Xử lý vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam: Nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ từng bước

Đó là một trong những vấn đề nóng được thông tin tại buổi Họp báo thường kỳ quý I năm 2023 của Bộ VHTTDL được tổ chức sáng 24-3 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Văn phòng Bộ.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã được tổ chức sôi động trên cả nước

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Lê Đức Trung đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2023, cụ thể: Bộ VHTTDL tập trung thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân và đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho nhân dân trong không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã được triển khai tổ chức sôi động trên cả nước, các hoạt động lễ hội, văn hóa cổ truyền dân tộc được tổ chức lại sau 2 năm đại dịch COVID-19, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân.

Các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) do Bộ VHTTDL tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được các ngành, các cấp, các địa phương phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ, tích cực; là dịp để các cấp, các ngành, các địa phương cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ đó xác định được những nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…

Bộ ban hành các văn bản liên quan đến: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; quản lý nhà nước về gia đình...

Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I năm 2023

Chánh Văn phòng Bộ Lê Đức Trung cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 đó là: Tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ VHTTDL; tiếp tục quán triệt, tổ chức hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao; trong đó, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề điều hành công tác năm 2023 của Bộ: “Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm”.

Nhiệm vụ cụ thể của lĩnh vực văn hóa, gia đình: Chuẩn bị nội dung, phối hợp các địa phương để bảo vệ các hồ sơ khoa học trình UNESCO ghi danh trong năm 2023; tổ chức Liên hoan trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh lần thứ Nhất tại tỉnh Phú Thọ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023; tổ chức Tọa đàm Ngày quốc tế Bảo tàng năm 2023 với chủ đề  theo ICOM…

Lĩnh vực Thể dục thể thao: Hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tập trung chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia…

Lĩnh vực Du lịch: Trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch; Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam…

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt thông tin về việc xét tặng NSND, NSƯT

Xây dựng lại quy định về việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND

Sau phần báo cáo tóm tắt, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi đến lãnh đạo Bộ VHTTDL. Trong đó, trả lời câu hỏi về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã quá hai năm, chưa thấy trao tặng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nghiêm Thị Thanh Nguyệt cho biết, việc xét tặng NSND, NSƯT lần thứ 10 vẫn được xem xét theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP; Nghị định số 40/2021/NĐ-CP và công tác xét tặng được triển khai trong năm 2022. Tháng 12/2022, Bộ VHTTDL là cơ quan thường trực của Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và đã hoàn thiện phiên họp cuối cùng trong ba cấp. Ngày 28/2/2023, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện các hồ sơ để trình Bộ Nội vụ, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương để hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT cho các nghệ sĩ trong đợt phong tặng lần thứ 10.

Về việc triển khai, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL chủ trì, triển khai, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan để xây dựng lại quy định về việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang triển khai theo sự phân công của Chính phủ, dự kiến đến tháng 10/2023 sẽ trình Chính phủ xem xét, cùng với Luật Thi đua khen thưởng năm 2022 có hiệu lực vào tháng 1/2024; đồng thời việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND cũng sẽ được Chính phủ xem xét và có hiệu lực vào tháng 1/2024.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh: Tổng cục đã chỉ đạo thực hiện, khắc phục cơ bản những vướng mắc như các cơ quan báo chí đã nêu cuối năm 2022. Hiện nay mặt sân của sân vận động Mỹ Đình cỏ đã được phục hồi và mọc rất đẹp…  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy trả lời về vấn đề gia hạn visa cho khách du lịch

Sẽ mở rộng các đối tượng cấp thị thực, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch

Chia sẻ về vấn đề đón khách và gia hạn visa cho khách du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, mở cửa trở lại sau đại dịch, du lịch Việt Nam có những thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Tổng cục Du lịch đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua để phát triển du lịch Việt Nam. Đặc biệt sắp tới Chính phủ sẽ thông qua Nghị quyết về vấn đề này, theo phương châm mở rộng các đối tượng cấp thị thực, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch… Về vấn đề đón khách du lịch, Tổng cục Du lịch đã và đang phối hợp với các địa phương và tại các cửa khẩu, đón khách du lịch ở nhiều thị trường thông qua công tác đào tạo nhằm thực hiện tốt việc đón khách, phù hợp, hài hòa và mang lại kết quả tốt trong thời gian tới.

Xung quanh vấn đề vướng mắc ở Hãng phim truyện Việt Nam

Trả lời câu hỏi của các phóng viên xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi đã thông tin việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại thời điểm năm 2019. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và thu hồi lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã triển khai các nội dung, đặc biệt đã có buổi gặp gỡ và có văn bản gửi cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến như mong muốn.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi trả lời các vấn đề liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các công văn gửi Tổng Công ty vận tải thủy, nhưng nhà đầu tư chiến lược chưa đưa ra được văn bản liên quan đến tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành những thủ tục liên quan để đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại, hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Phan Linh Chi, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chệnh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Nhưng đến nay, Tổng Công ty vận tải thuỷ là nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí và đề xuất số tiền đã bỏ ra một cách hợp lý, hợp lệ và tiến hành các thủ tục liên quan. Mặc dù phía nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực, Bộ VHTTDL vẫn chủ động soạn thảo những văn bản, dự thảo các quyết định và lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về những kiến nghị và phương thức xử lý.

“Ngày 22-3, Bộ VHTTDL đã có báo cáo đầy đủ, chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về quá trình cổ phần hóa, cơ cấu, tổ chức bộ máy của Hãng phim truyện Việt Nam. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều đồng nhất trong quá trình triển khai…”- bà Phan Linh Chi nói.

Một vấn đề nóng được báo chí quan tâm là vấn đề bản quyền cũng như tình trạng của những bản phim, phương tiện quay phim gắn liền với lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam. Trước đó, dư luận báo chí và một số nghệ sĩ phản ánh thông tin những bản phim này hiện đang bị hư nỏng nặng, không có khả năng phục hồi. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết: “Bộ VHTTDL đã có văn bản, Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam đã xuống làm việc và kiểm tra trực tiếp tại Hãng phim truyện Việt Nam. Trong 291 phim đang lưu tại Hãng, có 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam theo chức năng lưu trữ quy định. 13 phim còn lại không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì do trước đây Hãng làm theo đặt hàng của các Ban, Bộ, ngành và phim sản xuất hợp tác khác, những bộ phim đó không thuộc chức năng lưu trữ của Viện Phim. Vì thế, chúng ta có thể yên tâm là các bản phim gốc đang được lưu trữ và bảo quản tốt”.

Về vấn đề bản quyền những bộ phim Nhà nước đặt hàng tại Hãng phim Truyện Việt Nam hiện nay thuộc về ai? Theo bà Phan Linh Chi, các phim tại Hãng phim truyện Việt Nam là những bộ phim Nhà nước đặt hàng, theo quy định bản quyền cũng như quyền khai thác thuộc về Bộ VHTTDL.

Liên quan đến đời sống của cán bộ, nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ và nắm vị trí lãnh đạo cao nhất tại Công ty Cổ phần Hãng phim, có quyết định chi phối toàn bộ hoạt động của Hãng phim. Tuy nhiên trên thực tế, do có sự vướng mắc giữa Ban lãnh đạo công ty và người lao động, cho nên trong khoảng thời gian 5 năm qua, Công ty không triển khai hoạt động gì. Trước những vấn đề này, Bộ VHTTDL đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, rà soát, kiểm tra việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề tại Công ty, sớm ổn định tình hình tại Công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trả lời báo chí về việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Vụ trưởng Phan Linh Chi chia sẻ, việc này không phải bây giờ mới được đặt ra. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và tại thời điểm năm 2018-2019, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có văn bản đề xuất về việc sẽ là nhà đầu tư chiến lược mới, mua lại cổ phần của Công ty Vận tải thủy. Nhưng sau 7 tháng, Đài Tiếng nói Việt Nam có văn bản trả lời cho biết không đủ nguồn lực tài chính. Hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn nghiên cứu, đề xuất tìm nhà đầu tư chiến lược mới. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết thêm: “Tuy nhiên, điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, lại vừa gặp nhiều khó khăn khi trải qua đại dịch, vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Hãng phim đến thời điểm này chưa có”.

Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kết luận sau thanh tra cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc cổ phần hóa ở Hãng phim

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những đóng góp tích cực, trách nhiệm của đội ngũ truyền thông về VHTTDL thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn thời gian tới, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách của ngành VHTTDL sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến với người dân trong cả nước;

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kết luận cuộc họp báo

Về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập tại Hãng phim Truyện Việt Nam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, quan điểm và định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp cụ thể, tháo gỡ từng bước. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ: “Đây không chỉ là những vấn đề trước mắt mà đã tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua, vì thế phải tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề. Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kết luận sau thanh tra cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc cổ phần hóa ở Hãng phim”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, dứt điểm những khó khăn vướng mắc tại Hãng phim truyện. Mong rằng trong quá trình triển khai thực hiện tới đây sẽ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Về phía Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng ổn định và có định hướng phát triển Hãng phim theo đúng quy định pháp luật hiện hành”.

Vụ trưởng Vụ Thư viện trả lời về vấn đề lưu trữ sách cổ tại buổi họp báo

 

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương trả lời tại cuộc họp

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung trả lời về vấn đề phim ngắn được phát trên mạng hiện nay

Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh trả lời vấn đề báo chí quan tâm 

                                                                                                                 NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;