Ban hành Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư

Ngày 16-8-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Hương ước, quy ước là văn bản quy định về các quy phạm xã hội bao gồm các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư bàn và quyết định, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được UBND cấp xã công nhận.

Theo đó, Nghị định gồm 4 chương, 25 điều nhằm áp dụng đối với: Cộng đồng dân cư theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trong đó Nghị định quy định về: Nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Phạm vi nội dung, hình thức của hương ước, quy ước; Soạn thảo, thông qua, công nhận, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc tạm ngừng thực hiện, bãi bỏ hương ước, quy ước; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Thông qua đó bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Về nguyên tắc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước: phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật; xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng; tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư; phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

Tùy theo yêu cầu tự quản, tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán ở từng địa phương, bảo đảm kế thừa có chọn lọc các nội dung phù hợp của hương ước, quy ước đã có và mục đích, nguyên tắc quy định tại các điều 3 và 4 Nghị định này, cộng đồng dân cư lựa chọn một hoặc một số nội dung sau để đưa vào phạm vi của hương ước, quy ước: 1- Các biện pháp, phương thức thích hợp giúp người dân trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của cộng đồng dân cư; động viên và tạo điều kiện để cộng đồng dân cư thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân; 2- Các phong tục, tập quán tốt đẹp và biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình; phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh; 3- Các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, cộng đồng và công dân; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn; xây dựng và phát huy tình làng, nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; khuyến học, khuyến tài, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời; đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề, khuyến công, khuyến nông ở địa phương; 4- Các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để bảo đảm thực hiện hương ước, quy ước nhưng không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; 5- Các nội dung cần thiết khác do cộng đồng dân cư quyết định.

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của hộ gia đình, công dân cư trú tại cộng đồng dân cư; UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận ở cộng đồng dân cư; các tổ chức, cá nhân liên quan trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Trong đó, Bộ VHTTDL là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước có nhiệm vụ: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc triển khai thực hiện pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; Hướng dẫn việc ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ, vận động xóa bỏ, không áp dụng phong tục, tập quán lạc hậu trong hương ước, quy ước; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời kiến nghị, phản ánh, khen thưởng và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong phạm vi cả nước; Thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong phạm vi cả nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16-8-2023. Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày áp dụng Nghị định số  61/2023/NĐ-CP.

Hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định này được tiếp tục thực hiện cho đến khi được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định. Đối với hương ước, quy ước đã được phê duyệt hoặc công nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với quy định tại Điều 4 Nghị định này thì cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước mới thay thế trước ngày 31-12-2023.

THANH DANH

;