Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng hiện nay

Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng và trở thành quy luật phát triển của Đảng ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến công tác xây dựng Đảng. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho thế hệ mai sau, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” (1). Đồng thời, cũng chỉ rõ: Đảng cách mạng chân chính phải dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm ấy. Theo Người, tự phê bình và phê bình là vũ khí cần thiết cho sự phát triển của Đảng, cho xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cũng như cho việc tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, cho sự tiến bộ và phát triển của mỗi người như không khí cần cho con người để sống; tự phê bình và phê bình được hiểu là một chế độ hoạt động, trong đó tổ chức đảng và đảng viên tự nêu ưu điểm, khuyết điểm của đồng chí mình, xác định nguyên nhân, tìm biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, làm cho đảng viên tiến bộ, tổ chức đảng vững mạnh, đoàn kết, phát triển.

Nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phê bình và tự phê bình, trong thời gian qua, các tổ chức cơ sở đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều nội dung, hình thức, biện pháp nhằm thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, góp phần bảo đảm quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị nghị quyết của các cấp; phát huy trí tuệ, phẩm chất năng lực, tinh thần khả năng sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong tham gia xây dựng nghị quyết, khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém trong công tác lãnh đạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; đấu tranh chống các quan điểm thù địch sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn bộc lộ một số hạn chế như: năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm trong công việc được giao… Vì vậy, để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp.

1. Tăng cường nâng cao giáo dục toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu giữ vai trò quyết định đến nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Mọi hoạt động của con người đều bắt đầu từ nhận thức; trên cơ sở nhận thức và chỉ có nhận thức đúng mới có cơ sở cho hành động đúng; nhận thức là định hướng, dẫn đường cho hành động, trách nhiệm của từng tổ chức, các lực lượng, được thực thi đầy đủ đảm bảo cho hành động triệt để, có hiệu quả. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên không xem tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên cần thiết, việc làm xuất phát từ vai trò, trách nhiệm, bổn phận của người đảng viên, đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân thì không thể có chất lượng cao trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình.

Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng của cán bộ, đảng viên gắn với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tác động ảnh hưởng của tư tưởng cơ hội, thực dụng và các tác động tiêu cực xã hội khác; nâng cao bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cán bộ, đảng viên để mọi người vừa có đủ bản lĩnh, dũng khí, hiểu biết, vừa có cái tâm trong sáng, trung thực, dám nói, dám bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, làm cho ý kiến phê bình chính xác, có tính thuyết phục, tính chiến đấu. Khắc phục tình trạng bưng bít sự thật, không dám công khai, hoặc thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến tính lành mạnh và hiệu quả của tự phê bình và phê bình.

2. Mở rộng dân chủ, duy trì chặt chẽ chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của chế độ ta là dân chủ, dân chủ là cái quý nhất của nhân dân, do đó cũng là cái quý nhất của mỗi đảng viên, Người cho rằng: “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình” (2), “Nếu cán bộ không nói năng, không để ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Thế là nội bộ của đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” (3). Nếu thực hiện tốt dân chủ, nội bộ đoàn kết, sẽ làm cho Đảng phát huy được trí tuệ, tạo nên bầu không khí cởi mở, tin cậy lẫn nhau.

Đối với tổ chức cơ sở đảng, thường xuyên mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng là biện pháp hữu hiệu, nhằm bảo đảm mọi đảng viên phát huy trí tuệ và thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm trong bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình đối với hoạt động lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, có mở rộng dân chủ mới tạo ra được môi trường, bầu không khí cởi mở, bình đẳng để mọi đảng viên nói ra hết suy nghĩ, quan điểm, thái độ của mình trong tự đánh giá, nhận xét, phê bình tổ chức đảng và đồng chí mình mà không bị bất kỳ một áp lực nào cản trở. Do vậy, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng đã trở thành động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng.

Để mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng đạt hiệu quả cao, phải gắn với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc lãnh đạo tập thể, khắc phục tình trạng quan liêu, độc đoán chuyên quyền trong sinh hoạt đảng. Mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình còn liên quan trực tiếp đến chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở đảng. Bởi vì, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng là tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Do đó, phải nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu bảo đảm cho tổ chức đảng và đảng viên sau mỗi lần sinh hoạt đảng trưởng thành hơn về mọi mặt từ nhận thức, tư tưởng, tình cảm cách mạng, tinh thần đoàn kết được nâng lên, thống nhất về ý chí và hành động, ý thức đấu tranh phê phán những biểu hiện sai trái, biểu hiện tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu trong đơn vị.

3. Phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp nhằm nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình

Cấp ủy là cơ quan lãnh đạo thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình ở tổ chức cơ sở đảng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự nêu gương của người đứng đầu giữ vai trò quan trọng đến chất lượng tự phê bình và phê bình, việc kiểm điểm, đánh giá ưu điểm, khuyết điểm chỉ ra nguyên nhân và biện pháp, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm trong công tác lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Sự nghiêm túc tự phê bình và phê bình của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ chủ trì các cấp, là động lực lôi cuốn thúc đẩy cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị có niềm tin và tự giác thực hiện tự phê bình và phê bình. Do vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì cần thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong nội bộ cấp ủy, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chế độ này nghiêm túc đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Mọi sự phê bình và phê bình phải xuất phát từ cái tâm, cái lý, cái tâm trong sáng, tuyệt đối không lợi dụng phê bình để đả kích, nói xấu nhằm loại bỏ, hạ bệ lẫn nhau. Trong phê bình, phải có thái độ trung thực, tôn trọng sự thật, lẽ phải, không giấu giếm, bao che, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật. Phê bình việc chứ không phải phê bình người. Bác căn dặn “Phê bình cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng, không nên phê bình ẩu, phê bình suông, khi phê bình cần phải xét nguyên nhân, khuyết điểm, phải cân nhắc ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa” (4). Thực hiện tự phê bình và phê bình phải công khai, minh bạch trong tổ chức “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ” chứ không phải “bới lông tìm vết để trả thù”, không phải châm chọc, xoi mói lẫn nhau.

4. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình nội bộ đảng với động viên quần chúng phê bình đảng viên, tổ chức đảng

Đây là nội dung, biện pháp quan trọng không những phản ánh trực tiếp mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, kiểm nghiệm uy tín của Đảng và của cán bộ, đảng viên mà còn chi phối trực tiếp đến giá trị và hiệu quả của việc tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy, phải phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng tham gia phê bình cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Việc này phải làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, có mục đích, nội dung rõ ràng, nhưng về phương pháp phải bảo đảm cho quần chúng đóng góp ý kiến một cách tự nhiên, thoải mái, thực sự dân chủ, với ý thức xây dựng cao. Tổ chức thật chu đáo để cơ quan và những người có trách nhiệm ở từng đơn vị nắm được mặt tốt và mặt chưa tốt của cán bộ, đảng viên trong đơn vị của mình, nhất là về phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, các mối quan hệ công tác.

Sau mỗi lần quần chúng phê bình, phải có kế hoạch tiếp thu ý kiến và giải đáp những vấn đề quần chúng nêu ra. Thái độ tiếp thu phải chân thành, khiêm tốn, cầu thị. Cần kết hợp ý kiến phê bình của quần chúng với ý kiến phê bình, tự phê bình trong nội bộ tổ chức đảng để xem xét từng trường hợp, bảo đảm tính chính xác, kịp thời. Bên cạnh đó, phải gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý kỷ luật. Cán bộ cấp trên, cán bộ chủ trì, cấp ủy viên các cấp phải thực sự gương mẫu trong tự phê bình và phê bình. Cùng với tự phê bình và phê bình phải có nội dung, biện pháp phấn đấu sửa chữa khuyết điểm. Trong tự phê bình và phê bình, phải thường xuyên coi trọng đấu tranh khắc phục những biểu hiện qua loa đại khái, cách làm hình thức, chiếu lệ, phê bình xong rồi lại “đâu vào đấy”. Đặc biệt, phải chú ý khắc phục hiện tượng hữu khuynh, né tránh, kém tính chiến đấu, hiện tượng móc ngoặc, che giấu khuyết điểm. Phải thường xuyên đấu tranh phê phán tư tưởng cơ hội, thực dụng, bảo thủ giáo điều.

______________________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.610.

2, 3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.303-304, 305.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.386.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.57-58.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

Ths ĐỖ DUY TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;