Ông Lớ “Mặt trận” tận tụy với dân làng

Hơn 4 năm làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú Túc (xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang - TP. Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Lớ (65 tuổi) người dân tộc Cơ Tu được bà con trong thôn, trong xã quý mến và nể phục nên gần đây, thường gọi ông một cách thân thương là “Ông Lớ Mặt trận”. Ông không chỉ là người làm ăn giỏi mà còn mang kiến thức về giúp mọi người cả trong sinh hoạt lẫn trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trong thôn.

Thôn Phú Túc quê ông Lớ có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây, hầu hết các hộ đều nghèo, do sống du canh, du cư, tập tục sinh hoạt lạc hậu... Ngay từ khi làm cán bộ cơ sở như Chi hội trưởng Cựu chiến binh (từ 1996 - 2009); Đội trưởng Dân phòng (2004 - 2008), Phó ban thôn (2007 – 2008) và Bí thư Chi bộ (từ 2008 - 2016)…, ông Lớ đã vận động bà con không sống du canh, du cư, không phá rừng làm nương rẫy, xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay cưới xin, vận động bà con trồng lúa nước, bắp lai, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng, trồng chuối lập vườn; 100% trẻ em được đến trường học, người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cùng nhau đoàn kết làm ăn, xây dựng bản làng văn hoá văn minh...

Ông Lớ tâm sự: “Bà con dân tộc Cơ Tu hiểu biết về pháp luật, sản xuất, chăn nuôi... còn hạn chế nên mình phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động, thuyết phục mọi người chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên giao, kêu gọi đoàn kết giữa hai dân tộc Cơ Tu - Kinh để cùng xây dựng quê hương...”.

Để bà con tin lời nói và cái bụng của mình, ông Lớ gương mẫu, tiên phong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Với diện tích 3.000 m2 vườn, ông Lớ trồng bưởi, tiêu, đu đủ, dứa, chuối,  nuôi 15 con bò và trồng 5 ha. Trung bình mỗi năm, ông thu khoảng 50 triệu đồng. Nhờ đó mà ông có tiền làm nhà, mua xe máy, nuôi các con ăn học. Nghe và làm theo ông, giờ đây, rất nhiều hộ dân trong thôn đã có thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Văn Cần, Đinh Văn Nhôm, Lê Văn Nghĩa, Lê Văn Hoàng... năm nào cũng có khoảng 50 triệu đồng tiền bán gỗ rừng trồng. Từ đó, nạn đốt rừng làm nương rẫy ở Phú Túc không còn nữa.

Không chỉ tận tâm trong phát triển kinh tế, ông Lớ còn rất tâm huyết trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Ông hiểu biết về phong tục tập quán, văn hoá, lễ hội Cơ Tu, là thành viên tích cực trong đội văn nghệ thôn, đánh chiêng, hát múa, hát lý, dân ca của dân tộc Cơ Tu để giới thiệu văn hóa của đồng bào được hiệu quả hơn. Ông cũng thường xuyên tuyên truyền vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đến nay, toàn thôn Phú Túc có gần 160 hộ với gần 560 khẩu, tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt 95%...

Đánh giá về sự tận tụy của ông Lớ, ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc cho hay, ông Lớ là người cán bộ cơ sở thâm niên, có uy tín, thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ bình yên cho cuộc sống người dân ở các thôn, làng; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu…

Về Phú Túc hôm nay, chỉ thấy một màu xanh bát ngát của rừng trồng. Những ngôi nhà tôn, lụp xụp ngày nào được thay thế bằng những ngôi nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Tình nghĩa” ẩn hiện trong các khóm cây ăn quả. Những con “sơn đạo”, “nắng bụi, mưa bùn” nay đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Tất cả thành quả đó là nhờ ý thức vươn lên từ nội lực của đồng bào Cơ Tu; sự quan tâm hỗ trợ có hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; sự nhiệt tình, năng động, tận tụy của ông Nguyễn Văn Lớ trong vai trò Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Túc.

 

Tác giả: Tiên Sa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 438, tháng 9-2020

 

;