Xứng danh "Anh Cả" làng chèo

Năm 2021, Nhà hát Chèo Việt Nam tròn tuổi 70 nhưng sức sống, tuổi xuân vẫn tràn trề. Thanh xuân từ trong câu hát, tiếng đàn, từ trong mỗi vở diễn và từ trong ánh mắt các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát.

Tiền thân của Nhà hát là tổ Chèo, một đơn vị thuộc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương năm 1951 ở chiến khu Việt Bắc. Lịch sử sân khấu nói chung, lịch sử sân khấu chèo nói riêng sẽ mãi ghi nhớ công ơn của các nghệ nhân, nghệ sĩ của tổ Chèo ngày ấy. Dù không có sân khấu sang trọng của các rạp hát, thiếu thốn trăm bề, các cụ vẫn chung tay giữ chèo, dựng nhiều ca cảnh, hoạt cảnh, cả vở chèo lớn để biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ trên chiến khu gió ngàn. Hòa bình lập lại, Đoàn Chèo Trung ương được thành lập. Không khí chèo cách mạng thực sự rộn ràng. Bên cạnh việc mời các nghệ nhân tứ chiếng lên truyền dạy cho lớp nghệ sĩ trẻ, Đoàn Chèo Trung ương cũng cho sưu tầm các vở chèo cổ để dàn dựng, cùng với đó, các tác giả, đạo diễn của Nhà hát cũng bắt đầu viết, dàn dựng vở mới với đề tài hiện đại. Trong thời gian này, Vụ Nghệ thuật của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) thành lập Ban Nghiên cứu Chèo mà nòng cốt là các nghệ nhân, nghệ sĩ của Đoàn Chèo Trung ương; có thể xem đây như một bước ngoặt lịch sử của sân khấu chèo sau Cách mạng Tháng Tám. Ban Nghiên cứu Chèo đã dành nhiều thời gian nghe và xem nghệ nhân hát, múa, diễn lại các vở cổ, nghiên cứu rồi gọt giũa, chắt lọc, chỉnh lý, nâng cao… để có 7 vở chèo quý và các trích đoạn chèo mẫu. Vở chèo Quan âm Thị Kính với các trích đoạn chèo nổi tiếng: Vu quy, Thị Màu lên chùa, Việc làng… Vở chèo Súy Vân với các trích đoạn: Cả Sứt cậy quyền huynh, Súy Vân giả dại, Phù thủy sợ ma, Mụ Quán và thằng Khoèo … Vở chèo Trinh Nguyên với các trích đoạn: Thày bói, Thày đồ dạy học… Vở chèo Lưu Bình Dương Lễ với các trích đoạn: Nghinh Hương quán, Lưu Bình vinh quy bái tổ… Vở chèo Từ Thức với các trích đoạn: Từ Thức gặp Tiên, Giáng Hương vào chùa… Vở chèo Chu Mãi Thần với trích đoạn nổi tiếng Tuần Ty, Đào Huế… Vở chèo Trương Viên với trích đoạn Thị Phương cắt thịt nuôi mẹ... 7 vở diễn này về sau được hầu hết các đoàn dàn dựng. Các trích đoạn chèo nói trên từ lâu nay luôn được xem là các trích đoạn mẫu mực, kinh điển, được đưa vào giảng dạy cho các sinh viên học khoa Kịch hát dân tộc, chuyên ngành Diễn viên Chèo, được nhiều bạn lựa chọn để xây dựng bài biểu diễn tốt nghiệp.

Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn là cánh chim đầu đàn của ngành Chèo cả nước. Lúc thịnh nhất hay những lúc khó khăn vất vả trăm bề, Nhà hát vẫn vững bước, vừa gìn giữ sự tinh túy của nghệ thuật chèo, vừa tìm hướng đi mới. Những vở diễn tiêu biểu của Nhà hát đã minh chứng cho sức sống của chèo sau Cách mạng: Chị Trầm, Con trâu hai nhà, Cô gái Sông Lam, Tình rừng, Lọ nước thần, Sông Trà Khúc, Vòng phấn Cáp-ca-dơ, Thái hậu Dương Vân Nga , Lý Nhân Tông kế nghiệp , Tô Hiến Thành , Hồ Xuân Hương, Vua Chổm , Dây tràng hạt diệu kỳ, Giếng thơi trong lòng phố, Đường trường duyên phận, Rồng Phượng...

Có thể khẳng định, suốt 70 năm qua, các thế hệ diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Chèo Việt Nam đã cùng nhau gìn giữ nghệ thuật chèo một cách tốt nhất. Những vai diễn mẫu mực, những tiếng đàn thánh thót ngọt ngào, những trích đoạn chèo kinh điển, những vở diễn giữ được đặc trưng của chèo nhất… đều thuộc Nhà hát. Có thể kể ra đây những giọng hát chèo “khuôn vàng thước ngọc” của Nhà hát: từ lớp nghệ nhân, nghệ sĩ thế hệ đi trước, được phong danh hiệu NSND như: Cả Tam, Trùm Thịnh, Dịu Hương, Minh Lý, Bùi Trọng Đang, Mạnh Tuấn, Thanh Hoài, Thanh Bình, Khắc Tư, Minh Thu... đến nhiều NSƯT, nghệ sĩ trẻ sau này đều kế thừa nghiệp tổ, vừa trình diễn xuất sắc, vừa hát hay múa đẹp. Một vai Súy Vân giả dại mà mỗi nghệ sĩ của Nhà hát đều thể hiện vừa trọn vẹn “thanh, sắc, thần, tình”, vừa mang đậm phong cách cá nhân; có thể kể đến vai diễn này của các nghệ sĩ: Dịu Hương, Diễm Lộc, Thúy Ngần, Kim Liên, Thục Hiền; hay như vai Thị Màu, mỗi “Thị Màu” mỗi vẻ của Bạch Tuyết, Thanh Mạn, Vân Quyền, Thu Phong, Huyền Thanh, An Chinh, Thu Hương... rồi vai diễn nhân vật Đào Huế của bà Cả Tam rất khác với của Thanh Ngoan sau này... 

Giới thiệu nghệ thuật chèo cho học sinh tiểu học - Ảnh tư liệu

Người yêu chèo ở đất Hà Thành những năm 1960 còn kể mãi câu chuyện tiểu thương chợ Hàng Da bỏ tiền vào mua vé xem vở Lưu Bình, Dương Lễ do Đoàn Chèo Trung ương diễn tại rạp Hồng Hà chỉ để nghe NSND Bùi Trọng Đang ngâm sổng (một điệu chèo cổ) trong đoạn chàng Lưu vinh quy bái tổ, “Châu về hợp phố”. Có thể nói, NSND Bùi Trong Đang có một giọng chèo sang, ấm, dầy… Câu hát đầu tiên: “Trông lên bức gấm” được ông cất lên cao vút, ngân vang, vừa mơ màng, vừa xa xăm, nhưng đến câu thứ hai: “Nhớ tới tay ngà”, giọng ngâm trầm lắng, thổn thức, thể hiện được nỗi nhớ da diết của chàng Lưu. Câu thứ ba: “Cây kia ai xới”, giọng điệu chuyển sang tự sự, trữ tình, nói lên nỗi niềm của Lưu Bình, yêu thương, nồng thắm với Châu Long. Vì nàng mà chàng chăm chỉ đèn sách, vì nàng mà chàng cố gắng để thi đỗ, mong “Phu quý phụ vinh”. Câu tâm sự giãi bày của chàng Lưu với hơn 10 câu ngâm sổng ngân rung, vang vọng, khiến khán giả bồi hồi thương cảm chàng Lưu nhưng cũng thấm cái hay, cái đẹp của Chèo. 

Có một điều tôi rất tâm đắc, rất trân trọng với các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát, đặc biệt là trong những năm qua, giữa cơ chế thị trường bao biến đổi, nhiều đoàn nghệ thuật tìm đủ mọi cách cho việc mưu sinh, đặc biệt là việc “chạy theo” các sự kiện sân khấu lớn nhưng Nhà hát Chèo Việt Nam, bên cạnh việc tham gia các sự kiện theo trách nhiệm được phân công, vẫn lặng lẽ dựng vở, dựng trích đoạn, lặng lẽ truyền nghề cho nhau nên những vở diễn do Nhà hát dàn dựng luôn đậm chất chèo. Cái màu, cái vẻ, cái hay, cái đẹp, cái sang của chèo được phát huy mạnh mẽ. Công chúng được thưởng thức nghệ thuật chèo với đúng nghĩa. 

Trong nhiều thập kỷ qua, các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam có mặt ở khắp các đoàn chèo trong cả nước để truyền nghề. Đến với các đoàn chèo địa phương, các nghệ sĩ của Nhà hát đã không tiếc công tiếc sức trao truyền nghiệp tổ. Có thể nói, hơn 10 nhà hát, đoàn nghệ thuật chèo trên cả nước luôn có sự tiếp lửa của “anh cả làng chèo”. Trong các kỳ liên hoan, hội diễn, các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam luôn có mặt bên cạnh các nghệ sĩ, nhà hát, đoàn nghệ thuật để động viên khích lệ, không tiếc sức, chỉ bảo tận tình, làm sao để hiệu quả nghệ thuật của vở diễn, bài thi đạt kết quả cao nhất. 

Điều đặc biệt, các  thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam không chỉ gìn giữ nghệ thuật chèo với các  trích đoạn, vở diễn, những đêm sân khấu lộng lẫy ánh đèn mà còn âm thầm giữ chèo qua các phương  tiện  thông  tin đại chúng. Hơn nửa  thế kỷ qua, các nghệ sĩ của Nhà hát đã cộng tác chặt chẽ với chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam để góp phần  tạo  thương hiệu “Hát chèo hay như Đài”. Các giọng hát vàng của Nhà hát đã trở nên thân quen với thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam như các NSND: Minh Lý, Cả Tam,  Bùi  Trọng  Đang,  Khắc  Tư, Thanh  Hoài, Thanh  Bình,  Thúy  Ngần,  Minh  Thu,  Thanh Ngoan… Bên cạnh đó là tiếng nguyệt, tiếng trống, tiếng sáo, tiếng bầu, tiếng nhị… của dàn nhạc Nhà hát mà khi độc tấu, lúc hòa tấu hay đệm cho hát, có một nét riêng khó pha trộn. Có thể khẳng định, mỗi nhạc  công  trong  dàn  nhạc chèo có vai trò  riêng trong hòa tấu, đặc biệt là “đánh tòng” (1) cho diễn viên hát. Điều khá đặc biệt ở Nhà hát Chèo Việt Nam  là mỗi nhạc công, khi đứng độc  lập, có  thể diễn tấu, trình tấu những làn điệu chèo rất sâu lắng, nhưng khi đã cùng trình diễn trong một vở, họ lại hiểu nhau, hỗ trợ, xoắn bện với nhau, tạo nên sự bề thế, dầy dặn. Đặc biệt, tiếng trống cơm đảm nhiệm bè trầm trong chèo, rất độc đáo mà không mấy đoàn chèo khác có được. 

Sau này, khi Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập và phát triển, các nghệ sĩ của Nhà hát cũng tích cực cộng tác ghi hình vở diễn, những trích đoạn chèo đặc sắc để giới thiệu đến khán giả.

70 năm hình  thành, xây dựng, phát  triển  là 70 năm tự hào của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Dù công chúng hiện nay khác nhiều với những năm trước, các phương tiện thông tin đại chúng ồ ạt,  lấn át  thì nghệ  thuật chèo vẫn có chỗ đứng vững  chắc  trong  lòng người yêu  chèo. Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn là “anh cả” của làng chèo, vẫn luôn được người yêu chèo trong nước và nước ngoài ngưỡng mộ, kỳ vọng.

_____________

1. “Đánh tòng” tức là chơi nhạc theo đúng giai điệu mà diễn viên đang hát, không biến tấu, không xê dịch.

MAI VĂN LẠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021

 

;