CA KHÚC LÀ GÌ?

 

Ca khúc là danh từ dùng để gọi những tác phẩm âm nhạc được thể hiện bằng giọng người (thanh nhạc). Nó là sản phẩm của một tập thể (ca khúc dân ca), hay do nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác. Ca khúc do hai bộ phận hợp thành đó là âm nhạc và lời ca.

Trong dân gian, tùy theo tính thực hành xã hội mà có nhiều loại ca khúc khác nhau. Có loại gắn với nghi thức tâm linh trong hội hè, nhưng có loại lại gắn với trò chơi, ru con, hay lao động sản xuất.

Trong âm nhạc chuyên nghiệp cũng vậy, do nhu cầu phải phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội, nên ca khúc đã có nhiều dòng với nhiều loại thể khác nhau. Phân chia ca khúc thành nhiều loại khác nhau là việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế đã tồn tại những cách phân loại không giống nhau, bởi góc tiếp cận của từng người với những mục đích khác nhau. Chẳng hạn, có người phân chia theo hình thức cấu trúc âm nhạc, nhưng có người lại phân theo thời kỳ lịch sử, hay theo tiêu chí nghệ thuật, phương thức trình diễn, hoặc chức năng phản ánh, đối tượng phản ánh... Tất nhiên, trong từng cách phân loại ấy đều có những hạt nhân hợp lý, và cũng không thể tránh khỏi những mặt bất cập.

Với dòng ca khúc cách mạng Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường chia thành mấy loại sau:

Hành khúc, là bài hát có tính chất khỏe khoắn, thúc giục, nhịp điệu thường phù hợp với bước đi.

Chính ca, gần giống với hành khúc về đường nét giai điệu, tiết tấu, tính chất âm nhạc, nhưng nội dung mang tính cao cả hơn. Hiểu theo nghĩa rộng thì, chính ca là những bài hát chính thức dùng trong nghi lễ của một quốc gia, một dân tộc, một đoàn thể, ngành nghề nào đó trên phương diện xã hội chứ không phải tâm linh.

Ngợi ca, là những bài hát mà âm nhạc và lời ca phải hòa quyện để tạo ra tính suy tưởng, triết lý, trang nghiêm, nhưng cũng có thể là ngâm ngợi, tự sự, kể chuyện.

Trào phúng, còn gọi là bài hát phóng túng, hay hài hước, là những bài mà nội dung của nó mang tính vui vẻ, thường kế thừa những nét nhạc mang tính hài hước trong sân khấu cổ truyền cũng như lối cấu trúc tiết tấu rất phong phú trong âm nhạc dân gian.

Trường ca, là bài hát dài có tính liên khúc, liên đoạn, mỗi đề tài, nội dung được thể hiện, diễn giải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều đoạn khác nhau và có tính độc lập tương đối về tính chất âm nhạc.

Trữ tình, là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Loại này lại chia thành nhiều dạng: Dạng trần thuật, kể lại những sự việc, câu chuyện, những con người trong cuộc sống hiện hữu thông qua nhân vật tôi - em - chúng ta. Dạng phong cách dân gian, bài hát không phải là bài dân ca nhưng có cảm quan giống bài dân ca. Dạng trữ tình chính luận, tính chất âm nhạc ngâm ngợi nhưng giàu kịch tính, đề tài phải mang yếu tố chính luận với những cảm xúc cá nhân cụ thể, nội dung ca từ có sự đan xen giữa màu sắc trữ tình, sử thi và hơi thở của thời đại. Dạng trữ tình tình ca, là một nhánh nhỏ của dạng ca khúc trữ tình, gồm những bài mà nội dung đề cập tới tình yêu đôi lứa. Dạng nghệ thuật, là tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc khí, ca từ có tính hình tượng, giai điệu phải khai thác được những yếu tố kỹ thuật, kỹ xảo cho giọng hát. Phần đệm phải tôn được vẻ đẹp của giai điệu, lời ca và không phá vỡ tính thống nhất của hình tượng âm nhạc.

Như vậy, dù được phân chia thành nhiều loại, dạng khác nhau, nhưng nhìn chung trong ca khúc thì yếu tố giai điệu phải được đặt lên hàng đầu. Giai điệu vừa có sự hoàn chỉnh về hình tượng âm nhạc, mang tính độc lập, nhưng vừa có sự liên kết chặt chẽ với lời ca trong một tổng thể cấu trúc hoàn chỉnh.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 307, tháng 1-2010

Tác giả : Dương Anh

;