ẨM THỰC MNÔNG PREH Ở ĐẮC NÔNG

Văn hóa ẩm thực luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng Mnông Preh. Ẩm thực không chỉ là ăn uống hàng ngày mà càng được chú trọng hơn trong các dịp lễ hội, nghi thức, phong tục… của cộng đồng, xã hội. Sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội đã kéo theo sự thay đổi văn hóa ẩm thực, trở thành vấn đề nhạy cảm trong điều kiện bảo tồn và phát triển.

1. Ẩm thực Mnông Preh

Trong tiến trình tạo dựng và phát triển văn hóa truyền thống người Mnông đã chế biến những món ăn, thức uống mang sắc thái riêng biệt trong cái nền cảnh của văn hóa Trường Sơn Tây Nguyên. Ở các bon người Mnông Preh cũng quý trọng những thực phẩm mà brah (thần) tự nhiên ban phát từ lúa rẫy, ngô nương và lá rừng để làm ra hương rượu cần thơm ngát; từ đọt mây, cá suối, thịt rừng đã làm nên món canh thụt, món nướng đặc trưng. Bữa ăn thường nhật của người Mnông Preh là cơm, muối, rau. Trước đây chỉ có cơm muối và phải ăn thêm củ. Trong bữa ăn có cá thịt nhưng không thường xuyên chỉ dùng đãi khách quý. Cơm thường nấu trong nồi đất, cơm prung nấu trong ống lồ ô, xôi thường hấp trong chõ bầu khô; thịt, cá chủ yếu là luộc, nướng. Canh có các món như: canh thụt nấu bằng các loại lá rau trong ống lồ ô rồi thụt cho nhừ; canh bồi nấu bằng bột gạo, lá ngọt lấy từ rừng cùng với thịt và ớt xanh; canh lên men nấu chung bột gạo rau rừng để lên men. Ngoài ra, người Mnông thích ăn muối sống giã với củ nén, rau thơm rừng, ớt xanh. Việc ăn lá rừng và ớt xanh giúp họ phòng chống được một số bệnh trong đó có bệnh sốt rét.

Người Mnông có cách chế biến thực phẩm khá phong phú. Thời kỳ thiếu muối họ dùng cỏ tranh, lồ ô, vỏ chuối đốt lấy tro thay muối. Thịt thú rừng hay thịt gia súc nuôi được sấy khô treo trên bếp nhà hoặc xát muối vào thịt luộc chín sấy khô cho vào chế biến ăn dần. Món rau ưa thích của người Mnông Preh là lá bếp, nấm mối và một số rau rừng và lá cây có khả năng trị bệnh, dưỡng sinh rất tốt.

Thông thường các món ăn mời người thân, bạn bè cũng được tâm niệm như của thần rừng, thần núi, brah ban phát mới có. Trên cơ sở văn hóa đa thần, vạn vật hữu linh của cư dân bản địa canh tác nương rẫy, văn hóa ẩm thực gắn liền với đời sống thông qua niềm tin được gửi gắm, mong ước, tặng thưởng của brah và đón nhận hết sức thành tâm, trân trọng.

Trong ẩm thực Mnông rượu cần là thức uống được quý trọng, có mặt trong các nghi lễ từ đón khách đến dâng cúng thần linh, ma chay, cưới xin, lễ hội. Rượu cần sẽ xác nhận thêm tính chất của nghi lễ. Nghi lễ đón khách thăm nhà từ vò rượu nhỏ, cúng phát rẫy, cúng ngõ thì một vò rượu vừa; cúng mừng mùa, lễ hội từ 5, 7 vò rượu lớn (ché yang). Từ thứ tự nhỏ lớn, đến số lượng cũng có những quy ước thể hiện tinh thần, tình cảm cũng như sự thành tâm đối với bạn bè, thần linh. Đồng thời, thể hiện sự hiểu biết trong ứng xử cũng như sự giàu có của gia chủ và cộng đồng. Do tính chất đặc biệt của văn hóa rượu cần được cộng đồng quy ước theo truyền thống xác lập qua cách ứng xử mang tính kết nối và nặng về cộng đồng. Cộng đồng là cơ sở để cần có những quy định kết giao. Rượu cần là cầu nối giữa gia đình, cộng đồng, thần linh. Như vậy, rượu cần mang tính chất nghi lễ hơn là thức uống, trở thành vật lễ trong những nghi lễ xã giao, cúng tế, trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng.

2. Văn hóa ẩm thực Mnông Preh ở vùng đô thị

Theo tiến trình phát triển của đô thị hóa và giao lưu hội nhập, đặc biệt là sự di cư ồ ạt của các dân tộc ở Tây Nguyên đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống bon, làng. Cái ăn không phải quá lo xa hay đợi mùa vụ theo nhịp điệu thời gian đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của con người. Các món ăn truyền thống dần thưa thớt trong bữa ăn, chỉ xuất hiện trong các nghi lễ lớn và lễ hội, nhằm dâng cúng và giới thiệu bản sắc chứ chưa phải là nhu cầu thực tế, cần thiết của cộng đồng. Người Mnông Preh cũng dùng rượu gạo, bia và các loại đồ uống có cồn, có ga trong sinh hoạt thường nhật và kể cả nghi lễ mừng nhà mới, cưới xin, đãi khách. Sự giao lưu văn hóa với các dân tộc khác cũng thay đổi cách ăn uống, nguồn thực phẩm của người Mnông để theo kịp với đời sống mới.

Ngược lại vùng đô thị, nhất là thị xã Gia Nghĩa là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh Đắc Nông lại tiếp nhận văn hóa ẩm thực Mnông với tinh thần mới là giới thiệu bản sắc văn hóa vùng miền. Ẩm thực Mnông trở thành đặc sản để tiếp khách, giới thiệu với bạn bè, người thân và khách du lịch. Rượu cần, cơm lam, thịt nướng là những món không thể thiếu trong bàn tiệc mang tính ngoại giao, đãi khách trung ương hay các tỉnh bạn của chính quyền địa phương. Riêng với khách du lịch là sản vật địa phương gắn với ẩm thực mang đặc trưng vùng miền với bất cứ ai đến Đắc Nông và tìm hiểu về bản sắc văn hóa. Mặc khác việc đô thị hóa các bon, buôn nhanh chóng đã nối kết sinh hoạt, ăn uống đi lại của người bản xứ với cộng đồng khác tạo nên bước phát triển mới. Cộng đồng ở các bon này nhanh chóng là nguồn cung cấp rượu cần, cơm lam, thịt nướng cho nhiều chương trình lễ hội của tỉnh, tiếp đãi khách quan trọng. Nhà hàng, khách sạn cũng đưa thêm vào thực đơn để giới thiệu với thực khách.

Văn hóa dân gian đô thị với sự góp mặt của ẩm thực Mnông đã khẳng định giá trị đích thực của nó trong vai trò mới và đa dạng hơn. Sự biểu hiện rõ nét của văn hóa ẩm thực Mnông Preh trong đời sống đô thị Đắc Nông cho thấy sức sống của văn hóa bản địa.

3. Bảo tồn và phát huy ẩm thực Mnông Preh

Với việc bảo tồn văn hóa truyền thống qua chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là sự quan tâm của chính quyền địa phương, ẩm thực Mnông Preh có điều kiện để bảo tồn và phát huy. Những món ăn, thức uống truyền thống đều do cộng đồng các bon làm ra, trước hết dâng cúng thần linh, sau là ăn uống, mời khách. Việc giáo dục cộng đồng trao truyền cho lớp trẻ bằng việc thực hành nấu nướng trong lễ hội. Trong đó, nấu ủ rượu cần theo cách truyền thống phải tuân thủ nghiêm ngặt các nghi thức và điều cấm kỵ; sử dụng rượu như thế nào, lúc nào, số lượng và cách thức đãi khách. Những giá trị đích thực của văn hóa ẩm thực cũng từ đó mà dẫn truyền, trao tay cho thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy.

Chính quyền địa phương khuyến khích việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động lễ hội, hội diễn, hội thi ẩm thực, văn hóa dân gian. Nhà hàng, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng giới thiệu các món ăn truyền thống với thực khách và khách du lịch trong và ngoài nước; vừa kinh doanh có lợi nhuận, vừa góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Mnông.

Việc sưu tầm và giới thiệu các món ăn, thức uống dân gian cũng là điều cần thiết để mọi người hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đã được tạo dựng với sự độc đáo riêng có của vùng đất. Ẩm thực Mnông phải được lưu giữ một cách đầy đủ từ nguyên liệu, cách thức chế biến đến giá trị sử dụng… trở thành nguồn tư liệu quý để tham khảo, nghiên cứu và thực hành.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : LÊ KHẮC GHI

;