Giáo sư Annette M. Kim - Người nặng lòng với vỉa hè Sài Gòn

Hơn 15 năm sống và làm việc tại TP.HCM, GS người Mỹ Annette M. Kim đã “phải lòng” mảnh đất này cùng những con người bình dị nơi đây. Bà cho rằng không gian công cộng nơi vỉa hè chứa đựng một lối sống đầy thẩm mỹ, nhiều giá trị nhân bản, khiến cho TP.HCM trở thành một nơi đáng nhớ và đáng gắn bó. Bà từng cho ra mắt cuốn sách Đời sống vỉa hè Sài Gòn. Giáo sư Annette M. Kim và nhóm nghiên cứu không gian đô thị (SLAB) của bà, nhờ sống ở Sài Gòn nhiều năm mà đã vỡ lẽ được rằng cái căn cốt của vỉa hè không nằm ở lớp bê tông tạo ra nó mà ở chính những hàng quán, sinh hoạt, và câu chuyện mưu sinh đời thường.

 

Annette M. Kim là giáo sư ngành chính sách công. Bà cũng là giám đốc sáng lập SLAB (phòng phân tích không gian đô thị) của Đại học Nam California nhằm thúc đẩy tầm nhận thức về khoa học xã hội thông qua việc giảng dạy, nghiên cứu và thu hút sự tham gia của công chúng.

GS Annette M. Kim đã xuất bản nhiều cuốn sách, bài viết trên các tạp chí khoa học để giới thiệu những nghiên cứu hiện tại của bà trong việc xem xét quy hoạch các khu đô thị, các chiến lược sinh kế của người nhập cư tại các thành phố châu Á đang phát triển thông qua phương pháp dân tộc học, nghiên cứu không gian và thiết lập các bản đồ nhân văn. Bà còn nghiên cứu sự phát triển của thị trường bất động sản và sự cải cách của quyền tài sản ở các quốc gia đang chuyển đổi ở cả Đông Âu lẫn châu Á.

Annette M. Kim đến Việt Nam lần đầu năm 1996 để hoàn thành luận văn về chính sách công và quy hoạch đô thị. Lúc đó, TP.HCM chưa có diện mạo hoa lệ như bây giờ. Phía Nam thành phố hầu hết là những vùng đất sình lầy. Bà đã gõ cửa nhiều nhà dân để phỏng vấn họ về vấn đề quy hoạch đô thị. Quá trình tiếp xúc đã khiến bà nhận ra rằng những con người nơi đây thật tốt bụng và mến khách. Do đó, bà đã lựa chọn gắn bó lâu dài với cuộc sống ở đây và tiến hành nhiều nghiên cứu về đô thị Sài Gòn.

Trong nhiều năm, GS Annette M. Kim và các cộng sự của bà tại Phòng phân tích không gian đô thị (Spatial Analysis Lab - SLAB) của Đại học Nam California đã dày công thu thập các ghi chép lịch sử về vỉa hè từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử.

SLAB đã thực hiện 275 cuộc phỏng vấn, ghi lại hơn 3.000 tấm ảnh, đoạn phim để vẽ lên một không gian công cộng trên vỉa hè mang nét văn hóa đặc trưng không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Điều thú vị nhất mà GS Kim nhận ra là tình người, lòng nhân ái và sự gắn kết cộng đồng khi người dân cùng sử dụng vỉa hè làm không gian sống.

Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt. Để kiến tạo và phát triển một đô thị hài hòa và bền vững, bắt buộc phải nắm được cái hồn cốt của nó. Với Sài Gòn, giá trị tinh túy của đời sống nơi đây được thể hiện ở một không gian xã hội độc đáo và không hề xa lạ: trên vỉa hè. Cuốn sách Đời sống vỉa hè SàiGòn (do Nxb Dân Trí và Nhã Nam liên kết xuất bản) là một nghiên cứu đặt đời sống vỉa hè dưới một ánh sáng khác, nơi đó vỉa hè có sức sống riêng, tinh thần riêng, thấm đẫm văn hóa và phản ánh đời sống của người dân, chứ không chỉ là một khoảng không gian vô hình luôn câm lặng.

 

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, đời sống vỉa hè Sài Gòn di chuyển cùng với các chế độ khác nhau, từ thành lũy thời đế quốc, đô thị thuộc địa Pháp, thủ đô thời hậu thuộc địa và đến nay là thành phố xã hội chủ nghĩa.

Từ năm 1980 đến nay, vỉa hè Sài Gòn vẫn bền bỉ níu giữ cái không khí hấp dẫn đặc trưng của nó. Dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do thay đổi có phần cứng nhắc ở đô thị và mật độ dân số đông, nhưng không thể phủ nhận không gian vỉa hè chính là nền móng cho đời sống văn hóa và dân sự tại Sài Gòn.

Annette M. Kim đã nghiên cứu những không gian của vỉa hè Sài Gòn bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác. Bà đã len lỏi giữa những vỉa hè Sài Gòn, quan sát và nhận ra rằng, khoảng không gian nhỏ nơi đây khác biệt và đáng nhớ đến thế bởi nó truyền tải những câu chuyện vừa gai góc vừa nhân ái về thân phận con người. Do làn sóng di dân ồ ạt, hiện nay người dân đổ dồn về khu vực thành thị. Hệ quả của sự đông đúc này là xã hội đang tranh chấp gay gắt trong việc sử dụng từng tấc đất, trong đó có vỉa hè. Phần đông các nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã xảy ra xung đột về lợi ích khi sử dụng vỉa hè. Riêng đối với Sài Gòn, GS Kim cho rằng, thành phố dù đang phải đối mặt với thách thức của đô thị hóa nhưng người dân vẫn luôn hào hiệp và sẵn sàng chia sẻ khoảng không gian này với nhau.

Ở Sài Gòn, phần đông mọi người tỏ thái độ đồng cảm với những người bán hàng ở vỉa hè. Những câu dàn xếp bâng quơ, điều chỉnh và giả đò làm lơ của hàng xóm về vấn đề sử dụng vỉa hè đã phản ánh sự khác biệt của con người Sài Gòn, cho thấy tình nghĩa dành cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Giáo sư Kim (giữa) cùng kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang (trái) bên một xe hàng rong ở vỉa hè TP.HCM

 

Dựa trên định hướng tập trung khai thác và phát triển du lịch của Việt Nam, GS Kim khảo sát khách du lịch để trả lời cho câu hỏi tại sao họ lại chọn đến Việt Nam. Kết quả thu về cho thấy phần đông du khách cảm nhận Sài Gòn sôi động, thú vị và khác biệt với những thành phố khác không chỉ bởi những địa điểm tham quan mang tính lịch sử mà còn bởi chính những món ăn đường phố, sự tương tác thân tình và nhộn nhịp trên vỉa hè. Bà cho rằng nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch thì vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được chú ý nhất. Cuộc sống trong không gian này cần được giữ lại để phát huy hết sức hấp dẫn của nó chứ không phải phá bỏ hoàn toàn, chỉ cần ta quản lý tốt hơn.

Các đô thị đều có những đặc trưng riêng biệt gắn với văn hóa, bối cảnh xã hội và môi trường sống của người dân địa phương; và các giải pháp phát triển và bảo tồn đô thị phải dựa trên những đặc trưng này. Những tài sản giá trị nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật. Trong trường hợp vỉa hè Sài Gòn, nét đặc trưng chính là tính đa chức năng (giao thông, thương mại và không gian cộng đồng) thay vì đơn năng (chỉ dành cho giao thông) - một đặc trưng căn bản của đô thị Việt Nam nhưng cũng là xu hướng của thế giới để tạo ra các đô thị đáng sống và bền vững.

Nhờ những nghiên cứu và đề xuất đơn giản nhưng hiện quả được đề cập, Đời sống vỉa hè Sài Gòn cũng đã chỉ ra những thách thức trong các mô hình quy hoạch đô thị và quản lý thích ứng mà Sài Gòn sẽ cần và còn gợi ý cách chúng ta có thể định hướng lối đi trong một thế giới toàn cầu hóa.

Annette Kim hiện là GS đô thị học và quy hoạch của Viện Công nghệ Massachusetts. Bà lấy bằng tiến sĩ về quy hoạch vùng và đô thị tại Đại học California ở Berkeley (Mỹ) năm 2002 với nghiên cứu “Tạo dựng thị trường: những cơ chế hỗ trợ thị trường phát triển đất đô thị TP.HCM”.

Các dự án của Annette Kim tại TP.HCM: Tuyến đi bộ du lịch trung tâm TP.HCM, Giám khảo cuộc thi quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (2007-2008), Đánh giá hoạt động thị trường bất động sản và áp lực đất đai tại TP.HCM - Dự án của Ngân hàng Thế giới - 2000-2001, thành viên nhóm nghiên cứu quy hoạch Nam Sài Gòn (1996). Bà đã xuất bản sách Học làm kinh tế tư bản: Các doanh nhân VN trong nền kinh tế chuyển đổi (Nxb Đại học Oxford, 2008), Thành phố vỉa hè: Lập bản đồ không gian công cộng TP.HCM (Nxb Đại học Chicago, 2014), Đời sống vỉa hè Sài Gòn (Nxb Dân Trí và Nhã Nam, 2021).

 Cắt tóc trên vỉa hè. Ảnh do Annett M. Kim chụp

 

TRỊNH TƯỜNG LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023

;