VÀI SUY NGHĨ VỀ CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

Mục tiêu và nội dung cốt lõi quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa là xây dựng con người nhân cách. Văn hóa và con người là hai mặt của cùng một vấn đề. Mục tiêu quan trọng nhất của văn hóa là con người và con người là, chủ thể quan trọng nhất của  văn hóa.

Văn hóa là những giá trị cốt lõi trong cuộc sống. Vấn nạn hình thức, thành tích, thói giả dối không bao giờ tạo ra được các giá trị văn hóa có ích, mà ngược lại nó làm hỏng văn hóa. Xây dựng con người Việt Nam phải là những con người thật thà, ngay thẳng, có tự trọng, biết hổ thẹn với cha ông, đồng bào đồng chí và với chính mình. Người Việt Nam đoàn kết, yêu nước, nhân ái, trung thực, sáng tạo... là các đặc tính quan trọng đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tố con người, là vốn quý nhất, quyết định thắng lợi của cách mạng.

Câu chuyện nền văn hóa là câu chuyện lớn, vẫn còn trừu tượng và mang tính vĩ mô. Trong câu chuyện lớn mang tầm vĩ mô ấy, điều mà chúng ta phải suy nghĩ, phải xem xét để vấn đề gần hơn, rõ hơn, cụ thể hơn là phần cốt lõi, vốn quý nhất, quan trọng nhất của văn hóa, đó là con người, từng cá nhân, những con người. Lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam cũng là sự hình thành và phát triển lối sống người Việt Nam. Nó được vun đắp, làm phong phú, đậm đà thông qua hoạt động lao động sản xuất, chiến đấu, học tập, giao tiếp xã hội trong nội bộ quốc gia, trong đó quan trọng là sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhân cách của họ. Để nhìn nhận, đánh giá văn hóa thế nào điều quan trọng nhất là chúng ta nhìn nhận một vài khía cạnh con người với nhân cách, đạo đức xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay ra sao.

Trải qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mà văn hóa Việt Nam nói chung, lối sống người Việt Nam nói riêng được phát triển và ngày càng phong phú, đa dạng đậm đà. Qua quá trình giao lưu tiếp biến với văn hóa phương Đông, phương Tây, văn hóa xã hội chủ nghĩa, người Việt vẫn giữ được lối sống nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo, giản đơn, hòa với thiên nhiên. Những nét đặc sắc trong lối sống của người Việt Nam được nâng cao trên nền văn hóa tổng hợp có tính quốc tế và đầy trí tuệ của thời đại.

Trong 30 năm đất nước ta đổi mới, mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin hiện đại, các giá trị của toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ tới lối sống Việt Nam, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong lối sống. Những giá trị phổ quát của văn minh nhân loại thâm nhập vào nước ta, chúng được chọn lọc, đón nhận và tiếp cận bởi những con người vốn thông minh, rộng mở, cầu thị; bổ sung cho người Việt những nhận thức mới và tầm nhìn mới.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế - xã hội: Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng so với nông nghiệp và sản xuất thủ công; dân số đô thị, nguồn lao động công nghiệp tăng so với nông thôn và nông nghiệp. Điều đó làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội và cùng với nó là biến đổi sâu sắc lối sống trong nhân dân. Từ khi nước ta tiến hành đổi mới đến nay văn hóa và con người Việt Nam đã có nhiều mặt tiến bộ đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao; giáo dục phát triển mạnh về quy mô, số lượng, mạng lưới, trình độ học vấn; nhân dân ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin đa dạng và nhiều chiều, từ đó trình độ dân trí nâng lên. Vấn đề con người và quyền con người được quan tâm hơn, thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và các văn kiện của Đảng. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc được nuôi dưỡng phát triển, giữ vững; lĩnh vực văn học, nghệ thuật có phát triển về số lượng, quy mô phát hành, phong phú về đề tài và phương thức thể hiện... Các phong trào xóa đói giảm nghèo, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... đạt những kết quả mà toàn xã hội đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, điều đáng báo động là đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện lệch lạc, trong đó có nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Nạn tiêu cực và nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Một nước thuần nông mà thực phẩm sạch, rau củ quả sạch trở thành thứ xa xỉ. Buôn bán ma túy, chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường, đối tượng phạm tội trẻ hóa trong đó có cả phụ nữ và trẻ vị thành niên tăng lên. Nạn tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, biện pháp, quyết liệt hơn trong những năm gần đây. Khái niệm “chạy” được biến hóa khôn lường như chạy chức, quyền, tội, dự án, việc, trường lớp… diễn ra rất phức tạp. Chúng ta vẫn nói đây là mặt trái của nền kinh tế thị trường, phải chăng đó là một sự thật mà chúng ta sẽ phải sống chung với nó? Cách làm ăn chụp giật, cơ hội, cá nhân đang làm chậm đi sự phát triển của đất nước. Cùng với các biểu hiện lợi ích nhóm, lũng đoạn nền kinh tế rất đáng lo ngại, điều này nếu không kịp thời ngăn chặn một cách hiệu quả để phát triển thì sẽ dẫn đến chệch hướng khỏi mục tiêu xây dựng đất nước. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, trong đó có cả cán bộ trung, cao cấp. Các tệ nạn tiêu cực xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả ở những nơi thiêng liêng về tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự cũng trở thành nơi kiếm chác, ở đó người ta chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, với niềm tin hy vọng thần thánh chứng giám, ban phúc cho kẻ mạnh.

 
 
 
Nét xưa. Ảnh Thanh Trần 
 

Lối sống tiêu thụ dẫn đến phân biệt giàu nghèo qua cách chơi trội trong ý thức đề cao tiện nghi. Tiện nghi ở đây được quan niệm là sự biểu hiện giá trị con người… Có người sắm xe hơi loại sang, dùng hàng ngoại cao cấp, đắt tiền... không cần tính tới kinh tế, mà chỉ nhằm mục đích là phân biệt địa vi kinh tế và từ đó, phân biệt địa vị xã hội khinh miệt người nghèo. Có người còn cho rằng, sự giàu có về kinh tế sẽ quyết định sự giàu có về trí tuệ... Nếu như mặt tích cực của toàn cầu hóa là điều kiện và cơ hội tốt cho sự phát triển lối sống thì đồng thời, mặt trái của nó lại là mối nguy hại và thách thức lớn đối với quá trình đó. Sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, xây dưng lối sống mới nói riêng chỉ có thể thành công khi chúng ta mở cửa, hội nhập quốc tế, hoà nhịp với xu thế toàn cầu hóa. Trong bối cảnh và tình huống tác động phức tạp đó, truyền thống và bản lĩnh văn hóa dân tộc Việt Nam là nền tảng vững chắc cho văn hóa Việt Nam nói chung và lối sống người Việt Nam nói riêng phát triển đúng hướng và phong phú.

Điều cấp thiết hiện nay là cần đưa ra được những cơ chế quản lý hữu hiệu để hạn chế tác hại bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Mặt khác, sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường lại trong điều kiện Đảng ta cầm quyền, cán bộ, đảng viên nhiều người có quyền lực, được giao quản lý tài sản, tài nguyên, tài chính ngân sách, dự án và các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, mà quyền lực thì mặt trái của nó là làm thoái hóa con người khi sử dụng, vấn đề đặt ra là cần kiểm soát tốt quyền lực. Trong khi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát kể cả đối với kinh tế và đối với quyền lực còn nhiều sơ hở, khiếm khuyết. Việc tự rèn luyện nhân cách của từng người không thường xuyên liên tục, không gương mẫu, tức là chưa đủ độ chín về văn hóa; trong lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ và kể cả khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, liêm sỉ.

Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI về văn hóa đã nhấn mạnh vấn đề cốt lõi, trung tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Vấn đề con người nhân cách cần cả xã hội phải xem xét, được quan tâm đúng mức. Văn hóa là nhân cách sống của cả một dân tộc, văn hóa không đơn giản chỉ là đàn ca sáo nhị, cờ xí lễ hội vui vẻ vài hôm cho thỏa mãn cơn khát tinh thần. Điều cần thiết hiện nay là chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, xây dựng cho được những con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu. Trong xây dựng văn hóa cần quan tâm thường xuyên việc xây đắp lòng yêu nước, tinh thần dân tộc xứng đáng truyền thống ngàn năm văn hiến. Điều ta có là văn hóa giữ nước luôn có trong trái tim mỗi con người Việt Nam, điều ta còn yếu còn thiếu là xây dựng văn hóa phát triển. Mỗi cá nhân con người Việt Nam phải phát triển, ta sẽ có một dân tộc Việt Nam phát triển, đó là mục tiêu quan trọng nhất trong công cuộc đổi mới hội nhập với thế giới. Muốn phát triển được thì phải tích cực đổi mới, luôn sáng tạo, thường xuyên liên tục, không ngừng nghỉ, không tự mãn, đã ở thế ngồi trên lưng hổ, thì không có cách khác.

Một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, con người thực sự được tôn trọng, trở thành tài sản của đất nước, quyết định sự phát triển của đất nước khi con người được phát triển nhân cách trong một môi trường giàu tính nhân văn, trong một quan hệ xã hội bình đẳng tự do, thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người. Đây cũng là mục tiêu, là nội dung cơ bản của Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011, và Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng. Vấn đề con người là vấn đề cốt lõi của chiến lược phát triển là hoàn toàn đúng đắn, đặt vấn đề đầu tư cho con người mang tính lâu dài là đầu tư cho tương lai của nước nhà, chăm lo giáo dục con con người là chăm lo cho nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội. Những định hướng chiến lược của Đảng thể hiện sự quan tâm của Đảng. Những định hướng ấy cần trở thành động lực cho phát triển khi được chuyển hóa thành cơ chế chính sách phù hợp dựa trên sự nghiên cứu khoa học về mặt xã hội, con người, gia đình, môi trường để con người phát triển toàn diện trong tổng thể những chính sách kinh tế, xã hội khác. Bản lĩnh, tài năng và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định đường lối, chính sách các nhà tư tưởng, nhà văn hóa cũng có ý nghĩa quyết định tới việc ngăn chặn những tác động tiêu cực, phát huy tối đa những tác động tích cực của toàn cầu hóa vì một lối sống tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : QUẢN HOÀNG LINH

;