghị quan trọng để Đảng ta nhìn nhận lại quá trình phát triển của văn hóa, trong đó có văn hóa truyền thống, từ đó tìm ra được mặt mạnh, mặt yếu của văn hóa. Vì thế, đến thời điểm này, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa là rất cần thiết.
Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nhận định, lâu nay, so với các lĩnh vực khác, việc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật hiện nay là rất ít. Mặc dù đã có chủ trương, chiến lược về phát triển văn hóa trong đó có văn hóa truyền thống, nhưng chưa thực hiện được “đến nơi đến chốn”, còn “manh mún” vì chưa có nguồn lực tài chính.
Vở Tuồng lịch sử "Nữ tướng Lê Chân"
Để văn hóa nói chung, trong đó có văn hóa truyền thống ngày càng phát triển thì rất cần có sự đầu tư đồng bộ từ thiết chế văn hóa đến con người. Đầu tư cho con người là thật sự cần thiết, bởi con người mới là chủ thể làm ra các tác phẩm nghệ thuật xứng tầm. Trong khi cuộc sống của các nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa hiện nay còn khó khăn, thì không thể có tác phẩm tốt. Khi có sự đầu tư mới có thể xây dựng, hoạch định chính sách một cách cụ thể và đem lại hiệu quả. Khi đầu tư cho con người, thì mới có tác phẩm hay, nếu không có sự đầu tư sẽ không có một nền sân khấu phát triển. Đặc biệt, đối với sân khấu truyền thống, sẽ ngày càng bị mai một, vì không còn ai muốn theo đuổi, giữ nghề. Vì vậy, cần có chính sách, tạo sự hấp dẫn, đào tạo ra đội ngũ những người làm nghệ thuật, sân khấu có trình độ, kiến thức, tâm huyết… mà muốn có được những điều đó thì cần phải có tiền, vì “có thực mới vực được đạo”. “Khi có sự đầu tư đồng bộ, xứng đáng, những người sáng tác, làm nghệ thuật sẽ yên tâm làm việc, tập trung cống hiến hết sức mình thì sân khấu nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung mới phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa sẽ đáp ứng được những điều đó, vì thế Chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng và những người làm nghệ thuật mong muốn triển khai sớm Chương trình này” – Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Theo Bộ VHTTDL, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045" có một số mục tiêu cụ thể như sau: Đến năm 2030, việc sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình sẽ hướng đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Đến năm 2035, đạt các mục tiêu cụ thể: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; có 5 trường đại học trọng điểm và 2 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh và Văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
NGỌC BÍCH