Cha và con và âm nhạc

Là một trong số những tên tuổi xuất sắc của âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên có một sự nghiệp đồ sộ. chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi của ông cũng đã giữ một vị trí đặc biệt mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được. Những bài hát của ông đã in sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thế nhưng không phải ai cũng biết, phía sau mỗi giai điệu, lời ca trẻ thơ thân thuộc ấy lại có đều ẩn giấu một câu chuyện xúc động. Và nhân dịp sinh nhật 94 tuổi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã hé lộ những kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của chị đằng sau mỗi sáng tác của người cha nổi tiếng.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái Phạm Hồng Tuyến
 

Người nhạc sĩ của thiếu nhi

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930, quê ở làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ khi còn rất trẻ, 19 tuổi ông học khóa V - Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, năm 1950, khi mới 20 tuổi ông đã có những chùm ca khúc về trường và về Thiếu sinh quân Việt Nam.

Năm 1954, ông được cử làm cán bộ phụ trách Văn-Thể-Mỹ tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc). Từ năm 1958, ông về nước, công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó cho đến năm 1975 là giai đoạn ông sáng tác nhiều ca khúc mang đậm hơi thở cuộc sống chiến đấu lao động của quân dân cả nước, ca ngợi cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như khắc họa chân dung những con người của thời đại. Đó là các ca khúc: Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố...

Đất nước thống nhất, sáng tác của Phạm Tuyên gia đoạn này đã đến độ chín với những ca khúc bất hủ như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Màu cờ tôi yêu (thơ Diệp Minh Tuyền)…

Năm 2001, nhạc sĩ Phạm Tuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày vui đại thắng.

Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Những ngôi sao ca đêm, Từ Làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên Đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.

Một mảng rất đặc biệt trong sự nghiệp âm nhạc của ông chính là sáng tác cho thiếu nhi, trong đó ca khúc nổi bật nhất chính là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng được ông sáng tác đêm ngày 28/4/1975, tập và thu âm ngay trong chiều ngày 30/4 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt 17 giờ cùng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Các sáng tác cho thiếu nhi của ông phong phú, đa dạng và dành cho nhiều lứa tuổi, từ mầm non, thiếu niên đến thanh niên. Bởi vậy, có thể nói ông chính là một nhạc sĩ của thiếu nhi. Nhiều bài hát thiếu nhi đã trở thành bài truyền thống qua nhiều thế hệ như: Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Tiến lên đoàn viên. Nhiều bài hát luôn trở thành những ca khúc truyền thống trong các dịp đại hội của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội… Những bài hát như Tiễn thầy giáo đi bộ đội, Đêm pháo hoa, Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình)... gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi từ thời chiến tranh đến ngày hòa bình. Rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã lớn lên cũng những ca khúc như: Trường của cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao,  Chú voi con ở bản Đôn, Cánh én tuổi thơ…

Nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Phạm Hồng Tuyến và MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng trong buổi giao lưu ra mắt

cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con

 

Bài hát đi cùng tuổi thơ con

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến vừa cho ra mắt cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Cuốn sách là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Âm nhạc luôn góp phần rất lớn vào việc nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu nhi. Qua cuốn sách, bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu những ca khúc dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, dù bài hát đó được sáng tác trong những hoàn cảnh giản dị hay lớn lao. Mỗi bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi. 

Có thể nói Phạm Hồng Tuyến đã lớn lên cùng những ca khúc của bố. Ký ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát, từ Trường cháu là trường Mầm non là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài “Mầm non ca” cùng với Cả tuần đều ngoan bé nào cũng hát và người lớn cũng thuộc. Ấy là ký ức gắn liền kỷ niệm đặc biệt khi chị năm tuổi, thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái “tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh”. Rồi khi Hồng Tuyến vào lớp Một và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp Một, Ở trường cô dạy em thế. Thời niên thiếu của chị, bố sáng tác những ca khúc Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… Nhiều bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên còn gắn bó với những người bạn đồng trang lứa của cô, khi thì là các bạn ở tại Khu tập thể Khương Thượng, lúc lại là các bạn cùng học lớp 12A chuyên Nga trường Lý Thường Kiệt (Hà Nội)…

Đọc Bài hát lớn lên cùng con, người đọc sẽ gặp một “khung trời hoài niệm” về   cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ. Điều đáng quý, nhà báo Phạm Hồng Tuyến đã kể lại câu chuyện riêng tư của mình với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh. 

Bài hát lớn lên cùng con còn có những hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát. Đặc biệt hơn, gần tựa đề mỗi bài hát đều được gắn một mã QR code, người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, có những bài “nguyên gốc” từ tư liệu hiếm có, rất sống động.

Ở tuổi 94, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn rất minh mẫn
 

Giữa tháng 2 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức một buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách với những vị khách mời đặc biệt đã có nhiều kỷ niệm gắn bó và lớn lên với các bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tại buổi giao lưu, tác giả Phạm Hồng Tuyến xúc động nói: “Mỗi bài hát của bố tôi đều có một câu chuyện phía sau, mang theo những kỉ niệm khó quên, là nỗi nhớ, tình thương, niềm vui, niềm tự hào. Đó chính là hồi ức tuổi thơ, những mảnh ghép quý giá trong quá khứ đã theo tôi suốt cuộc đời. Tôi muốn viết những câu chuyện giản dị, nho nhỏ về những kỉ niệm, cảm xúc gắn bó với những bài hát ấy”.

Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ cảm xúc về cuốn sách: “Tôi học cấp 3 chuyên ngữ Lý Thường Kiệt cùng Phạm Hồng Tuyến. Ngày ấy, Tuyến không khoe gì về bố và những sáng tác của bố. Vì vậy những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên đi vào ký ức của tôi có một đời sống, một ấn tượng khác chứ không phải là của bố bạn mình. Trong số đó, bài hát tôi ấn tượng nhất chính là Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội. Năm 1981, sau khi đất nước thống nhất, mặc dù còn nhiều gian khổ nhưng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức được Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất, một sự kiện thực sự mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Bắc Nam. Lần đầu tiên, tôi được gặp những bạn từ Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang... mà trước kia chỉ nghe trong sách vở. Một bài hát với giai điệu náo nức say lòng đã gắn kết những đứa trẻ còn xa lạ và e dè vào một tình cảm chung: tình thương đồng đội bao la. Tình cảm đó đã lan tỏa và gắn kết chúng tôi qua nhiều năm”.

Tại buổi ra mắt sách của con gái, nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ chia sẻ ngắn gọn cảm xúc của mình: “Tôi rất cảm động thấy những đóng góp của mình có ích cho đời sống, nhất là được các em nhỏ nhiều thế hệ cùng hát, đó là phần thưởng lớn nhất với tôi”.

 

Các khán thính giả ở nhiều lứa tuổi đến tham dự buổi giao lưu để được gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên

 

 

HOÀNG KHANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

 

;