Ý THỨC DÂN TỘC ĐẠI VIỆT TRONG THƠ BANG GIAO THẾ KỶ X-XIV

Lịch sử trung đại Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc để giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, cốt cách Đại Việt. Những thắng lợi vẻ vang hào hùng của thời đại đánh Tống dẹp Nguyên, cộng với một xã hội hài hòa, an yên chính là những yếu tố khiến tinh thần dân tộc giai đoạn này đậm nét hơn các giai đoạn khác. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác thơ ca, trong đó có thơ bang giao. Ý thức dân tộc trong thơ bang giao TK X-XIV được thể hiện trên nhiều bình diện: tự hào về nền văn hiến, những chiến công của dân tộc, những danh thắng và niềm tự hào về phạm vi lãnh thổ.


1. Tự hào về nền văn hiến dân tộc

Tự hào về văn hiến dân tộc là yếu tố quan trọng cấu thành nên ý thức dân tộc. Trong suốt triều dài lịch sử Đại Việt, Trung Hoa đã tiến hành nhiều cuộc chiến xâm lược, nhưng nước Việt vẫn tồn tại, phát triển, văn hóa Việt có sự tiếp biến tuy nhiên vẫn giữ được giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đóng góp vào việc khẳng định nền văn hóa  Việt có công không nhỏ của các sứ thần trên mặt trận ngoại giao. Bên cạnh những áng văn chính luận sắc bén, chặt chẽ giàu sức thuyết phục, những vần thơ bang giao được viết khi đi sứ, đón tiếp sứ là một vũ khí đắc lực, sắc bén để các sứ thần chiến đấu với kẻ thù, quảng bá, khẳng định văn hóa Việt.

Tự hào về văn hiến trước hết là tự hào về văn chương, thể hiện rõ nhất qua các bài thơ xướng họa, đối đáp, tặng tiễn. Khi tiếp sứ hay khi đi sứ, các nhà ngoại giao Đại Việt không chỉ bị thử thách về bản lĩnh khí phách, về lòng yêu nước mà còn thử tài văn chương. Qua những vần thơ tiếp tiễn sứ thần Trung Hoa của các vị vua, tướng lĩnh nhà Trần hay những vần thơ tẩu bút, họa đối của các sứ thần Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn… có thể thấy sự đăng đối hài hòa về niêm, luật, vần... Mượn hình thức bút đàm, xướng họa văn chương, các sứ thần Đại Việt muốn phản bác lại tư tưởng kỳ thị dân tộc của người Trung Hoa đồng thời khẳng định dân tộc Việt Nam là dân tộc thi chương, có nền văn minh ngang hàng với các dân tộc khác. Không chỉ thông thạo chữ Hán, nhiều sứ giả khi đi sứ còn dùng chữ Nôm để sáng tác. Giai đoạn TK X-XIV, khi đi sứ phương Bắc, nhà ngoại giao Nguyễn Biểu có làm hai bài thơ bằng chữ Nôm thể hiện khí phách bản lĩnh. Một bài từ biệt vua khi đi sứ và trách nhiệm của kẻ làm trai. Một bài là sự hiên ngang, dũng cảm trước thử thách ăn cỗ đầu người của giặc phương Bắc.

Tự hào về văn hiến còn là niềm tự hào về người hiền tài của đất nước. Ngay từ những bước đi chập chững của triều đình phong kiến phôi thai, bầu trời Đại Việt đã xuất hiện những tinh tú làm sáng rạng cõi Nam. Thành tựu này được Lê Quý Đôn viết trong Bắc sứ thông lục trả lời Chu Bội Liên (tổng trấn Quảng Tây): “Nước tôi từ thời Lý - Trần nhân vật văn hiến đã thịnh đạt như các ông Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh đều văn chương nổi tiếng ở đời. Văn trịnh Hầu Chu Văn An đời Trần thì học hành tinh thông, xa gần nức tiếng”. Thơ bang giao về người hiền tài của dân tộc với âm điệu kiêu hãnh, sảng khoái lạ thường. Nguyễn Trung Ngạn là sứ thần tiêu biểu đời Trần. Thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn bài nào cũng có tình ý mạnh mẽ, thể hiện cốt cách của một người đại diện cho một dân tộc chiến thắng: “An đắc nam chi kim hữu tiện/ Bằng phong vạn lý quá Nam minh” (Nay ước gì cành nam được thuận tiện/ Cánh bằng theo gió muôn dặm vượt biển Nam) trong Nhạc Dương lâu. Tình ý độc đáo, tứ thơ rộng mở, hào sảng. Sứ thần An Nam tựa như cánh chim bằng lướt gió muôn dặm sang sứ Yên Kinh với tư thế phơi phới, kiêu hãnh, đường bệ.

 Tự hào về văn hiến còn là tự hào về lễ nghĩa, quan chế, phong tục nước Nam. Vua Trần Minh Tông đã nêu rõ “Nhà nước ta có phép tắc nhất định, Nam Bắc khác nhau” còn Trần Nghệ Tông thì khẳng định “Triều trước dựng nước, có luật pháp, có chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam, Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”. Thực tế, nhà Trần đã nhiều lần thoái thác không sang chầu vua Nguyên, không thực hiện những yêu sách vô lý của thiên triều, đặc biệt nhà Trần đón tiếp sứ giả Mông Nguyên bằng nghi thức Việt với khí phách hiên ngang.

 Năm 1291, sứ giả phương Bắc là Trương Hiển Khanh sang nước ta lần thứ hai cũng không ngoài ý định chiêu dụ Đại Việt quy phục, bắt vua Trần Nhân Tông sang chầu. Nhân dịp này, vua Trần có bài thơ tặng tiễn Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính. Bài thơ đã nêu cao ý thức tự hào văn hiến dân tộc rất sớm: “Giá chi vũ bãi thí xuân sam/ Huống trị kim triêu tam nguyệt tam/ Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bình/ Tòng lai phong tục cựu An Nam” (Múa giá chi xong thử tấm áo ngày xuân/ Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba/ Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bầy đầy mâm/ Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay). Bài thơ ghi lại cảm xúc của Trần Nhân Tông trong dịp cuối xuân tiết hàn thực mùng 3 - 3. Sau khi thưởng thức các điệu múa, nhà vua tặng các nhà ngoại giao phương Bắc bánh chay, bánh trôi, nói rằng đây là phong tục riêng của nước Nam. Một hình ảnh thật giản dị được vua Trần Nhân Tông nâng lên khái quát hóa thành hình ảnh tượng trưng cho tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc. Như vậy, cảm hứng dân tộc ở vua Trần Nhân Tông không chỉ được thể hiện ở tinh thần kiên quyết chống lại kẻ thù trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, vẻ vang mà còn toát lên từ khát vọng hòa bình, trường tồn cùng đất nước với niềm tự hào về phong tục tập quán dân tộc.

2. Tự hào về những chiến công của dân tộc

Ý thức dân tộc còn là niềm tự hào về những chiến công lớn của đất nước. Trong thơ bang giao TK X-XIV, những bài thơ mang cảm hứng này chiếm số lượng khiêm tốn, chỉ có 3 bài thơ viết về chủ đề này: Tặng bắc sứ Lý Tư Diễn (Trần Khâm), Tống đại Minh quốc sứ Dư Quý (Phạm Sư Mạnh), Ung Châu (Nguyễn Trung Ngạn). Tạo đà cho thắng lợi ngoại giao phải kể đến yếu tố tiên quyết là thắng lợi vũ trang. Âm hưởng hào hùng cùng khí thế hừng hực của những chiến công đã khiến các thi nhân thai nghén nên những bài thơ phóng khoáng, cao diệu.

 Chất hào khí Đông A in đậm trong bài thơ Ung Châu của Nguyễn Trung Ngạn: “Hào kiệt tiêu ma oán vị hưu/ Đại giang y cựu thủy đông lưu… (Hào kiệt đã tiêu ma nhưng nỗi oán hận vẫn chưa hết/ Con sông lớn vẫn như cũ, nước chảy về hướng đông… Sinh ra và lớn lên trong cảnh thái bình, đất nước sạch bóng giặc Nguyên nhưng Nguyễn Trung Ngạn vẫn là nhà thơ của những ngày tháng chống Nguyên Mông gian khổ mà hào hùng.

Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông vẫn giữ chính sách ngoại giao mềm mỏng, sai sứ sang cống và dâng biểu xin lỗi. Nhà Nguyên cử Lý Tư Diễn sang nước ta tuyên chiến tha tội và phong tước như cũ. Tại bữa tiệc họp mặt, nhà thơ đã họa thơ, tặng thơ cho sứ thần nhà Nguyên. Trong bài Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn, dù lời thơ lúc đầu tỏ vẻ nhún nhường đề cao Hán ân mừng chiếu chỉ thiên triều nhưng vẫn không quên thể hiện niềm tự hào về những thắng lợi trên chiến trường của dân tộc: “Thác khai địa giác giai hòa khí/ Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần” (Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí/ Kéo sông thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh). Nhà vua khẳng định nước Đại Việt yêu chuộng hòa bình nhưng khi bị xâm lược vẫn có những người tài đủ sức kéo sông thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh.

 Ý thơ này cũng được thể hiện rất rõ qua bài Tống đại Minh quốc sứ Dư Quý của Phạm Sư Mạnh: “Sóc mạc binh trần kim tấu tiệp” (Nơi binh đao ở sa mạc phía bắc đã có tin thắng trận). Câu thơ đã diễn tả kép, thể hiện tài ngoại giao của các sứ giả nước Việt: vừa ngợi ca sức mạnh quân sự của triều Minh khi đánh bại Mông Nguyên nhưng cũng không quên tự hào về chiến thắng lừng lẫy của dân tộc trong quá khứ. Trước đó, vào TK XIII, đội quân Sát Thát của triều Trần non trẻ đã ba lần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế chế Mông Cổ hùng mạnh vào các năm 1258, 1285, 1288. Thậm chí trong cuộc tranh chấp địa giới 1313, quân nhà Trần còn tiến sâu vào đất Trung Hoa thảo phạt các đội quân Nguyên xâm chiếm bờ cõi. Nói người mà cũng để ca ngợi mình, Phạm Sư Mạnh đã thể hiện tài ngoại giao và trái tim thiết tha yêu tổ quốc của người Việt.

3. Tự hào về phạm vi lãnh thổ

Một chiều kích khác của ý thức dân tộc là tự hào về phạm vi lãnh thổ, cương giới của đất nước. Trong thơ bang giao của vua Trần Nhân Tông tiếp các sứ giả, lời thơ hay xuất hiện hình ảnh sao trên trời nam có hai ngôi. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho đất nước ta với đất nước Trung Hoa, một sự khẳng định về lãnh thổ, quốc gia. Năm 1301, Kiều Nguyên Lãng sứ thần nhà Nguyên sang nước ta, vua Trần Nhân Tông đã làm nhiều thơ xướng họa. Khi Kiều Nguyên Lãng trở về, vua Nhân Tông làm bài thơ đưa tiễn: Tống Bắc sứ Ma Hợp Mưu, Kiều Nguyên Lãng nhằm khẳng định trời nam có hai ngôi, nghĩa là có độc lập chủ quyền, dân tộc, lãnh thổ, có ngôi vua. Mối quan hệ giữa Đại Việt và nhà Nguyên là mối quan hệ láng giềng giữa hai nước, giữa “bên ấy” và “nơi đây”. Lời khẳng định thể hiện bản lĩnh dân tộc, quyết không để bị xâm lăng.

 Năm 1345, Phạm Sư Mạnh sang sứ nhà Nguyên biện minh với người phương Bắc về vấn đề cột đồng thời Hai Bà Trưng. Sử sách không chép lại gì, nhưng từ đó, không thấy người phương Bắc hỏi đến vấn đề cột đồng nữa. Điều này chỉ có thể là kết quả của một quá trình ngoại giao khôn khéo, thông minh của sứ thần họ Phạm: kiên quyết giữ gìn phạm vi lãnh thổ dân tộc nhưng cũng đề cao tình thần giao hảo Việt - Trung. Bài thơ Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân vút lên niềm tự hào về quê hương đất nước, trong đó có ý thức về quốc gia, lãnh thổ: “Ngã gia viễn tại Giao Nam đẩu” (Nhà ta ở tận Giao Nam đẩu). Ông dõng dạc giới thiệu quê hương xứ sở phương nam bằng đại từ nhân xưng: “ngã gia” nhằm tuyên bố cho người phương Bắc hãy tri nhận rõ đấy là nhà ta, là cõi trời Nam của người Việt ta, chẳng liên quan đến cương vực Bắc quốc. Đọc Phạm Sư Mạnh, không thể không phảng phất tinh thần của ý thơ Nam quốc sơn hà.

Nguyễn Trung Ngạn đi sứ năm 26 tuổi, tuy rất trẻ nhưng được xem là nhà ngoại giao tài ba của đất nước ta. Ông thể hiện rõ vai trò sứ giả trong mối bang giao hai nước Việt - Trung qua bài Giang Ôn dịch. Kết thúc bài thơ là niềm tự hào về lãnh thổ, biên cương: “Giang sơn hữu hạn phân nam bắc/ Hồ, Việt đồng phong các đệ huynh” (Non sông có giới hạn nên chia thành nam, bắc/ Hồ, Việt cùng một phong tục đều là anh em). Câu thơ bộc lộ quan điểm của một nhà ngoại giao có tài vừa dứt khoát, vừa rõ ràng: non sông bờ cõi đã chia Nam, Bắc. Câu thơ khẳng định chủ quyền dân tộc, biên giới của từng nước, mỗi nước có một cương vị lãnh thổ riêng dù rằng phong tục cũng có nét tương đồng.

4. Tự hào về danh thắng của đất nước

Cảm hứng dân tộc, ý thức dân tộc trong thơ bang giao đời Lý - Trần không chỉ thể hiện ở niềm tự hào về văn hóa, chiến công, lãnh thổ mà còn được thể hiện qua niềm tự hào về danh thắng của đất nước. Nội dung này cũng xuyên thấm trong từng tế bào thơ bang giao TK X-XIV từ thơ đón sứ đến thơ đi sứ.

Tươi đẹp, đầy sắc xuân hơn cả là đất nước trong những trang thơ của các vua, tướng lĩnh đời Trần. Giữa những lời lẽ khi nhún nhường mềm dẻo, khi cứng rắn đĩnh đạc vẫn sáng lên ý thơ thể hiện cái đẹp của thiên nhiên đất nước. Trần Nhân Tông, người anh hùng hai lần đại thắng Nguyên Mông, nhà triết học và thi sĩ, đã có những vần thơ trữ tình, tinh tế về vẻ đẹp đất nước quê hương: “Khảm khảm linh trì noãn tiễn diên/ Xuân phong vô kế trụ quy tiên” (Ao linh trì thăm thẳm, bữa tiệc tiễn đưa ấm áp/ Gió xuân không có cách gì giữ lại ngọn roi trên đường về) trong Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai. Tứ thơ hiện đại: đất nước có gió xuân, có tình người thổi ấm buổi tiệc tiễn đưa. Không thấy sự nghiêm trang trong lễ nghi giao tế mà chỉ thấy tình cảm của những người tri kỉ cùng ngồi bên nhau trong bữa tiệc ấm cúng trước giờ ly biệt. Trong bài Họa Kiều Nguyên Lãng vận, Trần Nhân Tông cũng viết: “Minh nhật Lô giang, yên thủy khóat/ Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm” (Ngày mai đã qua sông Lô mênh mông khói nước/ Xin cạn chén rượu bồ đào non tươi để rưới mát tấm lòng). Bức tranh thiên nhiên Đại Việt được gợi ra bằng một vài nét chấm phá quen thuộc của hội họa phương Đông nhưng đủ để thấy một đất nước xinh đẹp, đủ đầy, yên bình, hạnh phúc.

Cùng tình điệu ấy, khi còn làm tướng quốc, Trần Nghệ Tông có làm bài thơ tứ tuyệt tiễn tặng sứ phương Bắc là Ngưu Lượng: “An Nam lão tể bất năng thi/ Không bả trà âu tống khách quy/ Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích/ Tùy phong trực nhập ngũ vân phi” (Tể tướng già An Nam không hay làm thơ/ Chỉ mang bình trà tiễn khách về/ Núi Tản xanh xanh sông Lô biêng biếc/ Khách theo gió đi thẳng về phía mây ngũ sắc đang bay) trong Tống Bắc sứ Ngưu Lượng.

Cùng một dòng suy nghĩ như Trần Nhân Tông, Trần Nghệ Tông, sông núi Việt Nam hùng vĩ, tươi thắm, đất đế đô đã quyến rũ lòng người đã đi vào tứ thơ của Phạm Sư Mạnh qua bài Họa đại Minh sứ đề Nhị Hà dịch: “Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã/ Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long/ Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp/ Ông Trọng từ thâm vân đạm nồng” (Sông Nhị như ngọc, sáng mát thấm đồng ruộng/ Tản Viên khi tạnh, sắc núi chiếu đến Thăng Long/ Thành cổ Văn Lang, núi non trùng điệp/ Đền Ông Trọng thâm nghiêm, mây đậm nhạt). Cảnh đẹp của núi Tản, sông Nhị, thành Văn Lang, đền Ông Trọng trong thơ Phạm Sư Mạnh được phác họa một cách tự nhiên, nhuần nhị. Điều đặc biệt là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của Đại Việt được khúc xạ qua lăng kính thưởng ngoạn của sứ thần phương Bắc. Chính điểm nhìn ấy đã tạo ra sự khách quan chân thực của cảnh vật.

 Bài Tống sứ ngâm của Mạc Ký được coi là bài thơ đặc sắc về danh thắng đất Việt: “Giang ngạn mai hoa chính bạch/ Thuyền đầu tế vũ tà phi/ Hành khách tam danh Bắc khứ/ Tướng quân nhất trạo Nam quy” (Trên bờ hoa mai đang lúc nở trắng/ Mưa nhỏ bay chênh chếnh đầu mái thuyền/ Hành khách ba người về phương Bắc/ Tướng quân một mái chèo quay về Nam). Dù chỉ còn một bài duy nhất nhưng tình ý mà Mạc Ký thể hiện trong thi phẩm đã chứng tỏ ông là một trong những danh gia của thời Trần.

Trong số các nhà thơ ngoại giao Việt Nam  TK X-XIV, Nguyễn Trung Ngạn là nhà thơ có nhiều bài hơn cả về danh thắng của đất nước Đại Việt. Theo bước chân của người sứ giả, thiên nhiên quê hương dần hiện ra cụ thể, rõ nét. Qua các bài: Sơ độ Lô thủy, Phù Lưu dịch, Đăng Bàn Đà thắng cảnh tự, Quỷ Môn quan, Quý Lương Tái, cảnh sắc quê hương đất nước hiện lên lung linh, đẹp đẽ hơn với nỗi nhớ về quê hương xứ sở của sứ thần. Nỗi nhớ ấy thường trực trong trái tim mỗi sứ thần xa quê.

Như vậy, niềm tự hào dân tộc, ý thức dân tộc trong thơ bang giao Việt Nam TK X-XIV được biểu hiện linh hoạt, sáng tạo trên nhiều bình diện: tự hào về cương vực lãnh thổ, văn hiến, những chiến công và danh thắng đất nước. Âm hưởng này vang lên kiêu hãnh vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu. Đó là tiếng nói yêu nước của các sứ thần Đại Việt trên mặt trận ngoại giao nhiều gian khó nhưng cũng rất hào hùng của dân tộc. Đây cũng là nội dung xuyên suốt, tạo nên giá trị nổi bật nhất của thơ bang giao trung đại trong suốt 10 thế kỷ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : TRẦN THỊ THE

;