Ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo đến một số tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Việt Nam, sau năm 1986, tôn giáo trở thành chất liệu mới, một trong những thành tố nghệ thuật quan trọng trong tư duy của nhà văn. Nó không chỉ phản ánh những vấn đề văn hóa, xã hội, khung tri thức, thẩm mỹ thời đại, mà còn là một trong những biểu hiện của sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ về thế giới và con người, làm nên dấu ấn đặc biệt của tiểu thuyết đương đại. Trong đó, Phật giáo chi phối và ảnh hưởng đậm nét nhất. Từ đó, các tiểu thuyết gia đã mở rộng khả năng và phạm vi chiếm lĩnh hiện thực, đem đến cái nhìn nhiều chiều về con người trong xu hướng đối thoại với các giá trị cũ, mang lại tính dân chủ cho văn học.

1. Phật giáo như một tôn giáo nâng đỡ tinh thần con người

 Phật giáo là một tôn giáo vì con người và về con người với chủ trương bình đẳng, vô phân biệt, hướng con người đến tình thương yêu bao la, với tư tưởng từ bi hỷ xả và đặc biệt chú trọng đến những con người đau khổ. Chính tư tưởng từ bi, bình đẳng này khiến Phật giáo dễ dàng bắt nhịp với nền tảng văn hóa, tư tưởng của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam với nền văn minh lúa nước, biết sống thuận theo thiên nhiên, vốn có tư tưởng dân chủ rộng mở, phóng khoáng, nhân ái, vị tha, nên khi Phật giáo vào Việt Nam, dân tộc ta đã biết tự mở cửa tiếp thu rồi tiếp biến, chuyển hóa thành cái riêng của mình, phù hợp với dân tộc và truyền phát, nhân rộng tư tưởng ấy từ đời này sang đời khác. Mặt khác, Phật giáo còn đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Ai cũng có nhu cầu giải tỏa tâm linh, giải phóng tâm trí để thoát khỏi những lo âu phiền muộn trong cuộc sống. Họ tìm đến tôn giáo như tìm về cội nguồn, nhờ vậy con người cảm thấy cân bằng, an nhiên, thanh thản. Về mặt tâm lý, mỗi khi con người gặp phải những bất an, bất trắc, thường tìm đến những nơi không gian thiêng liêng như cửa chùa, chốn Thiền môn để vãng cảnh, chiêm bái… Đó chính là biểu hiện của sự nâng đỡ, sự hỗ trợ, sự ích dụng của tôn giáo đối với sự sống con người.

2. Phật giáo với văn học Việt Nam

Phật giáo từ lâu đã là nguồn mạch khơi dậy nhiều cảm hứng cho văn học Việt Nam. Những tư tưởng, mô típ, hình ảnh, nhân vật... Phật giáo đã trở thành chất liệu, hình tượng văn học hấp dẫn, đầy sức hút cả ở văn học dân gian lẫn văn học viết. Thời trung đại, có một nền văn học Phật giáo Lý Trần với lực lượng sáng tác đông đảo, với hệ thống thể loại riêng biệt. Những nội dung thuộc lĩnh vực Phật học, Thiền học như vấn đề hữu - vô, sắc - không, chân - vọng, sinh - tử, nghiệp duyên, nhân quả, chân như, niết bàn... đã được các tác giả đề cập rõ nét trong thơ văn thời kỳ này. Ngay cả trong một số tác phẩm văn học của các nhà Nho thời Lê - Nguyễn ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật Thiền như thơ văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều... Đến thời hiện đại, giai đoạn 1930-1945, những tác phẩm mang cảm quan Phật giáo mờ nhạt hơn, có thể đến Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan... Sang giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước đổi mới năm 1986, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, văn học phục vụ chính trị và cổ vũ chiến đấu nên vắng bóng cảm quan tôn giáo. Thậm chí, nếu tác phẩm thời kỳ này có nói đến tôn giáo thì đều nhằm mục đích bài trừ mê tín dị đoan để xây dựng nền văn hóa của chế độ mới. Sau đổi mới năm 1986, xu hướng tìm về khôi phục những giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có Phật giáo trở thành nhu cầu của xã hội nói chung cũng như văn học nói riêng. Các nhà văn tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác ở những hệ tư tưởng - tôn giáo truyền thống. Một loạt tác phẩm ra đời: Nhân sứ, Bụt mệt của Hòa Vang; Đường Tăng của Trương Quốc Dũng; Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu của Nguyễn Khải; Luân hồi của Tạ Duy Anh; Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, Giọt máu, Con thú lớn nhất của Nguyễn Huy Thiệp; Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái… Đó là những truyện ngắn, tiểu thuyết khơi vào vùng tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo một thời đã bỏ ngỏ. Nhìn từ diện mạo, có thể thấy, ở văn xuôi Việt Nam đương đại, Phật giáo không còn là ý thức hệ tư tưởng với mục đích tuyên truyền giáo lý và giáo huấn như trong văn học Phật giáo thời Lý Trần, mà trở thành nguồn cảm hứng chi phối cái hiện thực, con người, chi phối kết cấu tác phẩm, thủ pháp xây dựng hình tượng, giúp nhà văn truyền tải những thông điệp về nhân sinh, suy tư về cõi người.

Ảnh: vov.vn

3. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại và sự ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo

Trong đời sống con người, niềm tin tôn giáo giữ một vai trò đặc biệt quan trọng và nó khác với các kiểu niềm tin xã hội khác. Mượn cảm quan tôn giáo, các nhà văn đã khắc họa nên những con người thế tục đậm chất hiện sinh. Thế giới của tôn giáo là thế giới của đức tin nên tôn giáo cần ở con người một lòng tin tuyệt đối, thanh sạch và tận hiến. Trong dòng chảy đó, tiểu thuyết Việt Nam đã phân nhánh theo nhiều hướng khác nhau. Trong Một số khuynh hướng tiểu thuyết nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay, PGS, TS Nguyễn Thị Bình có nêu ra 5 khuynh hướng tiểu thuyết chính: lịch sử hóa, tự thuật, tư liệu - báo chí, hiện thực kiểu truyền thống, hậu hiện đại. Đó là cái nhìn bao quát, còn thực tế, văn học sinh động hơn rất nhiều, thậm chí có sự giao thoa giữa các khuynh hướng ở mỗi tác giả, tác phẩm. Trong đó, tiểu thuyết lịch sử là loại hình rõ nét, dù ít dù nhiều, dù đậm dù nhạt đều có yếu tố Phật giáo. Một ví dụ rất gần gũi và tiêu biểu là không phải ngẫu nhiên mà nhiều người rất quan tâm đến vấn đề văn hóa tâm linh trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly (2000) của Nguyễn Xuân Khánh; bộ tiểu thuyết Ba nhà cải cách (tập hợp ba tác phẩm viết về Khúc Hạo, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ) của Vũ Ngọc Tiến; hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ của nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải là Bão táp triều Trần (tập hợp bốn cuốn tiểu thuyết viết về triều Trần được in rải rác từ trước) và Tám triều vua Lý đều chứa đựng nhiều tư tưởng của Phật giáo. Trong hầu hết tiểu thuyết lịch sử của văn học Việt Nam đương đại, người đọc dễ dàng tìm thấy nhân vật thiền sư, nhà sư như là biểu tượng cho văn hóa tư tưởng, cho sức sống trường tồn của dân tộc với tinh thần kiên nhẫn chịu đựng gian khổ, lòng hiếu thảo, yêu quê hương đất nước. Tinh thần Phật giáo có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Nó luôn nhắc nhở con người thấu hiểu thuyết nhân - quả, nghiệp báo của một lẽ công bằng, một đạo luật khách quan trong xã hội. Một số tiểu thuyết lịch sử văn hóa thấm đẫm cảm quan Phật giáo ra đời được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, như Đức Phật, nàng Savitri và tôi (2007) của Hồ Anh Thái, Đội gạo lên chùa (2011) của Nguyễn Xuân Khánh... Sự trở lại của xu hướng văn học mang cảm quan Phật giáo trong văn xuôi, nhất là trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã khẳng định, cảm quan Phật giáo là mạch nguồn trong văn học dân tộc, lúc ngầm chảy, lúc dào dạt. Triết lý Phật giáo vừa thẩm thấu vào nội dung tư tưởng làm nên giá trị nhân bản của tác phẩm, vừa chi phối hình thức biểu đạt tạo sự hấp dẫn đối với người đọc.

Áp dụng tư tưởng Phật giáo vào việc sáng tác, giúp cho con người định tâm, hướng về biển tâm mênh mông sâu thẳm, để sáng tác những tác phẩm tuyệt hảo, toàn bích với thời gian. Để viết tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, nhà văn Hồ Anh Thái đã đi khảo sát hầu khắp lãnh địa của các vương quốc thờ Phật ở miền Bắc và Trung Ấn. Ông cũng tận dụng 6 năm ở Ấn Độ để tìm tài liệu, thậm chí là những văn bản cổ, quý hiếm trong các thư viện, rồi xử lý tài liệu, huy động cả những kiến thức từ kinh điển Phật giáo, chuyển hóa tài liệu thành hình tượng văn học. Sau 20 năm miệt mài nghiên cứu và nung nấu, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi ra đời, là tác phẩm đầu tiên trong văn học Việt Nam viết về đức Phật và Ấn Độ cổ đại. Trong tiểu thuyết, nhà văn đã lý giải được những điều kiện cần thiết để Phật giáo ra đời và được đón nhận. Giữa lúc tư tưởng Bà La Môn trở nên lỗi thời, thì tư tưởng của đức Phật diệt trừ khổ đau, tự do lựa chọn chân lý, bình đẳng, nhân ái, tôn trọng thiên nhiên và tôn trọng mọi sinh linh trên thế gian nhanh chóng được tiếp nhận trên diện rộng. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái đã xây dựng đức Phật hoàn toàn là một con người thật trong lịch sử. Vòng hào quang huyền thoại bị gạt bỏ, thay vào đó là một con người thông tuệ, một triết gia, một nhà tư tưởng vĩ đại bằng xương bằng thịt. Những nhân vật xung quanh đức Phật được tác giả miêu tả từ tâm lý, tính cách tới hành động càng làm cho đức Phật trở nên gần gũi và giản dị.

Ấn tượng nhất trong tiểu thuyết là Savitri, nàng sống gấp gáp, hưởng thụ vội vàng là biểu tượng đam mê dục lạc. Đó là nghiệp chướng mà Savitri phải gánh chịu vì những gì nàng đã làm trong tiền kiếp. Ở tiền kiếp, người đọc đã thấy một Savitri luôn đắm chìm trong dục vọng thể xác và hưởng thụ khoái lạc một cách tham lam vô độ. Hiện kiếp nàng phải chịu một án phạt nặng nề là một lẽ đương nhiên.

Tiểu thuyết này không phải chỉ để xây dựng hình tượng đức Phật mà còn thể hiện nhiều tư tưởng của Phật giáo cũng như văn hóa Ấn Độ. Nhà văn cho rằng: “Tôi vẫn nghĩ tính bao trùm của giáo lý Phật giáo rộng lớn đến độ chạm đến mọi vấn đề của đời sống. Bạn cứ thử đưa ra một vấn đề gì đó tưởng là mới mẻ mà xem, ngẫm kỹ thì mới thấy là 2.500 năm trước, Phật đã nói rồi. Nhiều triết thuyết sau này cũng thừa hưởng ít nhiều của Phật giáo. Vậy trở lại với tiểu thuyết, không chỉ là chuyện dục lạc mà thôi, chuyện hận thù và báo thù của đạo sư Bà La Môn, của Savitri, chuyện yêu thương với đồng loại, với mọi chúng sinh đều không ra ngoài vòng triết thuyết và giáo lý của Phật” (1). Trong tiểu thuyết, nhân vật tôi - nhà nghiên cứu Ấn Độ cảm nhận: “Sau một chuyến du hành qua đời Phật, người ta không còn là người của trước chuyến đi nữa” (2). Tấm lòng bao dung, mênh mông, tràn ngập tình yêu với mọi sinh linh của đức Phật đã đánh thức Phật tính vĩnh hằng ở mỗi người.

Khác với thế hệ của Hồ Anh Thái, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đến với văn học từ năm 1959. Truyện ngắn đầu tay Một đêm của ông được giải Nhì cuộc thi viết về đời sống bộ đội trong hòa bình của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời, vừa kiếm sống, vừa tích lũy trải nghiệm và không thôi đam mê sáng tác, ông đã khẳng định bản lĩnh, tư tưởng khi mới xuất bản bộ ba tiểu thuyết dày dặn cả về dung lượng lẫn nội lực: Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2005), Đội gạo lên chùa (2011). Nhà văn đã viết bằng chính trải nghiệm, sự say mê và am hiểu sâu sắc lịch sử, đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc. Ông đi sâu vào vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt như đạo Mẫu, đạo Phật (đã được Việt hóa) và khẳng định sức mạnh của văn hóa tôn giáo bản địa, là căn cốt tạo nên sức sống dân tộc.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, tác giả luận giải về một thời điểm bi tráng của lịch sử dân tộc, những năm cuối của triều đại nhà Trần với nhiều xung đột không chỉ trên chiến trường mà cả ở văn hóa, tư tưởng: giữa phái canh tân, cải cách của Hồ Quý Ly và phái bảo hoàng ủng hộ nhà Trần; giữa Nho giáo mang tinh thần nhập thế khai phóng với Phật giáo và cả Lão giáo. Mặc dù chủ yếu luận giải về tính khả dụng của Nho giáo giữa thời cuộc đầy biến động, Phật giáo không phải chủ đề nổi bật nhưng vẫn dễ nhận ra thiện cảm của nhà văn dành cho Phật giáo. Khi bàn về lẽ thịnh suy của vận nước, nhân vật Sử Văn Hoa nói về đức vua Trần Nhân Tông: “Đức vua Nhân Tông chính là người điều hòa được âm dương, vì người có tầm nhìn rộng lớn. Núi sông cũng có âm dương, một đất nước cũng có âm dương: Phật giáo và Nho giáo (...) Ở thời vua trị vì, Nho Phật hòa đồng, nhật nguyệt cân bằng, sáng tối luân phiên, đó là phút Thái hòa trời đất” (3). Đó là thứ Nho chuyên chú vào sức mạnh kỷ luật, pháp cương. Nếu Nho là phần dương của núi sông xã tắc thì Phật giáo là phần âm của hồn dân Việt. Đó là “phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và thâm thúy của núi sông. Đã bao đời nay, nó vẫn ngân nga trong tiếng chuông chùa làng, lẩn khuất trong đầu ngọn tre, dưới mái rạ, để xoa dịu, nâng đỡ hồn người dân quê trong những lúc nhiễu nhương loạn lạc, trong những năm hạn hán đói khát, đem lại cho người dân ta sức mạnh dẻo dai để chờ đến buổi bình minh sẽ tới (...) cái phần âm tĩnh lặng u uẩn, linh thiêng sẽ giúp ta trở nên cân bằng, biết cắn răng mà chịu, biết nuốt nước mắt vào lòng, biết chấp nhận nhục nhã, để chờ một ngày nào đấy, có thể lại đứng dậy, lại lau sạch khuôn mặt, làm cho đất nước trở nên rạng rỡ” (4). Mượn lời nhân vật Phạm tiên sinh giảng Thiền cho Nguyên Trừng, Nguyễn Xuân Khánh đưa ra hình ảnh so sánh: “Người xưa nói: Đạo Phật như giếng trời, còn Khổng và Lão chỉ giống như hang và khe. Đạo Phật như mặt trời, còn Khổng và Lão chỉ như những bó đuốc” (5). Bàng bạc trong tác phẩm, bên cạnh không khí khẩn trương ngột ngạt của thời đại, bên cạnh tính cách cương cường và những tính toán tham vọng của Hồ Quý Ly là sự mềm dịu của công chúa Huy Ninh, người phụ nữ tin vào sức mạnh giải thoát của Phật. Sử Văn Hoa lựa chọn lối sống nhu hòa, tự tại của Phật. Sư Vô Trụ, Phạm tiên sinh - ông ngoại của Nguyên Trừng... cũng là những nhân vật chọn con đường lên Yên Tử để tu thân mà cũng là giúp đời.

Đội gạo lên chùa tiếp nối câu chuyện lịch sử dâu bể của dân tộc và những cuộc trầm luân của đạo Phật. Tác phẩm thể hiện tư tưởng nhà Phật qua câu chuyện cuộc đời những con người cá nhân. Đó là cuộc đời sư Vô Úy, Vô Trần, sư Khoan Độ, chú tiểu An. Con đường đến Phật giáo của họ có khác nhau: người vì niềm yêu mến, người vì cuộc đời đưa đẩy mà nương nhờ cửa Phật. Câu chuyện đặt ra vấn đề vai trò nhà Phật đối với lịch sử phát triển và số phận dân tộc. Trong mỗi giai đoạn, Phật giáo vừa là chứng nhân vừa là điểm tựa, là kim chỉ nam cho con người. Có thể nói, tinh thần Phật giáo đã thấm đẫm, chan hòa vào đời sống và Phật tính đã thật sự trở thành một phần cốt lõi hướng con người sống một đời sống hữu ích, thiện lành, như con đom đóm tự tỏa sáng mình, góp phần chiếu sáng nhân gian.

Những tư tưởng giáo điều tốt đẹp của Phật giáo đã được người dân chọn lọc tiếp nhận, phù hợp với nhân sinh quan của cả nhân dân. Vì vậy, tinh thần Phật giáo trong các tiểu thuyết đương đại Việt Nam vô cùng phong phú, đem lại cho con người lòng vị tha và đem lại hạnh phúc thật sự cho con người, xã hội, góp phần tăng giá trị tư tưởng văn hóa dân tộc, bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc được trường tồn. Vậy nên mới nói, bất cứ người Việt nào cũng có chút Phật giáo trong người” (6). Như vậy, Phật giáo đã vượt lên vai trò là một tôn giáo, hệ tư tưởng mà nó là nét văn hóa có tính phổ quát, ăn sâu vào tính cách dân tộc. Phật giáo là một lối sống, lối hành xử mang tính nhân bản. Phật tính cũng là nhân tính. Tư tưởng của nó biểu hiện trong mọi hoạt động của đời sống, là tiếng gõ mõ, tiếng chuông chùa, là sự từ bi và vị tha vượt lên mọi nghịch cảnh đớn đau, tra tấn, hàm oan, là cái nhìn không định kiến về kẻ khác... Phật giáo đã tham dự một cách sâu rộng vào quá trình dựng nước và giữ nước. Phật giáo coi trọng từ bi, là phần âm nhu trong cơ cấu tư tưởng văn hóa Việt, nhưng không hề bàng quan, đứng ngoài sự vận động của lịch sử. Có phải, đây là cách tác giả hướng người đọc tìm về nguồn cội, tìm về những giá trị đáng quý trong tâm thức con người đang có nguy cơ bị mai một trong thời đại kỹ trị như ngày nay?

Nếu Hồ Anh Thái đưa người đọc về với đức Phật ở Ấn Độ cổ đại, thì Nguyễn Xuân Khánh luận giải về Phật giáo Việt Nam có sự hài hòa Thiền tông và Tịnh độ tông. Phật giáo Ấn Độ cổ đại hay Phật giáo nguyên thủy là mảnh đất còn nhiều lạ lẫm với bạn đọc Việt Nam nên tiểu thuyết của Hồ Anh Thái có thể coi là kén người đọc. Đức Phật, nàng Savitri và tôi là cuốn sách chỉ có thể đọc từ từ, chậm rãi, cảm nhận từng chút một, và lắng nghe cảm giác ở trong mình qua mỗi trang. Theo cách này, ta sẽ ngộ nó. Dù câu chuyện có thời gian 2.500 năm, bên xứ Ấn, nhưng ta sẽ thấy nó ngay trong con người mình, ngay trên mảnh đất đang sống. Trong khi đó, Nguyễn Xuân Khánh lựa chọn Phật giáo đã tiếp biến và dung hợp với văn hóa Việt, một Phật giáo thấm nhuần tinh thần và cốt cách Việt Nam nên dễ tìm được sự chia sẻ và đồng cảm của bạn đọc. Ông đã nhìn Phật giáo không phải từ góc độ của một nhà khảo cứu hàn lâm hay một triết gia uyên bác mà nhìn bằng chiều sâu văn hóa của một con người bình dị. Phật giáo là tâm điểm trong những trang viết của Nguyễn Xuân Khánh nên người đọc thường thấy trong nội tâm nhân vật những ý nghĩ như: “Đức Phật bảo”, “Phật dạy”…

Đức Phật, nàng Savitri và tôi thể hiện những tìm tòi trong nỗ lực cách tân tiểu thuyết, trong khi Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết mang dáng dấp truyền thống. Dù vậy, cả hai tác phẩm đều tạo ra được tiếng nói đa âm, tuy độ đậm nhạt khác nhau và đều không đơn thuần minh họa, giới thuyết cho tôn giáo mà đối thoại với tôn giáo, lịch sử. Vì vậy, Hồ Anh Thái, Nguyễn Xuân Khánh có sự gặp gỡ trong những triết luận về con người và cuộc đời nhưng cũng có vô vàn điểm độc đáo, khác biệt làm nên diện mạo sinh động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Có thể nói, các nhà văn đương đại không chỉ vẽ nên một thế giới đầy màu sắc linh thiêng để hướng con người đến những điều cao cả, tốt đẹp mà ở một khía cạnh khác, họ còn muốn thông qua những hình tượng nghệ thuật để mô tả một thế giới hiện thực đa chiều và khám phá con người trên những chiều kích mới. Các nhà văn đã tạo dựng không gian linh thiêng, màu nhiệm của tôn giáo mà đặc biệt là Phật giáo với niềm tin cứu rỗi, thanh tẩy, cảm hóa, hướng thiện con người; xây dựng những hình ảnh, hình tượng, biểu tượng có tính luận giải, cắt nghĩa, lý giải hiện thực, đem đến cái nhìn nhiều chiều, dân chủ cho văn học. Nghiên cứu, nhận diện xu hướng Phật giáo trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại giúp chúng ta xác định được các giá trị nhân văn của tác phẩm, đồng thời cũng thấy được nhiều yếu tố kỳ ảo thông qua những hình tượng tôn giáo đầy sức hấp dẫn.

___________

1. Nguyễn Minh, Nhà văn Hồ Anh Thái: Lấy sự ôn hòa mà đáp lại…, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 51, 2-2018.

2. Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Strivia và tôi, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.427.

3, 4, 5. Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2000, tr.514-515, 495, 31.

6. Nguyễn Xuân Khánh, Đội gạo lên chùa (tái bản lần thứ ba), Nxb Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr.255.

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh, Hán - Việt từ điển (tái bản lần thứ nhất), Nxb Minh Tân, Paris, 1950.

2. Vũ Huy Anh, Bên lề trang sách, Báo Văn nghệ, số 15, 1986.

3. Vũ Huy Anh, Dang dở - Bộ tiểu thuyết tuyền chọn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000.

4. M. Bakhtin, Một số vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu văn học quá khứ (Vương Trí Nhàn dịch), Tạp chí Văn học, số 4, 1980, tr.139-144.

LÊ SI NA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;