Annie Ernaux - viết để đi tìm bản ngã

Tháng 10/2022, Annie Ernaux được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương, trở thành nhà văn nữ đầu tiên của nước Pháp được trao giải thưởng danh giá này. Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam vừa giới thiệu đến độc giả Việt Nam bản dịch của ba tác phẩm kể về những hồi ức ở ba giai đoạn quan trọng trong cuộc đời bà.

Annie-Ernaux là nhà văn nữ đầu tiên của nước Pháp được trao giải Nobel Văn chương

Người đào sâu ký ức 

Đó là ba tác phẩm Một người phụ nữ, Cơn cuồng siNỗi nhục, như những dòng hồi ký hé lộ những hồi ức sâu thẳm, từ kỷ niệm ấu thơ cho đến những bí mật giấu kín trong tâm hồn của nhà văn, những điều mà có lẽ không phải ai cũng đủ dũng cảm để phơi bày. 

Annie Ernaux sinh năm 1940 tại Lillebonne, lớn lên tại Yvetot, đều thuộc tỉnh Seine-Maritime, vùng Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Bà học ngành Văn học hiện đại ở đại học Rouen, sau đó làm giáo viên văn ở Annecy, Pontoise rồi Trung tâm giáo dục từ xa quốc gia. Bà là tiến sĩ danh dự của đại học Cergy-Pontoise.

Năm 1974, bà xuất bản tác phẩm đầu tay Les armoires vides (Những ngăn kéo rỗng) kể về lần phá thai chui của bản thân vào năm 1964. Năm 1983, bà xuất bản Một chỗ trong đời, kể về cuộc đời của cha mình, và cuốn sách đã đoạt giải Renaudot. Năm 2008, bà xuất bản Les années (Những năm tháng), tác phẩm được coi là sự hoàn chỉnh về sáng tác của bà, cả về nội dung lẫn hình thức của thể loại hồi ức tập thể.

Trong suốt sự nghiệp, Annie Ernaux đã được trao rất nhiều giải thưởng: giải Renaudot (1984), giải thưởng về ngôn ngữ Pháp, giải François Mauriac (2008), giải Marguerite Youcenar (2017)… và đặc biệt, giải Nobel Văn chương (2022) vì “với lòng can đảm cùng sự nhạy bén bên trong, bà đã khám phá ra những cội rễ, những cách biệt và những câu thúc tập thể của hồi ức cá nhân”. 

Trong suốt hành trình sáng tác của mình, Annie Ernaux có một góc nhìn khác biệt về cuộc sống, giới tính và giai cấp. Thay vì cuốn người đọc vào những thăng trầm cuộc đời hay những chủ đề to tát, bà chỉ tập trung những sự kiện nhỏ nhặt, đời thường mà chân thực. Lịch sử của bà là lịch sử nhỏ, nhưng lịch sử nhỏ gắn kết với lịch sử lớn. Là người “tự khai thác chính mình”, Annie Ernaux đào sâu vào ký ức, cuộc đời của bản thân qua những tác phẩm hồi ký, một chủ đề quen thuộc ở những nhà văn như Marcel Proust và Patrick Modiano. Bằng thứ văn phong “phẳng”, lạnh lùng tưởng như vô cảm, các tác phẩm của Annie Ernaux lại có sức mạnh khơi dậy sự đồng cảm nơi người đọc một cách kỳ lạ. Nhiều cuốn trong số đó đã được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Pháp.

Ernaux đã tạo nên một cuộc cách mạng đối với thể loại hồi ký - vốn được xem là phải dạt dào xúc cảm - nhưng văn bà tựa như một khối đá, trung tính về cảm xúc, hạn chế phát lộ bất kỳ tình cảm cá nhân nào. Điều đó thậm chí còn khiến độc giả xem tác phẩm của bà không phải là văn chương. Ernaux đã tìm và khám phá những tầng sâu thẳm trong hồi ức, nỗ lực tái hiện con người trong lịch sử xã hội, ngăn cho những nỗi niềm sâu kín không trôi dạt về bến bờ quên lãng. Đó chính là cái đẹp trong văn chương của bà - cái đẹp trong sự khám phá bản ngã trong mỗi con người.  

Vào ngày Annie Ernaux nhận giải Nobel Văn chương, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói: “Suốt 50 năm qua, Annie Ernaux viết cuốn tiểu thuyết về ký ức tập thể và riêng tư của đất nước chúng ta. Tiếng nói của bà là tiếng nói của tự do của người phụ nữ và của những điều đã bị lãng quên trong thế kỷ qua.”

Những chân dung cuộc sống 

Những trang viết của Ernaux chỉ xoay quanh cuộc sống và những suy nghĩ của con người. Điều này tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại có thể nói lên nhiều điều: đó là sự bình dị thường nhật mà chúng ta thường hay bỏ quên, cũng có thể trở thành chất liệu cho văn chương, nghệ thuật; và đồng thời, nó cũng ngầm phát lộ rằng, chính trong những thứ bình thường như thế lại có vô vàn điều bí ẩn cần được khai thác. 

Đó là bức chân dung người mẹ trong Một người phụ nữ, xuyên suốt cuốn sách, Annie Ernaux tìm lại những gương mặt khác nhau của mẹ mình, một người phụ nữ vốn rất khỏe, xông xáo, cởi mở, qua đời sau một thời gian mắc bệnh Alzheimer. Những xung đột cảm xúc giữa hai mẹ con chính là một phần của những xung đột xã hội giữa các thế hệ và rộng hơn là các giai cấp. Một người phụ nữ là tuyên ngôn tình yêu đầy tinh tế và sắc sảo của Annie Ernaux dành tặng người mẹ quá cố, qua ngòi bút tưởng như lạnh lùng (một cách có chủ đích) của bà.

Đó là Cơn cuồng si kể về mối tình bí mật bị chôn giấu của chính tác giả. Xuất bản tại Pháp năm 1991, Cơn cuồng si đánh dấu sự đoạn tuyệt của Annie Ernaux so với năm tác phẩm trước đó bằng việc khai thác một chủ đề mà bà chưa từng đề cập đến. Trong cuốn sách rất mỏng và khó xếp loại này, bà kể lại cuộc phiêu lưu tình ái ngắn ngủi của mình, một cuộc tình vụng trộm, thoáng qua nhưng mãnh liệt, đầy đam mê và đã để lại cho bà nhiều khổ đau, nhung nhớ. Một cuộc tình với cái kết được báo trước là không có hậu, một cuộc tình “vô nghĩa” như chính Annie Ernaux đã thừa nhận, tất cả mang đến cho câu chuyện một cái nhìn đầy thực tế và vượt qua mọi chuẩn mực.

Annie Ernaux và những tác phẩm được dịch ra tiếng Việt của bà

 Đó còn là Nỗi nhục kể về ẩn ức giấu kín trong mỗi tâm hồn. Cuốn sách bắt đầu bằng một câu văn gây bất ngờ bởi nội dung lẫn tính trần thuật thuần túy đầy lạnh lùng của nó, cũng chính là nguồn cơn của nỗi nhục mà cô thiếu nữ Annie Ernaux cảm thấy về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ.

Mỗi người đều có một nỗi nhục, một cảm giác xấu hổ thầm kín tuyệt đối không thể nói ra. Người ta thường chạy trốn, che giấu và cố quên nó, nhưng Annie Ernaux, bằng một sự dũng cảm phi thường, đã phơi bày tất cả. Câu chuyện cứ thế tiếp tục, chen vào bằng những hồi ức khác về tuổi thơ, về thành phố, về ngôi trường Công giáo bà từng theo học… Nỗi nhục, nỗi xấu hổ vì cảm thấy xấu hổ, tất cả càng nhân lên gấp bội khi cô thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì trong một xã hội đang xuống cấp và vấn đề phân chia giai cấp ngày một sâu hơn.

Đan xen giữa hồi ức và những suy tư về chuyện viết lách, Annie Ernaux đưa tới độc giả một lời chứng thật đẹp về mùa hè đã thay đổi cuộc đời mình, khi cô thiếu nữ bắt đầu ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi cái nhìn của chính cô về cha mẹ mình cũng đã thay đổi. Như mọi cuốn sách của Annie Ernaux, Nỗi nhục được viết nên bằng rất nhiều nỗi ngượng ngùng, nhưng cũng rất nhiều sự thật.

Phải can đảm biết bao nhiêu, Ernaux mới có thể biểu hiện những nỗi niềm ấy trên những trang viết của mình - một điều mà ai cũng muốn giấu kín. Vì thế, hồi ức trong các tác phẩm này không chỉ là công cụ để bà nhìn nhận lại con người năm xưa của mình, nhìn nhận lại quá khứ - vốn là thứ cấu thành nên bản thân của hiện tại, mà còn là cách để bà nhìn nhận lại lịch sử, xã hội. Ernaux đã ngầm đề ra rằng các phong trào nữ quyền nói riêng và nhân quyền nói chung không chỉ đấu tranh cho đời sống vật chất của con người, mà nó cũng đấu tranh cho đời sống tinh thần của những người ấy. Vì đời sống bên trong cũng là thứ đáng được nuôi dưỡng, can đảm bộc lộ chúng ra cũng chính là một hình thức đấu tranh thích đáng.

Viết là một công việc nhọc nhằn. Viết để phơi bày chính bản thân mình trên trang giấy lại càng khó khăn hơn nữa. Ernaux đã luôn vắt kiệt mình trên trang viết. Bà viết để tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại và nỗi thống khổ muôn đời của kiếp người. Viết để tìm lại ký ức, lưu giữ kỷ niệm. Và trên hết, bà viết để đi tìm bản ngã của mình!

PHẠM HOÀNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

;