Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - Nền tảng, cơ hội và thách thức

TS Đinh Đức Tiến (giữa) với PGS,TS Đỗ Lai Thúy (phải) và nguyên Trưởng Ban Trị sự Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Nguyễn Văn Nhượng tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” - ảnh: Tuấn Minh

 

Dẫn luận

Năm 2003, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (cơ quan lý luận của Bộ VHTTDL) kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển. Khi đó, tôi (tác giả bài viết) mới chập chững vào nghề được hơn 2 năm (1), đây là một kỷ niệm - dấu ấn quan trọng trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Từ trạng thái của một sinh viên mới ra trường, trở thành nhân viên - biên tập viên của một tạp chí nghiên cứu - lý luận hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Trong quá trình làm việc tại tạp chí, được sự dẫn dắt, chỉ bảo của các nhà nghiên cứu tiền bối như: PGS, TS Trần Lâm Biền, PGS, TS Đỗ Lai Thúy, PGS, TS Nguyễn Đăng Nghị, TS Võ Thị Hoàng Lan…, tôi đã dần trưởng thành trong nghiệp vụ biên tập và chuyên môn nghiên cứu. Tại môi trường công tác này, tôi cũng được lãnh đạo Tạp chí khi đó là TBT Phạm Vũ Dũng, tạo điều kiện cho đi học các chương trình đào tạo khác nhau. Trong đó, có chương trình đào tạo ở bậc sau đại học: cao học (thạc sĩ) và nghiên cứu sinh (tiến sĩ).

Từ lúc bước vào nghề, tôi được biết về lịch sử - truyền thống của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, qua các câu chuyện, hồi ức của những người thày, người chú (Nguyễn Văn Nhượng), người anh (nhiếp ảnh gia Phạm Văn Lự, họa sĩ Trần Quang Vinh, Phạm Trúc Lâm, Lê Văn Bình…), người chị/người bạn (Trần Thanh Thủy, Võ Thị Thu Hà, PGS, TS Phạm Lan Oanh, nhà báo Đào Mai Trang…) đã từng làm việc hoặc gắn bó với Tạp chí từ sớm. Xuất phát điểm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là tập san nghiên cứu - lý luận trong lĩnhvực nghệ thuật. Đáp ứng nhu cầu cũng như yêu cầu thực tế của cuộc sống, năm 1973 Tạp chí được thành lập với tên gọi là Nghiên cứu Nghệ thuật. Sau đó đổi thành Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, rồi Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Theo diễn trình thời gian định hình và phát triển đó, Tạp chí quy tụ đội ngũ các nghệ sĩ hàng đầu, những nhà lý luận - phê bình nghệ thuật - nghiên cứu văn hóa có tên tuổi trong lĩnh vực: mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, xiếc… và văn hóa, như: Hà Xuân Trường, Trần Đình Thọ, Kính Dân, Nguyễn Đức Từ Chi, Nguyễn Đức Đàn, Hồ Sĩ Vịnh, Nguyễn Thụy Loan, Trần Lâm Biền, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Chí Bền, Phạm Vũ Dũng, Nguyễn Đăng Nghị, Nguyễn Thị Thu Huệ… Đây cũng chính là những nhà nghiên cứu - nhà khoa học đã tạo nên giá trị, tên tuổi và danh tiếng của Tạp chí, khẳng định được vai trò, vị trí hàng chục năm qua trong giới học thuật về khoa học xã hội nói chung và khoa học nghệ thuật nói riêng ở Việt Nam.

Năm 2023, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật kỷ niệm “tuổi 50” - nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Quãng thời gian đó không dài, nhưng đủ cho Tạp chí khẳng định một nền tảng truyền thống vững chắc và có những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực lý luận và nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật của đất nước. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập, với tư cách là người từng công tác - một cựu biên tập viên của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tôi xin có đôi lời bày tỏ - như là sự tri ân, mong muốn đóng góp vào định hướng phát triển của Tạp chí trong thời gian tới.

Nền tảng học thuật và cơ hội phát triển

Có thể nhận thấy, thế mạnh - tên tuổi - danh tiếng của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật gắn liền với đội ngũ các nghệ sĩ, nhà khoa học uy tín - biên tập viên đã từng, đang công tác tại tòa soạn. Họ là người định hình “cuộc chơi” để đặt bài, lựa chọn và cho công bố những bài viết - công trình nghiên cứu, lý luận trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trên Tạp chí. Không những thế, đội ngũ những nhà chuyên môn này còn tham gia công tác giảng dạy ở các trường đại học, tham gia các hội đồng thẩm định, đánh giá luận văn, luận án và đề tài khoa học các cấp. Đặc biệt là, với tư cách là những nghệ sĩ, những nhà khoa học, họ còn sáng tác, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và cho công bố bài viết trên các tạp chí chuyên ngành hoặc xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình… phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu. Ngoài ra, các biên tập viên còn kết nối với các nhà nghiên cứu hàng đầu như: Trần Quốc Vượng, Phạm Đức Dương, Dương Viết Á, Ngô Đức Thịnh, Ngô Văn Doanh, Lê Hồng Lý, Nguyễn Hồng Kiên, Bùi Trọng Hiền… Họ vừa là đội ngũ cộng tác viên thân thiết, vừa là những chuyên gia có đóng góp học thuật cho Tạp chí.

Trên cơ sở đội ngũ nhân sự - con người như vậy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã cho công bố nhiều bài viết có chất lượng cao trong lĩnh vực lý luận và nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Góp phần vào định hướng lý luận cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước; phát hiện nhiều vấn đề mới về chuyên môn trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật; phục vụ công tác đào tạo sau đại học (chủ yếu là bậc học nghiên cứu sinh - tiến sĩ), bằng việc công bố các bài viết liên quan đến luận án đạt chất lượng tốt. Hơn thế nữa, Tạp chí cũng có những bài viết trao đổi, tranh luận học thuật giữa các nhà nghiên cứu, để cùng nhau giải quyết những vấn đề còn khúc mắc, chưa ngã ngũ hoặc khác biệt về quan điểm. Bên cạnh những bài viết có chất lượng chuyên môn được công bố, Tạp chí còn tổng hợp những bài viết của các tác giả, nhà nghiên cứu tên tuổi để xuất bản thành sách chuyên khảo, có thể kể đến: Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người của Nguyễn Đức Từ Chi; Việt Nam cái nhìn địa văn hóa của Trần Quốc Vượng; Một con đường tiếp cận lịch sử của Trần Lâm Biền; Chân trời có người bay, Văn hóa Việt Nam - nhìn từ mẫu người văn hóa của Đỗ Lai Thúy… Đặc biệt là, Tạp chí còn thực hiện dự án “Tủ sách văn hóa học” (2), bằng việc cho dịch và xuất bản những tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của thế giới, như: Tuyển tập của V.IA. Prop; Xã hội cổ đại của Morgan; Nhiệt đới buồn của Lévis Strauss; Văn hóa nguyên thủy của E.B. Tylor; Cành vàng của Frazer…

Có thể đánh giá, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có bề dày về lịch sử và truyền thống học thuật. Và những yếu tố đó được thiết lập trên cơ sở những cá nhân có phẩm chất về học thuật và chuyên môn. Họ được coi là “báu vật” của Tạp chí nói riêng và giới khoa học xã hội - nhân văn - nghệ thuật của Việt Nam nói chung. Đây chính là tiền đề, nền tảng để đội ngũ biên tập viên - những người đang thực hiện công việc chuyên môn của Tạp chí kế thừa, học hỏi và tiếp tục phát triển trong tương lai.

Với nền tảng về con người - học thuật như vậy, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để Tạp chí có thể kế thừa và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Theo quan điểm của cá nhân tôi, chính con người làm nên tuổi, danh hiệu và giá trị của các đơn vị/ cơ quan nói chung, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nói riêng. Vậy cơ hội cho Tạp chí phát triển trong bối cảnh hiện nay là nền tảng học thuật trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và danh tiếng đã được các thế hệ đi trước tạo dựng. Những bài viết, những công bố trên tạp chí hoặc những cuốn sách kinh điển, sách chuyên khảo được xuất bản… là nguồn tri thức quan trọng để đội ngũ chuyên môn/ biên tập viên của Tạp chí hiện nay có thể trau dồi, học tập, nâng cao kiến thức trong từng lĩnh vực phụ trách. Qua những công trình nghiên cứu đó, ngoài việc bổ sung kiến thức, người đọc còn có thể học được cách thiết kế một bài viết khoa học, xử lý những khối tư liệu khác nhau và phương pháp nghiên cứu. Đó là những tri thức, kỹ năng rất cần thiết cho người làm công tác biên tập. Hay diễn giải theo cách khác, mỗi biên tập viên cũng chính là các nhà khoa học/ nghiên cứu. Việc nắm bắt được nội dung chuyên môn trong từng phân ngành của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, để có thể đặt bài hoặc trao đổi các vấn đề khoa học với các cộng tác viên của Tạp chí.

Chính các bài viết đã được đăng tải hoặc những cuốn sách chuyên khảo, lý luận… do Tạp chí xuất bản sẽ trở thành nguồn tài nguyên (tài liệu) học thuật quan trọng cho giới nghiên cứu tìm đọc, tra cứu và sử dụng làm nền tảng cho những công trình tiếp theo. Đặc biệt, khi Tạp chí được cấp phép xuất bản trên nền tảng số (Tạp chí điện tử), thì việc số hóa các bài viết, các công trình sách đã xuất bản sẽ là một kênh hữu ích cho độc giả nói chung và các nhà chuyên môn nói riêng khai thác, sử dụng, tra cứu.

Những thách thức

Bước sang bối cảnh hiện nay, báo chí nói chung và tạp chí nghiên cứu nói riêng đang đứng trước những thách thức có tính chất sống còn. Đặc biệt là khi chính sách của Nhà nước Việt Nam đang yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp có thu tiến tới tự chủ về tài chính. Có thể nhận thấy, tạp chí nghiên cứu nói chung và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nói riêng cũng đang đứng trước những thách thức sau:Thứ nhất, đó là sự phát triển ồ ạt/ bùng nổ của công nghệ số, truyền thông số và mạng xã hội đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt. Từ thói quen sử dụng các phương tiện nghe nhìn và đọc sách báo giấy truyền thống đã được dần thay thế bằng mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện và sách báo điện tử/ số hóa. Sự thay đổi, thói quen đọc sách báo truyền thống sang đọc trên các công cụ đa phương tiện, khiến việc xuất bản - phát hành gặp khó khăn. Báo giấy hoặc tạp chí in ra không bán được, đã dẫn đến việc “sụp đổ” của một loạt các tòa soạn báo đã chuyển sang mô hình tự chủ. Các phóng viên, biên tập viên thất nghiệp, chuyển sang làm những công việc khác hoặc phải “nhảy việc” sang các tòa soạn đang còn được “bao cấp” về ngân sách. Số phận các tạp chí nghiên cứu may mắn hơn, bởi nó là một sản phẩm báo chí đặc biệt của các cơ quan nghiên cứu hoặc cơ quan lý luận của một Bộ chủ quản. Hơn nữa, việc xuất bản sách chuyên khảo và phát hành tạp chí chuyên ngành vẫn được diễn ra, bởi nó phục vụ cho công tác lưu trữ phục vụ nhiệm vụ khoa học, cộng đồng các nhà nghiên cứu/chuyên môn.

Thứ hai, xu hướng hội nhập quốc tế và chuẩn hóa về hình thức cũng như chất lượng các bài viết công trình khoa học trên tạp chí chuyên ngành. Ngoài việc định danh bằng chỉ số khoa học thông thường (ISSN), thì các tổ chức học thuật quốc tế cũng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá dựa trên các cơ dữ liệu Scopus của châu Âu và ISI của Hoa Kỳ. Khi các tạp chí nằm trong hai hệ thống trên sẽ tiếp tục được phân loại về chất lượng khoa học từ Q1 đến Q4, tương đương với thang điểm được Hội đồng chức danh/ học hàm nhà nước chấm từ 0.5 điểm đến 2.0 điểm. Hầu hết các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn nằm trong hệ thống đánh giá này. Nhưng tính điểm các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam, căn cứ vào thang đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Theo đó, các tạp chí có chất lượng cao nhất sẽ được tính tối đa 1.0 điểm, hạng khá 0.75 điểm và trung bình là 0.5 điểm. Hiện nay, xu hướng hội nhập, cũng đòi hỏi các tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam (trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật), phải dần tiến tới sự chuẩn hóa về hàm lượng khoa học. Để làm được điều này, Tạp chí cần có những thay đổi căn bản về phương thức tổ chức và vận hành chuyên môn.

Thứ ba, chính sách về nguồn cung tài chính của Nhà nước đang có xu hướng giảm dần cho các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và tạp chí chuyên ngành. Thiếu nguồn thu hoặc hỗ trợ về tài chính từ nguồn ngân sách Nhà nước, sẽ khiến các tạp chí không có hoặc thiếu kinh phí để vận hành các khâu cơ bản như: đặt bài, biên tập, in ấn, xuất bản/phát hành, trả nhuận bút. Trong khi đó, tạp chí bản giấy truyền thống hầu như không bán được, hoặc bán được rất ít (chủ yếu cung cấp cho hệ thống thư viện và các nhà khoa học có nhu cầu tra cứu, đăng tải)...

Những giải pháp

Với thuận lợi và thách thức như đã nêu ở trên, tôi cho rằng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần có những điều chỉnh, thay đổi kịp thời trong thời gian tới. Nhằm tận dụng được những lợi thế, tên tuổi, danh hiệu và tài nguyên nghiên cứu đang sẵn có; vượt qua được những thách thức đã và đang đặt ra trong bối cảnh mới. Tôi xin mạo muội đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, là vấn đề nhân sự (chủ yếu là đội ngũ làm chuyên môn - các Biên tập viên) cần được tuyển chọn, phân công nhiệm vụ theo chuyên ngành đáp ứng các chuyên mục cụ thể của Tạp chí, như: Lý luận chung, văn hóa (truyền thống, đương đại - vật thể, phi vật thể), âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu - xiếc… Các Biên tập viên chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, cần chủ động tự học, tự đọc… để củng cố, khỏa lấp và hoàn thiện tri thức/kiến thức trong những lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Hai là, các biên tập viên cần hoàn thiện, nâng cao học vấn, bằng cách tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn (thạc sĩ hoặc tiến sĩ), tiến tới trở thành nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn được phân công. Đây cũng là tiếp nối truyền thống với thế hệ biên tập viên tiền bối, những nhà nghiên cứu đã từng và đang công tác tại Tạp chí. Hơn nữa, cũng liên quan đến đào tạo nghề nghiệp, Tạp chí cần phân công những biên tập viên có thâm niên, trình độ chuyên môn cao hướng dẫn, dìu dắt, định hướng những biên tập viên mới vào nghề. Với mục đích, vừa để biên tập viên trẻ học hỏi được kinh nghiệm, kỹ năng - nghiệp vụ biên tập và tri thức chuyên môn sâu.

Ba là, Tạp chí cần thiết lập cơ chế nhận bài, đặt bài đủ tiêu chiêu chuẩn khoa học, theo quy chuẩn chung mà các tạp chí chuyên ngành đang được tính điểm cao (1.0 điểm) thực hiện. Để cụ thể hóa việc nhận hoặc đặt bài từ các tác giả (nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học…), Tạp chí thiết lập đề cương mẫu, gồm có: tóm tắt (abstract); từ khóa (keyword); ngày nhận bài, ngày chấp nhận đăng tải; đặt vấn đề (lý do, lịch sử nghiên cứu vấn đề, lý thuyết nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu); thảo luận; kết quả nghiên cứu; kết luận; tài liệu tham khảo và cách chú thích nguồn tài liệu, số lượng từ tối thiểu (khoảng 7.000 từ) và tối đa (10-12.000 từ)… Yêu cầu các nhà nghiên cứu, tác giả gửi bài cần tuân thủ theo đề cương và cách trích dẫn, chú thích… của Tạp chí.

Bốn là, Tạp chí thực hiện cơ chế đọc phản biện các bài viết; thông thường sẽ mời 2 chuyên gia thẩm định độc lập (phản biện kín). Nếu bài viết được chấp nhận sẽ được thông qua và chấp nhận đăng tải; nếu 1 trong 2 chuyên gia không đồng ý, thì Tạp chí có quyền từ chối đăng tải bài viết. Hoặc nếu 1 trong 2 chuyên gia không đồng ý, có thể mời thêm người thứ 3 thẩm định (chuyên gia này sẽ quyết định bài viết có được thông qua hay không). Đây cũng là xu hướng và cách làm của các tạp chí khoa học chuẩn quốc tế - nằm trong danh mục ISI và Scopus.

Năm là, giữ được chất lượng chuyên môn của Tạp chí là tăng hàm lượng khoa học trong mỗi bài viết. Điều này trở thành sống còn vì uy tín, danh dự và tên tuổi trong giới nghiên cứu Tạp chí. Trên cơ sở nâng cao, giữ được chất lượng học thuật cao, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tiến tới nằm trong hệ thống những tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước chấm 1.0 điểm. Hơn thế nữa, khi đạt được các tiêu chí khoa học cần thiết, Tạp chí sẽ trở thành địa chỉ đăng bài học thuật thu hút cộng đồng các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh và học viên cao học.

Ngoài ra, sau quá trình sáp nhập, quy hoạch - cải tổ lại các tạp chí thuộc các Cục, chuyên ngành về văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam (của Bộ VHTTDL), Tạp chí hiện duy trì 4 phiên bản: Kỳ 1 Nghiên cứu, Thông tin lý luận (theo xu hướng học thuật, có chỉ số khoa học); Kỳ 2 Xây dựng đời sống văn hóa; Kỳ 3 Thế giới nghệ thuật; Tạp chí điện tử Văn hóa, Nghệ thuật. Trong đó, Kỳ 1 vẫn là tạp chí chủ đạo - quan trọng nhất. Đây cũng chính là cơ hội cho Tạp chí có điều kiện tập trung xây dựng quy trình nhận bài, đặt bài theo chuẩn chung của Việt Nam và thế giới (3). Từ đó, xác lập môi trường học thuật mới, định hình lại “cuộc chơi” trong giới nghiên cứu.

Cuối cùng, ngoài bản giấy truyền thống được in ấn, thì Tạp chí cũng số hóa và phát hành trên mạng, giúp cho độc giả - các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên… tiện tra cứu, sử dụng vào mục đích nghiên cứu. Đây cũng là xu hướng của các tạp chí khoa học ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung đã và đang thực hiện.

Kết luận

Với 50 năm định hình, phát triển và trưởng thành - Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã tạo dựng cho mình những giá trị căn bản trong học thuật và đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội. Tạp chí luôn là nơi đào luyện, tôi rèn mỗi cá nhân - những người làm chuyên môn - trở thành những nhà nghiên cứu có phẩm chất khoa học tốt. Cá nhân tôi, cũng được rèn luyện, đào tạo và trưởng thành trong môi trường học thuật này và tôi biết ơn vì điều đó. Không những thế, trong gần 14 năm công tác tại Tạp chí, với tư cách là Biên tập viên, tôi được đi nhiều, trải nghiệm nhiều và gần gũi, học hỏi được nhiều từ các bậc thày chuyên môn. Có lẽ vì vậy, mà tôi đã gặt hái được những thành công ban đầu trong công tác nghiên cứu và sau này là giảng dạy. Bên cạnh đấy, Tạp chí còn có môi trường công sở cởi mở, con người sống phóng khoáng, tự do - theo kiểu “văn nghệ sĩ”. Nơi mà cá tính của mỗi người được bộc lộ thỏa mái, tự nhiên… và điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống, cách suy nghĩ và cá tính của tôi.

Xin chúc mừng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - tròn nửa thế kỷ!

_______________

1. Tác giả bài viết bắt đầu công tác tại Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ ngày 1-6-2001 với vai trò là biên tập viên (hợp đồng thử việc), người nhận tôi về công tác khi đó là GS,TS Nguyễn Chí Bền - Tổng Biên tập. Ngày 1-4-2014, tôi chuyển công tác sang Bộ môn Văn hóa học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Ý tưởng thành lập “Tủ sách Văn hóa học” là của PGS,TS Đỗ Lai Thúy, với mong muốn là dịch và công bố các tác phẩm học thuật kinh điển về lý thuyết văn hóa - nghệ thuật, xuất bản những công trình nghiên cứu có chất lượng chuyên môn cao của các học giả nổi tiếng.

3. Các ấn bản còn lại như: Thế giới Nghệ thuật; Xây dựng đời sống văn hóa và Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Bộ VHTTDL đặt ra.

 

TS. ĐINH ĐỨC TIẾN

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguyên Biên tập viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật)

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;