Xu hướng xuất bản và nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 của ngành xuất bản thế giới

Trong những năm gần đây, các xu thế toàn cầu như internet, mạng xã hội... đã làm thay đổi và mang lại cho ngành Xuất bản thế giới sự chuyển mình đáng kể. Truyền thông chuyển đổi từ truyền thống sang số hóa đã tạo ra sự tác động đến phương thức xuất bản, nhu cầu và hành vi đọc của độc giả, hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Các xu hướng xuất bản trên thế giới được nhận diện như sự phổ biến của ngành dịch vụ tự xuất bản (self-publishing) và các công ty Agents, sự tăng trưởng của sách nói (audiobook) cùng các ấn phẩm điện tử, sự thay đổi phương thức kinh doanh của các nhà xuất bản, tập đoàn xuất bản. Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp xuất bản thế giới, nhưng sự chuyển đổi số ngành Xuất bản đã giúp toàn ngành nhanh chóng thích ứng với những khó khăn và nỗ lực vượt qua đại dịch.

1. Các xu hướng xuất bản trên thế giới

Cách mạng công nghiệp đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản, sự thay đổi đó đồng thời cũng làm thay đổi mô hình và quá trình xuất bản, từ sáng tạo đến tiêu dùng, từ tác giả đến bạn đọc; bên cạnh đó xuất hiện những sản phẩm xuất bản; nguồn nhân lực mới. Các nước trên thế giới định hướng xây dựng công nghiệp xuất bản phát triển có những công ty, tập đoàn mạnh về xuất bản. Các công ty, tập đoàn xuất bản hướng tới tiếp cận, thực hiện mô hình, phương thức xuất bản và kinh doanh hiện đại để xây dựng một nền công nghiệp xuất bản phát triển và vững bền. Qua các số liệu từ nhiều thị trường xuất bản lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, một nền công nghiệp xuất bản phát triển là ở đó có sự kết hợp mạnh mẽ của nhiều tác nhân tham gia. Trước tiên là quyết sách cho các chiến lược phát triển, sự tham gia đông đảo của mọi lực lượng, thành phần vào xuất bản. Công nghiệp xuất bản phải tạo “hiệu ứng domino” tích cực, có tinh thần tập thể, phát triển toàn diện xuất bản truyền thống, xuất bản điện tử, hòa nhập vào thời đại công nghệ số và cách xử trí trước mọi khủng hoảng. Nghiên cứu về các xu hướng xuất bản thế giới là hoạt động thiết yếu trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển nền công nghiệp xuất bản của mỗi quốc gia. Đó là ba xu hướng xuất bản nổi bật trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ngành dịch vụ tự xuất bản và sự phát triển của các Agents

Ngành dịch vụ tự xuất bản ngày càng phổ biến, thể hiện qua số lượng tác giả độc lập và tự xuất bản tăng. Trong nhiều thập kỷ, thuật ngữ “tác giả tự xuất bản” xuất hiện với hình ảnh bìa mềm xấu xí, chữ đánh máy không đẹp mắt và được bán ở phía sau các quán rượu bụi. Trong gần hai chục năm qua, tác giả tự xuất bản có nhiều cơ hội tiếp cận với các biên tập viên và thiết kế chuyên nghiệp, tự cách mạng hóa các tiêu chuẩn của sách tự xuất bản. Với sự gia tăng của các nền tảng xuất bản kỹ thuật số như Amazon, ai cũng có thể tiếp cận độc giả toàn cầu. Để tránh hiểu lầm, thuật ngữ “tác giả tự xuất bản” được thay thế bằng cụm từ “tác giả indie” để phản ánh tốt hơn khía cạnh của công việc xuất bản này vì hầu hết tác giả xuất bản sách thành công không làm điều đó một mình, mà cần thực hiện công đoạn thuê người chỉnh sửa bản thảo, người hiệu đính, thiết kế. Bằng cách áp dụng phương pháp hợp tác này, quy trình xuất bản trong xuất bản độc lập trở nên gần hơn với quy trình xuất bản truyền thống. Khi chưa có điện thoại thông minh hay máy đọc sách điện tử, tự xuất bản vẫn còn là khái niệm xa lạ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các “tác giả indie” đã thay đổi ngoạn mục ngành công nghiệp xuất bản, chiếm 30-40% tổng doanh số bán sách điện tử tại các thị trường sách tiếng Anh và xâm nhập vào thị trường sách nói, sách in theo yêu cầu.

Tháng 11-2007, máy đọc sách Kindle ra đời, tích hợp với hiệu sách trực tuyến lớn nhất trên thế giới và Kindle Direct Publishing (KDP) đã làm đổi mới ngành tự xuất bản. Năm 2011, hoạt động tự xuất bản gia tăng theo sự bùng nổ của sách điện tử. Theo khảo sát, có năm nhà xuất bản lớn bắt đầu sử dụng KDP. Các chuyên gia xuất bản của thế giới dự đoán rằng Hachette, HarperCollins, Macmillan, Penguin Random House và Simon & Schuster sẽ tìm cách tận dụng khả năng tiếp cận của Amazon bằng cách sử dụng Kindle Unlimited. Năm nhà xuất bản lớn sử dụng KDP vào năm 2020 khi họ tìm cách tăng thu nhập với danh mục sách của họ. Đông đảo độc giả tham gia đã đem lại nguồn thu rất lớn cho doanh nghiệp xuất bản.

Khi xu hướng tự xuất bản bắt đầu phát triển kéo theo sự xuất hiện của các công ty Agents. Các Agents sẽ giúp các tác giả truyền thông và xử lý bản quyền. Các Agents tập trung chủ yếu tại Thượng Hải, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia… thuộc khu vực châu Á làm đại lý cho các đơn vị xuất bản Âu - Mỹ. Các Agents có lợi thế từ các nước có hoạt động xuất bản sôi động và phát triển. Một số Agents làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả là Tuttle Mori Japan (Nhật Bản), Eric Yang Agency (Hàn Quốc), Maxima Creative Agency (Indonesia), Arika Interights (Thái Lan)…

Sự tăng trưởng của sách nói, podcast

Theo kết quả cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh APA (Audio Publishers Association) công bố vào năm 2020, sách nói đã có 7 năm liên tiếp tăng trưởng ở mức hai con số. Đó là tốc độ tăng trưởng 22,7% (2017) và 24,5% (2018). Một vài số liệu chính thức của khảo sát này khiến nhiều người ngạc nhiên: Doanh thu năm 2018 đạt gần 1 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm 2017. Bên cạnh đó, lượng người nghe vẫn tiếp tục tăng lên 50%, người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã nghe sách nói, tăng từ 44% vào năm 2018 (theo Edison Research và Triton Digital, The Infinite Dial, 2019). Các tựa sách nói được xuất bản năm 2018 đạt tổng cộng 44.685 tựa (tăng 5,8% so với năm 2017). Độ tuổi của người nghe chiếm 55% số người nghe sách nói đều dưới 45 tuổi và 51% lượng người nghe thường xuyên nằm trong độ tuổi từ 18 đến 44 tuổi. Về địa điểm, 74% người dùng nghe sách nói trong xe ô tô của họ (tăng từ 69% trong năm 2018), tiếp theo là nghe ở nhà với 68%, (giảm so với tỷ lệ 71% vào năm 2018) (2).

Thiết bị chính là loa thông minh có cơ hội phát triển gần gấp đôi mức trung bình của Mỹ trong lĩnh vực này khi có 42% người nghe sách nói từ 18 tuổi trở lên đều sở hữu một loa thông minh. Hơn 55% người nghe sách nói đã nghe một podcast trong tháng trước đó, điều này tiếp tục tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa người nghe podcast và người nghe sách nói.

Các thể loại sách nói được bán phổ biến nhất trong năm 2018 là tiểu thuyết thể loại bí ẩn ly kỳ và khoa học viễn tưởng, giả tưởng. Các nhà xuất bản lớn cũng xây dựng cho mình những “nhánh con” để phát triển nội dung sách nói. Phải kể đến là Random House Audio, HarperAudio, Podium Publishing, Books on Tape… Họ phát triển audio theo nhiều cách, nhưng ấn tượng nhất vẫn là mời những người nổi tiếng ghi âm cho cuốn sách của mình. Đặc biệt là tiểu thuyết Lincoln in the Bardo của Random House Audio được diễn viên từng đoạt giải Oscars Julianne Moore, Susan Sarandon… thu âm. Hiện tại, sách nói được bán nhiều nhất trên Amazon hoặc các app Audible, Itunes… Xuất bản sách nói dưới dạng podcast có khả năng tiếp cận tốt hơn tới độc giả. Ở Mỹ, khoảng 144 triệu người đã nghe podcast vào năm 2019, chiếm khoảng 51% dân số.

Với những thống kê trên, người ta đã đưa ra mức dự báo cho thị trường sách nói với ước lượng Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới, chiếm trên 70% thị trường sách nói của toàn cầu. Tiếp theo là các thị trường ở nước Bắc Âu. Thị trường sách nói ở Việt Nam hiện nay đã bắt đầu có những bước phát triển, nhưng dung lượng vẫn còn rất nhỏ bé so với khu vực.

 Sự tăng trưởng của các hiệu sách độc lập

Theo Hiệp hội Kinh doanh sách Mỹ, số lượng hiệu sách tư ở nước này tăng 53% kể từ năm 2009 và doanh số bán sách tăng gần 7,5% trong 5 năm qua. Trong khi các chuỗi bán lẻ lớn đang phải chật vật bám trụ, các hiệu sách nhỏ hơn, hiệu sách độc lập lại đang trải qua thời kỳ phục hưng. Trên thực tế, tình trạng khó khăn của hiệu sách độc lập trước cơn bão của sách trực tuyến và nhiều hình thái đọc khác đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Điều đó đã thôi thúc tư nhân và chính phủ các quốc gia đang tận lực hỗ trợ cho lực lượng này để đạt các mục tiêu, chiến lược về xuất bản và văn hóa đọc.

Daniel Ross - chủ hiệu sách Story Smith mở tháng 10-2018 cho biết: hiệu sách là một chức năng thiết yếu của cộng đồng và truyền cảm hứng cho những người yêu sách. Khi bắt đầu khai trương, hiệu sách của Daniel nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân địa phương. Nhiều cửa hàng sách mới được mở trong vài năm qua ở Anh đều đón nhận sự ủng hộ như vậy từ độc giả yêu sách vì họ muốn một không gian không chỉ đơn thuần đến mua sách mà còn là trung tâm để gặp gỡ, giao lưu và cùng nhau gây dựng bầu không khí khuyến khích văn hóa đọc. Một hiệu sách độc lập tiêu biểu đó là Tridente Booksellers and Café ở Boston. Các nhà sách với quy mô nhỏ dễ đáp ứng các lợi ích cộng đồng một cách nhanh chóng và sáng tạo. Tridente Booksellers and Café ở Boston đã tổ chức cuộc hẹn hò tốc độ vào ngày trước Lễ Tình nhân - Valentine năm 2019. Trident đã bán hết vé cho sự kiện trong một tuần. Họ còn cung cấp dịch vụ hoán đổi sách, hội thảo viết thư pháp, tô màu sách dành cho người lớn và trình chiếu các bộ phim hay. Những sự kiện đặc biệt này đã thu hút được nhiều độc giả đến tham dự.

Unlikely Story Bookstore & Café ở Plainville (Mỹ) đã phát động ý tưởng về các buổi giao lưu học chơi đàn ukulele ngay tại hiệu sách. Ban đầu chỉ có năm người, sau đó tăng lên 100 người tham dự. Một số người không có khả năng chơi đàn thậm chí cũng lập thành một nhóm riêng để gặp gỡ tại hiệu sách và tổ chức biểu diễn nhảy flash mob. Không gian của hiệu sách chứa được 200 người là nơi tổ chức các sự kiện tác giả, các cuộc thi đố vui vào ban đêm. Ban ngày diễn ra các lớp học và sự kiện dành cho trẻ em, kể chuyện cho trẻ mẫu giáo. Khi một cửa hàng cung cấp các hoạt động mà cộng đồng được hưởng lợi, chắc chắn họ sẽ quay trở lại. Họ có thể không mua gì khi họ đến, nhưng họ sẽ nghĩ về hiệu sách vào lần tới khi cần mua sách và các sản phẩm khi được bày bán tại đây.

2. Ngành Xuất bản thế giới trong sự nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19

Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành Xuất bản thế giới

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Nhiều nước phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Các nhà sách phải đóng cửa, các hội chợ sách, triển lãm sách quốc tế bị hủy bỏ, những sự kiện giới thiệu sách hay chuyến lưu diễn của tác giả bị dừng lại, hoạt động tìm kiếm và mua bán bản quyền, ký kết hợp đồng cũng bị ảnh hưởng. Trong năm 2020, Hội chợ sách Luân Đôn - một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất của ngành Xuất bản, thu hút 25.000 tác giả, nhà xuất bản, đại lý và các chuyên gia trong ngành đã phải hủy bỏ. Một số hội chợ sách lớn như Hội chợ sách trẻ em Bologna của Ý, Hội chợ sách Paris, lễ hội Nhà văn Sydney, Hội chợ sách tại Leipzig, Đức… đều bị hoãn lại. Khi mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát virus gia tăng, các tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách phải vật lộn để đối đầu và lường trước nguy cơ sụp đổ tài chính. Ngày càng nhiều cửa hàng phải đóng cửa, các khâu phân phối bị gián đoạn, sự thiếu nguyên vật liệu dẫn đến giảm công suất in. Nhiều mối lo ngại rằng việc tổn thất tài chính do bùng phát dịch kéo dài sẽ khiến cho số lượng lớn cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn. Barnes & Noble, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Mỹ rơi vào khủng hoảng ngay cả khi trước đó đã chứng kiến sự tăng trưởng của bán hàng trực tuyến. Các studio xuất bản nhỏ lại càng dễ bị khủng hoảng khi các ấn phẩm bị hoãn xuất bản, đã tạo ra áp lực về tài chính.

Ngành Xuất bản thế giới nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch

Chuyến lưu diễn của các tác giả chuyển sang sự kiện ảo thông qua các nền tảng: Những chuyến lưu diễn đã trở thành văn hóa quảng bá trong sự nghiệp của tác giả, bao gồm các cuộc trò chuyện, giới thiệu, quảng bá, đọc sách trực tiếp cho người đọc. Do ảnh hưởng của dịch, nhiều tác giả Âu - Mỹ phải hủy các chuyến lưu diễn vốn đã được lên kế hoạch công phu trước đó, họ đã mất khá nhiều phí đặt trước. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các nền tảng Zoom, Crowdcast, Instagram, Live, YouTube, Skype, Facebook hay cửa hàng sách ảo trên phương tiện truyền thông xã hội, các tác giả đã nhanh chóng chuyển các sự kiện trực tiếp sang các sự kiện ảo.

Cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí, ưu đãi trong hoạt động vận chuyển nhằm duy trì và khuyến khích khách hàng mua sách trực tuyến, các công ty, nhà sách bắt đầu cung cấp ưu đãi vận chuyển với hy vọng bù đắp doanh số bán hàng giảm sụt do hệ thống cửa hàng bị đóng. Việc giao hàng miễn phí cho các đơn hàng trực tuyến đã được khách hàng hưởng ứng mạnh mẽ. Book, Inc; First Place Books là những đơn vị đầu tiên thực hiện việc giao hàng miễn phí. Amazon được nhận định là thu hời lớn khi mua sắm internet trở thành kênh ưu tiên số một trong bối cảnh hiện nay.

Các hoạt động hội chợ thương mại chuyển sang trực tuyến: Tại Đức, một số nhà xuất bản chuyển các hoạt động hội chợ thương mại sang trực tuyến. Nxb Carlsen Verlag là đơn vị tiêu biểu khi phát động chiến dịch trực tuyến trên web của mình trong những ngày mà hội chợ thương mại bị hủy bỏ. “Chúng ta hãy mang Hội chợ sách về nhà cho độc giả”, tác giả Karl - Ludwig Wendt viết trên Book Types, blog kỹ thuật số của các chuyên gia trong ngành, ông cũng đề xuất phương án đọc sách, trò chuyện trực tuyến.

Cung cấp các đầu sách định dạng kỹ thuật số như sách điện tử và sách nói miễn phí: Kobo tại Ý và Grupo Mandadori - một trong những công ty truyền thông hàng đầu châu Âu, trong đó có Nxb và tạp chí đang hoạt động tại Ý - đã làm việc cùng nhau để cung cấp 5.000 sách điện tử miễn phí cho độc giả ở vùng dịch và khu vực bị cách ly. Trong khi đó, Hiệp hội nhiều Nxb và bán sách Georgia, Mỹ công bố trên Twitter rằng sẽ cung cấp 6.000 đầu sách định dạng kỹ thuật số miễn phí được xem như hoạt động giúp người yêu sách duy trì văn hóa đọc. Nhiều đơn vị xuất bản lớn nhỏ đã chọn cách giảm giá sách và cung cấp quyền truy cập miễn phí một số sách điện tử và tài liệu giáo dục. Tiên phong là Galimard với loạt tiểu thuyết ngắn và hư cấu được các tác giả đọc trực tuyến. Editis cho phép trẻ em truy cập miễn phí sách trực tuyến về học thuật và giáo dục. Việc sử dụng sách nói cũng trở nên phổ biến. Các đơn vị tham gia trong ngành đang nghĩ về các giải pháp kỹ thuật số để tạo điều kiện cho việc tiếp cận sách, như xin giấy phép tăng lên 25 người có thể mượn sách điện tử một lần, 15 người có thể mượn một cuốn sách nói.

Sự ủng hộ của chính quyền, sự liên kết của các tổ chức và doanh nghiệp: Hiệp hội các nhà sách Mỹ đã vận động nhiều Nxb hỗ trợ các cửa hàng sách nhỏ lẻ bằng phương thức giảm giá, giao hàng miễn phí và nới lỏng thời hạn trả nợ đối với đầu sách chưa bán được. Một Quỹ từ thiện được thành lập để hỗ trợ tài chính cho các cửa hàng nhỏ không có khả năng thanh toán tiền thuê địa điểm và doanh thu sụt giảm. Tại Pháp, Chính phủ đã công bố gói cứu trợ khẩn cấp 22 triệu Euro cho ngành Văn hóa và trong số đó là 5 triệu Euro dành cho công nghiệp sách. Thậm chí các hiệu sách được xem xét cho mở lại như là một trong những cơ sở kinh doanh thiết yếu. Các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành Xuất bản cũng phát động những chương trình thiết thực nhằm duy trì và khuyến khích văn hóa đọc. Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) đã công bố một số chương trình như: Đọc thế giới vào ngày Sách Trẻ em Quốc tế, thành lập câu lạc bộ sách SDG cho trẻ em thông qua sự kết hợp và hỗ trợ cho 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chương trình Learning Never Stops (không ngừng học) mà UNESCO phát động trước đó. Các hiệu sách độc lập cũng thiết lập sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Khi Andy Hunter ra mắt công ty khởi nghiệp có tên là Bookshop vào tháng 1-2020, anh hy vọng có thể tạo ra một góc nhỏ vui vẻ giữa thị trường rộng lớn mà Amazon đang thống trị. Thành công không đến nhanh chóng mặc dù Bookshop đưa ra lời chào hàng rất hấp dẫn với cách thức mua hàng trực tuyến dễ dàng, thuyết phục các Nxb, hiệu sách tham gia vào chương trình liên kết để trở thành đối tác và nhận một phần lợi nhuận thu được. Đại dịch COVID-19 bất ngờ tấn công hoạt động kinh doanh của Bookshop. Hunter gọi đó là “cuộc nước rút hoang dã”. Bookshop đi từ một công ty khởi nghiệp tiềm năng lại phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. Tuy nhiên, họ đã vượt qua khi trở thành một trong những điểm mua sách trực tuyến đứng đầu hệ thống nhà sách độc lập trong vài tuần. New York Times, BuzzFeed, Vox và The New Republic hiện đang là đối tác liên kết của họ. Mục tiêu ban đầu của Hunter là chiếm 1% doanh số sách in hằng năm của Amazon, ước tính khoảng 4,5 tỷ USD. Gần đây, Bookshop đã bán được số sách trị giá từ 300.000 đến 500.000 USD mỗi ngày, đạt khoảng 3% doanh số bán hàng của Amazon. Không chỉ dừng tại đó, Hunter còn hỗ trợ nhiều hiệu sách nhỏ độc lập thông qua nền tảng phi lợi nhuận của mình. Một trong số hạn chế của các hiệu sách nhỏ là việc áp dụng thương mại điện tử chậm chạp. Bookshop hỗ trợ các hiệu sách độc lập bằng cách cung cấp nền tảng miễn phí để các hiệu sách này có thể mở cửa hàng thương mại điện tử với sự hỗ trợ của nhà phân phối sách lớn Ingram (nền tảng tự xuất bản và phân phối sách/ nội dung Ingram). Cùng với nhiều hình thức liên kết và chia sẻ lợi nhuận, Bookshop đã chứng tỏ không chỉ là một vị cứu tinh kỹ thuật số của các nhà sách độc lập mà còn gây dựng một thông điệp là hiệu sách độc lập rất quan trọng đối với sách và cộng đồng.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Linh Chi, Khai phá xu hướng bền vững của xuất bản thế giới, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, 2020.

2. Đinh Quang Hoàng, Sách nói (audiobook) và những xu thế tiếp theo của sách điện tử, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, 2020.

3. Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Phương Thảo, Cần khai thác những tiềm năng, lợi thế của ngành xuất bản Việt Nam, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, 2020.

Ths NGUYỄN THÚY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;