Việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở miền Đông Nam Bộ hiện nay

Mỹ thuật ứng dụng có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa, các loại hình dịch vụ văn hóa trong một xã hội tiêu dùng văn minh. Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Bộ (1) nói riêng là rất lớn, cả về số lượng lẫn khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng của rất nhiều loại hình sản xuất và dịch vụ.

      Mỹ thuật ứng dụng được hiểu là vận dụng những yếu tố nghệ thuật trong quá trình sản xuất hàng hóa, từ hình thức tác động đến khâu thiết kế để tạo ra một vật thể có dáng hình đẹp mắt cho tới việc trang trí vật thể đó, để chúng không chỉ hữu dụng, mà còn mang giá trị thẩm mỹ cao, kích thích nhu cầu sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng. Như vậy, mỹ thuật ứng dụng xuất hiện ở nhiều khâu trong quá trình sản xuất hàng hóa, từ việc thiết kế tạo dáng ban đầu cho sản phẩm, nghiên cứu sử dụng chất liệu phù hợp cho kiểu dáng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng loạt, tới thiết kế mẫu mã bao bì, nhãn hàng…

      Trong một xã hội đang phát triển, các loại hình hoạt động mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam nói chung, khu vực Đông Nam Bộ nói riêng, khá sôi động, có mặt trên từng cây số, từng khoảnh khắc của đời sống. Chỉ cần dạo quanh một vòng trên các đường phố, biết bao hình ảnh xuất hiện qua các bandroll, poster quảng cáo. Hình ảnh quảng cáo chương trình ở các tụ điểm, sân khấu, rạp chiếu phim, hàng hóa, kiểu dáng tủ, ghế, giường ngủ ở các cửa hàng trang trí nội thất, các loại xe, điện thoại di động… xuất hiện liên tục, dày đặc trong không gian công cộng, nhất là ở các đô thị lớn, cho thấy, khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu thưởng thức tiện nghi tương ứng về thẩm mỹ, từ sản xuất đến đời sống tiêu dùng và các dịch vụ giải trí, xuất hiện… Như vậy, chính đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội đã đòi hỏi mỹ thuật ứng dụng phải phát triển cả về chất lượng và phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

     Vài nét về việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng tại miền Đông Nam Bộ

    Việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Đông Nam Bộ hiện nay có rất nhiều vấn đề cần mổ xẻ và phân tích sâu, để tìm ra điểm mạnh và yếu, cái đã làm được cần phát huy và cái chưa làm được cần bổ sung.

     Sự phát triển mạnh của việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Đông Nam Bộ diễn ra với hai khía cạnh: ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo và gia tăng việc mở rộng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Nếu nhìn lại những năm cuối của TK XX, miền Đông Nam Bộ chỉ có 1 trường cao đẳng đào tạo về các lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng thì đến nay, đã có hơn 20 trường đại học và cao đẳng cùng tham gia đào tạo. Trong đó, chỉ có 2 trường là Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đào tạo chuyên ngành, các trường còn lại theo mô hình đào tạo đa ngành nghề, trong đó có khoa Mỹ thuật.

      Ở Việt Nam nói chung và Đông Nam Bộ nói riêng, mã ngành mỹ thuật ứng dụng được quan tâm đào tạo nhiều nhất là Thiết kế đồ họa, đáp ứng nhu cầu lớn về quảng cáo mẫu mã hàng hóa, sản phẩm của xã hội bởi sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, mã ngành này có chi phí đầu tư cơ sở vật chất và quá trình đào tạo thấp nhất, đồng thời có thể mở rộng quy mô lớp học do không phải đào tạo quá chuyên sâu cho từng sinh viên như ngành mỹ thuật sáng tác.

Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai

Ảnh: www.dongnairt.edu.vn

      Bên cạnh sự phát triển về số lượng cũng như việc mở rộng các lĩnh vực đào tạo của nguồn lực lao động mỹ thuật ứng dụng tốt nghiệp mỗi năm, một thực tế cần phải thẳng thắn thừa nhận là chất lượng nguồn lực đó chưa hoàn toàn đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp thường phải có những khóa đào tạo bổ sung kiến thức chuyên dụng cho thích ứng với hoạt động của họ. Ví dụ: công ty sản xuất trò chơi trực tuyến hoặc thiết kế phim hoạt hình thường tổ chức cho nhân viên mới học các phần mềm mà họ chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa thành thạo. Điều này cho thấy sự gắn kết của các cơ sở đào tạo và nơi sử dụng nguồn lực lao động còn thiếu mật thiết và đồng bộ.

      Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới trình độ tay nghề của sinh viên khi ra trường chưa cao. Không ít thí sinh đăng ký dự thi khi chưa hiểu rõ về ngành học, hoặc nhầm lẫn giữa nghệ thuật đồ họa và thiết kế đa phương tiện khi coi đó là một ngành, thậm chí chọn ngành học theo ý của bạn cùng nhóm... Điều đó dẫn đến tình trạng chọn nhầm ngành, không phát huy được năng lực thực sự của học viên, gián đoạn thời gian học tập, tốn kém chi phí…

      Các giảng viên môn mỹ thuật ứng dụng thường là những người vốn tốt nghiệp các chuyên ngành hội họa, điêu khắc tại các trường chuyên về mỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp. Do đó, có sự không đồng đều về phương pháp cũng như các kiến thức giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Quan điểm về thiết kế mỹ thuật ứng dụng của một số giảng viên trẻ chưa thật đúng với ngành nghề, dẫn tới kiến thức cung cấp cho sinh viên còn khập khiễng. Một số cơ sở đào tạo mới mở ngành, thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu nên chưa bảo đảm được việc duy trì thường xuyên chương trình giảng dạy.

     Hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng đều lâm vào tình trạng thiếu giáo trình mới và phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành. Về chương trình học, có nơi tự lược bỏ những môn học cơ bản như Cơ sở tạo hình, biến việc đào tạo thành một dịch vụ kinh tế, bất chấp mọi kiến thức đầu vào, đầu ra, trình độ người dạy, bất chấp môi trường của người học…

     Điều kiện cơ sở vật chất rất quan trọng đối với hoạt động giảng dạy trong các lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng; học lý thuyết phải đi đôi với thực hành trên xưởng hoặc thực tế tại các công ty. Tuy nhiên, ngoài một số trường công lập được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất tương đối tốt, đáp ứng được việc thực hành, đa số các cơ sở đào tạo đều thiếu trang thiết bị cho dạy và học. Việc gắn bó với thực tiễn xã hội của cơ sở đào tạo còn nhiều bất cập, chưa là cầu nối cho sinh viên đến được các công ty, cơ sở sản xuất để tham quan, thực tập, thực hành. Điều này dẫn đến hệ quả là khi ra trường, sinh viên thiếu kiến thức thực tế, ngơ ngác trước các phương tiện kỹ thuật có liên quan tới ngành nghề. Có khi, họ phải mất hằng năm để tiếp cận với công việc thực sự.

      Những vấn đề cần giải quyết

     Đối với người học

     Sinh viên vừa là yếu tố đầu vào, vừa là sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo. Chất lượng đào tạo được đánh giá bằng chất lượng đầu ra của sinh viên, chất lượng này phụ thuộc vào chất lượng đầu vào của quá trình đào tạo. Vì vậy, yếu tố đầu tiên để nâng cao chất lượng đào tạo là người học. Việc lựa chọn đúng ngành/ nghề, phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân sẽ là tiền đề cho quá trình học tập, rèn luyện và cống hiến về sau. Đối với sinh viên mỹ thuật ứng dụng, năng khiếu mỹ thuật bẩm sinh là bàn đạp tốt, cộng với sự đam mê học tập và rèn luyện, sẽ chắc chắn tạo nên thành công.

    Quá trình học tập, rèn luyện và sáng tạo ở nhà trường đòi hỏi sinh viên phải luôn tự giác phấn đấu. Năng khiếu là yếu tố cần nhưng chưa đủ, kiến thức và kỹ năng sáng tạo phải được rèn luyện và nở rộ từ lao động. Thành đạt chỉ đến với những sinh viên có tinh thần tự giác học tập, học thầy và học cả các bạn để tự vươn lên làm chủ kiến thức và sáng tạo trong công việc.

     Sinh viên cần tích cực tham gia hoạt động sáng tác và dự thi các cuộc triển lãm mỹ thuật của cơ sở đào tạo và sáng tác mẫu do các hiệp hội tổ chức. Qua đó, sinh viên sẽ khẳng định trình độ của bản thân, đồng thời tích trữ được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu cho tương lai của mình.

     Ngày nay, việc rèn luyện kỹ năng mềm đang là một điều kiện góp phần không nhỏ vào thành công của mỗi người, nhất là sinh viên vừa ra trường. Vì vậy, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần có những tìm hiểu, mở rộng tầm nhìn về kiến thức xã hội thực tiễn bởi thực sự rất cần đối với những ngành/ nghề mỹ thuật ứng dụng.

      Đối với đội ngũ giảng dạy

     Đội ngũ giảng viên có vai trò quyết định đến chất lượng và thương hiệu của một nhà trường. Giảng viên nghệ thuật, ngoài năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết giảng dạy như những giảng viên khác, lại rất cần trình độ chuyên môn sâu và thành thạo kỹ năng, kỹ xảo. Vì vậy, giảng viên mỹ thuật ứng dụng cần thường xuyên cập nhật kiến thức thực tiễn và rèn luyện kỹ năng để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

     Việc thường xuyên tham gia tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học cũng sẽ là một cách để giảng viên tự nâng cao trình độ của mình. Bên cạnh đó, giảng viên mỹ thuật cũng nên tích cực sáng tác, tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật của các cấp, nhằm rèn luyện kỹ năng sáng tác cũng như việc đem những tác phẩm nghệ thuật làm phong phú hơn thành tựu của mỹ thuật ứng dụng trong nước.

     Giảng viên là người trực tiếp dìu dắt, hướng dẫn sinh viên bước vào nghề. Sự thành công sau này của sinh viên luôn có bóng dáng người thày với sự nhiệt tình dạy dỗ. Vì vậy, giảng viên luôn phải trau dồi đức tính tận tụy với sinh viên, coi kết quả học tập tốt và sự thành công của sinh viên là niềm vui. Phải luôn trăn trở và trao đổi với đồng nghiệp để cải tiến phương pháp giảng dạy, nhằm tác động một cách hiệu quả nhất đến quá trình học tập và rèn luyên của mỗi sinh viên.

     Đối với lãnh đạo, quản lý cơ sở đào tạo

    Việc nâng cao chất lượng đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo và quản lý trong cơ sở đào tạo. Ban lãnh đạo cần đổi mới tư duy, phương thức quản lý nhà trường, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội về hoạt động đào tạo, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

    Hai thứ quan trọng đầu tiên mà các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng cần quan tâm củng cố là đội ngũ giảng dạy và chương trình, giáo trình. Một đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn đúng với lĩnh vực đang hướng dẫn giúp cho người học có một định hướng đúng đắn, rõ ràng để khi học tập và sáng tác, họ không bị lạc đề, mất thời gian. Tiếp theo, các cơ sở đào tạo nên thống nhất và thực tiễn hóa chương trình giảng dạy. Nếu mỗi một cơ sở không thường xuyên cập nhật và phát triển chương trình, giáo trình theo sự phát triển của thực tiễn xã hội thì việc giảng dạy của cơ sở đào tạo đó sẽ trở nên lạc hậu, nhàm chán.

     Tăng cường mở các lớp học ngắn hạn, trực tuyến theo từng chuyên ngành hẹp, phục vụ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của khu vực kinh tế và sự phát triển chung của xã hội.

     Quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ đào tạo. Việc đầu tư và tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học là việc làm cần thiết, nhất là đối với một cơ sở đào tạo chuyên ngành như đào tạo mỹ thuật ứng dụng, đòi hỏi cần có nhà, xưởng phục vụ từng chuyên môn lĩnh vực.

     Ngày nay, sự kết hợp ngày càng chặt chẽ giữa nhà trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng với các công ty, tổ chức kinh tế, sự tương hỗ và thẩm thấu giữa việc đào tạo mỹ thuật ứng dụng với việc đáp ứng nhu cầu xã hội là sự thể hiện nổi bật đặc tính ứng dụng của ngành đào tạo. Mục tiêu quan trọng của phát triển đào tạo mỹ thuật ứng dụng chính là việc đưa ứng dụng thực tiễn vào xây dựng chương trình, thực hiện sự phát triển bền vững cũng như khả năng tích hợp lý thuyết và thực hành, hình thành cơ chế mở rộng trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

     Tận dụng trang thiết bị, máy móc hiện có của doanh nghiệp trong việc đưa sinh viên thực hành, thực tập; giúp cho các em sớm làm quen với môi trường thực tế, trải nghiệm và kiểm chứng về lý thuyết đã học trong nhà trường, hình thành các kỹ năng nghề nghiệp và dễ dàng thích nghi với công việc sau khi tốt nghiệp. Việc để các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, đánh giá sinh viên (kể cả các sản phẩm, đồ án của sinh viên) sẽ giúp cho thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo và sử dụng lao động, để doanh nghiệp không phải đào tạo lại như thực tế hiện nay đang diễn ra.

      Ngoài ra, việc liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao, không lãng phí trong đào tạo, giúp người học an tâm khi tham gia học tập vì có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Mối liên kết này bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhà trường được nâng cao về chất lượng đào tạo nhờ có sự điều chỉnh chương trình phù hợp, tăng cường thực hành trong đào tạo, công tác kiểm định chất lượng đầu ra chính xác và khách quan hơn nhờ sự tham gia của doanh nghiệp, đội ngũ giáo viên cũng ngày càng được nâng cao năng lực nhờ được tiếp cận với máy móc thiết bị, công nghệ mới... Đối với doanh nghiệp, việc liên kết với các trường, một mặt, giúp đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác có thể cắt giảm phần chi phí đào tạo lại người lao động, từ đó làm tăng lợi ích tài chính của doanh nghiệp.

     Sự gắn kết các hoạt động đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong nhà trường với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu hiện nay của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng nói riêng.

     Đứng trước nhu cầu cấp thiết của xã hội, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng ở khu vực Đông Nam Bộ đang nỗ lực phấn đấu trong hoạt động giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu trên. Tuy nhiên, thực trạng đào tạo này còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, để từ đó tìm ra giải pháp cho việc đào tạo ngày một đúng hướng hơn, phục vụ hữu hiệu hơn cho các doanh nghiệp có sử dụng nhân lực mỹ thuật ứng dụng.

_____________

1. Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh và thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Miền Đông Nam Bộ rất dồi dào nguồn lao động nhưng lại khan hiếm nhân lực chất lượng cao. Vùng Đông Nam Bộ có hơn 10,9 triệu dân trên 15 tuổi, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ cao và được xếp vào tỷ lệ “dân số vàng”. Tuy có lực lượng lao động dồi dào nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao bao giờ cũng là vấn đề cấp thiết.

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Gia Lê, Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng theo nhu cầu xã hội và hợp tác với doanh nghiệp, Tham luận tại Hội thảo Hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực giữa nhà trường với doanh nghiệp, trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, do Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai phối hợp với Hội nghề nghiệp các tỉnh miền Đông Nam Bộ tổ chức ngày 27-11-2017.

2. Nguyễn Xuân Tiên, Mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sử dụng và phát triển của xã hội, Tham luận tại Hội thảo nêu trên.

Tác giả: Trần Đình Quả

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

;