VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƠ SỞ Ở VIỆT NAM

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (ĐSVHCS) là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1981). Đây là một công việc quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, lối sống, con người Việt Nam. Xây dựng ĐSVHCS chính là thực hiện nhiệm vụ đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống, làm cho văn hóa ngày càng trở thành yếu tố khăng khít của đời sống xã hội.

Quan điểm về xây dựng ĐSVHCS

Khi đất nước vừa thống nhất, ở Đại hội IV, cùng với những chủ trương xây dựng nền kinh tế mới, Đảng đã đề ra những phương hướng xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH) cho nhân dân. Đến Đại hội V, vấn đề này lại được đặt ra một cách bức thiết, triệt để, có tính chất quyết định phương hướng chỉ tiêu kế hoạch: “Đảm bảo mỗi nhà máy, công trường, lâm trường, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học, xã, phường, hợp tác xã, ấp đều phải có ĐSVH (1). Trong Đại hội VI, Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng ĐSVHCS, đưa văn hóa, văn nghệ đến các vùng kinh tế mới, vùng căn cứ cách mạng cũ, vùng các dân tộc thiểu số, các vùng xa xôi, hẻo lánh...” (2).

Ở Đại hội VII, vấn đề xây dựng ĐSVHCS đã được định hướng cụ thể vào một đơn vị cơ sở nhỏ nhất của xã hội là gia đình (3) để từ đó, đưa ra những định hướng mục tiêu chung cho các hoạt động văn hóa: “Bằng mọi cách, đưa những giá trị văn hóa, văn nghệ dân tộc, thế giới đến với nhân dân...” (4).

Đặc biệt, khi công cuộc đổi mới năm 1986 được triển khai trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đề cao yếu tố con người: là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực, quyết định sự hưng thịnh của đất nước, tại Đại hội VIII, văn hóa đã được khẳng định một cách rõ ràng: “là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (5). Những chủ trương đường lối của Đảng đã được cụ thể hóa bằng một chương trình quốc gia về văn hóa, trong đó xây dựng ĐSVHCS được coi như một mục tiêu cơ bản, một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của chương trình này.

Ở Đại hội IX, những tư tưởng cốt lõi chủ yếu của Đảng về sự phát triển văn hóa, con người thể hiện trên cơ sở thực tiễn thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII, càng được khẳng định rõ ràng, cụ thể hơn. Với việc chỉ rõ mục tiêu phát triển văn hóa là để “văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam (6). Đảng đã khẳng định: xây dựng ĐSVHCS cần gắn chặt với các phong trào “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, chủ trương mở rộng, nâng cao hiệu quả cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”; gắn những hoạt động này với việc xây dựng ĐSVHCS ở các cộng đồng dân cư. Cũng ở đại hội này, xây dựng ĐSVHCS đã được coi như là sự xây dựng về tầm cao, chiều sâu của sự phát triển văn hóa, xã hội Việt Nam.

Ở đại hội X, cùng với việc xác định tiếp tục phát triển chiều sâu, chiều rộng, nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam, ĐSVHCS lại một lần nữa được khẳng định một cách cụ thể hơn: xây dựng ĐSVHCS trước hết cần tập trung phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ, sáng tạo của nhân dân trong đời sống văn hóa. Đảng cũng chỉ rõ xây dựng ĐSVHCS là xây dựng động lực có tính quyết định cho việc xây dựng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam tiên tiến, hiện đại mà vẫn mang bản sắc Việt Nam.

Đến đại hội XI, ĐSVHCS đã được chỉ đạo theo hướng nâng cao chất lượng toàn diện việc xây dựng ĐSVH, môi trường văn hóa thông qua đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH. Đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, trong các cộng đồng dân cư, xây dựng nếp sống văn minh trong xã hội, nhất là nơi công cộng, đa dạng hóa các hoạt động phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng ĐSVH, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đời sống xã hội nói chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới cũng có nhiều đổi thay. Mặt bằng dân trí được nâng cao, sở trường, năng lực cá nhân con người được khuyến khích tôn trọng; tính năng động xã hội kinh tế, tính tích cực công dân được khơi dậy, phát huy thay cho tâm lý thụ động, ỷ lại trong cơ chế cũ. Không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội tăng. ĐSVH xã hội vì thế cũng phong phú, đa dạng. Trong sự phong phú, đa dạng của ĐSVH cùng với việc định hướng phát triển mới, khái niệm ĐSVHCS cũng được mở rộng trên những căn cứ khoa học hơn.

Quan niệm về ĐSVH

“ĐSVH là bộ phận cấu thành tích hợp trong đời sống chung của con người, xã hội” (7). Nếu như đời sống xã hội là toàn bộ những hoạt động nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người trong một xã hội, thì ĐSVH được hiểu là “một phức hợp những ứng xử thành nếp, điển hình nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của các thành viên một xã hội” (8). ĐSVH trình ra “một tổng hợp những thành tố văn hóa tác động qua lại với đời sống của những cá nhân, cộng đồng” (9), tức toàn bộ thành tố cấu thành văn hóa của một cộng đồng. Tuy nhiên, ĐSVH không đồng nhất với văn hóa của một cộng đồng. Văn hóa của một cộng đồng là toàn bộ những kết quả sáng tạo văn hóa của cộng đồng đó từ trong quá khứ. Còn ĐSVH lại được tạo dệt từ sự thực hành những yếu tố văn hóa truyền thống ấy theo một trình độ tương ứng với khả năng được quy định bởi kích thước cấu trúc của từng nhóm trong cộng đồng. Nói một cách đơn giản hơn, ở ĐSVH, ngoài những yếu tố văn hóa truyền thống, người ta còn thấy cả những yếu tố văn hóa mới, tức những yếu tố văn hóa được hình thành từ những thay đổi trong phương thức sản xuất của xã hội.

Sự gia nhập của các yếu tố văn hóa mới vào ĐSVH cho thấy: ĐSVH chịu sự quy định bởi hàng loạt những điều kiện của xã hội, mà trong đó trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất là điều kiện nền tảng. Thông thường, ĐSVH bị quyết định bởi các điều kiện sau: quỹ thời gian rỗi ở các cấp thời gian khác nhau (ngày, tuần, năm) của mỗi đối tượng xã hội; quỹ tiền bạc của xã hội (phúc lợi công cộng) bằng nhiều nguồn thu nhập khác nhau dành cho chi tiêu vào ĐSVH của đơn vị cơ sở; quỹ tiền bạc của gia đình dành cho chi tiêu vào ĐSVH của các thành viên trong gia đình; tập quán hoạt động rỗi của các đối tượng xã hội được hình thành trên cơ sở những điều kiện đặc thù của đời sống xã hội, tự nhiên của địa phương.

Nhận rõ tính phức tạp, đa dạng của ĐSVH xuất phát từ cơ sở lý luận về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, Đảng ta đã đưa ra chủ trương xây dựng ĐSVH với mong muốn: khi hiệu quả của ĐSVH chuyển vào lực lượng sản xuất của xã hội sẽ tạo nên những biến đổi, phát triển trong mặt bằng đời sống kinh tế, khi đời sống kinh tế biến đổi, phát triển sẽ lại tạo điều kiện để biến đổi, phát triển ĐSVH. Cứ thế theo chu trình mở để xã hội ngày càng phát triển đúng như lý luận về sự phát triển: “Phát triển là phải nâng cao chất lượng cuộc sống của con người để đảm bảo sao cho hài hòa đời sống vật chất, tinh thần giữa mức sống cao với lối sống, nếp sống đẹp...” (10).

Có thể nói, xây dựng ĐSVH là một định hướng đúng đắn trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là phương hướng quan trọng trong thực hiện chiến lược con người, xây dựng, phát huy nguồn nội lực con người - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Quan niệm về cơ sở trong xây dựng ĐSVHCS

ĐSVH luôn diễn ra trong một không gian dân cư nhất định. Ở không gian hẹp, đó là các nhóm gia đình, bạn bè, nhóm lao động, học tập…; ở không gian rộng, đó là một cộng đồng xã hội, cộng đồng tộc người, cộng đồng làng, xã… Bởi vậy, khi nói đến ĐSVH, người ta luôn phải gắn thêm danh từ chỉ một không gian dân cư nào đó để xác định kiểu dạng, kích thước của ĐSVH.

Xây dựng ĐSVHCS trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa cho nhân dân. Thỏa mãn nhu cầu văn hóa cho mọi người dân là việc làm tất yếu mà bất cứ xã hội nào muốn tồn tại đều phải tiến hành. Tuy nhiên, cũng như mọi nhu cầu cơ bản khác, nhu cầu văn hóa chỉ có thể trở thành hiện thực khi con người cùng đồng loại tổ chức tiến hành các hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa. Xây dựng ĐSVHCS là một biện pháp tạo ra môi trường cho các cá nhân thoả mãn được nhu cầu tinh thần của chính họ.

Điều đáng chú ý là trong việc xác định môi trường thỏa mãn nhu cầu văn hóa cho nhân dân, chúng ta đã rất sáng suốt khi nhấn mạnh vào dạng địa bàn cơ sở là các cộng đồng làng, bản, những nhóm cư trú địa vực đã có thời gian tồn tại lâu dài trong lịch sử ở những vùng nông thôn.

Mặt khác, làng, trong lịch sử là một thành phần trong cấu trúc của phương thức sản xuất lệ nông. Sự thay đổi của phương thức sản xuất mới hiện nay ở các làng là một tất yếu. Tuy nhiên, quá trình thay thế phương thức sản xuất không chỉ làm thay đổi cấu trúc xã hội của làng, nhất là những thay đổi trong quan hệ sản xuất, mà còn dẫn tới sự xáo động của nhiều hoạt động sinh hoạt diễn ra trên địa bàn làng. Hiện nay làng (cùng những cộng đồng có kết cấu như làng) vẫn là nơi cư trú của nhiều gia đình nông dân, ĐSVH làng cũng phản ánh ĐSVH của các gia đình ở vùng nông thôn. Do vậy xây dựng ĐSVHCS ở các địa bàn như bản, làng… cũng đồng thời là xây dựng ĐSVH cho các hộ gia đình ở các vùng nông thôn.

Trong quá trình tiến hành xây dựng ĐSVHCS, ở mỗi giai đoạn phát triển, Đảng ta lại có định hướng tập trung vào một số địa bàn, đơn vị cơ sở tùy theo những yêu cầu, điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội như: ở giai đoạn đầu, quan niệm về địa bàn xây dựng ĐSVH chỉ là xã, phường, xí nghiệp, các đơn vị trường học, công nông lâm trường… ở giai đoạn hiện nay là các làng, bản, thôn, ấp, gia đình. Sự thay đổi quan niệm nói trên không chỉ cho thấy sự linh hoạt trong đường lối lãnh đạo mà còn chứng tỏ thái độ nghiêm túc, khoa học của Đảng trong việc định hướng phát triển văn hóa nói riêng, xã hội nói chung.

Phong trào xây dựng làng văn hóa là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với truyền thống lịch sử, với xu thế phát triển, với các đặc điểm, điều kiện mới của đất nước đã đem lại nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Khối đoàn kết cộng đồng được củng cố, mối quan hệ giữa dân với Đảng được tăng cường; dân chủ được tôn trọng, mở rộng; dân sinh được cải thiện; dân trí được nâng cao; ĐSVH phong phú, trong lành; giao lưu văn hóa được chọn lọc; tệ nạn xã hội được ngăn chặn tích cực; kinh tế mở mang, phát triển...

Xây dựng ĐSVHCS nói chung, xây dựng làng văn hóa nói riêng không phải là công việc một sớm một chiều. Bởi vậy, tiếp tục duy trì, phát triển phong trào xây dựng làng văn hóa, gắn phong trào này với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH là việc làm cần thiết, là mục tiêu hàng đầu của sự nghiệp văn hóa hiện nay.

_______________

1. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1981.

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI.

3, 4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa VII.

5. Đảng CSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.110.

6. Đảng CSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.208.

7, 9. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.8.

8. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.329, 351.

10. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 390, tháng 12-2016

Tác giả : PHẠM HOÀI ANH

;