50 năm Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Nhìn lại để bước tiếp

Các đại biểu và các thế hệ cán bộ, viên chức Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua các thời kỳ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí (1973- 2023), ngày 22/11/2023 -  ảnh: Tuấn Minh

 

Với hành trình 50 năm xây dựng và trưởng thành (1973-2023), Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã định vị được giá trị, thương hiệu và bản sắc của một tạp chí chuyên ngành hàng đầu của cả nước về văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới, bên cạnh thời cơ, điều kiện thuận lợi là những khó khăn, thách thức đang đặt ra. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn thách thức để ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu của thời đại và nhu cầu, thị hiếu của công chúng bạn đọc là những trọng trách mới đang đặt ra cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí.

Từ góc nhìn của bạn đọc, trong bài viết này xin được góp thêm một số ý kiến để Tạp chí không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là người bạn đồng hành của những người làm văn hóa, nghệ thuật cũng như công chúng, bạn đọc yêu và quan tâm đến đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

1. Nửa thế kỷ định hình và kiến tạo bản sắc, thương hiệu

Tháng 11-1973, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ra số đầu tiên với tên gọi là Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật. Năm 1986, Tạp chí đổi tên là Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật. Và từ 1993 đến nay, mang tên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Dù tên gọi có khác nhau nhưng tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh, tầm nhìn của Tạp chí không thay đổi. Đó là Tạp chí nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật; cung cấp những thông tin mới, hữu ích về tình hình nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật ở trong và ngoài nước nhằm đem lại những thông tin tri thức chuyên sâu, chuyên ngành về khoa học, lý luận văn hóa, nghệ thuật và những vấn đề mới đang đặt ra từ thực tiễn đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Trải qua các thế hệ lãnh đạo như các đồng chí: Hà Xuân Trường (chủ nhiệm); các Tổng biên tập: Trần Đình Thọ, Lê Như Dực - Kính Dân, Nguyễn Đức Đàn, Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Chí Bền, Phạm Vũ Dũng, Vũ Ngọc Thanh và nay là Nhà báo Hoàng Hà, đã góp phần đặt nền móng, tạo dựng uy tín, thương hiệu của Tạp chí trong đời sống học thuật cũng như trong hoạt động thực tiễn của ngành văn hóa - thông tin nay nay ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Từ điều kiện, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu; nguồn nhân lực còn mỏng nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí đã có nhiều sáng tạo, đi sâu vào những nghiên cứu cơ bản, dịch thuật những tác phẩm kinh điển của các học giả, nhà khoa học nước ngoài, góp phần tạo dựng nền móng về lý luận văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Thông qua những bài dịch, giới thiệu, khảo cứu do chính đội ngũ cán bộ, biên tập viên của Tạp chí thực hiện cũng như nguồn thông tin, tri thức, bài vở phong phú đền từ các cộng tác viên là các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về văn hóa, nghệ thuật ở trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa trên cả nước.

Ở Việt Nam, những nghiên cứu về văn hóa nói chung hình thành từ sớm với nhiều công trình khảo cứu theo hướng dân tộc chí, dân tộc học. Tuy nhiên, việc xây dựng ngành nghiên cứu về văn hóa học thì vẫn còn chậm so với một số quốc gia trên thế giới. Với tính chất vừa là cơ quan ngôn luận và là trung tâm nghiên cứu, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã xây dựng ý tưởng về việc thành lập Tủ sách văn hóa học. Công tác biên dịch được quan tâm, đầu tư, chú trọng với sự tham gia cộng tác của nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu, cung cấp những thông tin, tri thức khoa học về những thành tựu nghiên cứu văn hóa học trên thế giới.

Một số cuốn sách mang đậm chất lý luận do Tạp chí tổ chức biên soạn như: Tìm hiểu về bản sắc dân tộc của văn hóa (1993), Văn hóa vì con người (1993), Văn hóa Việt Nam - một chặng đường (1993), Đường vào văn hóa (1993), Văn hóa nghệ thuật Nam Bộ (1997), Văn hóa nghệ thuật Trung Bộ (1998), Âm nhạc - lý luận và cây đời (1994), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thực tiễn và giải pháp (1999), Hỏi đáp về văn hóa Việt Nam (1998), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam (2000), Văn hóa học, những lý thuyết nhân học văn hóa (2000), Tuyển tập V.I.A. Propp (2003), Đờn ca tài tử đặc trưng và đóng góp (2013), Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới hội nhập (2013)… Những công trình đó góp phần cung cấp những tri thức mới mang tính hệ thống, góp phần lý giải những hiện tượng văn hóa, nghệ thuật từ góc nhìn của lý luận, khoa học.

So với các tạp chí của các cơ quan, bộ ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu khác thì Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã đảm bảo hài hòa, cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Điều đó thể hiện ở những chuyên trang, bài viết theo kết cấu hiện nay của Tạp chí là: Văn hóa - Nghệ thuật - Thông tin. Điều này mang lại màu sắc riêng cho Tạp chí - cơ quan ngôn luận, nghiên cứu khoa học của Bộ VHTTDL.

Bộ VHTTDL là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch; đồng thời tư vấn, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, hoạch định, ban hành cơ chế, chính sách về lĩnh vực văn hóa. Vì thế, tính lý luận và thực tiễn cùng những thông tin vừa mang tính lý luận vừa mang tính nghiệp vụ, những bài học kinh nghiệm trong quản lý văn hóa, nghệ thuật được đăng tải trên tạp chí đóng vai trò là kênh thông tin tham khảo hữu ích, là cuốn cẩm nang giúp những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cập nhật, bổ sung những tri thức, thông tin mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao.

So với loại hình báo chí phát hành hằng ngày với những thông tin thời sự được cập nhật thường xuyên, liên tục thì Tạp chí có độ trễ về thời gian phát hành. Tuy nhiên, chính độ trễ đó giúp Tạp chí nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng, vấn đề một cách toàn diện, bao quát với những góc nhìn đa diện, nhiều chiều. Bên cạnh những tuyến bài mang chiều sâu lý luận, Tạp chí cũng dành dung lượng cần thiết để giới thiệu những thông tin văn hóa, những sự kiện, hoạt động tiêu biểu của ngành, lĩnh vực. Để những thông tin về văn hóa, nghệ thuật không quá “cũ”, Tạp chí đã đảm bảo được nguyên tắc phát hành đúng định kỳ, đúng thời gian quy định vào những tuần đầu của tháng.

Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng nội dung, chủ đề, chuyên đề của từng số, từng bài viết, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng luôn chú trọng đến hình thức trình bày, đặc biệt là những hình ảnh trên trang bìa Tạp chí. Sau dòng chữ “Văn hóa Nghệ thuật” mang tính đặc trưng, riêng biệt là hình nền (gồm những bức họa, ảnh nghệ thuật) được lựa chọn cẩn thận theo những tuyến chủ đề hằng năm, tạo được điểm nhấn cho công chúng bạn đọc. Qua những hình ảnh của trang bìa, Tạp chí góp phần tuyền tải những thông điệp về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tài năng của con người Việt Nam cũng như vẻ đẹp văn hóa, đỉnh cao nghệ thuật của các nước trên thế giới…

Với những nỗ lực bền bỉ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; sự quan tâm của lãnh đạo Bộ; sự ủng hộ của các ban ngành và đội ngũ cộng tác viên; sự tin cậy của công chúng, bạn đọc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật qua 50 năm đã tạo ra hơn 500 ấn phẩm Tạp chí (tính đến tháng 10-2023 là số 548) có chất lượng, kết nối tri thức, thông tin, tạo ra những giá trị mới, phục vụ trực tiếp sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành cũng như đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc ngày càng phong phú, giàu bản sắc. Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Tạp chí đã ghi nhận và khẳng định quá trình lao động, sáng tạo miệt mài của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí qua các giai đoạn, thời kỳ, như: Huân chương Lao động hạng Ba (1993), Huân chương Lao động hạng Hai (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018)…

Về chất lượng của các bài viết đăng trên Tạp chí, theo quy định của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước thì điểm các bài viết đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đạt mức điểm 0,75 trong xét tặng và phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục Thể thao. Đây là mức thang điểm cao trong hệ thống các tạp chí về văn hóa, nghệ thuật trên phạm vi cả nước. Điều đó cho thấy việc nâng cao chất lượng của các bài viết, hướng đến chuẩn khoa học quốc tế luôn được Tạp chí quan tâm, chú trọng, đề cao.

Có thể nói, sau nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tạo được sắc màu và giá trị riêng, nổi bật trong hệ thống Tạp chí của cả nước; có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa; đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng, bạn đọc về những vấn đề lý luận và thực tiễn của đời sống văn hóa, nghệ thuật.

2. Nỗ lực đổi mới sáng tạo để không ngừng phát triển

Kế thừa và phát huy bề dày truyền thống và những thành quả đã đạt được, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hiện nay vẫn kiên trì mục tiêu, tôn chỉ, sứ mệnh là: Nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật, gia đình; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, gia đình; thông tin hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chỉ đạo của Bộ trưởng về quản lý và hoạt động sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật, gia đình; định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định của pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, lý luận, phê bình, học thuật; tham gia tư vấn, phản biện chính sách liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành.

Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ VHTTDL cũng đã tiến hành rà soát, quy hoạch, tổ chức và sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Theo đó, Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, Tạp chí Thư viện Việt Nam, Tạp chí Điện ảnh Việt Nam, Tạp chí Di sản văn hóa, Tạp chí Mỹ thuật, Nhiếp ảnh được chuyển về Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Theo Quyết định số 804/QÐ-BVHTTDL ngày 31-3-2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, về cơ cấu tổ chức, Tạp chí gồm: Tổng Biên tập và các Phó Tổng Biên tập; các ban, phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Ban Nghiên cứu lý luận, Ban Văn hóa Nghệ thuật, Ban Trị sự, Ban Tạp chí Điện tử, Phòng Quảng cáo, phát hành. Hiện nay, Tạp chí in gồm có 3 kỳ: Kỳ 1 (120 trang) Nghiên cứu, thông tin lý luận: các bài viết chuyên sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật, gia đình; Kỳ 2 (76 trang) Xây dựng đời sống văn hóa: phản ánh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giới thiệu gương người tốt việc tốt, giữ gìn đạo đức, lối sống, trao đổi nghiệp vụ văn hóa cơ sở; Kỳ 3 (80 trang) Thế giới nghệ thuật: các bài viết về quảng bá, phản ánh các loại hình, hoạt động nghệ thuật.

Nhằm gia tăng khả năng tương tác giữa Tạp chí với công chúng bạn đọc cũng như thích ứng với yêu cầu của bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng truyền thông số, ngày 28-8-2021, Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật khai trương tên miền (vanhoanghethuat.vn) và chính thức đi vào hoạt động theo Giấy phép số 544/GP-BTTTT ngày 23-8-2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh việc đăng tải thông tin hoạt động của Bộ VHTTDL, Tạp chí điện tử định kỳ cập nhật thông tin theo quy định của pháp luật để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, lý luận, phê bình, học thuật; tham gia tư vấn, phản biện chính sách liên quan đến công tác quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Về những định hướng phát triển trong thời gian tới, Tạp chí xác định: “Phát huy những thành tựu của 50 năm hoạt động, Tạp chí tiếp tục phát triển theo hướng chuyên ngành, chuyên sâu, nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học nghiên cứu, lý luận; đa dạng hóa thông tin với các ấn phẩm giải trí và phiên bản điện tử; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm góp phần tư vấn, phản biện chính sách văn hóa, nghệ thuật, gia đình; xuất bản các đầu sách có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, gia đình, phục vụ đắc lực Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và công tác văn hóa đối ngoại” (1)...

Để phát huy những kết quả đã được, khắc phục những khó khăn, nhận diện những thách thức mới, hướng đến xây dựng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là cơ quan ngôn luận và khoa học của Bộ VHTTDL; một tạp chí chuyên ngành, chuyên sâu, có uy tín trong giới học thuật ở trong và ngoài nước cũng như đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của thời đại và nhu cầu, thị hiếu của đông đảo công chúng, bạn đọc, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tạp chí cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Từ góc nhìn của bạn đọc, xin được tham vấn, góp ý cho tạp chí một số ý kiến nhỏ nhằm nâng cao chất lượng của tạp chí trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, giữ vững tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh và tầm nhìn của tạp chí chuyên ngành, cơ quan ngôn luận và khoa học của Bộ VHTTDL. Đồng thời, không ngừng đổi mới tư duy, cách làm tạp chí trong một xã hội chuyển đổi để thích ứng. Tạo dựng và thiết lập vị trí, uy tín, hình ảnh của tạp chí trong đời sống văn hóa nghệ thuật bằng việc không ngừng đầu tư về nguồn lực, kinh phí để có những bài viết chuyên sâu về lý luận, có tính phát hiện, từ đó định hướng tư tưởng, giúp nhà quản lý hoạch định và xây dựng cơ chế, chính sách hợp lí nhằm lãnh đạo và quản lý hiệu quả lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, gia đình.

Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tạp chí cần ý thức sâu sắc về vai trò, sứ mệnh của Tạp chí trong việc thiết lập nền móng về lý luận, khoa học văn hóa, nghệ thuật. Lý luận phải có tính chất tiên phong, dẫn đường, soi sáng cho những vấn đề thực tiễn. Vì thế, người làm tạp chí phải nhanh nhạy, thức thời, nắm bắt sự kiện, lý giải thấu đáo vấn đề để bảo vệ những giá trị vững bền, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế để từ đó tư vấn cho các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, ban hành chính sách.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Tạp chí theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, Tạp chí kỳ 1 tập trung vào nghiên cứu, thông tin lý luận. Vì thế cần tính toán một cách khoa học, hợp lý, tinh giản về số lượng bài (hiện nay số lượng bài trong 1 số của tạp chí tương đối nhiều), gia tăng chất lý luận, ưu tiên đặt hàng và công bố những bài viết chuyên sâu, đề cập đến những vấn đề khoa học cơ bản; những vấn đề lý luận về văn hóa, nghệ thuật; những định hướng, chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về văn hóa; những đòi hỏi bức thiết mà thực tiễn đời sống văn hóa đang đặt ra.

Cần có sự kết nối hài hòa, cân đối về dung lượng bài vở và tính chuyên ngành, đặc thù để vừa tạo được điểm nhấn, màu sắc đặc trưng, vừa đảm bảo được sự thống nhất chung. Một số tuyến bài nghiên cứu về thực tiễn đời sống văn hóa và hoạt động văn hóa ở cơ sở (ở kỳ 1) nên dành cho số Kỳ 2: Xây dựng đời sống văn hóa; cũng như những bài chuyên sâu về nghệ thuật và thực tiễn đời sống nghệ thuật nên dành cho số Kỳ 3: Thế giới nghệ thuật.

Tạp chí cần nghiên cứu, xây dựng chuyên mục diễn đàn, trao đổi hoặc dành dung lượng cần thiết về số trang để đăng tải những ý kiến góp ý, những tranh luận với nhiều góc nhìn đa chiều, tạo diễn đàn trao đổi học thuận cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, quản lý văn hóa, nghệ thuật, thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng, bạn đọc.

Một trong những vấn đề đặt ra đối với nhiều tạp chí hiện nay là vấn đề “báo hóa tạp chí” khi một số tạp chí chạy theo những thông tin, sự kiện hằng ngày mà lãng quên nhiệm vụ, tôn chỉ, sứ mệnh của mình. Vì thế đối với Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật và chuyên mục Thông tin (văn hóa, nghệ thuật) cần có sự tính toán hợp lý để tránh rơi vào tình trạng “báo hóa”.

Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng mỗi bài viết, tạp chí cũng cần đổi mới về hình thức trình bày, hướng đến chuẩn quốc tế. Đối với tạp chí Kỳ 1 chuyên sâu về lý luận, phần tóm tắt của mỗi bài viết cần được nhấn mạnh hơn, bên cạnh tóm tắt tiếng Việt cần có tóm tắt bằng tiếng Anh, có từ khóa, có ngày nhận bài, ngày phản biện và ngày chấp nhận đăng. Trong mỗi bài viết, cần có cách trình bày phù hợp, nhấn mạnh vào những luận điểm có tính mới, phát hiện.

Bên cạnh việc trình bày tạp chí theo mô hình truyền thống (đen - trắng), Tạp chí cũng nên thử nghiệm hình thức trình bày in màu với những hoa văn, họa tiết đặc trưng để tạo điểm nhấn hơn nữa cho giao diện, hình thức của tạp chí theo hướng chuyên nghiệp, trang nhã, khoa học.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tạp chí. Thường xuyên cử cán bộ của tạp chí đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bồi dưỡng và nâng cao trình độ ngoại ngữ để chủ động khai thác, biên dịch những công trình lý luận về văn hóa, nghệ thuật của nước ngoài.

Xây dựng cơ chế, chính sách đối với đội ngũ công tác viên bằng việc nâng cao chế độ nhuận bút, đặt hàng đối với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; trả công xứng đáng cho những bài viết có chất lượng, ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng Giải thưởng vì sự nghiệp phát triển Văn hóa nghệ thuật hằng năm của tạp chí để trao cho những độc giả, cộng tác viên có nhiều cống hiến cho sự phát triển, lớn mạnh của tạp chí.

Tranh thủ nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ, phóng viên, biên tập viên có nhiều cống hiến, sáng tạo, nâng cao thương hiệu và vị trí của tạp chí trong đời sống xã hội.

Phát triển trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu, người làm tạp chí về văn hóa, nghệ thuật cần tránh xa những cám dỗ vật chất; luôn khắc ghi những lời nhắc nhở, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất, bản lĩnh, tư cách của người làm báo cách mạng, luôn giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; “Phải có lập trường chính trị vững chắc” (3).

Người từng nhắc nhở những người làm báo, tạp chí: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình” (4). “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (5).

Với truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tích lũy và đúc kết cho mình những bài học quý về cách thức làm tạp chí chuyên ngành để đồng hành và có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát triển trong bối cảnh mới, Tạp chí có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để không ngừng phát triển. Kế thừa những thành quả đã đạt được, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục những khó khăn thách thức để xứng đáng trở thành địa chỉ tin cậy, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, tranh luận về học thuật, khoa học, lý luận về văn hóa, nghệ thuật; về những vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn để cùng với toàn ngành Văn hóa và toàn thể nhân dân thống nhất trong nhận thức, tư tưởng, từ đó có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh, tình hình hiện nay.

_______________

1. Thông tin về Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, vanhoanghethuat.vn, 24-5-2023.

2. Phương Linh, Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số, Báo Đầu tư, 14-6-2023.

3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.166.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.466.

 

TS. NGUYỄN HUY PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;