Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật - 50 năm chặng đường đổi mới và phát triển

Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật bước vào Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và ra đời số Tạp chí đầu tiên (vào tháng 11-1973). Chặng đường 50 năm qua là một hành trình rực rỡ trong quá trình đổi mới và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn luôn khẳng định được vị thế, giữ vững tôn chỉ, mục đích và hoàn thành trách nhiệm cao cả là Tạp chí hàng đầu nghiên cứu về lý luận - khoa học - thực tiễn của Bộ VHTTDL.

TS Trần Thị Tuyết Mai (trái) trò chuyện với dịch giả Nguyễn Văn Quảng  -  ảnh: Tuấn Minh

 

Sự nỗ lực và những thành tựu trong hành trình phát triển của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

Cộng tác với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật từ năm 2005, đến nay đã gần 20 năm, song cũng vì công việc và sự bận rộn trong cuộc sống thường ngày, đã có thời gian tôi chưa thường xuyên có nhiều bài viết cho Tạp chí, nhưng vẫn luôn là bạn đọc trung thành của Tạp chí. Gần đây, tôi trở lại cộng tác thường xuyên hơn và đã chứng kiến sự đổi mới của Tạp chí.

Là cán bộ đã công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, lại tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nên tôi luôn dõi theo và đọc Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật là nguồn tư liệu về lý luận và thực tiễn rất phong phú, có độ tin cậy cao để tôi tham khảo trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy hiện nay. Nhờ những bài viết đăng trên Tạp chí mà tôi nghiên cứu để nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước đối với sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch, cập nhật thông tin mới vận dụng để viết bài, nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy, truyền tải đến học viên, sinh viên nắm vững những nội dung quan trọng, có ý nghĩa này.

Chặng đường 50 năm qua thật sự là một hành trình rực rỡ của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Trên cơ sở từ một tờ Thông tin Nghệ thuật in rônêô chỉ được lưu hành trong nội bộ, đến năm 1973, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật chính thức được ra đời (nay là Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật). Nếu như trước đây, Tạp chí thường phát hành hằng tháng một số, đến nay Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong một tháng đã phát hành 3 kỳ: Kỳ 1- Nghiên cứu, Thông tin lý luận, Kỳ 2 - Xây dựng đời sống văn hóa, Kỳ 3 - Thế giới Nghệ thuật và Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ tại địa chỉ vanhoanghethuat.vn. Sự đa dạng nội dung trong các ấn phẩm Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng là những chủ đề hấp dẫn để cộng tác viên khai thác, phản ánh bằng những bài viết phong phú về nội dung, hấp dẫn về các chủ để, có hàm lượng khoa học và tính thực tiễn, bao quát được hầu hết các lĩnh vực: Nghiên cứu lý luận - khoa học, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình ở cơ sở, phát triển văn hóa nghệ thuật, đồng thời phản ánh sâu sắc, sinh động diện mạo đời sống văn hóa, thế giới nghệ thuật hấp dẫn, sinh động và những vấn đề đang đặt ra hiện nay. Về hình thức: Tạp chí in cùng với Tạp chí điện tử với các chuyên đề, chuyên mục được bố cục sắp xếp hợp lý và khoa học, trình bày đẹp, bạn đọc dễ tiếp cận nghiên cứu. Cùng với sự đa dạng, sâu sắc về tư duy lý luận và mang tính thực tiễn trong những bài viết của cộng tác viên đã cung cấp cho bạn đọc những thành tựu và cả hạn chế trong sự phát triển đa ngành văn hóa nghệ thuật của cả nước để bạn đọc có những góc nhìn thực tế, đa chiều về sự trưởng thành, phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Sự nỗ lực, trưởng thành phát triển và lớn mạnh của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã hấp dẫn, tập hợp và thu hút được một đội ngũ cộng tác viên nòng cốt thân thiết của Tạp chí, bao gồm những nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, các nhà khoa học uy tín có tâm huyết, các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm thực tiễn, tất cả đã dành xung lực và tình cảm để những bài viết có chất lượng đã được đăng trên Tạp chí như các tác giả GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, GS, TSKH Lưu Trần Tiêu, GS,TS Nguyễn Chí Bền, GS,TS Bùi Quang Thanh, PGS,TS Phạm Duy Đức, PGS,TS Bùi Hoài Sơn, PGS,TS Lê Thị Hoài Phương, PGS,TS Nguyễn Đăng Nghị… Bên cạnh một thế hệ cộng tác viên gạo cội, Tạp chí cũng cởi mở đón nhận những cộng tác viên trẻ tiềm năng và triển vọng đang có những nghiên cứu, đóng góp thiết thực. Các bài viết được đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí đảm bảo tính hệ thống, có tính lý luận, tính thực tiễn và giàu hàm lượng khoa học, đi sâu vào nghiên cứu lý luận và phản ánh sinh động thực tiễn, đã đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong sự phát triển của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng và góp phần tích cực trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong xu thế hội nhập, phát triển. Tạp chí đã chiếm được sự tin yêu của cộng tác viên và các thế hệ độc giả trong ngành và cả nước, là người bạn thân thiết, gắn bó của nhiều bạn đọc. Tôi vô cùng trân quý sự quan tâm rất thân tình, trách nhiệm của các đồng chí Lãnh đạo Tạp chí, các biên tập viên, cán bộ đối với cộng tác viên.

Cơ hội, mong muốn và kỳ vọng của cộng tác viên

Hơn bao giờ hết, hiện nay sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng những chiến lược, sách lược quan trọng. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội (năm 1946) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai tổ chức tại tỉnh Phú Thọ (năm 1948), đến năm 2021, Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị quan trọng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Ngày 27-2-2023, Ban Bí thư tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Khởi nguồn và động lực phát triển. Hội thảo là hoạt động trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhằm định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người theo nội dung Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời quán triệt sâu sắc bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này. Nội dung hội thảo đồng thời đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cũng trong năm 2023, ngày 28-8-2023, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 và Tổ chức Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc. Những sự kiện lớn với những dấu mốc quan trọng này là định hướng quan trọng để Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và đội ngũ cộng tác viên nghiên cứu viết bài theo các chủ đề lớn. Đây thực sự là cơ hội lớn thật vinh dự và trách nhiệm cho những người làm báo Văn hóa Nghệ thuật. Tôi tin tưởng và hy vọng Tạp chí tiếp tục có các bài viết sâu sắc trước những chủ đề mới, vấn đề mới có tính thời sự nghề báo và nóng của ngành nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả.

Là người may mắn được cộng tác với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trong gần hai mươi năm qua, Tạp chí như là người bạn thân tình và trách nhiệm của tôi, tôi mong muốn Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật luôn phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa cả nội dung và hình thức tờ báo. Tăng cường các bài viết sâu sắc về lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát triển nền văn hóa, nghệ thuật, nhanh nhạy tiếp cận những vấn đề có tính chiến lược định hướng cho sự phát triển của toàn ngành về xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà, tiếp tục đổi mới hình thức thể hiện các ấn phẩm, các bài viết một cách sinh động hơn, phong phú và hấp dẫn hơn để thu hút nhiều bạn đọc hơn.

Để có được sự phát triển của Tạp chí như hiện nay, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ biên tập viên, viên chức và người lao động của Tạp chí còn có sự đóng góp tích cực của các cộng tác viên. Phần lớn nội dung của Tạp chí là các bài viết do cộng tác viên nghiên cứu, trao đổi, viết bài gửi tới Tạp chí. Bởi vậy, xây dựng lực lượng cộng tác viên rất quan trọng vì đội ngũ này quyết định sự phát triển bền vững lâu dài của Tạp chí, sức mạnh của đội ngũ cộng tác viên cũng là sức mạnh của Tạp chí, năng lượng của cộng tác viên là sản phẩm trí tuệ của Tạp chí. Tạp chí thường xuyên chú trọng quan tâm chăm lo, củng cố mở rộng xây dựng lực lượng cộng tác viên, nhất là những cộng tác viên nòng cốt nhiệt tình và trách nhiệm (cộng tác viên ruột) của Tạp chí, vừa có nghề, lại có tâm làm báo, viết bài. Hơn nữa, cần có cơ chế thu hút chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực hoạt động, bao gồm các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của ngành và các ngành liên quan ở cả cấp Trung ương và các địa phương, các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu khoa học có uy tín trong và ngoài ngành. Đồng thời, tăng cường đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, cần mở rộng hợp tác với họ dưới nhiều hình thức đa dạng để hình thành nên lực lượng cộng tác viên thân thiết, gắn bó, đồng hành cùng với sự phát triển và lớn mạnh của Tạp chí trong hiện tại và giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Tạp chí phải coi trọng công tác đào tạo, thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác của Tạp chí trong thời kỳ mới.

Nhân dịp này, tôi xin trân trọng được dẫn lời trong bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chuyến thăm và làm việc với cán bộ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ngày 9-6-2012 đã được đăng trên nhiều số của Tạp chí Cộng sản: “Về công tác tổ chức bài, để có được bài thật sự có chất lượng, thật sự sâu sắc, đòi hỏi phải công phu lắm, tỉ mỉ lắm, gian khổ lắm… Bản thân mỗi cán bộ công tác ở Tạp chí phải thật sự yêu nghề, say mê công việc, ngày đêm lo toan, trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên về một bài viết do mình phụ trách, chứ nếu cứ chàng màng, lớt phớt thì khó có được bài hay, bài sâu sắc, “nhân nào thì quả ấy”. Liên quan đến việc tổ chức bài là công tác cộng tác viên, cho nên công tác cộng tác viên rất quan trọng. Phải biết huy động khai thác trí tuệ của cộng tác viên, vì đội ngũ này quyết định sự phát triển của Tạp chí. Tạp chí cần chủ động nêu vấn đề, gợi mở, mời các đồng chí cộng tác viên đến trao đổi, đặt bài, thậm chí phải đặt trước hàng năm, vài năm ấy chứ. Tự nhiên mà đến đặt bài thì khó và làm sao có được bài chất lượng. Mỗi cán bộ biên tập của Tạp chí phải trở thành người thân thiết của cộng tác viên, thậm chí của gia đình cộng tác viên, trân trọng mời các đồng chí đó cộng tác viết bài… Rồi tổ chức phát huy đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ có uy tín khoa học, nhiều đồng chí đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết. Vấn đề là biết tổ chức và thu hút trí tuệ của họ. Phải xây dựng cơ chế huy động “chất xám” của đội ngũ này… cho những bài thật sự chất lượng, có hàm lượng khoa học cao” (1).

Với kinh nghiệm và sự chỉ bảo ân cần, sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tình cảm thân tình và trách nhiệm vốn đã có của Ban Lãnh đạo, các Biên tập viên, viên chức của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật hôm nay, tôi tin tưởng rằng Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sẽ xây dựng được một đội ngũ cộng tác viên chiến lược có chất lượng bao gồm các nhà quản lý có kinh nghiệm thực tiễn của các cấp ở các ngành, các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín chuyên sâu, tiếp tục cộng tác với các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học, các địa phương để khai thác và thu hút nhiều bài viết nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của Tạp chí: đẹp về hình thức, chuyên sâu về lý luận và giàu tính thực tiễn đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp báo chí trong công cuộc đổi mới, hội nhập và chiếm được sự tin yêu bền vững của độc giả. Về phần mình, tôi mãi mãi tự hào vì đã có nhiều năm tháng cộng tác với Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; rất trân quý và cảm ơn sự quan tâm của Ban Lãnh đạo Tạp chí, rất biết ơn sự phối hợp cộng tác nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ Biên tập viên, cán bộ của Tạp chí dành cho cộng tác viên và tôi cũng là một người may mắn trong số đó. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục trau dồi kinh nghiệm, dành thời gian và nghiên cứu nghiêm túc để có những bài viết mới phù hợp với yêu cầu nội dung Tạp chí trong thời kỳ mới.

________________

1. Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản phấn đấu mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản (Chuyên đề cơ sở), số 103, tháng 7, 2015, tr.26-27.

TS. TRẦN THỊ TUYẾT MAI

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

 

_______________

Tham luận tại Hội thảo “ Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật – 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp” ngày 22/11/2023

 

;