Văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường gắn với những phong tục, tập quán, lễ hội của người Mường, được sáng tạo nên từ những nguyên liệu bình dị, đơn giản, sẵn có xung quanh nơi sinh sống của người Mường, mang hương vị của núi rừng, sông suối nhưng chứa đựng trong đó là cả những câu chuyện, ý nghĩa và chiều sâu văn hóa... Mâm cơm trong Lễ đắp bếp của dân tộc Mường là nét đặc trưng ẩm thực riêng có của người Mường, từ những nguyên liệu dễ kiếm, dễ tìm nhưng lại ẩn sâu, chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu xa của dân tộc Mường.
Đắp bếp cho ngôi nhà mới
Trong một lần công tác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), chúng tôi được ghé thăm ngôi nhà sàn của làng Mường, ăn bữa cơm Mường và được nghe câu chuyện về văn hóa, lễ hội, phong tục, tập quán và ẩm thực Mường. Chúng tôi được ông Bùi Thanh Bình kể cho nghe về nghi lễ đắp bếp ngôi nhà mới và ý nghĩa đằng sau những món ăn trong mâm lễ cúng mừng bếp mới trong ngôi nhà đang xây dựng của dân tộc Mường.
Bên bếp lửa hồng - Ảnh: Tuấn Minh
Ông cho biết: Ngôi nhà sàn của người Mường chỉ chính thức đưa vào sử dụng khi nghi lễ đắp bếp được tiến hành. Người Mường coi trọng tục đắp bếp khi làm một ngôi nhà mới. Tục đắp bếp là một nét văn hóa, di sản độc đáo, từ lâu đã trở thành một phong tục, nghi lễ cầu mong sự phồn thịnh, mạnh khỏe và no ấm cho mỗi gia đình Mường. Phong tục đắp bếp của người Mường thể hiện sâu sắc những giá trị tâm linh và tín ngưỡng. Việc đắp bếp mới được người Mường làm nhưu sau: trước khi đổ những sọt đất để đắp bếp, dưới đáy của bếp được lót một lượt bẹ chuối tươi, có tác dụng làm đệm cách ly nhiệt trên đất bếp với sàn nhà. Đất dùng để đắp bếp phải là đất dưới lớp đất sâu, sạch không để lẫn sỏi, đá và các thứ tạp chất khác. Số lượng sọt đất đắp bếp được tính bằng số lẻ và được đếm cẩn thận, chính xác. Khi bếp đã đầy đất, sọt đất cuối cùng được lấy phải là số lẻ và chỉ đổ khoảng nửa đất có trong sọt, còn lại phải đổ trả lại nơi đã lấy đất. Sau đó họ đặt 3 viên đá lên làm kiềng. Loại đá đặt trên bếp cũng được chọn lựa kỹ lưỡng, như chịu được nhiệt, không gây nổ khi bếp quá nóng… Việc châm lửa nhóm bếp cũng phải chọn ngày tốt, giờ tốt, phải nhờ một vị có uy tín trong cộng đồng, phải là người đàn ông khỏe mạnh, có gia đình đầy đủ, êm ấm, hạnh phúc, con cái có đủ trai và gái, gia cảnh khấm khá, no đủ. Khi bếp đã đắp xong, người ta lấy những bẹ chuối tạo hình những con cá cho vào cặp làm như cá nướng đem giắt lên mái nhà hoặc buộc vào cột cái gần bếp. Đây là sự cầu mong may mắn cho bếp để ngôi nhà luôn dồi dào sản vật, thực phẩm, gia chủ làm ăn luôn thuận lợi. Khi đắp bếp xong, họ đem củi đặt lên bếp và người chủ trì lễ đắp có lời chúc bếp mới: Chúc cho bếp mới, cho nhà mới luôn có cơm ráo, rượu ngon, chăn nuôi gà, lợn hay ăn chóng lớn, trên nhà con người ăn nên làm ra, cơm kho, lúa đụn... vừa chúc, vừa châm lửa đun bếp mới.
Bếp đắp xong, lửa đã nhóm trong khi nhà mới đang dang dở, người ta cho dựng tạm một mái che. Theo tục lệ xưa, lửa trên bếp mới phải để cháy trong 3 ngày, 3 đêm không được tắt. Người đàn ông cao tuổi nhất trong nhà ngủ cạnh bếp để canh lửa cho bếp luôn cháy và quy định bếp nhà ai, người nhà ấy canh, không thể nhờ người ngoài đến canh hộ. Nếu nhà không có người già, người ta buộc một quả bí xanh có phấn trắng vào cây cột cái ngay tại bếp, tượng trưng cho hình ảnh người già tóc bạc đang canh lửa. Người Mường có câu “Trẻ con thì rạng nhà, người già sáng bếp” đây là sự tôn trọng người cao tuổi, như ngọn lửa tinh thần soi sáng cho con cháu noi theo...
Mâm cơm cúng lễ đắp bếp của người Mường
Mâm cơm cúng trong lễ đắp bếp của người Mường được bà con chuẩn bị rất kỹ càng, theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc Mường. Công việc chuẩn bị đồ cúng trong lễ đắp bếp tùy theo điều kiện mỗi gia đình mà có lễ to, lễ nhỏ, nhưng về cơ bản mọi lễ đắp bếp đều có, rượu, cơm trắng, thịt lợn, gà, tiền vàng và đặc biệt cá nướng. Cá được bắt ở ngoài sông, suối, là loại cá có màu trắng, tượng trưng cho sự tinh khiết, mát mẻ.
Khi ngọn lửa đã cháy, người Mường sẽ đặt cá lên nướng. Cá là con vật tượng trưng cho thế giới dưới nước, cũng là biểu tượng cho sự may mắn. Bởi vậy người Mường chọn cá nướng sau khi đắp bếp được hoàn thành để ước mong về sự yên ấm, no đủ cho ngôi nhà mới của gia đình mình. Chính vì vậy, trong mọi mâm cơm cúng, lễ đắp bếp của người Mường, các đồ lễ cúng khác có thể thiếu, có thể ít hay nhiều, nhưng cá được bắt ở những dòng suối mát trong là không thể thiếu. Con cá trong lễ cúng bếp mới không chỉ mang ý nghĩa là một loại thực phẩm đơn thuần để gia chủ thụ hưởng, mà còn mang ý nghĩa tâm linh, đem lại sự may mắn, no đủ, yên ấm cho bếp mới, ngôi nhà mới của gia chủ. Mâm cỗ cúng trong lễ đắp bếp tuy giản đơn, nhưng lại mang nét ẩm thực đặc trưng mà chỉ người Mường mới có. Nét ẩm thực đó không chỉ là cảm thụ bằng vị giác mà còn được cảm thụ bằng chính sự linh thiêng, ý nghĩa sâu xa và nét văn hóa với lối sống hòa mình vào thiên nhiên, núi rừng…
Các nghi lễ, trình tự của việc đặt bếp luôn được người Mường tuân thủ và tiến hành cẩn thận từng công đoạn, thể hiện sự thiêng liêng và mang ý nghĩa bí ẩn cho quan niệm về tâm linh của người Mường. Trong cuộc sống thường ngày, người Mường ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được, bếp luôn có hơi ấm. Chính vì vậy, trải qua bao thế hệ, nếp nhà sàn của người Mường không thể thiếu linh hồn của gác bếp. Đời sống của người Mường từ xưa đến nay gắn với chiếc gác bếp, không chỉ giúp nấu chín thức ăn mà còn là nơi sum vầy, nơi đi về, sưởi ấm và bảo vệ con người khỏi thú dữ. Người Mường tự hào rằng: “Bếp ở ngôi nhà sàn Mường là trung tâm để nuôi dưỡng, phát triển sự sống của chính dân tộc Mường”. Cho dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng nét đẹp truyền thống ấy sẽ mãi được bảo lưu và gìn giữ cho các thế hệ người Mường hôm nay và mai sau.
Tác giả: Quảng Hùng Mạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020