XÃ HỘI HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG

Đứa bé ra đời, nó được truyền sẵn các gen sinh học, còn các gen xã hội thì nó phải tích lũy từ sự học do được dạy. Quá trình học hỏi của đứa bé bắt đầu bằng cách bắt chước kiểu hành vi của người lớn, trước hết là kiểu hành vi của những người gần gũi. Sự mô tả sau đây cho thấy điều này: những người lớn chơi với nhau trong sân bóng rổ, họ tranh giành trái bóng và ném trái bóng vào cái rổ treo trên bảng gỗ. Khi trái bóng được ném trúng rổ thì tất cả mọi người cùng reo lên. Đứa bé ở ngoài sân cũng reo lên. Rồi trái bóng lăn ra ngoài sân, đứa bé chạy theo nhặt, nó không dùng chân đá trái bóng, mà dùng tay ném trái bóng nhằm vào cái rổ treo trên cao. Đó là kiểu hành vi đứa bé bắt chước từ người lớn. Sau này, khi lớn lên, đứa bé có thể trở thành một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng. Sự nổi tiếng đó là do cậu bé ngày ấy được dạy cách chơi bóng rổ một cách bài bản, cậu tỏ ra hứng thú và có năng lực tiếp thu sự dạy. Nhờ vậy, cậu bé đã sắm vai một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Quá trình này được gọi là xã hội hóa.

Nhờ có xã hội hóa mà cá nhân tiếp nhận được nền văn hóa của xã hội, nơi con người được sinh ra, con người in đậm các nét đặc trưng của xã hội trong quá trình trưởng thành. Ở vào bối cảnh xã hội đó, con người học cách suy nghĩ, cách hành động phù hợp với các giá trị, các khuôn mẫu xã hội. Fichter, nhà xã hội học Mỹ, coi “xã hội hóa là một diễn tiến ảnh hưởng hỗ tương giữa người này với người khác, kết quả là một sự chấp nhận những khuôn mẫu hành động và sự thích nghi với những khuôn mẫu đó”.

Con người từ thơ bé đã được học ăn, học nói, học gói, học mở. Những người thày đầu tiên truyền bá các tri thức là cha mẹ, ông bà, anh, chị em trong gia đình. Như vậy, sự dạy bắt đầu ở gia đình, rồi mở rộng sang các phạm vi xã hội rộng lớn hơn. Nói một cách hình ảnh thì đời sống xã hội giống một con tàu, cá nhân chuyển động trên con tàu đó. Hành trình của đời sống cá nhân một mặt phụ thuộc vào sự chuyển động của con tàu, mặt khác, cá nhân có thể lựa chọn vị thế, cách thức ứng xử của mình sao cho phù hợp với vận tốc và lộ trình của con tàu xã hội. Đây là quá trình tiếp nhận, sáng tạo và thích nghi văn hóa. Xã hội hóa nhấn mạnh đến sự thích nghi xã hội và khả năng tái tạo xã hội một cách chủ động thông qua các mối quan hệ xã hội. Như vậy, nhờ có xã hội hóa, con người không chỉ tiếp thu các kinh nghiệm xã hội, mà từ hoạt động của mình, dựa trên việc nhận thức hệ thống giá trị, khuôn mẫu hành vi, con người còn chủ động sáng tạo nên các giá trị, khuôn mẫu, kiểu hành vi. Điều này có nghĩa là cá nhân không chỉ khoác lên thân mình chiếc áo văn hóa của xã hội, mà còn tự tái tạo chiếc áo văn hóa của bản thân mình, của cả cộng đồng người, mà cá nhân đó là một thành viên.

Xã hội hóa diễn ra như một quá trình, nó mở đầu từ lúc con người sinh ra và kết thúc khi người ta chết. Xã hội hóa là không ngừng trong suốt vòng đời, vì vậy mà kẻ bảy mươi học người bảy mốt.

Các nhà xã hội học chia xã hội hóa thành các giai đoạn cơ bản:

Giai đoạn xã hội hóa ban đầu từ tuổi bế bồng, lúc này đứa bé gắn bó chặt chẽ với đời sống gia đình. Gia đình vừa là cái tổ nhỏ vừa là tổ chức xã hội đầu tiên của đứa bé.

Rồi đến giai đoạn xã hội hóa diễn ra ở nhà trường. Nhà trường là thiết chế xã hội có chức năng truyền bá kiến thức cơ bản, có hệ thống, để cá nhân trở thành con người có khả năng thực hiện tốt các vai trò xã hội. Nhà trường vừa đào tạo các kiến thức nền tảng, vừa dạy nghề để người ta biết làm nghề, vì nghề là điều kiện cơ bản để sinh sống. Và không chỉ như vậy, nhà trường còn dạy cách làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ. Mỗi cách làm đó đều gắn với những vai trò xã hội mà cá nhân phải đảm nhiệm trong suốt cuộc đời.

Tiếp nữa, hoạt động nghề nghiệp là sự thể hiện vai trò xã hội của con người trong hệ thống phân công lao động xã hội, được quy định bởi cấu trúc xã hội. Ở gia đình, người ta còn phải đảm nhiệm các vai trò như làm chống, làm vợ, rồi làm cha, làm mẹ... Đây là giai đoạn xã hội hóa kéo dài nhất, gắn với vai trò xã hội cơ bản nhất và cũng có nhiều sáng tạo nhất. Nó cho thấy kết quả mà cá nhân được chuẩn bị từ các giai đoạn xã hội hóa trước đó.

Việc phân biệt các giai đoạn xã hội hóa chỉ có ý nghĩa tương đối, vì trong đời sống của mình, con người có thể vừa gắn kết với gia đình, vừa gắn kết với nhà trường cũng như môi trường làm việc. Tác động của các nhân tố nói trên đối với cá nhân có thể là đồng thời, nhưng mức độ ảnh hưởng thì lại khác nhau, vì chúng phụ thuộc vào vai trò và hoạt động sống của cá nhân trong từng giai đoạn.

Cùng với việc phân tích các giai đoạn xã hội hóa, người ta cũng quan tâm đến môi trường xã hội hóa. Môi trường chính thức và không chính thức đối với xã hội hóa phụ thuộc chủ yếu vào các quan hệ giữa người với người trong đời sống xã hội và chức năng của các tổ chức hoặc thiết chế xã hội. Người ta nhận thấy: nhóm bạn đồng tuổi, đồng giới nhiều khi được kết nối khá lỏng lẻo nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đối với cá nhân trong quá trình xã hội hóa, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên. Học thày không tày học bạn là vì vậy. Nhiều em ở độ tuổi này sa vào các lệch lạc xã hội vì chơi với bạn xấu, bị bạn xấu dụ dỗ rồi chăn dắt và khống chế.

Trong xã hội hiện đại, các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh, đặc biệt ở các quốc gia công nghiệp và xã hội đô thị. Hệ thống này trở thành tác nhân xã hội hóa không chính thức, nhưng có sức lan tỏa rất mạnh tới công chúng bởi sự hỗ trợ của phương tiện công nhiệp và kỹ thuật đồ sộ tạo nên trường lực trong xã hội thông tin.

Kết quả từ cuộc Tổng điều tra năm 2009 cho thấy: hiện nay, ở nước ta, số hộ có sử dụng TV tăng gần gấp đôi so với năm 1999. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 84,9%, và ở khu vực thành thị là 91,3% (1).

Chức năng cơ bản của các phương tiện truyền thông đại chúng là cung cấp thông tin cho quảng đại công chúng. Việc xuất bản báo chí có xu hướng gắn liền với chỉ báo vòng đời là một cách làm tốt để tăng cường khả năng giao tiếp đại chúng của công chúng. Tuổi nhi đồng có báo Họa mi, lớn hơn thì đọc báo Thiếu niên tiền phong. Công chúng thanh niên hướng đến báo Tiền phong. Khi về già có báo Người cao tuổi. Khả năng phổ quát của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với công chúng được nối dài bởi sự lan tỏa của hệ thống kênh truyền, đặc biệt là hệ thống phương tiện được thiết kế bằng công nghệ điện tử. Trong chuỗi các tác nhân xã hội hóa thì truyền thông đại chúng mặc dù ra đời muộn hơn rất nhiều so với các thiết chế xã hội khác như gia đình, trường học, nhà thờ, nhưng lại sớm tỏ rõ sự tác động đối với xã hội hóa từ khả năng tạo nên các bản đúc xã hội của công chúng.

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng: vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, truyền thông đại chúng, bao gồm truyền thanh, phim, báo in, nhạc thu âm, truyền hình đã trở thành những tác nhân quan trọng đối với xã hội hóa, đặc biệt là truyền hình. Trong khoảng mười năm trở lại đây có sự xuất hiện của internet. Một nghiên cứu ở Mỹ cho biết, 32% trẻ em dưới 7 tuổi tại nước này có TV riêng. Ở độ tuổi từ 12 đến 18, con số đó là 53%. Tình trạng ấy đã khiến Viện Hàn lâm Giáo dục Mỹ đưa ra lời khuyến cáo: các bậc cha mẹ không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi xem TV. Các bậc cha mẹ cũng nên tránh sử dụng những “người giữ trẻ điện tử”. Mặc dù vậy, người ta không thể phủ nhận vai trò tích cực của TV nói riêng và phương tiện truyền thông đại chúng nói chung đối với xã hội hóa. Hệ thống truyền thông đại chúng đã tham gia thực sự tích cực vào việc quảng bá các phong cách sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội, những khuôn mẫu hành vi. Các thông điệp quảng cáo Muốn tránh bướu cổ thì hãy dùng muối iốt, Hãy tránh xa HIV bằng cách không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm được công chúng tiếp nhận vì nó có khả năng tạo nên sự liên kết xã hội bằng cách đưa ra một cách nhìn phổ biến mang tính chuẩn hóa về văn hóa. Các thông điệp này tạo dựng những khuôn mẫu hành vi và điều chỉnh các kiểu hành vi lệch chuẩn trở về hợp chuẩn với các giá trị văn hóa. Cần nhận thức rõ điều ấy vì thông tin nói chung và thông tin trên truyền thông đại chúng nói riêng chưa phải là tri thức và tri thức cũng chưa phải là văn hóa. Văn hóa chỉ hình thành trên cơ sở cá nhân học hỏi được cách sống của xã hội và giao tiếp đại chúng là một con đường để công chúng tiếp nhận sự trao truyền văn hóa.

Việc quan sát các thông điệp được truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy các thiết chế truyền thông đại chúng đặc biệt coi trọng việc xây dựng các vai trò xã hội của con người vì vai trò xã hội là mục tiêu của xã hội hóa. Cùng với hoạt động giáo dục nghề nghiệp diễn ra chính thức ở tác nhân trường học, báo chí đã dành các chuyên trang, chuyên mục cho các vấn đề ấy. Trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng, có nhiều kênh cung cấp các thông điệp liên quan đến vai trò xã hội của cá nhân như các website: Tư vấn du học, Mạng giáo dục, Báo Kinh tế nông thôn, Báo Kinh tế đô thị, Tạp chí Gia đình và Xã hội… Các kênh thông tin đó không chỉ là nơi cung cấp thông điệp, mà còn là diễn đàn của công chúng truyền thông, để họ chia sẻ các vấn đề tạo nên mối quan tâm chung, gắn với nhu cầu hoàn thiện các vai trò xã hội.

Đến nay, Việt Nam đã chính thức hòa mạng internet được 14 năm. Số liệu tính tới tháng 10-2010 của Trung tâm quản lý Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết gần 30% dân số Việt Nam sử dụng internet, tỷ lệ này tương đương trên 25 triệu người sử dụng. Nghiên cứu của Nguyễn Quý Thanh về internet - sinh viên - lối sống cho thấy: “Việc truy cập internet là hoạt động rất phổ biến ở sinh viên hiện nay. Có tới 93% số được hỏi cho biết có sử dụng internet, trong đó 42,2% số sinh viên truy cập vài ngày một lần và 36,9% sinh viên sử dụng vài lần trong tháng. Như vậy, sinh viên truy cập mức độ khá thường xuyên chiếm tới 56,7%. Nghiên cứu nói trên cũng chỉ rõ: tác động của internet đối với hoạt động sống của sinh viên là rất đáng kể, có 65,6% số người được hỏi nói rằng họ truy cập internet với mục đích tìm thông tin phục vụ bài học, tỷ lệ là 45,1% với mục đích đọc báo, truyện, cũng có 10,5% số người được hỏi cho biết họ truy cập internet để tìm việc làm (2).

Những lo ngại về các lệch lạc xã hội từ các phương tiện truyền thông đại chúng là có lý do thực tế. Một thời, ở Mỹ, người ta coi TV là kẻ nối giáo cho nhạc rốc và dấy lên một phong trào mạnh mẽ phản đối nhạc rốc, coi dòng nhạc này như là nguyên nhân của sự chung chạ bừa bãi, sự lạm dụng phụ nữ và nạn sử dụng ma túy. Gần đây, các thông điệp về những người đẹp trong làng giải trí Hàn Quốc tự tử được phát tán trên mạng cho thấy hành vi tự tử ở họ mang dấu hiệu như một hội chứng và có khả năng lây lan. Báo chí đã không làm được điều cần thiết là chỉ ra các mối dây ràng buộc xã hội đối với những người có ý định tự sát. Điều ấy có nghĩa là hành vi tự sát từ nguyên nhân vị kỷ, theo sự phân loại của E. Durkheim (1858-1917), đã không được các thông điệp của báo chí ngăn chặn có hiệu quả. Việc quan sát chỉ báo nhận diện địa chỉ tác giả cho thấy có tờ báo nhân danh phê phán nạn mại dâm, nhưng lại chỉ ra các địa chỉ đen.

Định hướng xã hội là đặc trưng cơ bản của truyền thông đại chúng. Đặc trưng này càng được quảng bá rộng rãi thì khả năng ảnh hưởng từ các lệch lạc xã hội qua các con đường không chính thức càng hạn chế. Ở đây, tính trung thực của thông tin có ý nghĩa quyết định. Trung thực tạo nên niềm tin. Niềm tin có khả năng liên kết các giá trị và chuẩn mực. Niềm tin tạo nên tâm thế, từ đó tác động đến nhận thức và hành vi của cá nhân, tạo lập tri thức, văn hóa và định hướng hoạt động. Các chương trình Duyên dáng Việt Nam, Hiến máu nhân đạo, được công chúng báo chí hưởng ứng là vì vậy. Đó là cách để báo chí thực sự trở thành tác nhân quan trọng đối với xã hội hóa cá nhân trong xã hội hiện đại, để cá nhân tăng cường khả năng học hỏi cách sống của xã hội nhằm hòa nhập vào đời sống cộng đồng, quốc gia và quốc tế.

_______________

1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu, Hà Nội, 6-2010, tr.130.

            2. Nguyễn Quý Thanh, Internet - sinh viên - lối sống: Nghiên cứu xã hội học về một phương tiện truyền thông mới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2010, tr.52.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011

Tác giả : Mai Quỳnh Nam

;