Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến tất cả các mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất. Do đó, vấn đề xây dựng bản lĩnh vững vàng cho công nhân có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền lợi để họ yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều quốc gia trên thế giới cả về kinh tế và an sinh xã hội. Đối với nước ta, dịch bệnh COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát. Với quan điểm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, ngay khi dịch bệnh xảy ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân, cả hệ thống chính trị, xã hội nước ta đã vào cuộc một cách quyết liệt, mạnh mẽ. Mặc dù, đã đạt được kết quả nhất định, song hậu quả do đại dịch để lại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đội ngũ công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh
vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: Hoàng Vi
Đối với đội ngũ công nhân làm việc ở các doanh nghiệp, sự tác động của đại dịch COVID-19 được biểu hiện trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, đời sống của đội ngũ công nhân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sinh hoạt đời thường. Đại dịch COVID-19 xảy ra, khiến cho hàng loạt công nhân ở các doanh nghiệp có nguy cơ mất việc làm, do mặt hàng sản xuất ra không thể xuất khẩu ra thị trường bên ngoài, buộc họ phải thắt lưng, buộc bụng, mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày đều phải cắt giảm đến mức tối thiểu. Công nhân làm việc ở các các doanh nghiệp đa phần không có trình độ tay nghề cao, chủ yếu lao động phổ thông, khi gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ họ sẽ đứng trước nguy cơ bị cắt giảm hợp đồng lao động, cho thôi việc. Đơn cử, như trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến 6 tháng đầu năm 2020 có khoảng 400 doanh nghiệp tạm dừng, hoặc dừng hẳn hoạt động, hơn 10 nghìn công nhân có hợp đồng lao động bị mất việc làm, đó là chưa kể đến số công nhân làm việc không theo hợp đồng (1). Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020 đã có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (2).
Hai là, làm nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn xã hội, nhất là về tâm lý, bản lĩnh. Một bộ phận công nhân không có việc làm, nhiều thời gian nông nhàn, từ đó nảy sinh tâm lý thụ hưởng, trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, không năng động, sáng tạo trong tìm kiếm cơ hội việc làm mới cho mình. Vấn đề ứng xử với dịch bệnh, với địa bàn cư trú trong thời gian nghỉ tránh dịch hay ứng xử với các chi phí trong gia đình… tất cả đặt ra cho đội ngũ công nhân những yêu cầu, nhiệm vụ rất thiết thực, đó là vừa bảo đảm an toàn về mọi mặt, vừa tham gia vào hoạt động sản xuất phát triển mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đó, tâm lý bất ổn, lo lắng, bản lĩnh không vững vàng, có sự tính toán, so bì xuất hiện ở đội ngũ công nhân làm việc tại các doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Thực trạng xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp trước tác động của đại dịch COVID-19
Đội ngũ công nhân làm việc ở các doanh nghiệp là bộ phận cấu thành của nền kinh tế nước ta, có đóng góp nhất định vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp trước tác động của đại dịch COVID-19 là hoạt động mang tính tích cực, chủ động của người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức, lực lượng có liên quan và bản thân đội ngũ công nhân. Nhận thức được tính chất nguy hại của đại dịch COVID-19, người đứng đầu doanh nghiệp đã thường xuyên gặp gỡ, động viên, hỗ trợ người lao động cố gắng đoàn kết, giữ vững mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong hợp đồng đã ký kết; tích cực, chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, ngành nghề ít chịu ảnh hưởng để đưa công nhân sang làm việc; tổ chức hoạt động đưa đón công nhân đi làm một cách tập trung, thống nhất, thực hiện các thỏa ước tập thể nhằm kêu gọi công nhân chung sức chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử, Thanh Hóa hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động đã chủ động liên hệ với ngân hàng chính sách của tỉnh thay vì trả cho ngân hàng, doanh nghiệp đã trích ra để chi trả cho công nhân (3). Tuy nhiên, việc xây dựng bản lĩnh vững vàng cho đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Người đứng đầu doanh nghiệp thích ứng với khó khăn còn chậm, còn lúng túng, bị động, cắt giảm nhân công một cách ồ ạt; chưa quan tâm đến đời sống, tương lai của người công nhân một cách đúng mức khi họ đột ngột không có việc làm; việc chi trả, hỗ trợ cho công nhân trong thời gian diễn ra dịch bệnh không ít nơi chưa kịp thời; người đứng đầu doanh nghiệp chưa trực tiếp gặp gỡ với công nhân để động viên, chia sẻ với họ khiến tâm lý hoang mang, lo lắng ngày một nghiêm trọng…
Một số biện pháp xây dựng bản lĩnh vững vàng cho đội ngũ công nhân ở các doanh nghiệp trước tác động của đại dịch COVID-19
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng trong doanh nghiệp và công nhân. Đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng để tạo sự đoàn kết, thống nhất giữa doanh nghiệp với công nhân nhằm tạo bản lĩnh vững vàng cho họ. Khi dịch bệnh xảy ra, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho công nhân trong phòng, chống dịch bệnh và cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần phổ biến rõ cho công nhân những mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất của doanh nghiệp mình thời điểm xảy ra dịch bệnh, khả năng chi trả tiền lương cho công nhân… Nhận thức, trách nhiệm của công nhân càng cao, bản lĩnh của họ càng vững vàng, càng thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, để họ cùng với doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, đưa cuộc sống dần quay trở lại quỹ đạo như thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh.
Hai là, người đứng đầu doanh nghiệp phải năng động, nhạy bén trong chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để bảo đảo công việc cho công nhân. Đại dịch COVID-19 cũng là dịp để người đứng đầu doanh nghiệp thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và giải quyết các mối quan hệ, ứng xử với các đối tác kinh doanh của mình. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp năng động, nhạy bén, có biện pháp ứng biến phù hợp với tình hình thực tế thì doanh nghiệp đó vẫn trụ vững, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, bảo đảm đời sống cho công nhân, như mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Ngược lại, nếu người đứng đầu doanh nghiệp thụ động, không chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, lắng nghe ý kiến của công nhân, ban lãnh đạo doanh nghiệp thì việc công nhân xin thôi việc, hoặc ngừng sản xuất là điều không thể tránh khỏi. Theo đó, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là việc thay đổi hình thức kinh doanh trực tuyến rút ngắn thời gian đi lại, lưu thông giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa thị trường nội địa và quốc tế. Hiện nay, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile ngày càng phổ biến; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, YouTube…, kinh doanh trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp. Hình thức kinh doanh này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong tình hình dịch bệnh hiện nay, mà đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet nhiều hơn, tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trực tuyến một cách dễ dàng, nhanh chóng, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu. Người đứng đầu doanh nghiệp phải dám nghĩ, dám làm, có tài trong nắm bắt thị trường, luôn đặt chữ tâm trong hoạt động của mình, có như vậy mới giúp doanh nghiệp trụ vững và tạo ra bước đột phá, cũng như hình thành bản lĩnh vững vàng cho công nhân trước tác động của đại dịch COVID-19.
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của công đoàn Việt Nam đối với hoạt động của doanh nghiệp trong bảo đảm đầy đủ các chế độ, quyền lợi cho công nhân. Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện cho lao động, công nhân làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, là địa chỉ tin cậy để lao động, công nhân tìm đến giãi bày tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Do vậy, Công đoàn Việt Nam cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình không chỉ đối với lao động, công nhân mà còn đối với doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, chế độ bảo hộ lao động cho công nhân, nhất là công nhân làm việc ở những khu vực, ngành nghề khó khăn, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Giám sát, bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quyền lợi và chế độ đối với người lao động trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngừng việc và cho thôi việc; đảm bảo giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời, đề xuất với doanh nghiệp và Chính phủ hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo lại cho người lao động để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới. Theo đó, Công đoàn Việt Nam phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, có những chấn chỉnh, nhắc nhở hoặc kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định, yêu cầu của Bộ luật Lao động đối với công nhân.
Ngoài những nội dung, biện pháp trên, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cho mình một hướng đi độc lập, tự chủ, không nên quá phụ thuộc vào bên ngoài. Đó là huy động được nhiều đối tác cùng sản xuất, kinh doanh một sản phẩm; lựa chọn công nhân lành nghề có kỹ thuật cao để sử dụng công nghệ máy móc, phục vụ cho việc chuyển đổi số; tham mưu, đề xuất với Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn, giảm lãi xuất, hoặc hỗ trợ gói an sinh xã hội để cùng chung tay, gánh vác với doanh nghiệp.
Như vậy, xây dựng bản lĩnh vững vàng cho đội ngũ công nhân trước đại dịch COVID-19 cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp, công đoàn. Đội ngũ công nhân và người lao động cần chung sức, đồng lòng với doanh nghiệp để giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu, phát triển nội lực trong sản xuất kinh doanh… Từ đó, giảm giờ làm việc để người lao động có thời gian học tập nâng cao trình độ, phát triển ngành nghề mới, tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề. Chỉ có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới có thể đứng vững trước bất kỳ cú sốc kinh tế hay dịch bệnh nào.
_______________
1. Thế Bình, Nhiều doanh nghiệp ở Thái Nguyên vững vàng vượt qua đại dịch, nhandan.com.vn, ngày 8-5-2020.
2. Dịch COVID-19: Cú sốc đối với nền kinh tế, trungtamwto.vn, ngày 11-3-2020.
3. Minh Hằng, Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó: Cần hành động nhanh và sát thực tiễn, thanhhoa.vn, ngày 29-4-2020.
Tác giả: Nguyễn Đình Nam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020