Các mục tiêu trong chính sách gia đình ở châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

So với các nước châu Á, dân số châu Âu ngày càng có xu hướng giảm, điều này khiến các nhà cầm quyền lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững quốc gia. Mặt khác, họ còn mong muốn hướng tới xây dựng gia đình phát triển toàn diện, quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Chính điều này đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách gia đình ở châu Âu đặt ra những mục tiêu nhằm nhấn mạnh, khẳng định tầm quan trọng của giá trị gia đình trong thời kỳ hiện nay.

1. Các mục tiêu trong chính sách gia đình ở châu Âu

Trong chính sách gia đình ở châu Âu, vấn đề tôn trọng quyền cơ bản của từng thành viên bao gồm quyền riêng tư, quyền kết hôn, quyền dung hòa giữa trách nhiệm gia đình và công việc, quyền của con cái… được nhấn mạnh. Những giá trị đó được khẳng định thông qua những mục tiêu cụ thể:

Một là, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái được quan tâm đặc biệt. Bằng những phương pháp, sự nỗ lực của cha mẹ, con cái có thể trở thành hạt nhân có ích cho sự phát triển của xã hội, tránh được nguy cơ xảy ra những điều đáng tiếc trong tương lai như: sa vào các tệ nạn xã hội, gia đình đổ vỡ. Ở châu Âu, cha mẹ tin rằng, cách để trừng phạt một đứa trẻ mắc lỗi không phải là đòn roi, mà là cho chúng tự vấn cái sai của mình, tạm cách ly khỏi bạn bè, những trò chơi hấp dẫn. Họ cho rằng, nỗi đau đớn về thể xác sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tính cách trong quá trình lớn lên của trẻ. Đối với việc học tập, áp lực từ trường lớp chỉ càng làm cho khả năng sáng tạo và niềm hứng thú của trẻ bị hạn chế. Vì vậy, các bậc cha mẹ luôn được khuyến khích giúp con phát triển toàn diện bằng những tình huống, sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và để cho con tự suy nghĩ, tìm câu trả lời.

Hai là, tăng cường chính sách nhà ở, hỗ trợ tài chính đối với những gia đình gặp khó khăn khi sinh nhiều con hay có nhu cầu đặc biệt khi con ở lứa tuổi vị thành niên. Ở châu Âu ngày nay, xu hướng không kết hôn và không muốn sinh nhiều con ngày càng tăng. Điều đó đe dọa đến sự phát triển kinh tế khi mà số người già tăng nhưng dân số lại giảm. Chính áp lực già hóa dân số khiến chính phủ các nước châu Âu phải tìm ra biện pháp khuyến khích phụ nữ sinh con. Như ở Pháp, trong thập niên đầu TK XXI (khoảng năm 2004 - 2007), trung bình mỗi phụ nữ có 2 con, vượt qua Ireland (1 phụ nữ có 1,9 con), trở thành quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất châu Âu. Để có được điều này, chính phủ Pháp đã áp dụng những chính sách hỗ trợ cho phụ nữ vừa có thể tham gia hoạt động xã hội, vừa có điều kiện tốt để đảm đương công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong khi tại nhiều quốc gia, khu vực chỉ có thể chọn một trong hai. Không những vậy, mỗi phụ nữ sinh con thứ ba còn được hỗ trợ 1000 euro/tháng trong vòng 1 năm. Mặt khác, tăng cường số lượng các trung tâm giữ và chăm sóc trẻ có chất lượng với giá ưu đãi, giảm gánh nặng cho phụ nữ tham gia thị trường lao động cũng được tiến hành. Tuy nhiên, từ 2016 đến nay, cũng như các nước trong khu vực, Pháp lại đứng trước nguy cơ già hóa dân số một cách nghiêm trọng. Theo các chuyên gia dân số, vào năm 2040, cứ 3 người Pháp sẽ có 1 người trên 60 tuổi, tăng gần 2 lần so với tỷ lệ 5/1 như hiện nay. Điều này đặt ra giả thuyết, giới trẻ Pháp ngày càng có xu hướng sống độc thân để tập trung cho sự nghiệp, hoặc chưa muốn bị gò bó bởi kết hôn, hoặc việc sinh con của các cặp vợ chồng gặp nhiều khó khăn về tài chính, không có thời gian để chăm sóc con cái.

Ba là, kết hợp hài hòa giữa cuộc sống gia đình với nghề nghiệp thông qua việc tăng quỹ thời gian nghỉ phép cho cha mẹ và các thành viên trong gia đình, đồng thời cải thiện chế độ sinh đẻ và nhận trông trẻ. Đây là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong chính sách gia đình ở các nước châu Âu. Dù ở bất cứ đâu, châu lục nào, vai trò của người phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái, kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, phụ nữ châu Âu ngày càng được nhìn nhận năng lực làm việc trong thị trường lao động, chính điều này giúp thu hẹp khoảng cách phân biệt đối xử giới. Tuy nhiên, điều đó cũng vô tình làm giảm đi quỹ thời gian dành cho gia đình của họ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ trong tuổi sinh nở ở châu Âu ngại sinh con. Sự lão hóa dân số trở thành mối lo ngại về khả năng cạnh tranh thị trường lao động trong khu vực. Để khuyến khích các cặp vợ chồng yên tâm khi sinh con, chính phủ các nước châu Âu đã đưa ra những chế độ thai sản rất ưu ái, trở thành niềm mơ ước của hàng tỷ phụ nữ sắp và đang làm mẹ ở khắp các châu lục. Như ở Thụy Điển, thời gian nghỉ thai sản có thể kéo dài đến vài năm và được chia sẻ cho cả bố và mẹ. Sản phụ có thể nghỉ ở nhà 7 tuần trước thời gian dự sinh. Cha mẹ có thể ở bên con trong 1-2 năm đầu quan trọng trước khi trở lại công việc. Thậm chí, trước khi trẻ lên 8 tuổi hoặc học xong tiểu học, cha mẹ có thể được giảm ¼ thời gian làm việc. Trong thời gian cha mẹ nghỉ thai sản, họ có thể nhận được 480 ngày trợ cấp của chính phủ, số tiền tương đương 80% thu nhập thực tế trước khi nghỉ. Hay điển hình có Ireland, đây là quốc gia có chế độ ưu đãi tuyệt vời nhất dành cho các bà mẹ. Năm 2013, nước này cho ra đời chính sách 5-2-5, cho phép các bà mẹ và ông bố mỗi người đươc nghỉ 5 tháng khi có con. Ngoài ra, họ được nghỉ thêm 2 tháng và 2 người có thể thỏa thuận phân chia với nhau. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có đến 2 năm để sử dụng thời gian nghỉ này và được hưởng 80% thu nhập trong thời gian đó. Như vậy, việc chăm sóc con cái không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm của mẹ, từ đó, họ có thời gian thư giãn và đi làm ngang với nam giới để tăng thêm thu nhập. Đây được xem là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, bởi vấn đề này đã gây ra nhiều bức xúc đối với đa số gia đình ở châu Âu khi áp lực công việc ngày càng nhiều, thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp.

Bốn là, phát triển chính sách gia đình về quỹ thời gian rảnh rỗi thực sự dành cho trẻ em và cha mẹ. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế là những đòi hỏi về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của người lao động, quy luật đào thải ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Lo ngại bị mất hay không theo kịp tiến độ công việc, nhiều phụ nữ phải hi sinh thời gian chăm sóc con để trở lại sớm với công việc. Mặt khác, sự phát triển của giáo dục cũng làm tăng triển vọng về việc làm đối với phụ nữ, cải thiện giá trị của họ trên thị trường việc làm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thời gian dành cho con cái của các cặp cha mẹ bị rút ngắn. Việc cân bằng giữa thời gian chăm sóc con cái và tham gia các hoạt động kinh tế thực sự không đơn giản. Ở Anh, gia đình có bố hoặc mẹ đi làm nghèo hơn ba lần so với gia đình cả bố và mẹ đi làm. Ở Phần Lan, Hungary, phụ nữ được trả lương ba năm khi nghỉ đẻ, ở Đức áp dụng “lương làm cha mẹ” để khuyến khích các bà mẹ ở nhà nuôi con.

2. Những giải pháp phân quỹ thời gian dành cho công việc và gia đình trong chính sách gia đình ở châu Âu, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Để đảm bảo phân bố thời gian giữa gia đình và công việc một cách cân bằng, hài hòa, chính sách gia đình châu Âu xem xét đến hai khía cạnh:

Trước tiên là vấn đề bình đẳng giới trong cơ hội tìm kiếm việc làm. Chính sách gia đình chú trọng tới việc đáp ứng nguyện vọng về quỹ thời gian cho người lao động, đặc biệt là nữ giới. Sự ổn định thu nhập chính là chìa khóa giúp duy trì hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ đã tạo cơ hội làm việc bán thời gian hay thời gian linh hoạt đặc biệt dành cho các bà mẹ có con nhỏ. Công ty Ernst & Young (1) và nhiều công ty kiểm toán khác đã nỗ lực duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với những nhân viên nữ nghỉ đẻ và sau đó sẵn sàng nhận họ trở lại làm việc. Làm việc tại nhà cũng đang thịnh hành khi công việc không quá phụ thuộc vào không gian làm việc. Trong đó, hơn 90% số công ty ở Đức và Thụy Điển cho phép làm việc một cách linh động. Một số công ty đang áp dụng việc phân chia công việc trong tuần theo nhiều cách như mang việc về nhà làm, cho phép nhân viên đến làm việc sớm hơn hoặc muộn hơn và cho phép cặp vợ chồng cùng chia sẻ công việc. Hay Raytheon, một công ty chế tạo hệ thống tên lửa, cũng cho phép nhân viên nghỉ ngày thứ sáu để chăm sóc gia đình, nếu họ làm thêm vào những ngày khác.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích, nâng cao tỷ lệ sinh đẻ trong các gia đình cũng là vấn đề quan trọng. Ở châu Âu, số phụ nữ sống độc thân, dành nhiều thời gian cho sự nghiệp ngày càng tăng, nhiều phụ nữ không chấp nhận hoàn toàn chức năng làm mẹ. Ở Thụy Sỹ, 40% phụ nữ không có con. Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng trẻ trì hoãn thời gian sinh con với lý do công việc. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu về gia đình, những quốc gia nào ở châu Âu tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có cơ hội kết hợp giữa công việc và gia đình hợp lý thì ở đó tỷ lệ sinh đẻ sẽ cao hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, định hướng chung vẫn là tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho việc xây dựng gia đình, trong đó mọi cá nhân có thể sắp xếp quỹ thời gian hợp lý giữa sự nghiệp và hạnh phúc gia đình để đầu tư hiệu quả cho thế hệ tương lai.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Có thể thấy, con cái được đặt ở vị trí trung tâm trong hầu hết các gia đình trên toàn thế giới. Chính vì vậy, thời gian các bậc cha mẹ dành cho con có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách ở trẻ. Đồng thời, vấn đề kinh tế có liên quan mật thiết đến việc chăm sóc tốt cho con cái cũng như giữ gìn hạnh phúc gia đình hiện nay. Không giống các nước châu Âu, tại Việt Nam, chế độ nghỉ phép và hưởng lương của các ông bố trong thời gian vợ sinh con chưa được quan tâm, mặc dù thời gian nghỉ thai sản đối với các bà mẹ khá dài và một nửa các quốc gia trên toàn cầu khuyến khích các bậc làm cha tham gia nhiều hơn trong và sau quá trình con chào đời. Tuy nhiên, thời gian nghỉ thai sản bao lâu là hợp lý còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, “nếu thời gian nghỉ quá ngắn, các bà mẹ có thể muốn ưu tiên cho việc bảo vệ sức khỏe của đứa con và của chính mình, nên chưa cảm thấy sẵn sàng quay trở lại làm việc và có thể bị loại khỏi thị trường lao động vì lý do này. Nhưng thời gian nghỉ quá dài cũng có thể tác động không tốt đến sự gắn bó của phụ nữ với công việc được trả lương và khả năng thăng tiến của họ, cũng như dẫn đến nguy cơ phân biệt đối xử với lao động nữ trong quá trình tuyển dụng, mang thai và nghỉ thai sản. Đó là một con dao hai lưỡi!” (2). Ngoài ra, “việc công nhận quyền làm cha của nam giới cũng như trách nhiệm của họ phải san sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình (những công việc không được trả lương) sẽ giúp xóa bỏ những quan điểm xã hội truyền thống và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc và tại gia đình” (3). Vai trò, trách nhiệm của cả cha và mẹ đều cần được chú trọng và cân bằng là điều rõ ràng, tuy nhiên, tại nước ta hiện nay, điều này vẫn còn khá chênh lệch khi phụ nữ vẫn phải hy sinh công việc và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp vì gia đình chiếm tỷ lệ cao. Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh tới sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động và việc thực hiện các chính sách, dự án về gia đình. Việc bấp bênh, thiếu tự chủ trong kinh tế của phụ nữ sau sinh ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia đình mất ổn định. Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm Xã hội, từ ngày 1-1-2016, lần đầu tiên nhiều chế độ đãi ngộ dành cho nam giới khi vợ sinh con được áp dụng. Đây chính là cơ hội để các cặp cha mẹ cùng chăm sóc con cái và san sẻ những công việc trong gia đình, giảm gánh nặng, áp lực lên vai người phụ nữ, giúp họ có thời gian cho thư giãn và công việc.

_______________

1. Một trong những công ty hàng đầu thế giới cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn thuế, tư vấn doanh nghiệp và tư vấn giao dịch tài chính.

2, 3. Theo Gyorgy Sziraczki - giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam.

 

Tác giả : Ngô Huyền

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

;