Trịnh Huyền: Ngọn lửa nghề vẫn luôn bừng cháy

Khán giả của Nhà hát Kịch Công an nhân dân rất yêu mến Thiếu tá Trịnh Thị Huyền (Trịnh Huyền) - cô diễn viên có gương mặt khả ái và nhập vai rất ngọt.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình trong gia đình không có ai theo nghệ thuật, song cô bé Huyền lại bị hút hồn mỗi khi xem biểu diễn. “Khi còn nhỏ, mỗi lần được theo mẹ đi xem phim chiếu ngoài sân bãi, tôi háo hức lắm. Mỗi lần như vậy, về nhà, tôi hay bị sống cùng các nhân vật. Rồi tôi mơ ước được làm diễn viên. Đôi khi ngồi trước gương, Huyền hay diễn lại điệu bộ, gương mặt của diễn viên đã thể hiện trên màn hình. Chính cảm xúc này đã đưa tôi đến với nghệ thuật” - nữ diễn viên nhớ lại.

Niềm đam mê đó đã thôi thúc cô bằng mọi giá phải trở thành diễn viên. Và cô đã quyết tâm đạt được ước mơ. Sau khi tốt nghiệp khoa Diễn viên, Trịnh Huyền đầu quân về Nhà hát Kịch Quân đội. Công tác tại đây 3 năm, đã tham gia một số vai song vẫn chưa được vào biên chế. Và cô cũng không hề nghĩ rằng, con đường nghệ thuật của mình lại có một bước ngoặt nhỏ. 

Ngày đấy, Nhà hát Kịch Quân đội trình làng vở “Tiếng gọi” mà Trịnh Huyền tham gia diễn xuất. Nữ diễn viên không biết dưới hàng ghế khán giả đến xem hôm đó có NSND Trần Nhượng, khi ấy là Trưởng Đoàn Kịch Công an nhân dân. Bị ấn tượng bởi lối diễn trong sáng của Huyền, xem xong, NSND Trần Nhượng lên tận sân khấu hỏi Huyền đã được biên chế vào quân đội chưa. Khi biết nữ diễn viên trẻ chưa được nhận vào biên chế, ông mời cô sang Đoàn kịch Công an nhân dân để thi tuyển. Theo lời gợi ý của bậc đàn anh, Trịnh Huyền đã sang Đoàn Kịch Công an nhân dân để dự thi, dù trong thâm tâm, cô rất lo, bởi bên ấy cũng nhiều diễn viên trẻ, đẹp, tài năng. Thế nhưng, có cơ hội tốt thì không nên bỏ qua, Trịnh Huyền đã cố gắng hết sức và may mắn đã mỉm cười với cô. Năm 2003, Trịnh Huyền chính chức trở thành nữ chiến sĩ Công an nhân dân. Đến nay, cô vẫn luôn biết ơn NSND Trần Nhượng vì mối duyên ấy. 

Vai Thái hậu Dương Vân Nga trong vở kịch Lau trắng đã mang về cho Trịnh Huyền chiếc Huy chương Vàng thứ 2

Là nghệ sĩ, chiến sĩ công an nhân dân, song, vì vóc dáng Huyền hơi nhỏ, thành ra cô ít được giao những vai nhà nghề mà thường được giao nhân vật trẻ con hoặc…bà già. Vai diễn công an duy nhất mà Huyền được giao là Huệ - nữ chiến sĩ tình báo giả làm cô gái bán hoa trong vở kịch "Bản danh sách điệp viên” của tác giả Văn Báu. Đây cũng là vai diễn nổi bật nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Trịnh Huyền tính đến thời điểm này. 

Là diễn viên kịch rất hiếm người hát hay, thậm chí Trịnh Huyền tự nhận mình hát dở, đến nỗi chả bao giờ dám hát karaoke. Thế mà đạo diễn NSND Lê Hùng khi dàn dựng vở “Bản danh sách điệp viên” lại yêu cầu cô phải hát một đoạn trong ca khúc “Hướng về Hà Nội”. Mà phải thể hiện bài hát đúng vào lúc Huệ - người con gái nhỏ bé của Hà Nội vừa bị địch tra tấn dã man rồi bị xử bắn. “Trước khi từ giã cõi đời, người nữ chiến sĩ tình báo ấy phải hát về Hà Nội. Nếu không hát được thì đừng nhận vai”. Diễn cảnh bị tra tấn đã mệt mỏi lắm rồi, còn thêm việc cất lời ca thì đúng là thử thách khó vượt qua. Nhưng đó là yêu cầu của đạo diễn. Vậy là Trịnh Huyền phải đi học hát. Cô hát ngày đêm, bất kể ở đâu, đang làm việc gì. Và chính cô cũng không ngờ rằng, mình hát kể cũng không đến nỗi tệ. Vai Huệ của Trịnh Huyền đã để lại cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả và giúp cô đạt Huy chương Vàng cá nhân trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần I (2014). 

Trịnh Huyền vai bà địa chủ Bường trong vở kịch Con đò của mẹ

Vai diễn Thái Hậu Dương Vân Nga trong vở “Lau trắng” của tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSƯT Lê Thúy Nga cũng là một dấu ấn đáng nhớ của Trịnh Huyền trên sàn diễn. Lần này, cô phải vượt qua một thử thách khác. 

Vì lập gia đình muộn, nên sau khi lấy chồng, Huyền sinh liền hai em bé. Vậy là suốt 6 năm, cô không tham gia diễn vai kịch nào dài hơi. Lúc ấy, chỉ nghĩ đến việc diễn xuất đã toát hết mồ hôi nói gì đến một vai diễn phức tạp như Dương Vân Nga. Khi nhận lời tham gia, cô lo lắng rất nhiều bởi đây là một vai diễn khá nặng từ lời thoại đến hành động. Thấy khó quá, Huyền đã xin bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên, tin tưởng của một người chị, sự tận tình chỉ bảo của một người thầy, sự nghiêm khắc của đạo diễn NSƯT Lê Thúy Nga ... cô đã một lần nữa vượt lên chính mình. Vai Dương Vân Nga đã ám ảnh Trịnh Huyền suốt hơn một tháng trời tập luyện. Bất cứ khi nào, ở đâu, làm gì, cô cũng nghĩ về nó. Cuối cùng, quả ngọt được hái, vai diễn đã giúp nữ diễn viên dành được Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 tại Hải Phòng. 

Có thế nói, Huệ trong “Bản danh sách điệp viên” và Dương Vân Nga trong vở “Lau trắng” - hai vai diễn với hai lần vượt qua chính mình này là dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Trịnh Huyền được đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao. Cô đang có mơ ước được hóa thân vào vai một nữ chiến sĩ công an nhân dân thật “nặng ký” để thỏa mãn ước mơ diễn xuất và đúng với vai trò người nghệ sĩ, chiến sĩ công an.

Trịnh Huyền vai Hạnh trong phim Bạch mã hoàng tử

Hai thập kỷ gắn bó với sàn diễn với nhiều quyết tâm, nỗ lực và niềm đam mê được sống cùng các nhân vật, đôi khi cô vẫn tiếc vì số vở được tham gia, số vai diễn được hóa thân còn khiêm tốn bởi mỗi năm Nhà hát cũng chỉ dựng một đến hai vở và không phải vở nào mình cũng có vai. Nhưng cũng vui vì Huyền được Tổ nghiệp đãi nên đến nay đã sở hữu trong tay 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc cá nhân trong Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại Huế cho vai Trinh trong vở “Tôi là người Việt Nam” (Kịch bản: Nguyễn Đình Chính - Đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đó chính là nguồn động viên to lớn để Trịnh Huyền vững vàng bước tiếp trên con đường làm nghệ thuật.

Trịnh Huyền tự nhận mình là người cứng cỏi và nghiêm túc trong cuộc sống và công việc. Cô là người dễ thích nghi với môi trường sống, biết hài hòa giữa sự mềm yếu và cứng cỏi, sự lãng mạn và nghiêm túc. Đôi khi, cô còn nghĩ mình chọn nhầm nghề bởi thấy bản thân quá ít tính nghệ sĩ. Ấy thế nhưng, cô lại không chịu dừng chân ở cương vị diễn viên mà còn đi học thêm khoa Đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chưa hết, Trịnh Huyền còn sáng tác kịch bản để tận hiến cho nghệ thuật. Cô đã viết nhiều kịch ngắn, dàn dựng cho các đơn vị nghệ thuật. Mới đây nhất, kịch bản kịch dài đầu tiên “Qua ngày giông bão” do Trịnh Huyền viết đã được chọn tham dự Trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Đại Lải năm 2023. “Tôi là người thân thiện, chân thành, cầu tiến và luôn hết mình trong công việc” - nữ diễn viên thổ lộ. Chính vì thế, cô không ngại dấn thân sang lĩnh vực mới. 

Vai Huệ trong vở kịch Bản danh sách điệp viên là vai diễn nổi bật trong sự nghiệp diễn xuất của Trịnh Huyền

Đam mê, hết lòng vì công việc, song Trịnh Huyền vẫn luôn coi gia đình là tất cả. Cô luôn nỗ lực trên sàn diễn, song cũng không đặt cho mình áp lực phải trở thành một ngôi sao. Cô may mắn được chồng ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để làm nghề. Với Huyền, điều hạnh phúc nhất là sau ánh đèn sân khấu được trở về với cuộc sống bình dị, vui vẻ bên chồng và các con.

NHẬT HUY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;