Bảo tàng Ninh Thuận được ví như viên pha lê nằm trong lòng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với diện tích 3.547,14m2, cách biển Bình Sơn 1,5km về phía Đông. Bảo tàng được xây dựng từ năm 2007, bắt đầu đi vào hoạt động năm 2012. Bảo tàng được thiết kế theo phong cách độc đáo, nhìn tổng thể từ trên cao xuống, Bảo tàng Ninh Thuận như một kim tự tháp Ai Cập cổ kính. Khi nhìn từ bên ngoài, lại có thể liên tưởng đến những cánh buồm ngoài khơi tượng trưng cho khát vọng vươn lên của thành phố biển. Bảo tàng kết hợp cùng khu tượng đài Chiến thắng thuộc khuôn viên quảng trường 16-4 tạo thành một cụm công trình kiến trúc độc đáo, tạo nên điểm nhấn của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Bảo tàng Ninh Thuận được thiết kế với phong cách kiến trúc độc đáo - Ảnh: Chi Trần
Trong những năm gần đây, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Bảo tàng được đầu tư kinh phí để thực hiện phòng trưng bày cố định, góp phần giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh cái nhìn tổng thể về vùng đất Ninh Thuận. Bằng việc giữ nguyên hiện vật gốc, đồng thời tôn trọng chủ thể sáng tạo ra hiện vật, tôn trọng cộng đồng qua những hình ảnh, hiện vật phản ánh chân thực đời sống văn hóa các cộng đồng, Bảo tàng Ninh Thuận đã xây dựng hình ảnh của mình mang phong cách một bảo tàng hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống dân tộc… Theo báo cáo của Bảo tàng Ninh Thuận, tính từ ngày 22-12-2023 đến 31-10-2024, số lượng khách tham quan đến Bảo tàng là 1.970 lượt người, trong đó có 1.733 lượt khách người lớn và 230 lượt khách trẻ em.
Hình ảnh Bảo vật quốc gia Tượng thờ Vua Pô Klong Garai có mã quét QR giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu thêm thông tin về hiện vật - Ảnh: Chi Trần
Phong cách trưng bày của Bảo tàng Ninh Thuận có nhiều nét mới, nổi bật, đặc trưng đối với khách tham quan. Nơi đây có các hiện vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện tại Ninh Thuận, trưng bày những hiện vật, tái hiện lại đời sống văn hóa của người Chăm. Điển hình là những hiện vật độc đáo như các hiện vật về đồ gốm, khung cửi dệt vải… Hay những hiện vật trong thời kỳ chống Mỹ như trống báo động của đồng bào Raglai, các ấn phẩm báo chí cách mạng Ninh Thuận… Khách tham quan khi tới bảo tàng, cũng sẽ hiểu hơn về các phong tục trong đời sống của người Chăm như lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, lễ cưới truyền thống của người Chăm…
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai trong đó có hai báu vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Thuận.
Bảo vật quốc gia Bia Hòa Lai- Ảnh: Chi Trần
Bảo vật quốc gia thứ nhất là Bia Hòa Lai được phát hiện trong đợt đào khảo cổ của dự án tu bổ tháp Hòa Lai, có niên đại khoảng cuối TK VIII đầu TK IX. Bia còn khá nguyên vẹn, được khắc ba mặt bằng chữ Phạn (Sanskrit), nội dung ghi lại là căn cứ để xem xét lịch sử xây dựng các tháp ở Hòa Lai, lịch sử triều đại, lịch sử tín ngưỡng tôn giáo trên vùng đất Panduranga thời kỳ Hoàn Vương. Bia Hòa Lai là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc tiêu biểu của nền văn hóa Chăm, đã từng phát triển rực rỡ từ TK II - TK XVII. Bia Hòa Lai đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 9, năm 2020) theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 31-12-2020.
Tiếp đến là Bia Phước Thiện, được phát hiện vào năm 1992, tại cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bia có niên đại vào khoảng cuối TK VIII - đầu TK VIX. Trên hai mặt tấm bia được khắc chữ Phạn. Bia Phước Thiện mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt của Vương quốc Champa lúc bấy giờ - là thời kỳ trị vì của Vua Satyavarman. Văn khắc đã gợi mở niên đại xây dựng ngôi đền tháp tại khu vực này, mang giá trị lịch sử triều đại, lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như lịch sử kỹ thuật văn khắc của vùng đất Panduranga ở thời kỳ phát triển cao kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa riêng của người Chăm và là văn bản cổ quý hiếm. Các tác phẩm văn học phản ánh về đời sống kinh tế xã hội, phản ánh tài năng, công đức của các vị vua lúc bấy giờ, thể hiện giá trị nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu của nền văn hóa Chăm. Bia Phước Thiện đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) theo Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 18-1-2024.
Bảo vật quốc gia Bia Phước Thiện- Ảnh: Chi Trần
Đặc biệt, vào ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI dự kiến diễn ra vào tháng 12-2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức đón bằng công nhận hai Bảo vật quốc gia cho Tượng thờ Vua Pô Klong Garai và Bia Phước Thiện thuộc di sản văn hóa Chăm ở Ninh Thuận.
Trong năm 2024, Bảo tàng Ninh Thuận đã thực hiện trưng bày nhiều chuyên đề kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, tham gia trưng bày “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024”; chuyên đề “Di sản văn hóa tỉnh Ninh Thuận” tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên; trưng bày lưu động tại tháp Pô Rômê nhân lễ hội Katê năm 2024 và triển lãm tại Bác Ái.
Ngoài ra, Bảo tàng đã hoàn thành sưu tầm 60 hiện vật văn hóa các dân tộc trong tỉnh; thực hiện 1 đề tài văn hóa phi vật thể cấp cơ sở “Nghề chế tác nhạc cụ của người Raglai”; chỉnh lý bổ sung hiện vật, hình ảnh các khu vực phòng trưng bày cố định và điêu khắc đá của người Chăm. Bên cạnh đó, thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa năm thứ II; các đoàn học sinh đến trải nghiệm, tham quan tại Bảo tàng với số lượng 7.100 lượt học sinh/54 đoàn tính từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp Trung tâm Chính trị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tổ chức chương trình tìm hiểu lịch sử Đảng “Đảng ta thật là vĩ đại” và Trường THCS Nguyễn Tiệm (huyện Thuận Nam) tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh khối lớp 6, 7, 8 với chủ đề “Ninh Thuận với những danh lam thắng cảnh tiêu biểu” tại Bảo tàng.
Bia Po Agha được khắc bằng chữ Chăm cổ- Ảnh: Chi Trần
Tái hiện khung cảnh dệt vải của người Chăm- Ảnh: Chi Trần
Công nghệ QR đang được bảo tàng áp dụng, giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu thêm thông tin từng hiện vật qua mã quét QR. Bảo tàng đã thực hiện số hóa 120 mã QR (audio guide) hiện vật tại khu vực phòng trưng bày cố định; chỉnh lý phiếu kiểm kê khoa học từ năm 2001 đến năm 2007 là 584 phiếu; chụp ảnh, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm quản lý 201 hiện vật…
Có thể thấy, Bảo tàng Ninh thuận là nơi lưu giữ những hiện vật, thông tin hữu ích, phong phú về lịch sử hình thành, con người cùng văn hóa của các dân tộc tại Ninh Thuận. Bảo tàng đang không ngừng đổi mới để trở thành một địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi đặt chân tới mảnh đất Ninh Thuận.
LIÊN HƯƠNG – HẠNH CHI