BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỄ HỘI ĐỀN A SÀO

A Sào là vùng đất thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Người dân nơi đây tổ chức lễ hội hàng năm tại cụm di tích đình, đền, bến Tượng - những địa danh gắn với sự tích về người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội vừa là dịp gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử của dân tộc, vừa để gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.

1. Vài nét về lễ hội đền A Sào

Người dân A Sào tổ chức lễ hội ở cụm di tích đình, đền, bến Tượng. Trong đó, đền A Sào là không gian tổ chức chính, diễn ra các nghi lễ quan trọng của lễ hội.

Đền A Sào hay còn gọi là đền thờ Trần Hưng Đạo nằm ở rìa làng, bên bờ đê sông Hóa. Đền tọa lạc trên khu đất rộng 7.304m2, phía trước là hai hồ nước, xưa gọi là ao tắm tượng. Theo truyền thuyết, đây là nơi tắm voi chiến của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Năm 1951, đền A Sào bị thực dân Pháp phá hủy, đến năm 2005, nhân dân phục dựng tòa hậu cung trên nền đất cũ, móng xưa của đệ nhị sinh từ. Trong tòa cung cấm có bệ thờ 3 bậc, bậc trên cùng đặt tượng Trần Hưng Đạo ở trong khám thờ. Tượng ngài được làm bằng gỗ quý, có kích thước bằng người thật, ngồi trên ngai với đầy đủ mũ áo cân đai, bối tử mặc áo màu hoàng bào. Trước đền là sân có diện tích 173m2, đặt một lư hương, phía ngoài sân đặt tượng voi đá. Voi đá trước ở bến Tượng, năm 1951 giặc Pháp đánh bốt ở đền nên đã kéo voi về đây làm ụ súng. Hiện voi ở bến Tượng đã được phục dựng nên voi này vẫn để ở vị trí hiện tại (1).

Đình A Sào nằm ở phía Tây Nam của làng, tọa lạc trên khu đất rộng 244,8m2. Đây là ngôi đình cổ xưa của làng A Sào, đồng thời cũng là kho gạo của nhà Trần một thời nên có tên gọi là Mễ Thương thắng tích. Đình đã được trùng tu nhiều lần những vẫn ở trên nền đất cũ và giữ được kết cấu gốc. Trong hậu cung xây bệ thờ, trên có đặt ngai thờ và bài vị Trần Hưng Đạo (2).

Bên cạnh đền, đình, A Sào còn có di tích bến Tượng, địa danh gắn với câu chuyện Trần Hưng Đạo vượt sông Hóa. Thần tích kể lại rằng, Trần Hưng Đạo nhiều lần xuôi ngược sông Hóa, sông Luộc về lấy quân lương, có lần ngài cưỡi voi đưa tướng sĩ ngược đường qua lộ Hồng, Hải Đông, dò chọn quãng nước nông nhất, rồi lợi dụng thủy triều đang xuống để vượt sông. Nhân dân ven bờ được huy động chặt cây, mang tre, đưa gỗ, lót rạ, rơm xuống mặt sa bùn làm cầu cho quân qua. Kỵ binh, bộ binh lần lượt qua được hết, nhưng voi chiến của Trần Hưng Đạo quá nặng nên đã bị thụt lầy không lên được. Quân dân ném đất xuống cho bớt sình lầy để cứu voi mà không được. Trần Hưng Đạo đành bỏ voi, lên ngựa lệnh tiếp tục hành quân, voi ứa nước mắt nhìn theo lưu luyến, tiễn biệt. Để tỏ lòng nhiệt thành giúp việc quân của dân và thương tiếc voi, Trần Hưng Đạo đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này nữa…”. Đến lúc thắng trận trở về, con voi đã bị thủy triều lên dìm chết và được dân làng đắp mộ. Ngài thương tiếc voi nên sai đắp voi đất ở ngay trên mộ voi. Nhưng do nước sông nhiều lần dâng lên, đất bị lở làm hỏng tượng voi nên dân làng xây lại bằng gạch. Năm 1928, dân làng cử người đi Quảng Ninh, thuê tạc tượng voi bằng đá theo nguyên mẫu. Năm 1951, giặc Pháp kéo voi về đền làm ụ súng nên đến năm 2006, di tích bến Tượng mới được phục dựng như ngày nay. Trung tâm của di tích là tượng voi bằng đá, có chiều dài 1,47m, ngang 0,68m, cao 1,07m. Tượng có thế voi phục, hướng nhìn ra dòng sông Hóa, vòi voi uốn lượn, đầu vòi tựa lên chân quỳ bên trái, đuôi vắt lên phần mông đùi bên phải. Tượng voi nhìn sống động và biểu cảm, gợi nhớ câu chuyện lịch sử khi Trần Hưng Đạo cưỡi voi bị sa lầy bên dòng sông Hóa năm nào (3).

Lễ hội diễn ra chủ yếu tại đền nên còn gọi là lễ hội đền A Sào. Hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội vào ngày 10-2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Trần Hưng Đạo và ngày 20-8 âm lịch là ngày hóa của ngài. Vào cả hai dịp, lễ hội đều được tổ chức long trọng, khác với các địa phương cùng có di tích và lễ hội liên quan đến đức thánh Trần.

Theo ngọc phả được lưu tại đình: “Ngày sinh thần mùng 10-2, dùng lễ xôi, thịt trâu, rượu và xướng ca đủ 10 ngày. Ngày hóa thần 20-8 dùng lễ thịt trâu, rượu, xôi… Ngày khánh hạ chính nguyệt, dùng lễ bánh tròn, rượu nếp. Ngày khánh hạ mùng 2-12 hóa thần, dùng lễ bánh tròn, rượu nếp, ca múa 1 ngày”. Trước lễ hội 1 tháng, các đội tế nam quan, nữ quan bắt đầu tập luyện với các nghi thức như kiểm soát lễ vật, tiến hương hoa nến, tiến rượu, tiến chúc văn... Lễ vật dâng cúng bao gồm: đầu lợn, gà luộc, thịt trâu, xôi, rượu nếp, hoa quả, tiền vàng..., đặc biệt phải có bánh dày và mía. Mía được giao cho một gia đình trong làng trồng, chăm bón cẩn thận, đến ngày lễ, tuyển chọn những cây mập và thẳng nhất để lễ voi. Trong dịp lễ hội tháng 8, người dân A Sào tổ chức diễn xướng, tái hiện lại cảnh tiễn quân đi đánh giặc Nguyên Mông, cảnh dân làng ném đất cứu voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy. Đặc biệt, khi nhắc đến A Sào người ta không thế không nhắc đến những nghi lễ như: rước kiệu, khao quân, múa kéo chữ.

Lễ rước kiệu

Rước kiệu là một hoạt động tiêu biểu không thể thiếu trong lễ hội. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao, thể hiện tư tưởng hướng về cội nguồn, biết ơn đức thánh Trần cùng các tướng sĩ. Lễ rước kiệu tạo không gian long trọng, linh thiêng cho lễ hội, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và khách hành hương. Để tái hiện hoạt cảnh đoàn quân tướng sĩ của Trần Hưng Đạo chiến thắng trở về, hành trình của đoàn rước cũng rất đặc biệt. Đoàn rước khởi hành từ đền A Sào đến thẳng khu bến Tượng để tiễn biệt voi chiến bị sa lầy năm nào. Tại bến Tượng, đoàn rước dừng kiệu, thắp hương, đặt lễ tại tượng voi, cùng nhau tái hiện cảnh cứu voi chiến. Tháng 8 là mùa mưa nên bến Tượng thường ngập nước, trong tiếng trống, chiêng và tiếng reo hò, người dân đứng trên bờ, lấy rơm, rạ, ném xuống nước cho nước cạn dần, sau đó, ném từng tảng đất xuống để làm khô đất, bớt sình lầy như để voi thoát lầy bước lên. Đoàn rước sau đó vòng qua đê để đi qua gò Đống Yên, bến tắm tượng rồi quay trở lại đền để làm lễ khao quân.

Lễ khao quân

Tương truyền, sau khi chiến thắng trở về, Trần Hưng Đạo và quân sĩ được dân làng nô nức đón mừng. Trước khi đi đánh giặc, dân làng giã bánh dày thâu đêm để quân sĩ có lương thực mang theo ra trận, trong ngày trở về, họ lại hân hoan làm bánh, mổ trâu, mổ lợn, đồ xôi… để mở tiệc khao quân. Đã thành thông lệ, trong lễ hội, lộc thánh là những chiếc bánh dày to gần bằng chiếc mâm đồng, được xắt nhỏ để phân phát cho dân làng, khách thập phương. Ai ai cũng cố gắng xin được một chút lộc về, đặt lên ban thờ trước khi thụ lộc.

Múa kéo chữ

Có ý kiến cho rằng, múa kéo chữ trong lễ hội A Sào là sự biến thể của điệu múa cổ mang phong cách cung đình, đó là múa bát dật ở xã An Khê, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Múa bát dật nay không còn nữa, mà cả hai xã đều thịnh hành múa kéo chữ, như một bước giản thể của điệu múa cung đình vốn phức tạp và mang tính trí tuệ. Khi trình diễn, các tổng cờ dẫn quân từ khung môn vào các nét chữ theo thứ tự Thiên, Hạ, Thái, Bình hay Đại, Vương... Mỗi chữ được kéo xong, theo hiệu lệnh đội hình lại trở về khung môn. Sau đó lại chuẩn bị tư thế, vào nét chữ mới theo dẫn dắt của tổng cờ và chỉ huy của cờ sai. Sau khi chữ cuối cùng kết thúc, chiêng trống vang dậy xen lẫn tiếng hô của đội múa và người xem.  

2. Giá trị của lễ hội đền A Sào

Lễ hội A Sào có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó chưa đựng minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và quá trình khởi dựng, phát triển vùng đất A Sào nói riêng. Địa điểm đền A Sào, đình Mễ Thương, bến Tượng là không gian của lễ hội mang đậm giá trị lưu niệm danh nhân. Lễ hội đã gợi nhớ thân thế, sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cũng như tri ân công lao của ngài.

Bên cạnh đó, lễ hội còn là môi trường giáo dục tự nhiên mà hiệu quả nhất về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình thực hành và tham dự lễ hội, người dân A Sào được cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương, nhắc nhở con cháu luôn khắc ghi công ơn của những người có công với dân, với nước. Những câu chuyện về Trần Hưng Đạo sẽ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc cho nhân dân A Sào nói riêng và các thế hệ người Việt nói chung.

Lễ hội đền A Sào có giá trị tăng cường mối đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng, giữa các thôn xóm, gia đình… Từ việc chuẩn bị lễ vật cho đến các hoạt động nói chung của lễ hội đều cần sự tham gia giúp sức của cả cộng đồng. Ở đó họ vừa là chủ thể sáng tạo lễ hội, vừa là người hưởng thụ những giá trị văn hóa truyền thống. Đây chính là chất kết dính của các thế hệ, các cộng đồng dân cư, là phương tiện cho việc đối thoại, cùng nhau chia sẻ, hưởng thụ và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội chính là môi trường giáo dục, lưu truyền văn hóa truyền thống, là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng, biểu dương sức mạnh tập thể mà ở thời điểm nào cũng cần gìn giữ, phát huy.

Lễ hội đền A Sào cũng là nơi cư dân A Sào nói riêng và khách thập phương gửi gắm ước mơ, khát vọng về cuộc sống thái bình, thịnh trị. Đây là một trong những môi trường tồn tại, nuôi dưỡng và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của con người. Bên cạnh đó, lễ hội còn là môi trường thỏa mãn các nhu cầu vui chơi, thú vui ẩm thực của người dân, thể hiện sự ứng xử hài hòa với môi trường trong cách thức tổ chức các nghi lễ, trò chơi.

3. Bảo tồn phát huy giá trị di tích và lễ hội đền A Sào trong giai đoạn hiện nay

Lễ hội đền A Sào đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đáp ứng được nhu cầu tinh thần, tâm linh của người dân. Để bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Thái Bình đã thực hiện những hoạt động cụ thể:

Hàng năm, Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình đều kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý lễ hội nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ cho những người trực tiếp quản lý di tích cũng như cho cộng đồng cư dân nơi đây. Bên cạnh đó, Sở cũng có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý tốt các dịch vụ, cảnh quan môi trường, không gian tổ chức lễ hội, tuyệt đối không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, chặt chém khách tham quan.

Sở tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan đưa di tích đình, đền, bến Tượng A Sào vào tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, kết hợp du lịch lịch sử với du lịch văn hóa. Ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu di tích và lễ hội A Sào với nhiều hình thức khác nhau.

Không gian tổ chức lễ hội A Sào đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, được trùng tu, tôn tạo, góp phần tái hiện lại không gian hoàn chỉnh của lễ hội, góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn lễ hội một cách bền vững.

Phòng Văn hóa huyện Quỳnh Phụ luôn quan tâm tới các cá nhân, tập thể có những đóng góp trong việc thực hành, duy trì và trao truyền các kỹ năng trong hoạt động lễ hội. Đặc biệt đối với người cao tuổi, chính quyền có chính sách thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ tết, hiếu hỉ... Đối với thế hệ trẻ, luôn tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia học hỏi, thực hành di sản cha ông để lại.

Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng cần nghiên cứu, tiến hành tư liệu hóa đối với lễ hội A Sào. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ về giá trị của lễ hội đồng thời thực hiện ghi âm, ghi hình diễn biến của lễ hội, có thể đưa những thước phim tư liệu lên các website chuyên về di sản văn hóa của tỉnh Thái Bình nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa độc đáo này.

   ____________

1, 2, 3. Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình, Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền A Sào, 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : NGUYỄN TRI PHƯƠNG

;