Tóm tắt: Di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ thời Lê sơ, Trần, Nguyễn được khắc trên bia, khánh, chuông, hoành phi, câu đối cùng với thư tịch sách về địa lý, lịch sử, văn học, văn hóa, tín ngưỡng không chỉ là kho tàng văn hóa quý giá, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện sự sáng tạo và bản sắc riêng của người dân nơi đây. Những tài liệu này đa dạng và phong phú hiện đang lưu giữ ở thư viện trong nước và các đình, chùa, bảo tàng, các di tích lịch sử... của Tuyên Quang. Đây là bức tranh phản ánh sinh động về văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của các dân tộc tại Tuyên Quang được gìn giữ qua bao thế hệ, gắn liền với lịch sử dân tộc, dân làng, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Bài viết thống kê số liệu sắc phong tại Tuyên Quang, từ đó nêu lên đặc điểm và giá trị của những tư liệu này trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương.
Từ khóa: tín ngưỡng thờ thần, sắc phong, Hán Nôm, Tuyên Quang.
Abstract: The Sino - Nom heritage in Tuyen Quang province from the Early Le, Tran, and Nguyen dynasties, inscribed on steles, plaques, bells, horizontal lacquered boards, parallel sentences, along with books on geography, history, literature, culture, and beliefs, is not only a precious cultural treasure but also a bridge between the past and present, demonstrating the creativity and unique identity of the local people. These diverse and rich documents are currently preserved in domestic libraries, communal houses, temples, museums, and historical sites of Tuyen Quang. This vividly reflects the culture, beliefs, and customs of the ethnic groups in Tuyen Quang, preserved through generations, closely linked to national and village history, and of great significance in educating the younger generation about the nation’s history, traditions, and cultural identity. The article compiles statistics on royal decrees in Tuyen Quang, thereby highlighting the characteristics and values of these documents in preserving and promoting the local people’s religious and cultural beliefs.
Keywords: worship of deities, royal edicts, Sino - Nom, Tuyen Quang.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam. Trong lịch sử, Tuyên Quang có vị trí chiến lược trọng yếu, được xem như vùng đất phên giậu ở phía Bắc của kinh thành Thăng Long. Đây là vùng đất cổ được khai phá từ lâu đời có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam và là nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nên có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thống kê, tổng hợp các công trình Di sản hán Nôm - Thư mục đề yếu do Trần Nghĩa và François Gros đồng chủ biên (Viện Hán Nôm và Viện Viễn Đông Bác cổ biên soạn), công trình Tiếp cận di sản Hán Nôm của Trịnh Khắc Mạnh (2016) và khảo sát điền dã tại tỉnh Tuyên Quang có thể thấy hiện còn lưu giữ sắc phong, thần tích phân bố ở các huyện Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hùng Quang, Vị Xuyên và thị xã Tuyên Quang. Đây là minh chứng cho tín ngưỡng của người dân địa phương với các vị thần bảo hộ và sự công nhận của triều đình đối với các thần linh hoặc các vị anh hùng trong lịch sử hoặc các vị anh hùng có công bảo vệ nhân dân địa phương, đồng thời thể hiện sự kết nối giữa quyền lực trung ương với các cộng đồng địa phương.
1. Sự phân bố sắc phong trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Sắc phong là những văn bản do triều đình phong kiến ban hành nhằm phong thần, phong tước hoặc công nhận công lao, uy danh của các vị thần, nhân vật lịch sử hay những người có công với đất nước, vùng đất hoặc cộng đồng. Thông thường mỗi đạo sắc phong gồm những nội dung địa chỉ thờ thần, tên gọi của thần, lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (trung đẳng thần, thượng đẳng thần...), trách nhiệm của thần đối với dân sở tại và sự tôn kính, thờ cúng của người dân đối với thần và cuối cùng là ghi ngày tháng, niên đại ban sắc.
Trên địa bàn các huyện như Hàm Yên, Sơn Dương... của tỉnh Tuyên Quang, sắc phong thường mang giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh đặc biệt, gắn liền với các ngôi đình, đền, chùa, miếu và các lễ hội truyền thống. Khảo sát các di tích của Tuyên Quang, chúng tôi thấy có số lượng sắc phong được phân bố theo từng địa phương như sau:
Huyện Sơn Dương có 16 sắc phong chủ yếu phân bố tại xã Lương Viên, Khổng Xuyên, Quang Tất, Quang Thiêm. Nội dung chủ yếu sắc phong cho các vị thần như: Quy Minh Tôn Thần, Chiêu Ứng Anh Thông, Cao Sơn, U Sơn, Ất Sơn, thể hiện tín ngưỡng thờ thần sông, thần núi phổ biến. Việc xuất hiện nhiều lần sắc phong cho một vị thần qua các triều đại khác nhau (triều vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định), chứng tỏ triều đình rất coi trọng tín ngưỡng thờ thần của các địa phương.
Thành phố Tuyên Quang có 2 sắc phong, trong đó miếu Đồng Xuân là trung tâm thờ thần quan trọng và sắc phong dành cho Giám Thương Cảnh Thạch Công Chúa tôn thần và Tế Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Trung đẳng thần, cho thấy sự kết hợp giữa tín ngưỡng bản địa và ảnh hưởng của triều đình.
Huyện Hàm Yên gồm 4 sắc phong phân bố ở xã Nhân Mục, Nghiêm Sơn, Hoàng Sơn, Từ Thủy và là nơi có nhiều sắc phong lâu đời nhất (từ năm 1629, thời Lê) phong cho vị thần tài đức vẹn toàn là “Thần Mô Sơn linh ứng Đại vương” và nó phản ánh bề dày lịch sử thờ thần của vùng này. Nội dung các sắc phong cho các vị thần như Mô Sơn Linh Ứng, Dực Hựu, Hiển Huệ, Đôn Nhân thể hiện sự tôn kính đối với các bậc thần linh bảo hộ dân làng.
Sắc phong là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu hệ thống phong thần và chính sách của các triều đại đối với tín ngưỡng dân gian, giúp xác định sự hiện diện lâu đời của các vị thần và mối liên hệ giữa tín ngưỡng bản địa với chính quyền phong kiến. Những sắc phong cho các vị thần của Tuyên Quang này góp phần bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ thần của địa phương, đặc biệt là thờ các vị thần bảo hộ, thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian và tư tưởng Nho giáo khi triều đình sắc phong và chính thức công nhận các vị thần.
2. Đặc điểm của sắc phong Tuyên Quang
Sắc phong là loại văn bản quan trọng do triều đình phong kiến ban hành nhằm sắc phong, công nhận hoặc tôn vinh các vị thần trong tín ngưỡng dân gian. Đặc điểm của các sắc phong và vị thần được thờ ở Tuyên Quang có thể chia thành các nhóm chính:
Nhóm 1: các thần núi, thần sông (Sơn thần, Thủy thần) thời Hùng Vương, như: Cao Sơn Tôn Thần (Hiệp Linh Phù Chính Phu Uy Đôn Tĩnh Hùng Tuấn thượng đẳng thần), Quy Minh Tôn Thần, U Sơn (Hòa Minh Đôn Tĩnh Hùng Tuấn chi thần), Ất Sơn (nguyên tặng là An Thuận Hùng Phong Tĩnh Trĩ). Điều này phản ánh tín ngưỡng thờ tự thiên nhiên phổ biến trong dân gian.
Nhóm 2: những vị thần bảo hộ, có công với đất nước như: Như Hiệp Linh Phù Chính Phu Uy Đôn Tĩnh Hùng Tuấn, Chí Trung Đại Nghĩa Phong Huân Vĩ Liệt Hiển Linh Trác Vĩ. Trong đó, Trần Hưng Đạo là nhân vật lịch sử triều Trần, vị tướng tài 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, có công bảo vệ nhân dân và được nhân dân tôn thần và lập đền thờ khắp các nơi trên cả nước. Tại Tuyên Quang, đền Kiếp Bạc (đền Tam Kỳ) là đền thờ lớn nhất về Trần Hưng Đạo và nhiều đền thờ khác thờ ông. Các đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn cho Hội Phúc Thọ ở đền Kiếp Bạc tại thành phố Tuyên Quang cho thấy sự tôn thờ và kính ngưỡng của nhân dân đối với vị anh hùng dân tộc:
Sắc phong 1:
Phiên âm: “Sắc Hưng Đạo tôn thần nguyên tặng Chí Trung Đại Nghĩa, Lễ Huân Vĩ Liệt, Hiển Linh thượng đẳng tôn thần, hộ quốc tì dân, nẫm trứ linh ứng tiết, mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng, cảnh mệnh diến miện thần hưu, khả gia tặng Chí Trung Đại Nghĩa Lễ Huân Vĩ Liệt, Hiển Linh Trác Vĩ Thượng đẳng tôn thần. Nhưng chuẩn Mỹ Lộc huyện Bảo Lộc xã y cựu phụng sự, thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Tự Đức tam niên thập nhị nguyệt thập thất nhật”.
Dịch nghĩa: Sắc phong cho “Hưng Đạo tôn thần” nguyên tặng “Chí Trung Đại Nghĩa, Lễ Huân Vĩ Liệt, Hiển Linh thượng đẳng tôn thần”, có công giúp nước trợ dân, nhiều lần tỏ linh ứng, được các đời ban cấp sắc, cho phép phụng thờ. Tới nay trẫm kế nối mệnh lớn, nhớ tới công lao của thần, gia tặng “Chí Trung Đại Nghĩa Lễ Huân Vĩ Liệt, Hiển Linh Trác Vĩ Thượng đẳng tôn thần”, cho phép xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc phụng thờ thần như cũ, thần hãy bảo hộ cho lê dân của trẫm.
Kính cẩn vâng theo.
Ngày 17 tháng 12 năm Tự Đức thứ 3 (1850)
Sắc phong năm Tự Đức thứ 3 (1850), đền Hạ
Sắc phong 2:
Phiên âm: “Sắc Tuyên Quang tỉnh, Phúc Hòa hội phụng sự “Trần Triều Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo tôn thần, hộ quốc tì dân, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mong ban cấp sắc văn, tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miến niệm thần hưu trứ phong vi Chí Trung Đại Nghĩa Phong Huân Vĩ Liệt Hiển Linh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, đặc chuẩn y cựu phụng sự thần, kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Duy Tân ngũ niên nhuận lục nguyệt sơ bát nhật”.
Dịch nghĩa: Sắc ban cho Hội Phúc Hòa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thờ phụng Quốc Công Nhân vũ Hưng Đạo tôn thần trần Triều đã giúp nước cứu dân, nghiệm rõ linh ứng; từ trước đến nay vẫn chưa được ban tặng sắc phong. Nay thuận theo nghiệp lớn, nhận rõ ý nghĩa sâu xa về sự giúp đỡ của thần nên phong là Chí Trung Đại Nghĩa Phong Huân Vĩ Liệt Hiển Linh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần, được phép thờ phụng như cũ, thần sẽ giúp đỡ và chở che cho muôn dân của ta.
Kính cẩn vâng theo.
Ngày 8 tháng 6 năm Duy Tân thứ 5 (Tân Hợi, 1911)
Sắc phong năm Duy Tân thứ 5 (1911), đền Kiếp Bạc (đền Tam Kỳ)
Ngoài ra, còn có sắc phong đền Cảnh Sanh (1912), thờ phụng vị “tôn thần Hưng Đạo triều Trần có công giúp nước cứu dân, nghiệm rõ linh ứng; từ trước đến nay vẫn chưa được tặng sắc phong. Nay thuận theo nghiệp lớn, nhận rõ ý nghĩa sâu xa về sự giúp đỡ của thần nên phong tặng là Chí Trung Đại Nghĩa Phong Huân Vĩ Liệt Hiển Linh Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần” (1).
Vào năm Khải Định thứ 9 (1924), triều đình lại sắc phong cho Hội Phúc Hòa ở đền Kiếp Bạc, phố Tam Kỳ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thờ phụng vị thần Trần Triều Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Tôn Thần vốn đã được tặng Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng Trần Triều Thượng tướng Hưng Đạo Đại vương Thượng đẳng thần được hưởng “Lễ Long đăng trật, cho phép thờ phụng như xưa, để nhớ lấy dụng ý của nước tỏ rõ ghi trong tự điển”.
Sắc phong năm Khải Định cửu niên (1924) tại đền Kiếp Bạc
Như vậy, các sắc phong về vị tướng Trần Hưng Đạo đều thống nhất với ghi chép trong lịch sử là có công giúp nước, trợ dân, nghiệm rõ linh ứng và được tôn thần thờ phụng.
Nhóm 3: các vị thần có nguồn gốc truyền thuyết, tín ngưỡng bản địa, như: Mô Sơn linh ứng Đại vương, Giám Thương Cảnh Thạch công chúa.
Vị thần Mô Sơn linh ứng Đại vương theo quan niệm của các vương triều có sức mạnh trừ tà, bảo hộ dân, được triều đình nhà Lê phong sắc các năm Đức Long nguyên niên (1629) là “Mô sơn linh ứng, dực hựu, hiển huệ, đôn nhân tá thánh, tường lãng, hoằng phúc, phu khánh, chiêu hóa, bảo quốc, phổ huệ, trợ chính Đại vương”, Vĩnh Thọ nguyên niên (1658) được phong là “Mô sơn linh ứng, dực hựu, hiển huệ, đôn nhân tá thánh, tường lãng, hoằng phúc, phu khánh, chiêu hóa, bảo quốc, phổ huệ, trợ chính, dực thiện, minh diệu Đại vương”; Cảnh Hưng thứ 44 (1783) phong là “Mô sơn linh ứng, dực hựu, hiển huệ, đôn nhân tá thánh, tường lãng, hoằng phúc, phu khánh, chiêu hóa, bảo quốc, phổ huệ, trợ chính, dực thiện, minh diệu, minh dụ, tường thông, chương cảm Đại vương”.
Đến triều Nguyễn, hầu như các vua đều sắc phong cho Thần Mô Sơn linh ứng Đại vương: Gia Long năm thứ 9 (1810) lại được gia tặng là “Sùng Hi, Tích Hỗ, Chiêu Tường Đại vương”; Minh Mệnh năm thứ 2 (1821) lại được gia tặng “Hiệu chính chi thần” cho phép ba xã Hoàng Sơn, Nghiêm Sơn, Từ Tuyền thuộc huyện Phúc Yên (2) thờ phụng như cũ; Thiệu Trị thứ 4 (1844) lại gia tặng là “Hiệu chính, Trợ linh chi thần”; năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) lại phong tặng “Hiệu chính, Trợ linh, Hùng trĩ chi thần”; Tự Đức thứ 3 (1850) gia phong “Hiệu chính, Trợ linh, Hùng trĩ, Tú nghi chi thần”; Tự Đức thứ 33 (1880) vào dịp mừng thọ Vua Tự Đức 50 tuổi (1878) gia phong “Hiệu chính, Trợ linh, Hùng trĩ , Tú nghi Mô Sơn chi thần”; Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) gia tặng “Dực Bảo Trung hưng chi thần”; Duy Tân năm thứ 3 (1909) sắc chỉ cho ba xã Điền Sơn, Nghiêm Sơn, Từ Thuỷ thuộc huyện Hàm Yên, Tuyên Quang phụng thờ thần là “Sùng hi, Tích hỗ, Hiển tường, Hiệu chính, trợ linh, Hùng trĩ, Tú nghi, Dực bảo, Trung hưng Mô Sơn Linh ứng”; Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng là “Tủng Bạt Trung đẳng thần”.
Từ nội dung các sắc phong trên có thể thấy sự đa dạng, phong phú trong tín ngưỡng dân gian về các vị thần được phong tặng trong hệ thống sắc phong của Tuyên Quang, bao gồm các vị thần gắn với truyền thuyết, nhân vật lịch sử, hoặc thần bản địa có công với dân với nước. Ví dụ, sắc phong cho Quy Minh Tôn Thần, Cao Sơn Tôn Thần hay các sắc phong cho những vị thần bảo hộ làng xã, sắc phong ở đền Kiếp Bạc, thành phố Tuyên Quang cho Hưng Đạo Vương... Các đạo sắc phong tại Tuyên Quang có những đặc điểm gắn liền với các nơi có đình, đền, miếu tại địa phương, như: đền Kiếp Bạc, đền Hạ, đền Thượng, đền Cảnh Sanh, đền Ỷ La, đền Ghềnh Quýt; đình xã Quang Tất, xã Nghiêm Sơn, xã Xuân Hòa; miếu Đồng Xuân... Mỗi sắc phong không chỉ thể hiện sự công nhận của triều đình mà còn cho thấy sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với thần linh. Các sắc phong thường được ban cho các đình, đền, miếu thờ tại địa phương, phản ánh nét đặc trưng tín ngưỡng của từng vùng, như sắc phong tại Hàm Yên và Sơn Dương ghi lại những sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với vùng đất, từ đó cung cấp tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử địa phương và quốc gia, phản ánh sự quan tâm của các triều đại phong kiến đối với việc bảo vệ lãnh thổ, an dân, và phát triển vùng đất biên cương phía Bắc. Như vậy, theo số liệu thống kê trên tại các ngôi đình, đền như: đền Bắc Mục, đình Minh Cầm… huyện Hàm Yên là nơi lưu giữ nhiều sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp và những người có công trong vùng. Hay các đền thờ như đền Thượng, đền Hạ huyện Sơn Dương, và các đình làng đều có sắc phong liên quan đến các vị thần được người dân kính trọng như thần núi, thần sông và các anh hùng thời kỳ chống giặc ngoại xâm.
Niên đại ghi trên sắc phong cũng thể hiện sự coi trọng tín ngưỡng thờ thần và sự tiếp nối tính thiêng qua các triều đại. Sắc phong sớm nhất là Long Đức nguyên niên (1629) thời Lê và trải qua nhiều đời vua khác nhau như: Khánh Đức (1650), Vĩnh Thọ (1658), Vĩnh Hựu (1740). Thời Nguyễn tập trung nhiều sắc phong nhất, đặc biệt dưới các triều Vua Tự Đức (1853, 1857, 1879), Đồng Khánh (1887), Duy Tân (1909, 1912), Khải Định (1924) cho thấy quá trình phong sắc kéo dài, xác nhận vai trò quan trọng của các vị thần trong đời sống tín ngưỡng dân gian, đồng thời khẳng định các triều đại phong kiến coi trọng tín ngưỡng thờ thần trong dân gian. Việc triều đình tiếp nối nhau vào các dịp mừng thọ vua, hay khánh tiết sắc phong cho các địa phương thờ thần, chứng tỏ hệ thống thờ các vị thần như Thánh Mẫu, các vị anh hùng trong lịch sử, hay các vị anh hùng trong truyền thuyết tại Tuyên Quang có tính liên tục và không bị gián đoạn. Có những vị thần như Hưng Đạo Đại vương, Mô Sơn linh ứng Đại vương được liên tiếp gia phong trong các triều đại Lê, Nguyễn (Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, Thiệu Trị, Khải Định) đã chứng tỏ vị thế quan trọng của các vị thần trong đời sống dân gian. Hiện nay ở Tuyên Quang còn lưu lại nhiều sắc phong vào thời Tự Đức (1853-1879), Đồng Khánh (1887), Khải Định (1924) phản ánh chính sách củng cố tín ngưỡng thờ thần của triều Nguyễn. Các sắc phong tại Tuyên Quang xuất hiện từ thời Lê sơ, Trần, Nguyễn, kéo dài qua nhiều thế kỷ, phản ánh sự kế thừa và phát triển của tín ngưỡng thờ thần trong dân gian.
3. Giá trị của sắc phong Tuyên Quang trong việc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ thần trong dân gian
Các sắc phong được viết bằng chữ Hán, trên giấy ngũ sắc hoặc vàng, mang giá trị lịch sử, văn hóa và thư pháp cao. Chúng không chỉ là chứng tích về hệ thống thần linh mà còn là tư liệu quan trọng để nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa và hành chính phong kiến. Bởi ngôn từ trong các sắc phong là những văn bản chữ Hán độc lập và mỗi từ trong sắc phong dường như đều là biểu tượng từ ngữ, đó là các mỹ từ chỉ phẩm chất, các hình tượng cao đẹp, mạnh mẽ của các vị thần và đều mang tính thiêng. Những sắc phong này đều là sự xác nhận chính thức của triều đình về sự tồn tại và vai trò của các vị thần trong đời sống tâm linh của người dân tại Tuyên Quang. Điều này giúp tín ngưỡng thờ thần của nhân dân vùng biên được duy trì bền vững qua nhiều thế hệ, từ đời này qua đời khác, trải qua các triều Trần, Lê, Nguyễn.
Sự tồn tại của sắc phong gắn với di tích lịch sử đình, đền, miếu mạo các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang cho thấy lịch sử lâu đời của các di tích. Vì vậy, có thể căn cứ vào những sắc phong này giúp các địa phương có cơ sở để bảo tồn và trùng tu các di tích thờ thần như đình, đền, miếu. Nhờ đó, không gian sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại.
Sắc phong của Tuyên Quang không chỉ là một tài liệu hành chính mà còn mang giá trị giáo dục cao, giúp thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, truyền thống, cũng như lòng tôn kính đối với tổ tiên và thần linh. Các sắc phong có thể trở thành điểm nhấn trong việc phát triển du lịch di sản, giúp quảng bá giá trị văn hóa của Tuyên Quang đến với du khách trong và ngoài nước.
Hệ thống sắc phong tại Tuyên Quang không chỉ có giá trị lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa, mà còn là nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng cần được bảo tồn và khai thác. Việc bảo tồn, số hóa và phát huy giá trị sắc phong sẽ giúp duy trì bản sắc văn hóa địa phương và phát triển du lịch văn hóa - tâm linh trong thời kỳ hiện đại. Những sắc phong này là minh chứng quan trọng về bề dày lịch sử và văn hóa của các huyện, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của chúng là nhiệm vụ thiết yếu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương. Những ngôi đền, miếu, chùa đều được tôn tạo lại ở những nơi địa linh, nhân kiệt, nơi có phong cảnh thiên nhiên hòa hợp, tạo thêm sự linh thiêng cho mỗi một cơ sở thờ tự. Thế nhưng, điều quan trọng hơn hết là qua hệ thống những đền, chùa, miếu mạo cũng như tư liệu văn tự ghi lại trong các di tích, các nhà nghiên cứu sẽ có cơ sở tư liệu tin cậy để đánh giá về tín ngưỡng thờ thần của người dân Tuyên Quang.
Các sắc phong là nguồn tư liệu Hán Nôm quý, giúp nghiên cứu về ngôn ngữ, văn tự, phong cách hành văn của từng thời kỳ, cung cấp dữ liệu lịch sử địa phương, giúp phục dựng các sự kiện, nhân vật, không gian tín ngưỡng xưa. Cho nên chúng ta cần số hóa, dịch thuật sắc phong từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để phổ biến rộng rãi hơn và ứng dụng công nghệ số hóa để bảo tồn tư liệu. Đồng thời, cần xây dựng các tuyến du lịch gắn với đình, đền, miếu có sắc phong, tổ chức các lễ hội dựa trên thần tích và sắc phong để thu hút du khách. Lễ hội Tuyên Quang là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Tuyên Quang, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, cũng như bản sắc văn hóa dân gian. Những ghi chép về lễ hội như hội làng Khuôn Sơn (tổng Đại Đồng, phủ Yên Bình) và hội làng Tình Úc (tổng Bình Ca, Yên Sơn phủ) phản ánh sự phong phú của đời sống tinh thần người dân địa phương. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đưa nội dung các sắc phong vào chương trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa địa phương, tổ chức hội thảo, chuyên đề về giá trị sắc phong tại Tuyên Quang.
Kết luận
Sắc phong Tuyên Quang không chỉ là những tư liệu hành chính của triều đình phong kiến mà còn là di sản văn hóa quý báu, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ thần trong dân gian. Việc nghiên cứu, bảo tồn và khai thác giá trị của sắc phong giúp thế hệ sau hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển du lịch tâm linh và gìn giữ các di tích lịch sử, tín ngưỡng của địa phương. Di sản Hán Nôm này của cha ông không chỉ có giá trị văn hóa và lịch sử mà còn đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Tuyên Quang. Các giá trị này thể hiện rõ qua việc bảo tồn và khai thác di sản văn hóa để phát triển kinh tế du lịch. Bởi lẽ di sản Hán Nôm gắn liền với các di tích lịch sử, đình, chùa, miếu mạo, bia đá, mà những nơi này đang thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế địa phương.
______________________
1. Nhiều tác giả, Địa chí Tuyên Quang, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.1096.
2. Triều Nguyễn, huyện Phúc Yên thuộc tổng Hoành Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Huyện Phúc Yên có 7 xã Hoàng Sơn, Tứ Tuyền, Nghiêm Sơn, Vân Lâm, Nhân Giả, Cam Lâm, Quỳnh Lâm và nay thuộc địa bàn huyện Yên Sơn.
Tài liệu tham khảo
1. Điền Thị Hoa Hồng, Luận bàn về sắc phong thời Nguyễn, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Mở Hà Nội, số 99, 2023, tr.1-8.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 24-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.
NGUYỄN VĂN BỘ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025