Tối 26-6, Lễ Bế mạc và trao giải Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023 đã được diễn ra tại Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình. Ban Tổ chức đã trao 30 tiết mục đạt Giải Nhất, 51 tiết mục đạt Giải Nhì, 12 tiết mục đạt Giải Ba và Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo.
Cuộc thi do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 10 đến 14-6-2023 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và từ ngày 20 đến 26-6-2023 tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 có sự tham gia của gần 1500 nghệ sĩ đến từ 37 đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Dự Lễ Bế mạc và trao giải có: Về phía Trung ương: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.
Về phía tỉnh Hòa Bình có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao giải Xuất sắc cho các thành phần sáng tạo tại Cuộc thi
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: "Trải qua 11 ngày biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc nhiều cảm xúc, với cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm về nhạc cụ các dân tộc. Các tiết mục biểu diễn độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc không chỉ thể hiện tinh hoa của âm nhạc truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của các dân tộc Việt Nam”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Cuộc thi đã thành công, chúng tôi thống nhất với những đánh giá chuyên môn của Hội đồng Giám khảo. Tuy nhiên, bên cạnh những tiết mục dự thi được đầu tư công phu cả về dàn dựng, hòa âm, phối khí, kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc nhuần nhuyễn, điêu luyện của các nghệ sĩ, nhạc công… thì vẫn còn một số tiết mục, phần thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan.
Thông qua cuộc thi này, Bộ VHTTDL mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, nhạc công dự thi cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, nhạc công trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này; Bộ VHTTDL đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ truyền thống Việt Nam nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, nhạc công tài năng về âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ
“Bộ VHTTDL cũng đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, tiếp tục chú trọng giữ gìn, phát huy các hoạt động nghệ thuật truyền thống của địa phương, đơn vị; tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng âm nhạc truyền thống, nhất là các tài năng trẻ, phù hợp với địa phương, đơn vị”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu tổng kết, đánh giá về chuyên môn nghệ thuật, Giám đốc Trung tâm biểu diễn, Nhạc viện TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, PGS, TS Bùi Thiên Hoàng Quân nhận định: “Bằng phong cách biểu diễn tự tin, lôi cuốn, chứng tỏ được trình độ diễn tấu của diễn viên ở mức độ cao, đủ khả năng thể hiện tính chất, nội dung của tác phẩm. Ngoài ra, các đơn vị đã làm cho tiết mục dự thi của mình được phong phú hơn, sống động hơn qua thiết kế trang phục và cảnh trí sân khấu đẹp mắt, phù hợp với nội dung chương trình.
Việc kết hợp với nhiều hình thức ca hát như đơn ca, song ca, tốp ca hay múa minh họa cũng là cách để các diễn viên có thể thăng hoa trong khi biểu diễn; Kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu đạt trình độ điêu luyện, tinh xảo, tinh tế trong từng tiếng đàn, giàu cung bậc cảm xúc, được thể hiện qua nhiều phong cách, thể loại từ nhạc truyền thống như Chèo, Tuồng, Tài tử - Cải lương, cải biên hay đương đại nhưng vẫn mang tính dân tộc. Những kỹ năng, kỹ xảo đó đã giúp các nghệ sĩ truyền tải được nội dung tác phẩm đến người nghe một cách đầy thuyết phục;
Về Phong cách âm nhạc PGS, TS Bùi Thiên Hoàng Quân cho biết: Các đoàn nghệ thuật truyền thống đã thể hiện rõ đặc trưng âm nhạc vùng, miền, địa phương. Các đoàn Ca múa nhạc đã thể hiện tính hiện đại trong việc đưa nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc hoặc những hiệu ứng khác hỗ trợ cho nhạc cụ dân tộc để có những tác phẩm dân tộc mới hơn, hiện đại hơn. Các đơn vị đào tạo với phong cách âm nhạc có sự kết hợp giữa dân tộc và kinh điển, học thuật, cũng đã tạo cho mình một phong cách riêng, không trùng lặp và đáng quý.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, PGS, TS Bùi Thiên Hoàng Quân phát biểu, đánh giá Cuộc thi
Với thời lượng quy định tuy không dài cho cả 2 hình thức biểu diễn độc tấu và hòa tấu, nhưng cũng đủ cho các đơn vị tuyển chọn các tiết mục đặc sắc để tham dự hội thi. Trung bình thời gian để các đoàn trình bày là từ 30 đến 45 phút, cá biệt có đoàn dài hoặc ngắn hơn nhưng quan trọng là “tính nghệ thuật đã được các đơn vị chăm chút rõ nét, trong đó, mỗi đơn vị đều đã giới thiệu được những nét âm nhạc đặc sắc của đơn vị hay địa phương của mình. Sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả cùng sự hỗ trợ của đội ngũ âm thanh, ánh sáng,… tất cả đã làm cho bức tranh âm nhạc của cuộc thi trở nên đa sắc màu, rực rỡ và được bao trùm bởi một nền văn hóa dân tộc”- Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhấn mạnh.
Đánh giá về cách thức thể hiện, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho biết: “Do phong cách âm nhạc đặc thù là phục vụ cho sân khấu nên một số đoàn nghệ thuật truyền thống thường gặp khó khăn trong việc thể hiện những tác phẩm cải biên hoặc những sáng tác mới kể cả 2 hình thức độc tấu và hòa tấu. Việc cả dàn nhạc cùng diễn tấu 1 bè trong hòa tấu (unison) là điều chúng ta thường thấy trong các tác phẩm. Thủ pháp dựa vào chất liệu dân tộc để phát triển, làm cho tác phẩm mới hơn, lớn hơn chưa thật sự được nhuần nhuyễn. Từ đó cho thấy tác phẩm cải biên chưa thực sự đổi mới. Các đoàn Ca múa nhạc với các phương tiện hỗ trợ như các nhạc cụ điện tử giúp cho yếu tố hòa thanh, tiết tấu thêm hiệu quả; thanh nhạc có đơn ca, song ca hoặc sử dụng hát nền (Vocalise) như một loại nhạc cụ hơi và múa minh họa. Tất cả những bổ sung trên nhằm làm cho tác phẩm đạt đến độ cao nhất trong thể hiện.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các tiết mục đoạt giải
Tuy nhiên, một số đơn vị dường như lấy những phương tiện hỗ trợ đó làm nhân tố chính cho tiết mục biểu diễn. Nhạc cụ điện tử chiếm trọn vai trò của phần đệm trở thành nhân tố chính yếu, vì nếu không có phần đệm của nhạc cụ điện tử, tác phẩm có thể không hình thành. Hơn nữa, với lợi thế là nhạc cụ điện tử nên âm lượng thường rất lớn, dễ lấn át và làm lu mờ vai trò chính của nhạc cụ dân tộc, nhân tố chính của cuộc thi. Việc sử dụng hát phụ họa đã hỗ trợ khá tốt cho tác phẩm nhưng đôi khi, vì lý do nào đó mà thanh nhạc trở thành nhân tố chính, còn diễn viên hay dàn nhạc trở thành nhân tố phụ, là phần đệm trong tác phẩm. Tương tự là đối với múa minh họa hay nhân vật hỗ trợ. Sự xuất hiện minh họa với tần suất khá nhiều và vị trí diễn xuất thuận lợi trên sân khấu đã làm cho người xem có nhận định đây là tác phẩm đệm cho múa, không phải tác phẩm âm nhạc dự thi. Trong khi tác phẩm có thể được thưởng thức trọn vẹn hơn cho người xem khi không bị những yếu này chi phối.
Đối với các đơn vị đào tạo, đối tượng tham gia hội thi là các giảng viên, học sinh và sinh viên nên phong cách biểu diễn còn khá nghiêm túc, có lẽ chúng ta cần phóng khoáng hơn, diễn cảm hơn để dễ thu hút được khán thính giả nhiều hơn. Một vấn đề chúng tôi cũng rất quan tâm, đó là phong cách âm nhạc trong một số tiết mục của một số đơn vị khá giống nhau, chưa thể hiện được nét riêng riêng của đơn vị mình. Các tiết mục cần trình bày rõ tên tác giả, người chuyển soạn dù chúng ta chỉ sử dụng trích đoạn nhằm thể hiện sự tôn trọng về tác quyền. Đối với nhạc nước ngoài cần ghi rõ thể loại dân ca hay đương đại. Với thể loại hiện đại cũng nên có tên tác giả, tên quốc gia không nên ghi chung chung là nhạc nước ngoài, nhạc thế giới.
Các tiết mục giành giải tại Cuộc thi
Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 30 tiết mục đạt Giải Nhất, 51 tiết mục đạt Giải Nhì, 12 tiết mục đạt Giải Ba. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo gồm: Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc thuộc về NSƯT Trần Quốc Đạt - Nhà hát Ca Múa nhạc Quân Đội; Nhạc công chính xuất sắc thuộc về Sơn Si Phone - Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh.
NGỌC BÍCH - Ảnh: BTC