BIỂU TRƯNG HOA TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT

Biểu trưng (symbolization) là một phương pháp con người sử dụng để bộc lộ những nhu cầu nhận thức của mình dưới dạng cảm nhận sự vật khách quan thông qua hình ảnh. Nhờ có biểu trưng, con người tạo ra thế giới của những cảm nhận và tưởng tượng. Hình ảnh hoa mang nhiều giá trị biểu trưng cho cái đẹp, sự tinh khiết trắng trong, phẩm chất cao quý, sức sống mạnh mẽ và tình yêu, hạnh phúc. Trong ca dao Việt Nam, hoa vừa mang ý nghĩa biểu trưng riêng của các loài hoa, vừa mang ý nghĩa biểu trưng trong mối quan hệ với các đối tượng khác.


1. Cơ sở biểu trưng của hoa trong ca dao

Hành động biểu trưng hóa được thực hiện dựa vào các vật cụ thể để biểu trưng (biểu trưng hóa vật thể) cho một cảm nhận, tình cảm hoặc thái độ đánh giá như: hòn Vọng Phu biểu trưng cho lòng chung thủy vợ chồng, ông Táo biểu trưng cho việc quản gia. Bên cạnh đó, có thể sử dụng ngôn ngữ để biểu hiện nghĩa biểu trưng (biểu trưng hóa ngôn ngữ) bằng cách tạo ra những biểu thức ngôn ngữ chứa đựng nghĩa biểu trưng. Cụm từ “liễu yếu đào tơ” biểu trưng cho người con gái trẻ, mảnh dẻ, yếu ớt; “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” biểu trưng chỉ kẻ giả nhân giả nghĩa… Những biểu thức ngôn ngữ chứa đựng nghĩa biểu trưng thường là cái biểu hiện, những khái niệm trừu tượng, sự kiện không quan sát trực tiếp được.

Trong thế giới cảm nhận của con người, hình ảnh hoa mang nhiều giá trị biểu trưng. Trong ca dao cổ truyền người Việt, hình ảnh hoa cũng mang đậm những hương vị, sắc màu, giá trị mới. Quá trình dịch chuyển từ thế giới sự vật trở thành thế giới cảm nhận của con người qua biểu trưng hoa trong ca dao là kết quả của cả một quá trình quan sát, trải nghiệm, tích lũy… để có được những cơ sở nhất định. Nói cách khác, tương quan giữa hoa trong thế giới khách quan và từ hoa trong ca dao xuất phát từ 4 cơ sở sau:

Trước hết, xuất phát từ chính đặc điểm sinh học của hoa. Khi một loài cây ra hoa, đó là sự đánh dấu thời kì sung mãn, đẹp nhất của đời cây. Đây cũng là thời kì sinh trưởng của cây để hình thành trái ngọt. Chính vì vậy, hoa là hiện thân của cái đẹp, sự sống, vạn vật khi bước vào thời kì trưởng thành. Thứ hai, đời cây có thể rất dài nhưng đời hoa lại ngắn ngủi. Hoa chỉ sống một thời gian ngắn rồi nhường lại cho quả ra đời. Bởi vậy, hoa trở thành biểu trưng của cái đẹp nhưng ngắn ngủi như người con gái đến thì, xuân sắc, rực rỡ. Thứ ba, nếu cây lá có một sức sống mạnh mẽ thì hoa lại mong manh yếu đuối. Nguyễn Trãi xưa đã từng nói: “Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi”. Quả thật, xét trong mối quan hệ với thế giới cây cỏ, hoa chỉ là thực thể thụ động, yếu đuối, đời hoa chóng tàn, càng chóng tàn hơn nếu gặp phải điều kiện không thuận lợi như mưa gió thất thường hay thiếu sự chăm sóc. Bởi vậy, dân gian đã nhắc nhở: “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, nâng cẩn thận, hứng nhẹ nhàng mới có thể giữ được vẻ đẹp cho hoa. Cuối cùng, cái đẹp của hoa là cái đẹp hội tụ cả sắc và hương, là tinh túy của cây lá, vũ trụ, bởi vậy con người yêu hoa, quý hoa. Mỗi loài hoa có màu sắc, hương thơm riêng mang đặc trưng của mỗi loài. Dựa trên màu sắc, hương thơm, dáng cây và hoa, môi trường sống của hoa, thời gian hoa nở… để xây dựng những biểu trưng về hoa khác nhau. Chính vì vậy, biểu trưng các loài hoa trong ca dao người Việt rất phong phú.

2. Ý nghĩa biểu trưng của các loài hoa trong ca dao

Theo thống kê trong Kho tàng ca dao cổ truyền người Việt (1), 2.407 bài ca dao có chứa thực vật thì 332 lượt hoa xuất hiện với nhiều loài hoa như: cúc, đào, huệ, hồng, lài (nhài), lý, mai, mẫu đơn, phù dung, sen, mai, lựu… Mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp riêng làm cho thế giới biểu trưng hoa trong ca dao cũng muôn màu, muôn sắc.

Hoa biểu trưng cho tình yêu đôi lứa

Tình yêu là một đề tài đẹp, hấp dẫn đối với mọi thế hệ. Tình yêu làm cho cuộc đời đẹp hơn, cuộc sống ý nghĩa hơn đối với mỗi người. Hoa chính là tình yêu lứa đôi mà con người tìm kiếm: “Vì hoa nên phải tìm hoa/ Vì tình nên phải vào ra với tình”. Thậm chí, hoa là những tác nhân liên quan đến tình yêu để người ta phải quan tâm, chăm chút: “Yêu cây mới nhớ đến hoa/ Yêu dì thằng đỏ mua quà nó ăn”. Hoa còn được hóa thân là người đang yêu: “Vì chàng hờ hững hoa tàn héo khô/ Vì ai cho bướm nguôi hoa/ Cho tằm nguôi kén cho ta nguôi mình”. Khi tình yêu gắn với ẩn dụ hoa nở chính là thời điểm đẹp nhất, viên mãn nhất mà những đôi lứa yêu nhau mong đợi: “Ước gì nụ nở nên hoa/ Để ta đi lại một nhà vui chung”. Biểu trưng “nụ nở nên hoa” chính là tình yêu đi đến hôn nhân, nên vợ nên chồng.

Hoa biểu trưng cho vẻ đẹp và tuổi xuân của người con gái

 Nếu làm một phép so sánh để tìm sự tương đồng giữa đời cây và đời người phụ nữ, có lẽ dễ dàng tìm thấy điểm chung giữa giai đoạn cây nở hoa và thời con gái, thời gian đẹp nhất, sung mãn nhất song cũng ngắn ngủi nhất. Trong kho tàng ca dao người Việt, không ít câu ca dao xuất hiện sự so sánh này: “Đàn bà như cánh hoa tươi? Nở ra chỉ được một thời mà thôi”. Tuy nhiên, “một thời” ấy lại là khoảng thời gian đẹp nhất, hấp dẫn nhất khiến trái tim bao chàng trai phải xao xuyến: “Hoa thơm hoa ở trên cành/ Đôi mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ”.

Trong ca dao, mô hình so sánh “Em như …” khá phổ biến. Sau lời “em” tự ví von ấy thường là những nghịch cảnh để người con gái phải than thở: “Em như cây quế giữa rừng/ Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay”; “Em như hoa thơm mà mọc góc rừng/ Thơm cay ai biết, ngát lừng ai hay”. Như vậy, nét biểu trưng của hoa chính là cái đẹp phải được biết đến, ghi nhận, dâng hiến thì cái đẹp mới thực sự có ý nghĩa đối với cuộc đời.

Hoa biểu trưng cho phẩm hạnh của con người

Khi ngợi ca bàn tay khéo léo, đảm đang của người con gái, hoa được ví với chất lượng sản phẩm mà họ tạo ra: “Bát cơm em nấu như hoa/ Bát canh em nấu như là mật ong”. Hoa còn biểu trưng cho vẻ đẹp hình thức và phẩm hạnh: “Vợ anh như trúc như thông/ Như hoa mới nở như rồng mới thêu”… Như vậy, dù được chuyển nghĩa bằng hình thức ẩn dụ hay so sánh thì những người, vật, gắn với hoa đều đẹp, đáng quý, đáng trân trọng.

Hoa biểu trưng cho sự giữ gìn

 Có lẽ hoa là thực thể vốn mỏng manh yếu đuối chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, càng ngắn hơn khi gặp điều kiện không thuận lợi nên con người khi chơi hoa đã có ý thức giữ gìn vẻ đẹp của hoa. Khi hoa biểu trưng cho vẻ đẹp thì đồng thời ý nghĩa biểu trưng sự nâng niu, giữ gìn cũng xuất hiện khá nhiều trong ca dao.

 “Vườn có chủ giữ gìn cây có chạ?/ Hoa có rào ngăn đón bướm ong vô”. Bướm, ong là những con vật thường hút mật hoa. Xét về mặt khoa học, bướm ong chính là tác nhân giúp cho quá trình thụ phấn để tiếp cho đời hoa là đời quả, cũng chính ong biến mật hoa thành mật ngọt cho đời. Có ong, bướm, bông hoa càng trở nên đẹp hơn, ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Tuy nhiên, trong con mắt của người nghệ sĩ đa tình, bướm, ong lại là kẻ hút mật, lấy đi cái tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của hoa, là kẻ thù khiến hoa chóng tàn phai: “Vườn xuân hoa nở đầy giàn/ Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa”.

Một trong những yêu cầu để hoa có thể kéo dài vẻ đẹp chính là kĩ thuật chơi hoa. Muốn cây ra hoa phải chăm sóc cây, tới lúc muốn tỉa hoa, cắt hoa cũng phải cắt đúng cách, đúng thời điểm… Để hoa có thể làm đẹp cho đời thì người thụ hưởng phải giữ gìn, nâng niu. Từ hiện thực cuộc sống ấy, người ta nhắc nhở nhau: “Biết nhau xin nhớ lời nhau/ Chơi hoa phải nhớ giữ màu cho hoa”. Hoặc những lúc không như ý, người ta trách cứ: “Anh chơi hoa mà chẳng biết hoa/ Anh hái không đúng lúc để vườn ba chóng tàn”. Như vậy, nói đến hoa cũng là nói đến một thái độ trân trọng, giữ gìn, làm đẹp cho hoa. Hoa ở đây không gì khác vẫn là con người, quan hệ, ứng xử giữa người với người.

Hoa biểu trưng cho giá trị con người

 Xuất phát từ thực tế hoa vốn đáng quý, đẹp đẽ mà hoa trở thành biểu trưng cho giá trị của con người. Ý nghĩa biểu trưng giá trị này được biểu hiện từ nhiều phương diện khác nhau. Có khi là giá trị sức khỏe, vẻ đẹp: “Trai ba mươi tuổi như hoa/ Gái ba mươi tuổi về già mà thôi”. Có khi hoa là sự đánh giá tình cảm: “Tình duyên ta lại với ta/ Cành vàng cây bạc nở ra hoa vàng”. Có khi là đánh giá về không gian, điều kiện hay địa vị mà trong đó con người sống và tồn tại: “Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa”. “Vườn hoa” ở đây được đặt trong mối tương quan với “giếng” là những ẩn dụ để chỉ điều kiện sống. Nếu “giếng” sâu, tối tăm thì “vườn hoa” chính là nơi đẹp đẽ, vui vẻ, đầy đủ điều kiện sống và được trân trọng, yêu thương.

 Hoa biểu trưng cho những giai đoạn của đời người

 Ý nghĩa biểu trưng này được xây dựng từ đặc điểm của giai đoạn phát triển trong đời hoa. Tìm hiểu trong ca dao, chúng ta bắt gặp nhiều cụm từ như: hoa búp (hoa nụ), hoa nở, hoa tàn, hoa thơm mất nhụy, hoa gãy cành, hoa thơm mất tuyết, hoa rơi… Một thế giới hoa với nhiều màu sắc, nhiều hình thức ấy là những cảnh ngộ của cuộc đời người con gái (phụ nữ). Với mỗi trạng thái, hoa lại mang một ý nghĩa biểu trưng riêng: đọt bông, búp bông là khi người con gái mới đến thì, đẹp tươi, xuân sắc: “Trách lòng cha mẹ vụng toan/ Bông búp chẳng bán để tàn ai mua”; hoa nở là khi người con gái đã lập gia đình: “Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông…”; hoa rơi biểu trưng cho người phụ nữ kém may mắn: “Ra đường thấy cánh hoa rơi/ Đưa tay nâng lấy cũ người mới ta”, hoa tàn là khi nhan sắc người phụ nữ đã tàn phai: “Vì ai cho thiếp võ vàng/ Vì ai cho thiếp hoa tàn nhị rơi”. Bao nhiêu cảnh ngộ là bấy nhiêu những tâm tình, nỗi lòng trắc ẩn dành cho đối tượng trữ tình được nói đến qua hình ảnh của hoa. 

Từ những đặc điểm chung của hoa, người ta căn cứ thêm các đặc điểm riêng biệt của từng loài hoa để gắn với những tình, cảnh cụ thể. Biểu trưng của từng loài hoa thường được xuất phát từ đặc điểm hiện thực của hoa như: dáng cây, màu sắc hoa, sắc lá, thời gian nở hoa, môi trường sống của hoa... Xuất phát từ thời gian hoa nở: “Trăm hoa đua nở mùa xuân/ Cớ sao cúc phải muộn màng vào thu”. Xuất phát từ môi trường sống để tìm giá trị phẩm chất của hoa: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng, lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoặc xuất phát từ hương sắc của hoa: “Đào kia chưa thắm đã phai/ Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu”. Với thế giới hoa trong ca dao, vẻ đẹp của mỗi loài hoa thường được biểu trưng cho một vẻ đẹp riêng của người con gái. Bông cúc “muộn màng về thu” thường có vẻ đẹp kín đáo, có đôi chút thâm trầm của người thích chiêm nghiệm; bông hồng rực rỡ làm đắm say lòng người; bông nhài với mùi hương nhẹ nhàng lại mang một vẻ đẹp tinh tế, kín đáo…

3. Ý nghĩa biểu trưng hoa trong mối quan hệ với các đối tượng khác

Trong mối quan hệ với cuộc sống xã hội, mọi đối tượng không tồn tại độc lập mà luôn có sự tương tác với thế giới xung quanh. Hoa trong ca dao cũng được đặt trong nhiều mối quan hệ với các đơn vị từ vựng khác, nhờ đó mà nảy sinh các ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Theo thống kê, hoa trong ca dao thường được đặt trong mối quan hệ với con người: hoa với người cầm hoa, hoa với người lượm, hoa với người đi đường...; với môi trường tự nhiên: hoa với đất, hoa với sương, hoa với nắng…; với vật chứa đựng: hoa với lá gói, hoa với chậu, hoa với bình…; với các bộ phận khác của cây: hoa với cội, hoa với trái, hoa với gai...

Dưới đây là bảng thống kê một số cặp biểu trưng của hoa trong mối quan hệ với các đối tượng khác:

 

STT

Biểu tượng đôi

Ý nghĩa tượng trưng

Ví dụ

1

Bướm - Hoa

Sự kết giao tình yêu đôi lứa

Say em như bướm say hoa / Như ong say mật như ta say mình.

2

Hoa sen - Bèo

Biểu thị sự khác biệt của 2 loại người

Lênh đênh nước chảy bèo trôi / Chờ khi nước lụt bèo ngồi đầu sen.

3

Hoa sen - Hồ

Lứa đôi gắn kết

Sen xa hồ sen khô tàn tạ / Lựu xa bồn lựu ngả cành nghiêng.

4

Lan - Huệ

Sự gắn kết xứng đôi

Hôm nay lan huệ sánh bày / Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời.

5

Liễu - Đào

Sự gắn bó xứng đôi vừa lứa

Đào ơi thương lấy liễu cùng / Ước mong đào liễu chung vui một nhà.

6

Liễu - Mai

Lứa đôi gắn bó, xứng hợp

Tào khang nghĩa ở cho bền / Liễu mai hòa hợp, đôi bên thuận hòa.

7

Lựu - Đào

Nỗi nhớ thương trong tình yêu

Bùn xa bèo bùn khô bèo héo / Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng.

8

Mận - Đào

Tình cảm gắn kết đôi lứa

Gió đưa cành mận, gió lận cành đào/ Vì em anh phải ra vào tối tăm.

 

 
 

 

 

Từ vườn hoa muôn sắc của cuộc đời, thế giới đa sắc đa hương của các loài hoa đã đi vào trong ca dao người Việt với tất cả cung bậc cảm xúc của người nghệ sĩ. Con người, bằng chính cảm quan nghệ thuật đã thổi vào thế giới tự nhiên hình ảnh của chính mình, “người hóa” thế giới tự nhiên bằng những biểu tượng. Bởi hoa đẹp nên đi vào văn chương, biểu tượng của con người gắn với hoa cũng đẹp. Hoa thơm, hoa quý nên biểu tượng con người gắn với hoa cũng phải được trân trọng, giữ gìn. Từ những bông hoa cụ thể trong đời sống đến những bông hoa mang nghĩa biểu trưng trong ca dao là kết quả của cả một quá trình quan sát, trải nghiệm, tích lũy… suốt mấy ngàn năm của cha ông. Truyền thống văn hóa dân tộc đã cho các loài hoa những ngôn ngữ riêng mang tính biểu trưng cho thế giới của con người. Bởi vậy mỗi hình tượng, đặc biệt, hình tượng hoa trong ca dao cổ truyền đều mang dấu ấn của truyền thống, văn hóa dân tộc. 

______________

1. Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Kho tàng ca dao cổ truyền người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : TRỊNH VIẾT TOÀN

;