Mỗi khi vào dịp lễ hội Katê, làng quê Chăm ở Ninh Thuận lại rực rỡ sắc màu của những bộ trang phục truyền thống. Không chỉ là y phục để che thân, trang phục của người Chăm còn mang trong mình những câu chuyện, những giá trị văn hóa sâu sắc.
Trang phục của các thiếu nữ Chăm khi tham gia các tiết mục văn nghệ chào mừng lễ hội Katê - Ảnh: Tuấn Minh
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ Chăm là trung tâm lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Trước đây, phụ nữ Chăm thường mặc áo dài truyền thống, được may kín đáo, không xẻ tà. Áo dài thường có hai loại là: áo dài trắng dành cho thiếu nữ chưa chồng và áo dài đen dành cho phụ nữ đã có gia đình hoặc người lớn tuổi. Ngày nay, áo dài phụ nữ Chăm được cách điệu với nhiều màu sắc khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Theo Cả sư chủ trì tháp Pô Klong Garai cho biết, “lễ hội Katê cho đến nay vẫn giữ nguyên những phong tục truyền thống, chỉ có trang phục của phụ nữ Chăm đã thay đổi nhiều, đa dạng hơn, nhiều sắc màu hơn và họ đeo nhiều trang sức hơn khi đến dự lễ hội Katê ở các đền tháp”.
Phụ nữ Chăm trân trọng và nâng niu chiếc áo dài như một báu vật thiêng liêng và quý giá, họ chỉ diện trang phục truyền thống này vào những dịp đặc biệt như lễ hội lớn hay khi có mặt trong lễ cưới hỏi. Đi kèm với chiếc áo dài là chiếc váy, tạo nên sự hài hòa và duyên dáng cho phụ nữ Chăm. Điểm nhấn của bộ trang phục là chiếc thắt lưng (talei) được dệt bằng tay với nhiều họa tiết tinh xảo. Thắt lưng có hai loại: talei kabak (buộc chéo qua ngực) và talei ka-in (buộc ngang eo). Góp phần tạo nên nét quyến rũ riêng cho phụ nữ Chăm trong ngày lễ hội, phải kể đến những chiếc khăn choàng đầu, khăn choàng vai và các loại trang sức như khuyên tai, vòng cổ làm bằng vàng, bạc.
Trang phục của Cả sư chủ trì tháp Pô Klong Garai - Ảnh: Liên Hương
Nam giới Chăm thường khoác trên mình chiếc áo ngắn (aw lah), được may bởi sáu mảnh vải, thường không có hoa văn trang trí hoặc áo dài (aw tah) được may ghép bằng nhiều mảnh vải và dệt bằng vải thô màu trắng. Áo dài không xẻ thân phía trước, không có hàng khuy mà chỉ xẻ một đường xiên trước ngực, dùng dây để buộc thay nút. Áo mặc chui đầu và phủ dài qua đầu gối.
Theo truyền thống, tất cả đàn bà, đàn ông đều mặc váy (sarông). Váy mặc của người đàn ông Chăm có nhiều loại. Trong đó, váy của đàn ông bình dân được dệt bằng vải thô màu trắng và không có hoa văn trang trí. Còn đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc mặc váy cũng màu trắng nhưng dệt bằng tơ, có hoa văn quả trám phủ kín bề mặt.
Khăn đội đầu của nam giới Chăm có nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào địa vị xã hội và lứa tuổi. Khăn của chức sắc thường có màu trắng có tua và viền ren chỉ màu đỏ. Khăn đội đầu không chỉ có tác dụng che nắng, mà còn là biểu tượng cho sự trang trọng và tôn nghiêm.
Trang phục của các chức sắc khi tham gia lễ hội Katê - Ảnh: Tuấn Minh
Trang phục truyền thống của người Chăm trong lễ hội Katê không chỉ đơn thuần là quần áo, mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc như màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, trong trắng; màu đen tượng trưng cho sự chín chắn, trưởng thành; màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. Các họa tiết trên trang phục thường là hình ảnh hoa lá, chim muông, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở và cuộc sống phồn vinh. Bên cạnh đó, trang sức không chỉ làm đẹp mà còn thể hiện địa vị xã hội và sự giàu có của người đeo. Khi mặc trang phục truyền thống vào ngày lễ Katê, người Chăm muốn bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên, thần linh, đồng thời cầu mong được phù hộ và mong may mắn đến với bản thân và gia đình. Khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, người Chăm thể hiện niềm tự hào về lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Trong lễ hội Katê, người Chăm rất coi trọng việc ăn mặc chỉnh tề và đúng quy định. Khi bước vào không gian linh thiêng của lễ hội Katê tại mỗi đền tháp, trang phục người dự lễ phải kín đáo, lịch sự thể hiện sự tôn kính đối với thần linh. Phụ nữ không được để lộ vai, đầu trần khi vào các đền tháp. Nam giới phải đội khăn và mặc áo có tay.
Y phục Chăm phản ánh trình độ kỹ thuật dệt vải, thẩm mỹ, cách trang trí, những đặc trưng về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… Trang phục truyền thống của người Chăm là một phần không thể thiếu trong lễ hội Katê, là di sản văn hóa, là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, khẳng định bản sắc riêng của người Chăm. Người Chăm mặc trang phục truyền thống vào lễ hội Katê tạo nên sự đồng nhất, gắn kết cộng đồng trong ngày hội chung của dân tộc. Điều này thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo, sự tinh tế trong thẩm mỹ và tâm hồn của người Chăm. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Chăm là trách nhiệm của mỗi người, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
HIỀN ANH