Cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Tình trạng bỏ việc, nghỉ việc, chuyển việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nguyên nhân của vấn đề đó là do mức thu nhập thấp, đồng thời mức lương cơ bản từ năm 2019 đến nay vẫn chưa tăng. Đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận tại Hội trường Quốc hội vào hai ngày 27 và 28-10.

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) phát biểu 

Cần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức

Đề cập về tình hình cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc, đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cho rằng nguyên nhân chủ yếu: thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đối với viên chức, ngành Giáo dục phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, dẫn đến áp lực công việc quá lớn.Thứ hai là đối với lực lượng công nhân lao động nhập cư, làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở chỗ học cho con, do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Thứ ba, thời gian gần đây nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí,... tăng liên tục, trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay đã ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, do ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch COVID-19, mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

2,5 năm dịch bệnh vừa qua đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và chuyển việc. Bình quân mỗi năm có khoảng 15.800 người nghỉ việc và chuyển việc. Số nghỉ việc và chuyển việc trong ngành Giáo dục hơn 16.400 người, trong ngành Y tế là 12.198 người. Đây là một vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái đưa ra biện pháp: cần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản, cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, nhiều đại biểu đã nêu vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc là do thu nhập thấp.

Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc là do thu nhập thấp

Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều ở trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh ập đến thì vất vả nhất là các trạm y tế xã, phường. Các đơn vị này vốn đã ít người lại vừa phải đảm trách nhiệm vụ của 19 chương trình mục tiêu, vừa phải tỏa đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng vaccine,… nhưng trong khi đó lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân do tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh. Mặt khác, môi trường làm việc chưa thực sự tạo cơ hội để cho nhân viên y tế cống hiến hết mình, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề cập đến thực trạng và nguyên nhân giáo viên nghỉ việc thời gian qua

Phát biểu tranh luận tại hội trường chiều 27-10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề cập đến thực trạng và nguyên nhân giáo viên thôi việc nghỉ việc thời gian qua… Đại biểu khẳng định nguyên nhân của giáo viên nghỉ việc không chỉ do việc giáo viên chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục.

Theo số liệu đầy đủ của cả bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng thông tin tập hợp từ Cục Nhà giáo cho thấy, số lượng giáo viên nghỉ việc hoàn toàn là số giáo viên chuyển ra khỏi ngành Giáo dục, họ chưa có số liệu về khối công lập chuyển sang tư thục.

Về nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng có vấn đề về lương, có vấn đề về áp lực công việc, có vấn đề liên quan tới việc giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới… Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng sắp tới ngành Giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện môi trường làm việc của giáo viên…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới

Giải đáp những ý kiến băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm diễn ra đại dịch là thách thức chung của nhiều quốc gia trên thế giới, như tại Anh, Pháp, Mỹ, Úc. Các nước trong khối ASEAN cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nguyên nhân là do Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu. Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.

Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động. Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta. Đồng thời, tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư.

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã nêu ra  giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, đó là cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn: Tăng lương cho giáo viên, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên

Trả lời ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chính là 2 vấn đề nổi cộm mà ngành GDĐT đang gặp phải. Trong đó, về việc thiếu giáo viên, theo tính toán, từ nay đến năm 2026 sẽ cần phải bù đắp, bổ sung là 107.000 giáo viên. Con số có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.

“Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9-2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9-2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9-2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9-2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu”, Bộ trưởng cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT có thể nói do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên. Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do biến động dồn dịch về dân số; do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi; thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày; thiếu do chuẩn về tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để đảm bảo chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học.

Bộ trưởng Bộ GDĐT giải đáp ý kiến của các đại biểu Quốc hội

Thiếu giáo viên còn do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê thì chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu 26.228 giáo viên để đảm bảo cho các môn.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Bộ trưởng cho biết, trong số 65.000 chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành Nội vụ phối hợp để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024. Bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn và nếu sau năm 2024, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa.

Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non để giải quyết tình trạng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. “Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%. Nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở”.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

 

 

;