Ca sĩ Nguyễn Thu Hằng - "Một lòng" với dòng nhạc dân gian

Là Quán quân trẻ nhất trong lịch sử cuộc thi Sao Mai, Nguyễn Thu Hằng đã chọn và kết duyên với dòng nhạc dân gian mang đậm nét mộc mạc, giản dị nhưng tinh tế và ngọt ngào. Với nữ ca sĩ sinh năm 1995, theo đuổi dòng nhạc dân gian là giữ gìn và phát huy dòng nhạc truyền thống, để nó ngày càng phát triển, không bị phai mờ theo năm tháng.

Ca sĩ Thu Hằng trong MV Hồn ngàn thu

Quán quân Sao Mai dòng nhạc dân gian yêu thích ca hát từ khi còn bé, cùng với sự ảnh hưởng của chị gái - ca sĩ Bích Hồng - giải Ba Sao Mai 2011 dòng nhạc dân gian, Nguyễn Thu Hằng đã quyết tâm đến với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi ở độ tuổi 16. Tại ngôi trường nghệ thuật này, Thu Hằng đã được học tập, chỉ bảo tận tình từ cô giáo Phương Nga. Sự nghiêm khắc nhưng đầy tâm huyết của cô giáo đã mang đến cho Thu Hằng những tình cảm ấm áp để từ đó trở thành sự động viên, khích lệ trong suốt quá trình học tập. Thu Hằng chia sẻ, “Cô Phương Nga truyền kiến thức cho các học trò bằng tất cả tâm huyết và sự yêu nghề của mình. Cô luôn dạy: đã làm nghề là phải yêu nghề, hát là phải nắm chắc kỹ thuật, phải hát bằng cảm xúc, hát bằng cả trái tim. Hơn hết cô luôn dạy các trò của mình là phải sống tốt đời đẹp đạo, nghệ sĩ lại càng phải biết sẻ chia thì cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp. Bên cạnh đó cô cũng là người mà Thu Hằng có thể chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Thu Hằng luôn cảm ơn những lời khuyên chân thành từ cô. Với cô Phương Nga, Thu Hằng cảm ơn cô vô cùng và cũng coi cô như người mẹ thứ 2 của mình”. Sau 10 năm học tập, trau dồi, giờ đây Nguyễn Thu Hằng là Thạc sĩ Thanh nhạc, đồng thời là trợ giảng của TS Phương Nga - Phó Trưởng Khoa Thanh Nhạc Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Trước khi đến với dòng nhạc dân gian, Thu Hằng đã từng thử sức với dòng nhạc nhẹ. Nhưng trong quá trình học tập và được nghe chính chị gái mình hát thì Thu Hằng tìm thấy sự yêu thích và đam mê với dòng này. Đồng thời, được NSND Thu Hiền chỉ bảo, uốn nắn, Thu Hằng đã quyết tâm lựa chọn dòng dân gian để theo đuổi và gắn bó. Sự nỗ lực của Thu Hằng đã được khẳng định khi năm 2015 cô giành được ngôi vị Quán quân Sao Mai ở dòng nhạc dân ca với tác phẩm Vọng quốc. Mỗi khi nhớ lại đêm chung kết của cuộc thi, Thu Hằng vẫn cảm thấy dâng trào cảm xúc. Cô cho biết, “Vọng quốc của nhạc sĩ Huỳnh Tú là ca khúc rất khó, mang âm hưởng Tuồng, đòi hỏi nghệ sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc cực kỳ tốt mới thể hiện được. Đây là ca khúc mà NSND Thu Hiền là người chọn cho Hằng, cô rất hi vọng Hằng sẽ làm tốt nhất những gì Hằng học được. Có những lúc, Thu Hằng đã từng khóc vì bất lực khi tập ca khúc này. Trong đêm thi chung kết,bản thân Hằng cũng bất ngờ và không nghĩ mình đã hoàn thành tốt hơn tất cả các buổi tập trước đó. Hằng vẫn còn rất nhớ, lúc đó Hằng đã rất xúc động vì bản thân đã vượt được qua chính mình và may mắn Hằng giành được giải Quán quân Sao Mai 2015. Đó cũng là điều mà Hằng không ngờ tới được. Thu Hằng luôn cảm thấy biết ơn những người thầy, người cô và tất cả mọi người vì luôn đồng hành và yêu thương Hằng đến tận ngày hôm nay”.

Sau thành công tại Sao Mai 2015, Thu Hằng tiếp tục mang đến cho khán giả ca khúc Thương ơi lòng mẹ với những câu từ sâu lắng, đong đầy cảm xúc. Đây là ca khúc NSƯT Phạm Phương Thảo viết tặng Thu Hằng. Cô đã thực hiện MV với những cảnh quay có sự xuất hiện của Thu Hằng và mẹ. MV là những tình cảm của nữ ca sĩ muốn bày tỏ lòng biết ơn đến người mẹ của mình. Tiếp nối, là hàng loạt ca khúc Đừng quên câu dân ca, Lời ca dâng Bác, Nhà em ở lưng đồi, Chim quý trong lồng… và gần đây nhất là Thư gửi con gái, Mùa hoa trở lại, Hồn ngàn thu

Ca sĩ Thu Hằng trong MV Mùa hoa tìm lại

Khi nói về các tác phẩm của mình, Thu Hằng chia sẻ, “Năm 2021 Thu Hằng may mắn ra mắt được hai phim ca nhạc Hồn ngàn thu, Mùa hoa trở lại và phim ngắn Thư gửi con gái. Với hai MV, một nói về người cha, một MV về mẹ, với Hằng là các tác phẩm quý giá và vô cùng có ý nghĩa. Còn với tác phẩm Hồn ngàn thu là câu chuyện kể về người con gái của một liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Để thực hiện mong ước của mẹ mình, cô gái đã từ biệt Mẹ lên đường đi tìm hài cốt của người cha. Trên quãng đường tìm kiếm, cô gái như được “sống” và chứng kiến quá trình hành quân vào chiến trường ngày ấy của người cha. Mỗi một gốc cây là một hình ảnh người chiến sỹ đang chiến đấu. Cô gái đứng giữa rừng với sự thoát ẩn, thoát hiện của bóng hình người chiến sỹ, những đoàn quân năm xưa. Mảnh đất đó chứa đựng linh hồn của những người lính với tiếng vọng từ ngàn xưa dội về. Lịch sử quá khứ về chiến tranh cứ hiện lên theo cảm nhận của cô gái. Qua câu chuyện của một gia đình ta thấy được thân phận của một đất nước một giai đoạn lịch sử, một thời oanh liệt của cả dân tộc”.

Để thực hiện phim ca nhạc Hồn ngàn thu, ca sĩ Thu Hằng đã cùng ê-kíp gần 70 người đã trải qua 10 ngày ghi hình tại các địa điểm ở Quảng Trị như chiến trường Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Nghĩa trang Trường Sơn hay Hang Tám Cô. Đây là bộ phim yêu cầu Thu Hằng thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ tự hào, biết ơn, hi vọng, quyết tâm, đến việc phải bắt kịp được cảm xúc nhân vật. Là một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng chưa từng học diễn xuất, nên Thu Hằng mới đầu khá lo lắng. Nhưng với sự cố gắng và đồng hành của các đạo diễn giàu kinh nghiệm Dương Lan Hương, NSƯT Phùng Lê Anh Minh, mọi lo lắng của Thu Hằng đã được hòa giải. 

Hồn ngàn thu ra mắt đúng ngày 22/12 như một lời tri ân sâu sắc của Nguyễn Thu Hằng nhân dịp ngày truyền thống lịch sử của đất nước, tưởng nhớ và biết ơn đến những anh hùng đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 77 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22/12/1944 - 22/12/2021. Phim ca nhạc này đã được trình chiếu trên đài truyền hình Việt Nam, được các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao. Đó là những lời động viên, khích lệ để ca sĩ Nguyễn Thu Hằng tiếp tục hoàn thiện bản thân, hun đắp và rèn rũa những tác phẩm mới để không phụ lòng mong mỏi của khán giả.

THÁI AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

;