“Cành khế ngọt” - Thêm một tác phẩm thử nghiệm của cải lương

Trong không gian trầm lắng như những huyền tích của mảnh đất ngàn năm kinh kỳ, bước qua cửa, bỏ lại những sôi động của đêm phố cổ, người xem như trở lại với không gian xưa, với một thời kỳ phong kiến, nửa thực dân những năm 30 thế kỷ trước của đất nước. Những chiếc chõng tre, ghế tre, những hàng chữ Hán Nôm, những ngọn nến, những chiếc đèn mang màu đỏ cổ xưa… là bối cảnh cho câu chuyện "Cành khế ngọt", tác phẩm nằm trong dự án "Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" của Bộ VHTTDL.

"Cành khế ngọt" với cốt truyện mang nhiều yếu tố bi thương về số phận của những người dân nghèo

Khác với tên gọi là Cành khế ngọt, cốt truyện mang nhiều yếu tố bi thương về số phận của những người dân nghèo bị sự chi phối bởi những chủ đất, địa chủ. Quản Báu ham mê nhan sắc của Khế, nhưng cô đã bỏ qua hắn để đến với tá điền Nền. Tự tạo cho mình một vỏ bọc nhân đức, thương người, nhưng sự thực, Cả Hoành đã dần bộc lộ bản chất khi lòng tham tà nổi lên, và rồi bị Quản Báu dẫn dắt, đầu độc mẹ Khế để cô không thể kết hôn cùng Nền. Anh tá điền Nền bị bày mưu đưa đi làm ăn xa để tiện trừ khử. Khế trở thành cô hầu thuốc phiện cho hắn, biến thành con nghiện, tương lai thành vợ tư của Cả Hoành. Ba người vợ trước của hắn thì hai chết bất đắc kỳ tử không rõ nguyên do, bà Ba điên dại vì mất đi con thơ. Người vợ Ba xinh đẹp tuy điên nhưng vẫn dõi theo những việc làm đê hèn của người chồng…

Nền không chết, quay về lén đưa Khế đi trốn. Nhưng tận nơi đồng rừng xa xôi, họ vẫn không thoát khỏi bàn tay của kẻ ác. Khế chưa cai nổi những cơn nghiện, lại bị Quản Báu bắt về hầu Cả Hoành khi Nền đi kiếm ăn. Đúng lúc gay cấn nhất bà Ba đã cho Khế biết sự thật mẹ mình bị sát hại, Khế lại sắp bị làm nhục, Nền bị đánh tàn tệ thì bà Ba đã đâm chết Cả Hoành trong một cơn điên loạn vì thù hận. Họ, người bị bắt vào sở cẩm, người vì tưởng đã chết mà bị vứt xác nơi hoang vu… Cách mạng về, mang lại tương lai mới cho Khế, Nền, cho hàng ngàn những số phận đau khổ, tưởng không lối thoát.

Khán giả ngồi ghế tre, nhâm nhi chút quà điểm tâm cùng trà ngon để xem diễn biến của vở diễn

Không có sân khấu, khán giả ngồi ghế tre, nhâm nhi chút quà điểm tâm cùng trà ngon bên chõng tre để xem diễn biến của vở diễn. Các diễn viên đi ra từ hai bên hông, từ ngoài cửa vào. Không khí được tạo dựng rất phù hợp không gian chung và tiếng đàn, lời ca cùng diễn xuất khá tốt của lớp diễn viên trẻ  đẹp thuộc Đoàn Cải lương Thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thuyết phục được những khán giả của các đêm diễn đầu tiên.

Hy vọng rằng, Cành khế ngọt sẽ chiếm trọn được tình yêu của những khán giả trẻ. Họ sẽ yêu phong vị vừa cổ kính vừa hiện đại, yêu một hình thức nghệ thuật vừa truyền thống vừa giàu tính cách tân như tác phẩm này.

Cảnh Cả Hoành bộc rõ ác tâm

Vở diễn do TS, NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) làm đạo diễn cùng với ê-kíp sáng tạo: Âm nhạc- NSND Trọng Đài; Thiết kế mỹ thuật- Họa sĩ Hoàng Duy Đông; Phục trang- Ỷ Vân Hiên; Biên đạo múa- Nông Lê Phương; Âm thanh- NSƯT Tiến Dũng, NSƯT Văn Ninh; Ánh sáng- Trung Chính, Việt Hùng; Trợ lý đạo diễn - NSƯT Dạ Ngọc Hương; Phụ trách điều hành- NSƯT Trần Quang Khải.

Quản Báu mua chuộc Khế

Đạo diễn, TS, NSND Triệu Trung Kiên tâm sự: “Việc đầu tư dàn dựng, công diễn vở Cành khế ngọt cũng là dịp để Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày và định hướng phong cách nghệ thuật của mình, quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật Cải lương Việt Nam - một loại hình nghệ thuật truyền thống, mang đặc trưng của tự sự phương Đông nhưng kết hợp tài tình với nghệ thuật sân khấu phương Tây nhằm mục đích tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ, để bảo tồn và phát huy cao độ nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam”.

NSND Triệu Trung Kiên với tư cách vừa là biên kịch, vừa tự tay dàn dựng nên đã tự đặt tác phẩm của mình thuộc thể loại Nhạc kịch – Cải lương. Đây là một sự thử nghiệm táo bạo của một nghệ sĩ  luôn sáng tạo không ngừng, sẵn lòng bứt phá. Hình thức nghệ thuật nào cũng phải phát triển, thay đổi để thích ứng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, của thẩm mỹ giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Cải lương cũng vậy và người yêu sân khấu luôn chờ đợi những sáng tạo mạnh mẽ như “Cành khế ngọt”.

Khế và Nền trong vở diễn

Tuy còn có những điểm chưa thật sự chỉn chu do thời gian tập luyện trên thực tế địa điểm diễn không nhiều, do diễn viên chưa hoàn toàn làm chủ được không gian diễn, nhưng đây là một trong những sản phẩm thành công trong chuỗi các tác phẩm do Bộ VHTTDL đặt hàng các đơn vị trung ương trên địa bàn Hà Nội. Hy vọng tương lai không xa, những sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi tới với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

NGỌC BẢO

;