Tìm hiểu quan niệm về quốc văn trên báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX

Đầu TK XX, xã hội Việt Nam có những biến đổi to lớn, trong đó có “bước chuyển đổi mô hình văn hóa quan trọng: từ nền văn hóa cổ truyền, dựa trên căn bản nông nghiệp và Nho giáo sang một xã hội có tính cách công nghiệp, hiện đại, dù dưới hình thái thực dân” (1). Trong bước chuyển đổi này, giới trí thức bản địa không thể không suy nghĩ về nền văn hóa của dân tộc trong đối sánh với văn hóa Đông - Tây. Ý thức dân tộc đã thúc đẩy họ nhận thấy cần phải xây dựng một nền quốc học mới cho đất nước bằng cách giới thiệu, phổ biến các tư tưởng học thuật, các giá trị văn minh Đông - Tây và văn hóa truyền thống của dân tộc để “khai dân trí”, làm cho đất nước thoát khỏi sự lạc hậu, tăm tối. Nhưng muốn phát triển quốc học, phải xây dựng nền quốc văn, trong đó, quốc ngữ được xem là một “lợi khí”, có thể trở thành công cụ đắc lực cho mục tiêu trên. Quốc văn vì vậy trở thành một trong những vấn đề lớn của văn hóa Việt Nam đầu TK XX.

Sự xuất hiện của từ quốc văn

Thập niên 1910, quốc văn trở thành một vấn đề được giới trí thức quan tâm. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện từ quốc văn. Năm 1927, nhân 10 năm Nam Phong tạp chí ra đời, Nguyễn Văn Kiêm ghi: “Tiếng quốc văn dùng để chỉ văn quốc ngữ cũng mới thông dụng tự năm 1917 trở đi” (2). Tuy nhiên, theo chúng tôi, thời điểm xuất hiện từ quốc văn có thể sớm hơn nhận định của Nguyễn Văn Kiêm, vì trong bài viết Nền quốc văn trên tờ Hữu Thanh, số 12, ngày 15-4-1924, Ngô Đức Kế giải thích sự xuất hiện của từ quốc văn như sau: “Mười mấy năm nay, các nhà tân học cựu học đều biết rằng muốn khai thông phong khí cho dễ, truyền bá văn minh cho mau thì phải dùng tiếng, chữ mình. Lại thấy vừa lúc Hán văn đã không dùng mà thi cử, mà Pháp tự đang lúc mới học vỡ lòng, văn chương láo nháo, nhân vật nhố nhăng, học giới nước mình không khác gì nhà nông vào lúc thanh hoàng bất tiếp. Lúc ấy mới dùng chữ quốc ngữ mà làm luận văn, dùng quốc ngữ mà dịch truyện chép sử, rồi trên những tờ nhật báo và đầu miệng các sĩ phu mới xuất phát ba chữ nền quốc văn”. Căn cứ vào cụm từ “mười mấy năm nay” của Ngô Đức Kế, có thể thấy từ quốc văn đã xuất hiện vào đầu thập niên 1900, chí ít là trước năm 1914.

Sự trưởng thành của quốc văn gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của báo chí quốc ngữ. Có thể thấy, giai đoạn từ khi có tờ báo quốc ngữ đầu tiên là Gia Định báo (1865) đến trước năm 1913 (năm ra đời của Đông Dương tạp chí) là thời gian báo chí trở thành trường học chữ quốc ngữ. Chúng tôi cho rằng, đây là giai đoạn khởi đầu của nền quốc văn mới. Trong giai đoạn khởi đầu này, có sự đóng góp quan trọng từ các hoạt động của phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục. “Từ năm 1913, nghề báo bắt đầu xoay chiều” (3), khi có các tờ báo mang tính văn chương như Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí ra đời; báo chí, ngoài chức năng “trường học chữ quốc ngữ”, còn trở thành “trường học văn chương”, đóng vai trò quan trọng hơn trong một giai đoạn xây dựng nền tảng cho nền quốc văn mới. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1913 đến năm 1932, sau đó, phong trào Thơ mới và Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện, đưa quốc văn bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ khảo sát quan niệm của giới trí thức về quốc văn trên báo chí giai đoạn từ 1913-1932.

Để tìm hiểu quan niệm của trí thức về quốc văn, chúng tôi thống kê và khảo sát toàn bộ ý kiến của trí thức về quốc văn được Nam Phong tạp chí thu thập từ các ấn phẩm báo chí trong ba thập niên đầu TK XX và đăng tải trên ba số báo, gồm số 149 (4-1930, tr.311-330), số 168 (1-1932, tr.27-44) và số 170 (3-1932, tr.284-300).

Mặc dù việc thống kê này, dựa trên sự thu thập của Nam Phong, có thể chưa phải là tất cả nhưng nó cũng tập hợp được khá nhiều nguồn báo chí khác nhau với nhiều lượt ý kiến của trí thức về quốc văn. 19 tờ báo từ cuối thập niên 1910-1932 có đăng tải các ý kiến về quốc văn đã được Nam Phong thu thập lại. Ngoài ra, còn có các ý kiến về quốc văn trích trong các sách, bài diễn thuyết hay bài thi của học trò. Tổng cộng có 177 lượt ý kiến về quốc văn được Nam Phong ghi nhận, trong đó có 142 lượt ý kiến trích xuất từ 19 tờ báo được thể hiện trong Bảng 1 (Nguồn: tác giả).

Bảng 1: Quan niệm của trí thức về quốc văn

Qua số liệu thống kê, có thể thấy ý kiến của giới trí thức trong nước về quốc văn chủ yếu được đăng tải trên báo chí hơn là các phương tiện khác. Điều này cho thấy vấn đề quốc văn là một trong những chủ đề được giới trí thức trong nước bàn luận sôi nổi trong những thập niên đầu TK XX và chủ yếu thể hiện trên phương tiện báo chí.

Về nội dung, chúng tôi nhận thấy ý kiến của giới trí thức về quốc văn tập trung vào hai loại chính: đề cập đến quốc văn với tư cách là văn quốc ngữ; đề cập quốc văn gắn với nội dung tư tưởng, học thuật, luân lý, tức là văn chương mang “tính nguyên hợp truyền thống” (4).

Quốc văn và quốc ngữ

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các ý kiến trên báo chí quan niệm quốc văn là văn quốc ngữ (89/142). Nguyễn Văn Vĩnh là trí thức được biết đến như một trong những người nhiệt tình nhất với văn quốc ngữ: “Đến ngày nay, chúng ta lại muốn dùng tiếng nhà cho khéo hơn một chút, cho rộng hơn một chút. Muốn đem nó mà đạt lại cho người mình biết những điều mới mà trí khôn ta đã nạp được, để khiến cho những đồng bào không có cái hạnh phúc đọc được sách Tàu sách Tây như ta mà cũng nghe thủng được những điều ta nghe thấy ở sách Tây sách Tàu, hoặc ở trong cái thế giới rộng lớn hơn cho tai mắt những kẻ được nạp các văn hóa khác vậy” (5). Phạm Quỳnh đặt vấn đề phát triển quốc ngữ để xây dựng một nền quốc văn mới cho đất nước: “Ở Đông phương cũng vậy, ở Tây phương cũng vậy, nước nào còn tôn sùng một cái văn hóa cổ, tập luyện một thứ văn tự cổ thì không thể nào có quốc văn, có quốc học được. Bao giờ tiếng quốc âm của mình có thoát ly được cái văn tự cổ đó mà độc lập thì bấy giờ mới gây được thành quốc văn”. Ngay một người chỉ sử dụng chữ Hán, không biết viết chữ quốc ngữ, như Phan Bội Châu cũng đã thay đổi vì ông hiểu được vai trò của nền quốc văn mới: “Tôi đương tập viết quốc văn, vì lâu nay không có dịp dùng đến. Quốc văn là thứ tiếng rất hay của nước ta, quốc văn là nền móng xã hội Việt Nam, quốc văn là cơ quan của việc giáo dục học vấn sau này”.

Như vậy, trong bối cảnh chữ quốc ngữ đang thay thế chữ Hán và chữ Nôm, nhận thức về quốc văn của giới trí thức trước hết là xác lập vị trí cho văn quốc ngữ - một vấn đề hệ trọng đối với nền văn hóa Việt Nam, trong thời điểm đó và cả về sau. Qua khảo sát nguồn tư liệu trên, chúng tôi nhận thấy ý thức của thời kỳ này về quốc văn với tư cách là văn quốc ngữ thể hiện rõ nhất trên ba khía cạnh sau:

Thứ nhất, trí thức nhận thấy việc phát triển nền quốc văn dựa trên quốc ngữ đã là xu hướng không thể thay đổi, bởi chữ Hán đang được sửa đổi hoặc thay thế không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra tương tự ở nhiều nước sử dụng Hán tự. Tác giả Tuyết Huy nhận định: “Bây giờ vì Âu hóa sang Đông, các nước châu Á, ngoài văn hóa phương Đông, lại còn phải chịu một cái văn hóa phương Tây nữa, mà muốn hấp dẫn được cả hai cái văn hóa ấy, một chữ Hán không đủ mà không tiện, phải có một nền quốc văn thật vững, thật rộng rãi, thì mới lấy tiếng nước mình thâu góp cái văn hóa nào cũng được, có lẽ đỡ công nhiều, cho nên các nước châu Á bây giờ mới chú ý đến quốc văn: Nhật Bản phải sửa lại chữ Hòa, nước ta phải dùng theo quốc ngữ, chính nước Tàu cũng đặt lại chữ Bạch thoại để mở mang những cái tri thức thông thường, cũng không dùng chuyên chữ Hán được” (6). Đó là hệ quả của quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây làm nảy sinh nhu cầu hiện đại hóa, mà muốn hiện đại hóa thì phải tiếp thu trí thức mới, kế thừa tri thức cũ, thông qua một phương tiện hữu hiệu đồng thời ít nhiều có tính thực dụng là quốc ngữ, quốc văn. Nhìn từ góc độ so sánh xuyên văn hóa (cross-culture) giữa các nước “đồng văn” trong khu vực Hán học, có thể xem đây là một đặc điểm của quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra ở khu vực vào đầu TK XX.

Thứ hai, quốc văn phát triển từ chính nhu cầu hoàn thiện và phát triển chữ quốc ngữ trong quá trình xã hội hóa. Sau phong trào Duy Tân đầu TK XX, chữ quốc ngữ cơ bản đã được công chúng lựa chọn và chấp nhận nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để phổ biến rộng rãi. Đến thời kỳ này, giới trí thức bản địa tiếp tục khuếch trương chữ quốc ngữ, một phần do tác động từ chủ trương của Pháp muốn lợi dụng chữ quốc ngữ để nhanh chóng truyền bá văn minh Pháp, nhưng phần lớn và quan trọng hơn, trí thức bản địa nhận thấy đó là con đường hữu hiệu để đưa tới công chúng những tư tưởng tiến bộ. Tờ Khai hóa nhật báo, tháng 9-1921, có viết: “Nước ta hiện có một việc rất quan trọng là lập chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ tuy đã thông hành, song tự điển chưa có, mẹo chưa có, các sách vở chính đáng còn ít ỏi lắm”. Để làm cho chữ quốc ngữ ngày càng thông dụng hơn, giới trí thức đã tìm cách thống nhất ngữ pháp, chuẩn hóa phát âm, sáng tạo từ ngữ mới, biên soạn từ điển... Đồng thời với đó là tiếp tục cổ vũ công chúng học chữ quốc ngữ.

Thứ ba, vấn đề quốc văn đã góp phần đưa ngôn ngữ “dân tộc” trở thành ngôn ngữ “chính thức”. Theo Dao Tuyet Thao (7), ở nhiều quốc gia, “ngôn ngữ chính thức” (official language) và “ngôn ngữ dân tộc” (national language) là một. Tuy nhiên, trong một số thời kỳ đặc biệt của Việt Nam, không chỉ có ngôn ngữ chính thức và hệ thống chữ viết của nó mà còn có ngôn ngữ dân tộc và chữ viết riêng. Giai đoạn đầu TK XX ở Việt Nam chính là thời kỳ đặc biệt như thế: chữ Hán và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức nhưng tỷ lệ người dân biết chữ không đáng kể. Thế nhưng, trong thời kỳ này, tiếng Việt luôn là ngôn ngữ dân tộc được người Việt Nam sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, cho dù nó đã có một hệ thống chữ viết hay không. Để làm cho tiếng nói và chữ viết của ngôn ngữ dân tộc trở thành chỉnh thể, giới trí thức nhận thức cần phát triển quốc văn, đặc biệt là cải thiện địa vị của chữ quốc ngữ trong hệ thống trường học bấy giờ. Họ đã mạnh mẽ lên tiếng thúc đẩy chính quyền cho phép dạy tiểu học bằng tiếng Việt: “Gần đây cái phong trào quốc văn mỗi ngày một thịnh, nhiều nhà trí thức nghĩ rằng bậc tiểu học là bậc phổ thông giáo dục, cốt cầu cho số nhiều con trẻ trong nước biết đọc, biết viết, biết tính, biết những điều thường thức cần dùng ở đời, nếu được dùng tiếng quốc âm mà dạy những thứ đó thời tiện lợi và mau chóng là dường nào” (8) và quan trọng hơn là “phải làm cho học trò yêu mến tiếng nước mình”. Kiên trì của giới trí thức đã có kết quả bước đầu: năm 1924, chính quyền Pháp sửa đổi chương trình giáo dục tiểu học, cho phép dạy học bằng tiếng Việt ở 3 lớp dưới của bậc học này.

Nếu xem xét theo quan điểm “đa hệ thống” của Itamar Even-Zohar (9), phức hệ ngôn ngữ - chữ viết giai đoạn đầu TK XX gồm có hệ thống “ngôn ngữ chính thức” là chữ Hán và tiếng Pháp, hệ thống “ngôn ngữ dân tộc” là tiếng Việt và chữ Nôm. Bên cạnh đó, chữ quốc ngữ đang trong quá trình tìm kiếm chỗ đứng trong phức hệ trên, bước đầu được cộng đồng lựa chọn, chấp nhận qua các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) nhưng 10 năm sau, vẫn chỉ ở vị trí ngoại vi. Với tư cách là thành tố văn hóa có tính cách động, mở, các “hạng mục” trong phức hệ ngôn ngữ - chữ viết đầu TK XX đã có sự giao thoa, vận động mạnh mẽ từ nội tại để hình thành phức hệ mới, trong đó chữ quốc ngữ dần có vị trí trung tâm, thay thế cho hệ chữ Hán - Nôm từng tồn tại hàng chục thế kỷ trước. Hệ thống “ngôn ngữ dân tộc” mới là tiếng Việt và chữ quốc ngữ được hình thành và trở thành hệ thống “ngôn ngữ chính thức”; thậm chí như John D. Phan cho rằng chữ quốc ngữ về sau còn trở thành phương tiện cho hoạt động chống thực dân khi những trí thức được Pháp đào tạo như phong trào Tự lực Văn đoàn chấp nhận nó như một công cụ để tự cường.

Như vậy, trí thức Việt Nam đầu TK XX quan niệm quốc ngữ là điều cốt lõi để xây dựng nền quốc văn. Từ ý thức văn hóa đó, họ đã có những cách thức khác nhau để nâng tầm quốc ngữ thành quốc văn thông qua hoạt động dịch thuật, giới thiệu tư tưởng học thuật, văn chương Đông - Tây và biên khảo, phê bình văn học, góp phần hình thành ý thức xây dựng một nền văn học hiện đại cho Việt Nam.

Quốc văn và văn chương

Đối với giới trí thức đầu TK XX, ý thức phát triển quốc ngữ thành quốc văn là để tiến tới xây dựng một nền văn chương mới cho dân tộc. Quốc văn và văn chương có mối liên hệ mật thiết với nhau trong nhận thức của giai đoạn này.

Trước hết, cần khẳng định, quan niệm về văn chương của những thập niên đầu TK XX vẫn còn chịu ảnh hưởng của quan niệm văn chương Trung đại đã từng tồn tại trong gần mười thế kỷ văn học Hán - Nôm trước đó. Đó là tư duy nguyên hợp thiên về kỹ năng tổng hợp trực cảm, trong đó hiện tượng “văn - sử - triết bất phân” là một hiện tượng đặc trưng và phổ biến của văn học Trung đại, liên quan đến quy luật văn hóa, trạng thái tư duy nghệ thuật. Nhiều trí thức của giai đoạn này xem quốc văn là một thứ văn gắn với nội dung tư tưởng, học thuật, luân lý mà Phạm Xuân Thạch gọi là văn chương “mang tính nguyên hợp truyền thống”, chứ chưa hẳn là thuần túy văn chương nghệ thuật. Trong Bảng 1, chúng tôi ghi nhận được 53 trong tổng số 142 ý kiến phản ánh quan niệm về quốc văn mang tính nguyên hợp truyền thống như trên.

Quán tính của ý thức văn hóa Trung đại vẫn còn tác động đến nhiều người, kể cả những người ít nhiều đã tiếp cận văn hóa phương Tây như Phạm Quỳnh. Trong bài Bàn về văn Nôm ông Nguyễn Khắc Hiếu trên Đông Dương tạp chí số 120, Phạm Quỳnh viết: “Cái nhiệm vụ của văn quốc ngữ bây giờ là phải gây lấy một cái học thuật tư tưởng mới, không lấy làm một sự chơi đùa như xưa được (…) phải lấy cái thế lực của văn chương mà giúp cho sự cải lương phong tục, giúp cho việc xây dựng lại cái xã hội nước nhà (…) phải thâu nhặt lấy những điều hay nhẽ phải, những tư tưởng mới, những phương pháp lạ của những nước văn minh mà đem luyện vào lời quốc văn mà đem làm thuốc bổ não cho dân ta”. Quan điểm này cũng được ông nhắc lại trên số báo đầu tiên như một chủ trương của Nam Phong: “Vấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ, vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tồn tại, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được”. Theo cách hiểu của Phạm Quỳnh, tất cả những gì diễn đạt nội dung tư tưởng, học thuật, luân lý được viết bằng chữ quốc ngữ đều có thể coi là “quốc văn”. Ý kiến của ông cũng là suy nghĩ phổ biến của nhiều trí thức trong thời kỳ này, từ những nhà nho chí sĩ như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đến những học giả như Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật...

Tuy nhiên, từ sau thập niên 1920, đã thấy có sự khác biệt trong cách hình dung về quốc văn với tư cách là nền văn chương quốc ngữ. Trên Nam Phong tạp chí, những tác phẩm được xem là văn chương chỉ bao gồm thơ ca, tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết các loại; được xếp vào 6 trong số 12 mục thường kỳ, bao gồm: Pháp văn tiểu thuyết bình luận, Văn học bình luận, Văn uyển, Tồn cổ lục, Hài văn, Tiểu thuyết. Như vậy, mặc dù tư tưởng truyền thống về văn chương vẫn còn chiếm lĩnh nhưng ít nhiều trên báo chí đã dần xuất hiện cách hiểu mới về quốc văn, theo đó quan niệm về quốc văn đã có bước chuyển biến theo hướng văn chương mang tính nghệ thuật.

Góp thêm vào chuyển biến trên là cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật... trên diễn đàn báo chí thập niên 1920. Một bên là các quan điểm bảo thủ xem xét Truyện Kiều dưới góc nhìn tư tưởng, luân lý như Nguyễn Trọng Thuật phê phán câu “chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa” là “xỉ mạ luân lý” hay Nguyễn Đôn Phục lên án Truyện Kiều là “làm ích cho nhân quần thì có ít, chỉ ham mê về tình thiên dục ải mà di độc cho xã hội thì phần nhiều”. Bên còn lại là Phạm Quỳnh với nhận định táo bạo: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Phạm Quỳnh tuy có lúc phóng đại đầy dụng ý nhưng đã đánh giá đúng giá trị của Truyện Kiều với tư cách là một tác phẩm văn chương nghệ thuật có tính sáng tạo độc đáo và mang tính dân tộc sâu sắc. Điều này cho thấy ý thức về quốc văn - nền văn chương quốc ngữ với tư cách một nghệ thuật về ngôn từ chứ không phải gắn với luân lý, tư tưởng, học thuật đã dần dần được định hình trong nhận thức của giới trí thức, học giả.

Kết luận

Có thể thấy, nhận thức về quốc văn của giới trí thức đã có sự phát triển trong vài thập niên đầu TK XX. Quan niệm quốc văn là văn quốc ngữ đã mở rộng thành cách hiểu quốc văn thành văn chương quốc ngữ mang “tính nguyên hợp truyền thống”, rồi dần chuyển sang văn chương mang tính duy mỹ. Diễn tiến này phản ánh sự tiến triển của nền văn học, văn hóa Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại. Nó bắt nguồn từ sự thức tỉnh của một ý thức mới về dân tộc trong giới trí thức đương thời, trong đó dân tộc hiểu theo Benedict Anderson (1983) là: “cộng đồng trong tâm tưởng” của một cá nhân, một cộng đồng; ý thức dân tộc tức là ý thức và cảm nhận của họ về cội nguồn, về quốc gia, về “căn tính” của mình. 

Trong đối sánh với văn hóa Đông - Tây đầu TK XX, ý thức dân tộc đã hình thành trong giới trí thức, thôi thúc họ thấy cần thiết phải vun bồi cho quốc ngữ như một phương tiện mới để biểu hiện tiếng nói của dân tộc và xây dựng một nền văn chương có bản sắc riêng, không thể giống Tây nhưng cũng không còn giống như văn chương Trung Quốc. Vấn đề quốc văn vì vậy có ý nghĩa lịch sử - văn hóa quan trọng trên tiến trình hiện đại hóa văn học và nền văn hóa của nước ta đầu TK XX.

 ___________________

1. Đỗ Quang Hưng, Trần Viết Nghĩa, Tính hiện đại và sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam thời cận đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.

2. Nguyễn Văn Kiêm, Báo Nam Phong được mười tuổi, Nam Phong tạp chí, số 119, 1927, tr.27.

3. Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb Trình bày, Sài Gòn, 1967, tr.173.

4. Phạm Xuân Thạch, Ba thập niên đầu thế kỷ XX và sự hình thành trường văn học ở Việt Nam, Nghiên cứu văn học Việt Nam - những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới, 2009.

5. Nguyễn Văn Vĩnh, Tinh thần của báo giới Nam - Bắc, Phụ nữ tân văn, số 113, 1931.

6. Tuyết Huy, Bàn về vấn đề học chữ Hán, Nam Phong tạp chí, số 24, 1918, tr.463-464.

7. Dao Tuyet Thao, Vietnamese cultural identification as reflected in three writing systems (Đặc trưng văn hóa Việt Nam phản ánh qua hệ thống chữ viết), Tạp chí Nghiên cứu Ngôn ngữ Văn học và Nhân học, số 4(8), tháng 9, 2017, tr.1-11.

8. Phạm Quỳnh, Mấy sự cải cách trong học giới, Nam Phong tạp chí số 87, 1924, tr.183.

9. Itamar Even-Zohar, Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa, văn chương, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014, tr.87-93.

ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;