Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Giá trị lịch sử đối với cách mạng Việt Nam hiện nay

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để vạch trần dã tâm của kẻ thù và kêu gọi toàn dân tộc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 75 năm qua, đất nước ta đã có nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng đó vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đến nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng nước ta, đó là tư tưởng về khơi dậy lòng yêu nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, về đường lối chiến tranh nhân dân...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ đây, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân; nhân dân lao động trở thành người làm chủ vận mệnh dân tộc.

Nhưng chính quyền nước ta lúc bấy giờ còn non trẻ, đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, khó khăn lớn nhất là đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Với dã tâm muốn cướp nước ta lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, nổ súng đánh ở Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Người đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946. Tuy nhiên, sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục gây hấn ở Nam Bộ bằng xung đột vũ trang, lập Chính phủ Nam kỳ tự trị, âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ được tổ chức tại Phông-ten-nơ-blô (Pháp), nhưng đã thất bại. Trong khi đó, tại Đông Dương, quân Pháp tăng cường hoạt động khiêu khích với ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta. Quan hệ Việt - Pháp ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14-9-1946, nhượng bộ cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho một cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sớm muộn nhất định sẽ xảy ra.

Ngày 18-12-1946, tướng Moóc-li-e gửi cho Chính phủ Việt Nam hai tối hậu thư với nội dung: Pháp đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố; Phái ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng. Trước âm mưu và quyết tâm muốn cướp nước ta của thực dân Pháp, ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Người đã soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là văn kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, thời đại sâu sắc.

Lời kêu gọi của Người tuy ngắn gọn, nhưng có giá trị lịch sử lớn lao, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nó là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu bằng mọi vũ khí sẵn có với một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi Việt Nam. Lời kêu gọi đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện rõ lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta. Hồ Chí Minh đã vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, và khẳng định cuộc kháng chiến sẽ nhất định đi đến thắng lợi. Đó chính là cuộc kháng chiến toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân tộc và xác định rõ mục đích của kháng chiến là giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để lại những giá trị lịch sử sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm đó và cho đến bây giờ.

Thứ nhất, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện khẳng định khát vọng hòa bình và ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, khát vọng tự do của dân tộc. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, khát vọng hòa bình để xây dựng đất nước là khát vọng cháy bỏng của dân tộc ta. Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa” (1). Qua đó thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân ta sẽ không bao giờ có được khi kẻ thù có dã tâm xâm lược nước ta. Người xác định rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, trong khi, thành quả Cách mạng Tháng Tám vừa mới giành được. Người khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (2). Lời khẳng định đó chính là sự kết tinh ý chí quyết tâm của truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó đã được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập mà Người tuyên bố trước đó: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (3). Đó là ý chí khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam vì mục tiêu, chân lý của thời đại Không có gì quý hơn độc lập tự do.

Thứ hai, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnLời hịch cứu nước, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân nhất tề đứng lên đánh giặc. Để huy động sức mạnh, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” (4). Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thúc giục cả dân tộc đồng lòng bước vào cuộc chiến đấu mới với ý chí quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Sau hiệu lệnh nổ súng của Chính phủ, Vệ quốc đoàn và Tự vệ đồng loạt tiến công các mục tiêu trong trung tâm Thành phố; phối hợp với bộ đội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và phục vụ chiến đấu, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lực lượng vũ trang và nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Cuộc chiến đấu quyết liệt, anh dũng của quân và dân ta trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã giành được những thắng lợi quan trọng, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Đặc biệt, cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô đã làm phá sản kế hoạch tác chiến chiến lược của địch, buộc chúng phải chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh lâu dài. Đối với ta, đây cũng chính là thời gian quý báu để bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến và chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cho kháng chiến trường kỳ. Trong thời gian 2 tháng đó, chúng ta đã thực hiện được một cuộc tổng di chuyển toàn bộ các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng Chỉ huy… ra khỏi Hà Nội, về căn cứ địa Việt Bắc an toàn. Các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận ở các địa phương cũng kịp thời di chuyển từ các thành phố, thị xã về vùng nông thôn, rừng núi; di chuyển cơ sở vật chất, kho tàng, máy móc, vũ khí, vật tư, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm, tiền bạc… và tổ chức di dân ra khỏi vùng chiến sự, nhằm bảo toàn lực lượng, xây dựng thực lực để tiến hành kháng chiến lâu dài.

Có thể nói, chiến thắng 60 ngày đêm của quân và dân Hà Nội là bước khởi đầu quan trọng cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, là tiền đề tạo sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi vẻ vang, góp phần hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, Đảng ta xác định đây là bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành bài học xuyên suốt, bao trùm. Đó là “thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị”; “phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (5). “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (6).

Thứ ba, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến góp phần chỉ đạo, định hướng cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ trong khi tương quan lực lượng nghiêng về thực dân Pháp. Do vậy, để giành thắng lợi, ta phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Với tầm nhìn thấu suốt, Người đã vạch rõ những nét cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là: toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh. Người chỉ rõ, lực lượng tham gia kháng chiến là toàn dân tộc, bao gồm mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không phân biệt tôn giáo, đảng phái; đánh Pháp bằng bất cứ thứ vũ khí gì có thể. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ cuộc chiến sẽ rất gian lao, lâu dài, phải trải qua gian khổ, hy sinh, nhưng thắng lợi cuối cùng “nhất định về dân tộc ta”, đó là một tất yếu của lịch sử.

Ngày nay, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã để lại những bài bài học sâu sắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân” (7). Theo đó, để thực hiện thành công mục tiêu trên, tạo sức mạnh to lớn cho công cuộc đổi mới, chúng ta cần quán triệt và từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, coi đó là điểm tương đồng để thống nhất về chính trị, tư tưởng trong toàn xã hội. Đồng thời, thực hiện đoàn kết mọi tầng lớp, lực lượng trong xã hội, trên nền tảng khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; giải quyết hài hòa các lợi ích làm cơ sở cho sự ổn định, đoàn kết và thống nhất. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng là phải xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả bệnh quan liêu, tham nhũng, tạo lòng tin trong nhân dân vững chắc.

Thứ tư, thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm “chiến tranh toàn dân” rất đầy đủ và hào hùng. Đây là nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nền quốc phòng toàn dân trước hết được xây dựng vì mục đích hòa bình, giữ gìn sự ổn định để phát triển đất nước. Tư tưởng đó được kế thừa trong lịch sử dân tộc và được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Để có được hòa bình, “chúng ta phải nhân nhượng” và quyết “hy sinh tất cả” để bảo vệ độc lập khi Tổ quốc lâm nguy. Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần đó tiếp tục gợi mở về những biện pháp linh hoạt, mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, cần biết giữ vững nguyên tắc chiến lược, đồng thời linh hoạt về sách lược nhằm “thêm bạn, bớt thù”, tránh được các xung đột và chiến tranh, thực hiện hòa nhập nhưng không “hòa tan” trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện mới, đòi hỏi phải xây dựng toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận; trong đó, chú trọng xây dựng tiềm lực về chính trị, tinh thần, phát huy nhân tố con người là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta diễn ra trong điều kiện mới, chịu tác động sâu sắc từ những biến động mạnh mẽ và phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch… Song, về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (8).

Do đó, đặt ra yêu cầu đối với Đảng và nhân dân ta là phải luôn chủ động, tỉnh táo, cảnh giác, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa hợp tác với đấu tranh, song phải đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước là hòa bình và độc lập dân tộc. Đó là sự nhất quán của Đảng qua các văn kiện, nhất là từ Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX và Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI đến nay. Trong đó: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” (9), luôn được đặt lên hàng đầu, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, toàn dân tộc ta, là sự kiên định mục tiêu chiến lược, song phải kiên trì.

Quan điểm dĩ bất biến, ứng vạn biến trong những tình huống cụ thể. Đó là tiền đề để bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và các mục tiêu khác. Đảng ta xác định quan điểm: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch” (10).

Lời kêu gọi toàn quôć kháng chiêń là văn kiện chính trị quan trọng, mang tính chỉ đạo nhiệm vụ cách mạng ở tầm chiến lược không chỉ trong những ngày đâù , mà còn có tác dụng định hướng cho sự phát triên̉ của cả cuộc kháng chiêń chôń g thực dân Pháp cũng như cách mạng nước ta sau này. Lời kêu gọi có giá trị tư tưởng và thực tiễn, là cơ sở để Đảng ta từng bước hoàn chỉnh thành đường lôí, chỉ đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiêń đi tới thắng lợi hoàn toàn và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Với tầm vóc vĩ đại của lịch sử dân tộc, uy tín và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi xứng đáng trở thành “Bảo vật quốc gia” của dân tộc. Trải qua 75 năm từ ngày toàn quốc kháng chiến và sau 35 năm đổi mới đất nước những tư tưởng, giá trị của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn như lời hiệu triệu non song đất nước, là tiếng kèn xung trận để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào giai đoạn xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên cơ sở tinh thần ấy, với quyết tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “phấn đấu đến giữa TK XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (11).  

____________________

1, 2, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tâp̣, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.160.

3. Hồ Chí Minh, Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

5, 7, 8, 9, 10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158.

TS LƯU DUY TOÀN - NGUYỄN XUÂN CẨN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;