YẾU TỐ VĂN HÓA BIỂN TRONG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG CỦA CƯ DÂN VÂN ĐỒN, QUẢNG NINH

Là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn không không chỉ là địa danh lịch sử nổi tiếng trong quá trình bảo vệ tổ quốc với sự ra đời và phát triển của trang Vân Đồn từ thời kỳ nhà Lý, mà đây còn là một vùng văn hóa đặc sắc, trong đó yếu tố văn hóa biển là yếu tố đặc trưng của lịch sử - văn hóa cư dân nơi đây. Cho đến nay, các lễ hội truyền thống ở Vân Đồn còn thể hiện rõ những yếu tố văn hóa biển truyền thống của cư dân nơi đây. Lễ hội Quan Lạn chẳng hạn, không chỉ là một trong lễ hội quan trọng nhất của cư dân vùng biển, mà còn có sự tích hợp giữa yếu tố văn hóa biển và yếu tố lịch sử chống giặc ngoại xâm trên biển.

1. Khái quát về yếu tố biển và không gian văn hóa Vân Đồn

Tên gọi Vân Đồn xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là vào thời Lý (1010 - 1225). Bên cạnh đó, xét từ khía cạnh địa - quân sự và địa - kinh tế, từ thời Lý, nhà nước phong kiến của quốc gia Đại Việt đã có ý thức mạnh mẽ về vị thế của vùng biển Đông Bắc và tiềm năng phát triển của vùng biển đảo, để khẳng định chủ quyền và bảo vệ an ninh kinh tế đối ngoại, vua Lý Anh Tông đã cho thành lập trang Vân Đồn để mở mang buôn bán với các nước trong khu vực đồng thời cũng để tránh sự nhòm ngó của khách thương khi vào sâu trong đất liền. Thương cảng Vân Đồn là một trung tâm mậu dịch giao lưu buôn bán lớn của nước ta với các nước Đông Nam Á cổ đại, giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta từ TK XI đến TK XVII. Cư dân Vân Đồn có thể coi là nét gạch nối trong quá trình phát triển từ đất liền tiến ra biển. Những cư dân lấn biển do áp lực dân số ở đồng bằng châu thổ quá lớn, còn có không ít những người ra biển với mục đích trấn giữ biên ải của tổ quốc. Cho nên, một đặc điểm của cư dân nơi đây là có sự tích hợp giữa truyền thống văn hóa khai thác biển với yếu tố lịch sử chống giặc ngoại xâm trên biển.

Các hoạt động lễ hội trong năm ở Vân Đồn mang đậm dấu ấn của biển và đối với người đi biển, tiêu biểu như sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Vân Đồn khu vực Quan Lạn như hội làng Quan Lạn thờ thành hoàng làng là Không Lộ Thiền Sư, Trần Khánh Dư, Tứ vị thánh nương, ba anh em vị tướng dưới trướng Trần Khánh Dư là Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng...

Một trong những nét văn hóa tiêu biểu cho tín ngưỡng văn hóa biển của cư dân Vân Đồn là việc cư dân Quan Lạn thờ thủy thần: Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần hay còn gọi là Tứ vị Thánh Nương. Theo sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chính quái và theo truyền thuyết thì Tứ vị thánh nương là thái hậu họ Dương và ba công chúa con vua Tống Đế Bình. Cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278 - 1279) quân Tống bị quân Mông Cổ đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đem gia quyến và bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Bị đuổi gấp, vua tôi phải nhảy xuống biển tự tử xác của thái hậu và ba công chúa trôi vào cửa Cờn, được dân chài chôn cất dựng miếu thờ gọi là đền Cờn. Tương truyền Tứ vị thánh nương rất thiêng thường phù hộ cho người đi biển, nên dân chài dọc bờ biển nước ta nói chung và dân Quan Lạn nói riêng đều lập miếu thờ. Tại đình Quan Lạn hiện nay còn lưu giữ sắc phong của vua Minh Mạng gia tặng cho tứ vị là thượng đẳng thần, danh hiệu Đại càn quốc gian Nam hải hàm hoằng quan đại chí đức. Sau đó vua Thiệu Trị sắc phong thêm hai chữ phổ báo vào năm 1846 (1).

Có lẽ ở Quảng Ninh và trên đảo Quan Lạn, tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương vẫn còn được duy trì và giữ vai trò quan trọng đối với người đi biển, đồng thời cũng là di tích gắn với tín ngưỡng phồn thực. Đây cũng là điểm khác biệt so với các vùng biển khác trong khu vực. Những người đàn ông nơi đây trước khi ra khơi thường đẽo một khúc gỗ tượng trưng cho sinh thực khí nam làm lễ vật dâng cúng, để xin bà phù hộ cho đánh bắt được nhiều tôm, cá... Các cụ già thường kể lại rằng, trong lễ hội xưa, đàn bà không được vào trong miếu, chỉ có đàn ông không mặc gì, cầm một cành lá cây che phần dưới vào làm lễ. Mặc dù miếu nhỏ bé, sơ sài nhưng rất linh thiêng. Nhiều lần ngư dân định tu sửa nhưng xin ý kiến, bà đều không đồng ý. Vì vậy miếu bà trông khá lụp xụp trên hòn đảo này.

Không chỉ vậy, thần núi Cao Sơn cũng được tích hợp vào trong hệ thống các vị thần nơi đây. Theo phong tục, ngư dân trước khi ra biển thường đến lễ tại miếu Cao Sơn, xin đài âm dương, thần cho đi thì được ngày, thần không cho đi là không được… Rõ ràng, việc thờ phụng các vị thần biển ở nơi đây là điều dễ hiểu, song trong hệ thống các vị thần ấy có sự tích hợp những nhân thần, nhiên thần gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người, sự hòa hợp giữa các yếu tố biển trời, núi nước… đã tạo nên một đời sống tâm linh vô cùng phong phú, mà mục đích cuối cùng cũng là cầu mong những chuyến ra khơi bội thu, cuộc sống tốt đẹp.

Bên cạnh đó, tục thờ bà Hang của cư dân nơi đây cũng đáng lưu ý. Tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thủy vốn là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp để duy trì và phát triển sự sống để mùa màng tươi tốt. Nhưng ở Quan Lạn thì lại đề cao yếu tố che chở bảo vệ trước đại dương bao la nhiều nguy hiểm. Tín ngưỡng phồn thực đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất ở tục thờ cúng trước khi nhổ neo của ngư dân Quan Lạn, đặc biệt là cư dân xóm lẻ Hải Yến.

Hơn nữa, sau khi ăn tết, tùy từng dòng họ, từng gia đình chọn ngày, thông thường là mùng 6 hoặc mùng 8 tết làm lễ ra binh (nghi lễ ra biển) tức là ngày quay mũi thuyền đi làm ăn. Trưởng dòng họ và chủ mỗi gia đình làm lễ cúng ra binh rồi cùng chèo thuyền đi đánh cá ở những nơi đã định sẵn. Lễ cúng ra binh được người dân thực hiện ở Cao Sơn thần miếu, một số xóm lẻ tập trung ở miếu bà Hang. Vật cúng bao giờ cũng có thuyền chèo bằng vàng mã để tiến cúng các thần, thế mạng cho ngư dân, cầu mong cho sự che chở, thuận buồm xuôi gió, mong một năm mới bội thu tôm cá. Hiện nay lễ ra binh đầu năm vẫn được giữ, song với kinh nghiệm đánh bắt thì ngày ra binh có thể được lựa chọn trong nhiều ngày hơn, có những gia đình ra biển từ mùng 2 tết hoặc rất muộn, để tránh việc quá nhiều người ra biển làm biển động.

Ngoài ra, do nghề đánh cá nhiều rủi ro bất trắc, phục thuộc nhiều vào tự nhiên, do đó, mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng âm lịch, ngư dân Quan Lạn làm lễ cầu bình. Các gia đình ngư dân đi lễ ở hầu hết các đình chùa để xin sự bình yên, che chở hoặc để cầu may. Trong lễ cầu bình, các thế lực siêu nhiên thường được đề cao như Đại càn quốc gia Nam Hải, Cao Sơn thần miếu, các thánh mẫu…

2. Yếu tố văn hóa biển trong lễ hội Quan Lạn

Lễ hội truyền thống của cư dân Vân Đồn được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hàng năm, ôn lại lịch sử oai hùng và chiến công oanh liệt của ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 vào năm 1288.

Lễ hội Vân Đồn được tổ chức nhằm khắc họa không gian hồi cố lịch sử về sự kiện quân dân thời nhà Trần dưới sự chỉ huy của Phó tướng Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của triều đình nhà Nguyên năm 1288 tại luồng sông Mang, Vân Đồn xưa (đảo Quan Lạn ngày nay). Đầu tháng 2 - 1288, trong cuộc chạm trán với đội thuyền chiến của quân Nguyên Mông trên vịnh Hạ Long do Ô Mã Nhi cầm đầu, quân Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy bị thất bại. Trần Thánh Tông nổi giận bèn sai trung sứ đến Vân Đồn xiềng Trần Khánh Dư về kinh chịu tội. Trần Khánh Dư bình tĩnh nói với trung sứ rằng “Lấy quân pháp mà xử, tôi cam chịu tội, nhưng xin khất 2, 3 ngày, để mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn” (2). Ít lâu sau, đội thuyền lương do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến vào vịnh Hạ Long, Trần Khánh Dư đã cho quân bao vây chặn đánh. Lợi dụng địa hình dòng sông Mang và Cống Cái hẹp, dốc, Trần Khánh Dư cùng binh lính đã diệt sạch đội chiến thuyền của giặc. Chiến thắng này đã tạo tiền đề quan trọng cho đại thắng trên sông Bạch Đằng vào tháng     4 - 1288, quét sạch bóng quân thù trên bờ cõi, chấm dứt ý đồ xâm lược nước ta lần thứ ba của triều đại Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập tự chủ của dân tộc. 9 ngày sau đại thắng, ngày 18 - 4, hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đem đám tù binh gồm Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp và những tên thiên hộ, vạn hộ về làm lễ mừng thắng trận trước lăng vua Trần   Thái Tông.

Với chiến công vang dội ấy, vua Trần và triều đình đã ban thưởng công trạng cho quân dân Vân Đồn và những tướng sĩ đã anh dũng hy sinh, ngày đó là ngày 18- 6 âm lịch. Cũng từ đó đến nay, cư dân Vân Đồn và ngư dân đảo Quan Lạn đã lấy ngày ban thưởng công trạng là ngày trọng đại, mở hội ăn mừng. Như vậy, trong lịch sử, trận chiến trên sông Mang là giữa hai đội thuyền chiến dưới sự chỉ huy của hai vị tướng là Trương Văn Hổ và Trần Khánh Dư. Lễ hội ngày nay tổ chức hội đua thuyền nhưng lại là đội thuyền đua của tướng văn và tướng võ đại diện cho giáp Đông Nam và giáp Đoài Bắc. Hình tượng tướng văn và tướng võ phải chăng là hình ảnh văn võ song toàn của tướng quân Trần Khánh Dư mà người dân trên đảo ngưỡng mộ?

Dưới thời nhà Trần, sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Trước đây, Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, tục ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp, sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo, đồ dùng theo tục người phương Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón), ai trái tất phải phạt” (3). Vì vậy, hình tượng tướng văn và tướng võ trong hội đua thuyền phản ánh một phần sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Trung Hoa của cư dân trên đảo Vân Đồn. Trong lễ hội Vân Đồn còn có lễ cai đám với ý nghĩa là tuyển chọn các tay chèo cho giáp Đông Nam văn và giáp Đoài Bắc võ. Xưa kia, lễ cai đám là lễ tuyển chọn binh lính vào đội quân của tướng Trần Khánh Dư. Sau lễ cai đám là lễ nhận binh khí trước khi ra trận.

Ngày 10 - 6 âm lịch treo cờ thần khóa làng, tiếng trống thu quân được đánh lên ở trung tâm lễ hội, báo hiệu có giặc xâm phạm bờ cõi. Do vậy, theo tục lệ trước đây, ngày khóa làng người dân trên đảo không được đi ra khỏi làng. Làng đảo phân chia làm 2 giáp: Đông Nam văn và Đoài Bắc võ, tự chấm quân phong tướng. Từ ngày 12 đến ngày 15, quân sĩ hai bên tập luyện. Đến ngày hội rất sôi động với các đội tế khắp nơi trong huyện, trong tỉnh có mặt từ rất sớm để vào lễ, tế thần tại ngôi chùa làng Giếng.

Trong lễ hội có một số lễ tiêu biểu như: lễ cai đám, lễ nhận binh khí (hay còn gọi là lễ tại miếu Đức Ông). Cai đám là một nghi lễ chỉ thực hiện cho các thành viên là nam trong cộng đồng, để người đàn ông Quan Lạn có quyền tham gia vào hội bơi chèo khi đã đến tuổi trưởng thành. Theo phong tục, lễ cai đám diễn ra từ 12 đến 14 - 6 âm lịch. Hàng năm vào dịp này các giáp văn và võ thống kê số lượng các bé trai tròn 10 tuổi trong giáp rồi cả giáp chung nhau làm một lễ lên đình yết bái các vị thành hoàng làng về sự hiện diện của các bé trai trong giáp. Đứng ra làm lễ là người cao niên có uy tín trong giáp. Sau khi làm lễ, các bé trai trở thành thành viên chính thức của các giáp văn, võ. Nếu các bé trai không được làm lễ này, thì lớn lên sẽ không được tham gia vào hội làng (4).

Lễ nhận binh khí (5) là một nghi lễ đặc biệt trong lễ hội Vân Đồn. Để chuẩn bị bước vào trận chiến (đua thuyền) tướng hai giáp phải ra miếu Đức Ông làm lễ nhận binh khí (ấn kiếm và trang phục). Đây cũng là lễ các vị tướng báo cáo các vị thần và xin các vị thần phù hộ cho đội quân của họ. Sáng sớm ngày 18 - 6 tướng quân hai giáp trang phục quần áo dân binh kéo cờ xuất phát từ doanh trại đóng quân ra tập trung tại miếu Đức Ông, chủ tế khấn lễ xong rồi hai tướng vào lễ thần xin lệnh bài ra trận. Lúc này hai tướng mới được lĩnh áo giáp, cờ lệnh, lọng, tàn, dầm, chèo… ở trong miếu còn quân lính trút bỏ quần áo dân thường mặc quần áo lính, nhận vũ khí ở ngoài sân miếu.

Hội đua thuyền là phần được người dân mong chờ nhất trong lễ hội. Đua thuyền vừa là nghi lễ lại vừa là hội. Đua thuyền trong lễ hội Vân Đồn vừa là diễn lại cảnh đánh giặc trên biển bằng cuộc đua thuyền giữa hai đội Đông Nam văn và Đoài Bắc võ, đồng thời thể hiện nghệ thuật thủy chiến trên biển tài ba của quân dân nhà Trần. Có thể nói lễ hội Vân Đồn có sức hút đông đảo người xem nhất là hội đua thuyền của người dân hay còn gọi là hội bơi trải truyền thống Vân Đồn. Cứ đến tháng 6 hàng năm, người ta lại hồ hởi, nô nức kéo nhau về dự hội không chỉ vì mục đích cầu an mà mục đích chính là được hòa mình vào hội đua thuyền, được chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ, một thời oanh liệt của ông cha ta như đang diễn ra thật sống động.

Đua thuyền là một hình thức trò diễn dân gian thường được tổ chức trong lễ hội ở những vùng sông nước, nơi cư dân quanh năm đánh bạn với biển. Từ xa xưa người Việt cổ đã có tục đua thuyền. Ở nhiều nơi, đua thuyền trong dịp lễ hội là một hoạt động tín ngưỡng mang ý nghĩa cầu ngư, cầu bình an, may mắn, no ấm, cầu được mùa ra khơi mang nặng lưới cá cho những người đi biển. Còn ở Vân Đồn ngư dân tổ chức đua thuyền chính là một hoạt động truyền thống tưởng nhớ đến vị tướng tài Trần Khánh Dư chỉ huy trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Mang lịch sử vào mùa xuân năm 1288. Đồng thời đua thuyền cũng thể hiện khả năng đi biển của cư dân Vân Đồn, cho nên nó cũng đã thể hiện truyền thống văn hóa đi biển của cư dân nơi đây.

Hội đua thuyền thường bắt đầu từ 14 giờ đến 19 giờ ngày 18 - 6 âm lịch (ngày chính hội) vì lúc đó nước biển mới dâng cao. Vị trí tổ chức cuộc đua được lựa chọn ở bến Đình trước khu di tích đình, chùa, miếu. Lệnh của trung tâm được phát ra vào khoảng 14h30, tướng bên văn dẫn quân từ doanh trại phía trong đi ra ngoài, tướng bên võ dẫn quân từ phía ngoài vào trong, chạy diễu hành trên đường lớn để biểu dương lực lượng. Trống, cồng, phèng, la được đánh liên tục. Hai tướng tuổi ngoài 60, cao to lực lưỡng, trang phục tướng thời Trần. Mỗi khi hai bên gặp nhau tại điểm giữa trung tâm, tướng quân reo hò như sấm dậy, binh khí chạm vào nhau tưởng như cuộc giao tranh trên chiến trường thực sự. Hai phó tướng cầm đao dẫn đường khi tung người lên, khi né tránh đối phương, múa những đường đao gia truyền trên làng đảo đã có hàng nghìn năm. Lễ hội ở các nơi khác không có tiết mục múa đao quét đường như ở đây.

Khi diễu hành trên bộ ba vòng, hai tướng dẫn quân theo hai cổng chạy vào trung tâm sân miếu Đức Ông, lượn ba vòng tròn khép kín. Quân Văn ở vòng trong, quân võ ở vòng ngoài. Quân tướng lượn tròn ở trong sân khác với việc diễu hành ngoài đường lớn. Ở đây bắt buộc chạy nhanh, người dẫn đường phải thông thạo, không được nhầm lẫn, quân tướng hai bên phải theo sát nhau. Sau khi diễu hành xong, hai hàng quân đứng trang nghiêm trước bàn thờ tưởng niệm. Trống thu quân, cồng, phèng đánh liên tục, phát lệnh hai hồi trống báo hiệu tới phần việc của các vị chức sắc trong làng. Lần lượt các quan chức, lên thắp nhang, tiếp đến hai tướng vào lễ thần rồi đưa quân xuống thuyền rồng. Ngoài biển có mốc cắm hai lá cờ trắng làm ranh giới dành cho hai đội. Tại đây có hai trọng tài đứng chứng kiến cuộc đua. Trong khi đua, hai thuyền chỉ được bơi trong khu vực hai hàng cờ. Mốc bắt đầu là từ cây cờ trắng ngoài biển. Hai thuyền cùng hướng mũi về phía đó. Đến nơi, họ nhổ cờ trắng trao cho nhau cùng nghỉ ngơi ít phút để chuẩn bị bước vào cuộc đua.

Thuyền của giáp Đông Nam văn (thuyền Đông) rẽ sang đông quay vòng về phía tây, thuyền của giáp Đoài Bắc võ (thuyền Tây) rẽ sang tây vòng về đông, cứ như vậy ba vòng rồi theo hướng miếu mà trở lại. Trên bờ dân làng vẫy cờ, vẫy tay, hò hét cổ vũ, hai tướng đứng ở mũi thuyền hiên ngang hùng dũng. Cờ tướng, cờ trung phất lên liên tục, đuôi cờ trung luôn sát đầu hai hàng quân chèo, người có kỹ thuật điêu luyện mới phất được loại cờ này. Sau ba vòng lượn, hai thuyền chèo vào bến để đọc lời rao. Nội dung lời rao của hai tướng trước mũi thuyền rồng chủ yếu là thông báo cho bàn dân thiên hạ, cho quân sĩ biết lý do ngày hội; căn dặn, kêu gọi quân sĩ một lòng giành chiến thắng; cầu mong tổ tiên, ông cha phù hộ cho dân làng sức khoẻ, cầu cho trời yên biển lặng để cho các chàng trai làng Vân ra khơi đánh cá, cho các đội thương thuyền đi buôn bán ngược xuôi. Lời rao bên văn thì nhẹ nhàng, tình cảm, ca ngợi mảnh đất oai hùng nhiều chiến công. Lời rao bên võ mang khí thế sôi sục đánh giặc, ý chí đập tan mọi ý đồ xâm lược và nhắc đến âm vang chiến công trên dòng sông Mang.

Khi thuyền thắng cuộc vào đến bờ thì tướng cùng quân lính chạy thật nhanh vào miếu Đức Ông để làm lễ (thuyền nào chạm tới bến trước, theo lệ tướng sẽ được quân cõng chạy tới cột treo giải ở miếu Đức Ông, vuốt vào khăn đỏ là chiến thắng; nhưng để giản tiện hơn, lễ hội ngày nay, tướng chỉ kéo quân về lễ đài miếu Đức Ông để nhận giải). Chạy theo cùng với họ là những người cổ vũ cho đội đua. Tiếng bước chân rầm rầm, tiếng reo hò, tiếng hô chiến thắng ầm ầm tưởng như rung chuyển cả đất trời. Thường thường cả hai đội thắng thua cũng chỉ chênh nhau ít phút mà thôi. Tùy theo từng năm, đua bao nhiêu lần là do dân làng tự quy định. Trong những lần đua hoặc bơi giao ba vòng, thỉnh thoảng có những đợt nghỉ khoảng nửa tiếng.

Dù thắng hay thua, hai tướng đều phải dẫn quân về đứng nghiêm trang trước miếu Đức Ông để vào lễ thần, sau đó mới dẫn quân về doanh trại ăn uống, nghỉ ngơi. Điều đặc biệt ở hội đua thuyền Quan Lạn là cả hai bên, dù thắng dù thua đều có giải. Giải của cuộc đua chỉ là phụ, theo hương ước làng quy định có hai đồng (thời xưa), cuộc đua chủ yếu mang tính chất nghi lễ. Trong ý nghĩa sâu xa của cuộc đua thuyền, tất cả đều diễn lại chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục năm 1288 do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy. Rõ ràng là, lễ hội đua thuyền này không chỉ phản ánh hào khí chống giặc ngoại xâm một thời, mà còn thể hiện đặc trưng yếu tố văn hóa biển với truyền thống khai thác và trấn giữ vùng biển hiểm yếu trong lịch sử này.

Có thể nói rằng, các giá trị văn hóa huyện đảo Vân Đồn mang đậm tính chất biển đảo, được hình thành và phát triển một cách liên tục và trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc - văn hóa biển. Trong đó, yếu tố biển thể hiện trong lễ hội truyền thống của cư dân Vân Đồn không chỉ thể hiện những tri thức về biển mà còn thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm, một nét độc đáo trong văn hóa biển của cư dân Vân Đồn. Chính vì vậy, những giá trị văn hóa biển của cư dân Vân Đồn góp phần làm rõ về những giá trị văn hóa biển của người Việt với sự tích hợp của yếu tố văn hóa cư dân ứng xử môi trường biển, nhưng lại có sự pha trộn với yếu tố lịch sử chống giặc ngoại xâm. Trong đó, lễ hội đua thuyền ở Quan Lạn có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân vùng đảo Vân Đồn, quy tụ nhiều giá trị nhân văn, thấm đẫm tinh thần thượng võ, gắn liền với mảnh đất, con người, nền văn hóa đặc trưng ở một vùng biển đảo, thực sự là một di sản văn hóa quý báu cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

_______________

1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.562

2, 3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010, tr.244, 245.

4, 5. Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống), luận án tiến sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2015, tr. 127-128, 132.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 - 2017

Tác giả : THÀNH THU TRANG

;