Cách mạng Tháng Tám, thành quả của ý chí tự lực tự cường và bài học ngày nay

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cách đây hơn 76 năm, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đó là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường của cả dân tộc Việt Nam do Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo, thể hiện ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước. Ngày nay, hơn lúc nào hết, chúng ta phải ra sức phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 19/8/1945

Ảnh tư liệu TTXVN

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể, cội nguồn của thắng lợi

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cả dân tộc Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, nam, nữ già trẻ, dân tộc, tôn giáo, triệu người như một, nhất tề vùng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.

Thời gian xa dần, nhưng chúng ta vẫn nhìn rõ tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cách mạng Tháng Tám lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (1).

Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam,  với đặc trưng nổi bật là Nhà nước dân chủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân xây dựng; củng cố chính quyền. Một tháng kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh" (2).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học hết sức quý báu. Một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã tập hợp mọi lực lượng, mọi tầng lớp nhân dân tạo ra sức mạnh vô song thắng thù trong, giặc ngoài, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ bài học đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trong suốt 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã dựa vào nhân dân, khơi dậy và tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến tháng lợi khác .

Một nét đặc sắc trong Cách mạng Tháng Tám là Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta phát huy tinh thần tự lực, tự cường “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

 

Tranh cổ động của Yên Khánh

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường hôm nay

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc càng đòi hỏi chúng ta phải phát huy sự chủ động cách mạng và tinh thần tự lực tự cường. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch. Có như vậy, mới xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và mở rộng quan hệ quan hệ kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Tất cả những vấn đề nêu trên sẽ trở thành hiện thực khi chúng ta tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bởi, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và nhân dân là trung tâm, là chủ thể, cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới. Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan niệm mới về động lực và nguồn lực phát triển đất nước: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa Việt Nam” (3). Phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng, tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề hơn khi bước vào nhiệm kỳ khóa XIII. “Không thế lực nào có thể ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới”.

Năm nay, kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, trong bối cảnh cả nước đang chung sức, đồng lòng chống “giặc COVID -19”… Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và hoàn thành thắng lợi kế hoạch của cả nhiệm kỳ; triển khai hiệu quả "nhiệm vụ kép", vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chuyên đề “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nhằm khơi dậy quyết tâm, nghị lực của dân tộc để phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu của Bác Hồ đưa đất nước bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Hào khí Cách mạng Tháng Tám mùa thu năm 1945 là cội nguồn sức mạnh để chúng ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đưa Việt Nam tiến những bước nhanh, bền vững, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 25, 26.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.21.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 34.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Thanh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

;