Chúng tôi mơ có ngày được cầm tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật bằng tiếng Anh

 TS Trần Đoàn Lâm tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” (22/11/2023) - ảnh: Tuấn Minh

 

Trước hết, chúng tôi xin nhiệt liệt chia vui cùng các anh các chị đồng nghiệp ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tạp chí. Biết bao thế hệ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý và nhân viên đã xây dựng sự nghiệp của mình ở dưới mái nhà này, đã đóng góp trí tuệ, tài năng, công sức, khiến nó trở thành một cơ quan ngôn luận về học thuật có chất lượng hàng đầu của ngành Văn hóa, Nghệ thuật nước ta.

Xin cảm ơn tất cả các bậc tiền bối, anh chị em cộng tác viên, biên tập viên - những người đã và đang thổi linh hồn, thổi sức sống vào từng trang Tạp chí, để nó bền bỉ tồn tại và phát triển 50 năm qua. Bạn đọc tạp chí hết sức biết ơn công lao đóng góp của họ. Thật là “Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”. Tôi là độc giả trung thành của Tạp chí ngay từ những ngày đầu. Khi đó, vì chúng tôi học lớp chuyên văn của thành phố Hải Phòng nên thày cô bắt phải “duyệt” qua các loại tạp chí, báo chí có mặt thời đó, mặc dù thực tế, trình độ học vấn của chúng tôi khi ấy, mới cấp Hai, cấp Ba, không đủ để tiếp thu hết những nội dung học thuật của tờ Tạp chí mà tác giả các bài viết gồm những cây đa cây đề của học thuật nước nhà như Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Từ Chi, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Lâm Biền... Nhưng với tình yêu văn hóa dân tộc, với khao khát mở mang kiến thức và thú thật, với sức ép của thày cô, chúng tôi vẫn đọc vì thày cô nói: “Các em cứ chọn đề tài hay bài mình thích mà đọc; dù hiểu ít hiểu nhiều cũng không quan trọng nhưng mưa lâu thấm dần; ít nhất là vốn từ ngữ của các em sẽ giàu có lên do đọc!”. Sau này tôi suy ngẫm thấy cũng có lý! Việc này tương tự như trẻ học nói, chúng chỉ cần nghe người lớn sử dụng ngôn ngữ nói trong các tình huống khác nhau, rồi nhắc lại một cách vô thức và lâu dần, chúng sẽ vỡ vạc ra ngữ nghĩa của từ và dùng đúng với ngữ cảnh, cùng với quá trình trưởng thành và tăng trưởng trí tuệ của bản thân.

Nhưng, những năm còn là học trò đó thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua các loại báo và tạp chí như vậy? Mặc dù, 3 năm học cấp Ba (cấp Hai thì không có gì), chúng tôi được thành phố quan tâm cho học bổng là 9 đồng/ một người/ một tháng - số tiền cũng khá khi ấy; và bố mẹ tôi cũng đành lòng để tôi dùng học bổng đó mua sách vở, bút giấy, và một - hai tờ báo dành cho học trò. Như vậy, cũng đủ để chúng tôi cảm thấy “mình thuộc đẳng cấp khác rồi”. Một niềm tự hào khá là trẻ con! Mặc dù vậy, nhưng cũng vẫn phải hàng tuần cuốc bộ, rồi leo lên tầng 3 Thư viện Thành phố, nơi có một cái bàn rộng, to, để các loại tạp chí và báo xuất bản định kỳ. Riêng báo thì được đóng vào từng tập dày. Định kỳ, nhân viên thư viện sẽ thay cũ đổi mới. Nếu ai muốn đọc số cũ thì sẽ phải mượn Thủ thư như mượn sách ấy. Căn phòng đó, đối với dân ham đọc, là kho báu về tri thức, nên nhiều người dến đọc; nhiều khi phải đợi hàng tiếng đồng hồ thì mới đến lượt mình. Giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn thích cái giai đoạn người dân mình say mê đọc ấn phẩm in giấy, trong đó có Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Như vậy, riêng bản thân tôi, tôi thấy mình (và bạn bè) hàm ơn khá nhiều sự góp mặt của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vào văn hóa đọc của xã hội ta nói chung và của riêng tôi nói riêng. Tạp chí như một “cung điện - hàn lâm viện” hoành tráng mà khi cánh cửa cổ kính của nó mở ra, một đoàn các viện sĩ, học giả khả kính đã đợi chờ để giảng giải cho bọn trẻ con học sinh chúng tôi về các di sản văn hóa dân tộc: Nào là đền chùa, miếu mạo, nào là sân khấu chèo, tuồng, nào là hoa văn trống đồng Đông Sơn, hoa văn cạp váy Mường… vô số điều thú vị chờ đợi, kích thích trí tò mò, đầu óc tưởng tượng, khiến chúng tôi háo hức chờ đợi nội dung tiếp theo. Nếu đọc chỗ nào không hiểu thì lăm le giấy bút (khi đó đâu có điện thoại thông minh để chụp hình!) ghi lại về hỏi thày cô, hay hỏi người lớn. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là một trong những ngọn nguồn để chúng tôi nâng cao vốn tiếng Việt, văn Việt và là một “người hướng đạo” nhiệt tình, cầm bó đuốc soi đường cho chúng tôi mò mẫm trong hành trình tìm đến tri thức của nhân loại nói chung và của dân tộc ta nói riêng.

Sau này, khi làm công tác xuất bản đối ngoại và phụ trách tờ Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, chúng tôi vẫn tiếp tục đặt mua Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật để nghiên cứu. Không ít lần, Ban Biên tập tuyển chọn bài thích hợp cho thông tin đối ngoại từ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật để in trong Nghiên cứu Việt Nam, góp phần tạo dựng danh tiếng cho chuyên khảo này. Và riêng tôi cũng rất thích sê ri sách về văn hóa học do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức dịch thuật và xuất bản. Theo tôi, đó là loại sách tham khảo rất hữu ích mà nghiên cứu sinh về ngành văn hóa phải đọc, nếu đề tài mình chọn có liên quan. Ngay cả lĩnh vực quản lý văn hóa, cán bộ quản lý chuyên ngành cũng nên tham khảo để nâng cao hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật. Phải nói rằng, một trong những ưu điểm của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa giữa tính hàn lâm - học thuật với tính phổ thông, làm cho các vấn đề có thể vốn dĩ rất học thuật cao siêu trở nên dễ tiếp nhận với đông đảo bạn đọc phi chuyên ngành; và đồng thời nó lại không quá dễ dãi để trở thành dạng “báo chí lá cải”, mặc dù đi sâu sát với thực tế đời sống, phản ánh được sự vận hành của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Tạp chí đã quy tụ được nhiều cây bút nghiêm túc, khả tín, có uy tín về chuyên môn, học thuật trong giới hay trong ngành, và có năng lực làm nghiên cứu hay làm báo chí. Đây là một kho báu, vốn quý cần khai thác hiệu quả, nhất là, ở thời hiện đại, có những tác giả, học giả đầy tài năng, hay những công trình nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Tạp chí đã sở hữu một đội ngũ phóng viên và biên tập viên cũng đáng nể, và một “thư viện” chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật rất phong phú, hấp dẫn. Bản thân chúng tôi rất thích các bộ Tổng mục lục Tạp chí theo giai đoạn, và nhiều lần sử dụng để truy cập lại các bài báo đã đăng nhằm hướng dẫn cho sinh viên hay nghiên cứu sinh viết đề tài. Tóm lại, tôi có sự yêu thích đặc biệt với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật vì nó:

Bao quát một dải tần đề tài khá rộng về văn hóa, nghệ thuật, có cả của nước ngoài; nó như là một bức tranh toàn cảnh (panorama) về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, cả truyền thống lẫn hiện đại;

Nó vừa có thể hàn lâm, học thuật lại vừa dễ đọc dễ hiểu, gần gũi với đông đảo bạn đọc, kể cả bạn đọc không chuyên ngành;

Nó đi sâu đi sát với thực tế cuộc sống nên sinh động, tươi mới, cho dù là đề tài về khai thác truyền thống hay vốn cổ thì bạn đọc vẫn có thể soi vào đó để thấy cái “mới” khác biệt ra sao;

Nó cũng đề cập kịp thời các vấn đề nóng bỏng, có khi gây tranh cãi, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật;

Nó truyền cảm hứng, hay gợi ý cho những ai thích theo con đường nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm làm xuất bản - báo chí về thông tin đối ngoại, tôi mong rằng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nên quan tâm đến khía cạnh làm thông tin đối ngoại. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11- 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời hiện đại như là một nội dung về văn hóa lần đầu tiên được trình bày một cách căn kẽ, sâu sắc trong Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là một nhiệm vụ đa diện đòi hỏi tổng lực của toàn xã hội vì văn hóa là biểu hiện vất chất và tinh thần của xã hội ở một trình độ nào đó.

Trong bối cảnh hiện tại, quá trình toàn cầu hóa đã khiến cho ranh giới giữa các nền văn hóa trở nên mong manh ở thế giới ảo. Sự học hỏi, giao lưu tiếp biến văn hóa, giao thoa văn hóa là quá trình hiện hữu mà không dân tộc nào, quốc gia nào tránh được. Nó thực sự vừa có tính nội sinh (nhu cầu tự thân của nền văn hóa cần tiếp xúc giao lưu để làm giàu bản thân mình) và có tính ngoại sinh (tác động của giao lưu quốc tế, hội nhập quốc tế khiến hình thành chuỗi sản xuất, hay chuỗi giá trị với sự tham gia đóng góp của các bên liên quan trên bình diện quốc tế). Trong bối cảnh như vậy, các nền văn hóa vừa phải “mở cửa”, vừa phải ra sức định danh lại mình, tái xác định bản sắc để giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, bản sắc dân tộc và đồng thời góp tiếng nói đặc hữu vào cộng đồng chung của nhân loại như một thành viên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng học hỏi lẫn nhau. Khi vị thế Việt Nam được nâng cao, thì bạn đọc nước ngoài càng muốn tìm hiểu về đất nước này, dân tộc này và nền văn hóa này.

Thực tế, số người nước ngoài biết tiếng Việt để đọc Tạp chí bằng nguyên bản chắc chắn là khá nhỏ so với số người dùng tiếng Anh thành thạo. Dù muốn hay không muốn, ta phải thừa nhận, hoàn cảnh lịch sử đã biến tiếng Anh thành công cụ giao tiếp quốc tế nổi bật (về mức độ phổ biến chứ không phải số người dùng nó như bản ngữ). Không ít lần, chúng tôi “bị” người nước ngoài chất vấn về nguồn thông tin, tư liệu bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam để họ sử dụng, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, người làm công tác giảng dạy hay thậm chí là sinh viên, nghiên cứu sinh ở các khoa Châu Á học, Đông Nam Á học, Việt Nam học thuộc các trường đại học, hay trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới. Nói thật tình, Nhà xuất bản Thế Giới chúng tôi không đủ sức bao quát hết các nơi có nhu cầu tài liệu, tư liệu về Việt Nam học, do hoàn cảnh khó khăn về tài chính và nhân lực. Trước đây, ở Mỹ, tôi biết có Nhà xuất bản Curbstone thuộc Đại học ở Conneticut chuyên dịch các tác phẩm văn học của Việt Nam ra tiếng Anh để phục vụ bạn đọc Mỹ quan tâm. Nhưng từ khi ông Giám đốc nhà xuất bản qua đời thì nhà xuất bản được bán lại cho đối tác khác nên dòng xuất bản văn học Việt Nam cũng chấm dứt theo. Một số nơi trên thế giới cũng xuất bản sách, công trình nghiên cứu về khoa học xã hội của tác giả Việt Nam nhưng thường rơi vào trường hợp: Nhà xuất bản của người Việt ở nước ngoài; Nhà xuất bản của người sở tại nhưng quy mô nhỏ. Và lẽ dĩ nhiên, họ không có ý thức làm theo định hướng thông tin đối ngoại, quảng bá đất nước - con người - văn hóa Việt Nam của chúng ta được. Đấy là nói về xuất bản sách, còn tạp chí chuyên về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam bằng tiếng Anh thì chúng tôi, trong sự hiểu biết còn hạn hẹp, nghĩ rằng chưa đâu có, trừ trường hợp tạp chí kiểu “Việt Nam học” dùng cho giới học thuật (như Đại học Yale của Mỹ trước đây có làm). Có lẽ cần có một khảo sát về đề tài này ở các nước dùng ngôn ngữ khác như Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Ả rập... thì mới có kết luận tương đối chính xác được.

Nhìn sang bên cạnh ta, các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) rất chú trọng công tác quảng bá hình ảnh đất nước mình. Họ xuất bản các tạp chí giới thiệu con người, danh lam thắng cảnh, tiềm năng du lịch, hoạt động văn hóa, nghệ thuật… và gửi đến các địa chỉ cần thiết. Bản thân chúng tôi trước đây rất hay nhận được loại tạp chí như vậy. Sau này, do công nghệ thông tin phát triển, nhiều tạp chí chuyển thành tạp chí online cho phù hợp với xu thế thời đại, nhưng mục đích của các tạp chí đó vẫn là, cùng với phim ảnh, văn nghệ, công nghiệp giải trí, đóng góp xây dựng “quyền lực mềm” cho nước họ - thứ sức mạnh vô hình, hay ảnh hưởng có tình thấm dần, không ồn ào, dễ lan tỏa. Sự xâm lấn văn hóa thông qua thị giác (nghe- nhìn) và văn hóa đọc rất sâu đậm, nhưng vì vô hình, vô thức (đối với người tiếp nhận) nên ta không dễ nhận ra được quá trình tiếp biến đó! Song, một điều ai ai chắc cũng thừa nhận, truyền thông - với các loại hình của nó, trong đó có sách, báo, tạp chí - có vai trò và tầm ảnh hưởng “không thể nghĩ bàn” (bất tư nghì) trong thế giới hiện đại.

Như vậy, khi bạn đọc nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam thì họ đành phải tìm kiếm qua sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài, hay các tờ báo tiếng Anh như Việt Nam News, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vnexpress... Ngoài Việt Nam News, Thông tấn xã Việt Nam cũng còn những tờ khác, như Le Courrier du Vietnam (tiếng Pháp) hay tờ báo ảnh Pictorial. Vietnam Airlines có tờ Heritage song ngữ Việt - Anh, thường trích dịch một số bài viết về văn hóa, du lịch. Tờ Travellive, East & West (Đông - Tây) hay một số tờ khác lại tập trung giới thiệu tiềm năng du lịch của Việt Nam (danh lam, thắng cảnh, khách sạn, nhà hàng, món ăn...). Phần lớn các ấn phẩm loại này lại mang tính chất báo nhiều hơn vì tính thời sự và bao quát các lĩnh vực của nó; vả lại, tờ báo ra hằng ngày nên bài viết, nếu có, về văn hóa, nghệ thuật cũng phải đáp ứng yêu cầu của loại hình báo, với tính thông tin, ngắn gọn là chủ yếu chứ không phải tính học thuật, diễn giải dài hơi như tạp chí. Một số đơn vị có xuất bản chuyên san về Văn hóa học hay Khoa học xã hội - nhân văn (như Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng họ lại tập trung đi sâu về chuyên ngành, với các bài viết nghiên cứu công phu. Tờ Thông tin về Khoa học Xã hội của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội thì giới thiệu các công trình nghiên cứu của ngành này như Nhân học, Xã hội học, Lịch sử, Khảo cổ, Kinh tế học, Ngôn ngữ học... Một số tạp chí khác đành bằng lòng với việc giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết của các tác giả bằng tiếng Anh. Thi thoảng, khi có điều kiện thì họ xuất bản ấn phẩm tiếng Anh dưới dạng kỷ yếu hay chuyên đề, tức là tuyển chọn các bài viết tốt trong năm rồi dịch ra tiếng Anh, in thành một “hợp tuyển” các bài viết.

Chúng tôi cho rằng, cách làm chuyên khảo, chuyên đề như trên cũng là một giải pháp tương đối hiệu quả (căn cứ vào sự trích dẫn của các tác gỉả nước ngoài trong công trình nghiên cứu của họ - nếu họ trích dẫn tức là có đọc ấn phẩm, hoặc biết đến ấn phẩm!) khi điều kiện chưa cho phép ta xuất bản định kỳ. Đấy chính là ước vọng của chúng tôi nếu Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật có ý tưởng phát triển theo hướng làm thông tin đối ngoại. Một năm có thể chỉ cần xuất bản 2-3 số chuyên san, tuyển chọn bài viết tốt, phù hợp với phương thức thông tin đối ngoại, rồi dịch ra tiếng Anh để xuất bản. Địa chỉ tiếp nhận sẽ là các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài, các thư viện, các trường đại học hay phân khoa có liên quan đến Việt Nam. Một phiên bản phát hành online cũng nên nghĩ đến để bạn đọc toàn thế giới có thể tiếp cận nhanh nhất.

Ấn bản tiếng Anh của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật như hình dung ở trên, theo chúng tôi, sẽ giúp bạn đọc ngoại quốc nào quan tâm nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam qua năm tháng, giúp họ có nhận thức khá đầy đủ, đúng đắn về thực trạng, truyền thống và hiện đại, và từ đó, họ sẽ có thiện cảm nhiều hơn về đất nước con người Việt Nam, đồng thời ủng hộ Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ, sau khi tiếp nhận thông tin từ ấn phẩm, sẽ truyền tải nó theo cách riêng để lan tỏa mối cảm tình với chúng ta tới bạn bè, học trò, đồng nghiệp, người thân và cộng đồng của họ. Sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam cũng nhờ đó mà lan tỏa sâu rộng.

Đấy chính là cái “được” vô hình của dự án này mà nếu không suy nghĩ sâu xa thì khó nhận biết. Tất nhiên, từ ý tưởng hay đề án cho tới hiện thực là một hành trình dài với chướng ngại lớn nhất vẫn là tài chính và nguồn nhân lực. Nhưng ngày vui nên ta hoàn toàn có thể mơ ước, hy vọng vì ngạn ngữ phương Tây có câu: “Ước mơ không có gì là hại”.

Vì thế, chúng tôi mơ có ngày được cầm tờ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật của Việt Nam bằng tiếng Anh để khoe với bạn bè quốc tế, để cung cấp cho họ thông tin họ muốn kiếm tìm về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Điều này hoàn toàn có thể thành hiện thực lắm chứ! Hy vọng vậy!

Một lần nữa xin chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; chúc Tạp chí ngày càng lớn mạnh cùng với sự trưởng thành của đội ngũ làm tạp chí ngày nay!

Xin cảm ơn!

TS. TRẦN ĐOÀN LÂM

Nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Chủ tịch Hội đồng Ban Biên tập, Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam 

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

;