Chính trực như Phan Thiên Tước

Trong số tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa trước, phần nào chúng tôi đã đề cập đến Phan Thiên Tước - một vị quan chính trực thời Lê Sơ. Ông quê huyện Vũ Ninh, tỉnh Bắc Ninh, tham gia triều chính từ thời Lê Thái Tổ, giữ chức Ngự sử. Đến thời vua Lê Thái Tông (niên hiệu Thiệu Bình), dù giữ chức Chuyển vận sứ châu Cổ Đằng hay được gọi về làm Thị ngự sử trong triều, Phan Thiên Tước vẫn là người trực ngôn, có khí tiết, khảng khái.

Bấy giờ, thời gian quốc tang vua Lê Thái Tổ chưa hết, đại thần Lê Thụ đã lấy vợ, làm nhà. Biết chuyện, Phan Thiên Tước dâng sớ đàn hặc (luận tội). Vua Lê Thái Tông hỏi: - Các đại thần khác không phải là không có việc ấy mà ngươi chỉ tâu một mình Thụ là thế nào? Phan Thiên Tước tâu: - Đô đốc, Tư khấu, Tư mã đều là đại thần nhận lời ký thác của vua, bản thân phải gương mẫu cho bách quan noi theo, có làm việc gì cũng phải theo khuôn phép. Thần thấy như thế, không thể không nói. Nay vâng mệnh bệ hạ xem xét các nhà, thần nào dám không làm hết bổn phận.

Sau đó không lâu, ông lại dâng sớ tâu lên những người làm nhà mới là bọn Tham tri Lê Định hơn 20 người. Vua không xét kỹ việc ấy nhưng cũng khen ông là ngay thẳng.

Cần phải nói thêm là, ngay cả vua Lê Thái Tông, thời gian đầu mới lên ngôi đang còn trẻ, trông coi chính sự chưa sâu sát, cũng bị Phan Thiên Tước cùng các gián quan dâng sớ can ngăn về sáu điều không nên làm. Vua xem sớ rất giận, sai hoạn quan đến nhà Phan Thiên Tước trách hỏi thì ông nói: - Tôi chủ yếu là yêu vua, làm hết bổn phận thôi, có ngại gì chết!

Hôm sau, ông vào chầu, tâu: - Nghiêu, Thuấn là bậc thánh nhân mà Bá Ích còn lấy việc chơi bời trễ nải để can ngăn. Đường Thái Tông là hiền chúa mà Ngụy Trưng còn (dâng sớ) lấy mười điều để ngăn ngừa. Chúng tôi chức phận phải nói, chỉ sợ vua có gì sai nên mới ngông cuồng, dại dột bày tỏ. Bệ hạ nghe lời thì kẻ nhỏ mọn cũng đều hết lòng mà đức thánh của bệ hạ càng sáng, càng to.

Vua nghe xong mới nguôi giận.

Bấy giờ, các đại thần định đem những bậc túc Nho vào hầu tòa Kinh diên để giảng học. Vua không nghe. Ông tâu: - Sinh ra đã biết, ai bằng Nghiêu, Thuấn mà còn lấy Quân Trù, Thành Chiêu làm thầy. Từ xưa, các bậc đế vương muốn trau dồi đức tốt, đều do học giỏi mà ra; huống chi bệ hạ tuổi đã lớn, đạo trị xưa nay chưa biết rõ hết. Bọn đại thần Sát kén chọn Nho thần vào hầu bên cạnh cũng là muốn bệ hạ như Nghiêu, Thuấn. Bệ hạ sao lại coi thường tôn xã mà phụ lòng trung thành của các bề tôi như thế? Xin bệ hạ nên nghĩ lời gửi gắm của tiên vương thì phúc cho bốn biển, mà bệ hạ sẽ được hưởng cái lộc, sự sống lâu của bậc đại hiếu!

Về sau, Phan Thiên Tước làm đến chức Trung thừa, mất trong niên hiệu Thái Hòa đời vua Lê Nhân Tông (1443-1453). Vua Tự Đức nhà Nguyễn từng có bài thơ về Phan Thiên Tước trong “Ngự chế Việt sử tổng vịnh” (1874), phần về các hiền thần: “Thiệu Bình chính tích quý trung tài/ Tận lực hồi thiên tễ nội lôi/ Thiết sử ngận di vô thử lão/ Nguy cơ bất đãi Lệ Chi lai (Thiệu Bình chính trị uổng tài phô/ Can gián vua càng nổi giận to/ Trời ví không thương, còn lão ấy/ Lệ Chi nào đợi tới nguy cơ).

 

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

;