Văn chương - Văn trẻ - Văn tài

Nếu đọc lại Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân cùng Nhà văn hiện đại (quyển ThượngHạ, xuất bản 1942-1945) của Vũ Ngọc Phan, sẽ thấy chữ “văn trẻ” ít khi được sử dụng. Thường thấy những cách viết tôn vinh “văn tài”, đại thể như: Xuân Diệu (1916-1985) với Thơ thơ (xuất bản 1938, khi thi sĩ mới 22 tuổi) là “mới nhất trong các nhà Thơ mới”; Chế Lan Viên (1920-1989) với Điêu tàn (trình làng văn 1937, khi thi sĩ mới 17 tuổi) đã “gây một niềm kinh dị trong làng thơ”; Vũ Trọng Phụng mất khi mới 27 tuổi (1912-1939) để lại một văn sản đáng nể trọng, thực sự là một tiểu thuyết gia, một “vua phóng sự đất Bắc”; Tô Hoài (1920-2014) xuất bản Dế mèn phiêu lưu ký (in 1941, lúc tác giả mới 21 tuổi, Cụ Dế Mèn của Tô Hoài chu du khắp thiên hạ, vào Nam ra Bắc, rong ruổi cả nước ngoài); Nam Cao (1917-1951) viết kiệt tác Chí Phèo (xuất bản 1941, lúc tác giả 24 tuổi); Nguyên Hồng (1918-1982) viết Bỉ vỏ (xuất bản 1938, khi 20 tuổi)... Một vài dẫn chứng rút ra từ di sản văn chương dân tộc thời hiện đại để thấy nếu thời trước người ta khi dùng chữ “văn trẻ” thì đồng nghĩa với “văn tài”.

Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (in lần thứ V, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020), chúng tôi thấy có 1.623 hội viên (tính cả những người đã mất). Người ta vẫn gọi vui Hội Nhà văn Việt Nam là “Hội người già” (vì có đến gần 70% hội viên tuổi trên 60). Nhưng nói cho công bằng, vẫn hiện diện tên tuổi những nhà văn rất trẻ như: Chu Thanh Hương (1986), Nguyễn Thị Thu Vân (1986), Văn Thành Lê (1986), Lữ Thị Mai (1988), Lý Hữu Lương (1988), Phạm Phú Uyên Châu (1991), Lê Quang Trạng (1996)... Tuy nhiên, con số này (nếu tính tỷ lệ) vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì thế, chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai (trung hạn và dài hạn) là quan tâm tới văn trẻ (độ tuổi dưới 35, theo cách hiểu và quy định hiện nay). Nhưng bản chất của sáng tạo nghệ thuật lại không phân biệt trẻ - già, bởi “gừng càng già càng cay”, bởi “tre già măng mọc” như một lẽ thuận tự nhiên, hợp lý hợp tình. Có thể nói, từ khóa của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2022 là: “văn trẻ”. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại thanh phố Đà Nẵng vào tháng 6-2022, được truyền thông đưa tin dày đặc. Khoảng 120 người viết trẻ được mời dự. Vui vẻ, trẻ trung, hân hoan, tin tưởng là tâm cảm có thực.

Trong thực tế, có hai cách đánh giá về văn trẻ, hoặc “cứ thế bước ào vào văn chương”, hoặc tốt hơn là “chầm chậm tới mình”. Cách đánh giá nào về sự xuất hiện của văn trẻ cũng đều thuận lý, thuận tình, bởi trong lĩnh vực sáng tạo đặc thù này, mọi nẻo đường dẫn đến đích là hoàn toàn không giống nhau, có thể dễ dàng chấp nhận. Nhưng chấp nhận không phải theo cái tâm thế “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, cố nhiên theo tinh thần đón đợi - chào đón và chờ đợi, kỳ vọng và đòi hỏi đều cao ngang nhau. Tôi nghĩ, đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ (thế hệ). Đối với văn trẻ, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, khách quan, rộng lòng. Nhưng cần khách quan, công bằng, nhất thiết không hùa theo cái gọi là tinh thần/ chủ nghĩa “dân túy” đang như một trend, mode. 

Cổ nhân vẫn chỉ bảo chúng ta về những điều kiện thành công của một con người trong lập nghiệp (và rộng ra cả một thế hệ) cần hội đủ ba yếu tố: “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Phải nói ngay rằng, văn trẻ bây giờ đang thụ hưởng cả ba tiền đề đó, họ có nhiều lợi thế hơn các lớp nhà văn đi trước. Nói cách khác, họ nhận được ân huệ của thời gian. Nếu tính từ sau năm 1945, chưa bao giờ nhà văn Việt Nam nói chung, văn trẻ nói riêng, lại được tự do bộc lộc cá tính như bây giờ. Họ có thể viết tất cả những gì mình quan tâm thích thú, kể cả mặt trái của đời sống xã hội cũng như quá trình tha hóa của con người thời đại. Họ có thể bộc bạch những chuyện riêng tư thầm kín nhất của cá nhân mình. Họ có thể viết tùy thích miễn là không phạm luật (Luật Xuất bản và Luật Báo chí). Họ viết nếu không được in thành sách giấy (vì một lý do nào đó) thì họ “in” và phổ biến bất tận trên mạng, bởi đã có “bà đỡ” mát tay với tên gọi mới - “Văn học mạng” và “Ông GU - GỒ”. Văn trẻ lợi thế hơn trước ở sự tự do thông tin khi internet đến Việt Nam (từ năm 1997), nhưng nếu không cẩn thận, bình tĩnh sẽ khó tránh khỏi tình trạng bị “bội thực” thông tin, vì cái gì cũng có tính hai mặt của nó.

Chúng ta sẽ hình dung như thế nào về đời sống văn chương đương đại Việt Nam nếu thiếu văn trẻ, nói như thế để thấy sự quan tâm của xã hội đến lực lượng này là căn cứ theo quy luật phát triển “tre già măng mọc”. Phải thừa nhận là văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, có ý thức làm mới văn chương khi đa số quyết liệt tìm cách viết mới. Trong hai thập kỷ đầu của TK XXI, nếu có hiện tượng nào trên văn đàn Việt Nam thì có sự tham dự đông đảo và sôi nổi của văn trẻ. Nhưng cũng cần đưa ra cảnh báo (được thực tế kiểm chứng), bởi chưa có lĩnh vực nào mà sự sàng lọc và đào thải lại khắt khe đến tàn nhẫn như trong sáng tạo nghệ thuật. Văn trẻ, theo tôi, đang ở trong tình trạng mặc dù được đón chào khá nồng nhiệt, nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Nhà văn Uông Triều đã viết hẳn một bài Sự quên lãng (Văn nghệ Công an, số 579, ra ngày 25-11-2021), chia sẻ của anh nhận được sự đồng cảm: “Sự quên lãng khủng khiếp này không chừa bất cứ ai hoặc tác phẩm nào. Có lẽ cứ vui vẻ với mình, nỗ lực viết, cống hiến và chấp nhận những sàng lọc và đào thải của thời gian thì người ta may ra mới tạo được vài ba những tác phẩm có giá trị bền vững và họa chăng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Đó là một sự thật dẫu có đắng lòng cũng phải thẳng thắn nói ra.Gần đây, người ta hay trích dẫn câu thơ của thi sĩ Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời” để nói về sự trói buộc của hoàn cảnh một thời đối với người sáng tác. Nhưng ngẫm ra, những tài năng văn chương đích thực từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, đều là những người sáng tạo ra những chân trời mới.

Văn trẻ, nếu tính về số lượng là đông đảo, hùng hậu (có cả “một rừng người viết”, “văn trẻ như cánh đồng bất tận”). Nhưng dường như không dễ tìm thấy gương mặt nào sáng giá, trội bật lên làm cho văn đàn Việt Nam khởi sắc, tạo bước ngoặt tựa như sự xuất hiện của các thi sĩ lãng mạn thời Thơ mới (1932-1945), hay thơ thời kháng chiến (1945-1975). Văn trẻ viết miệt mài và sách của họ phủ sóng thị trường sách văn học hiện nay nhưng vẫn cứ gieo niềm nuối tiếc với độc giả là không tìm thấy tác phẩm của họ. Có người biện giải, văn trẻ chưa bứt phá lên được là do sức ép của cơ chế thị trường. Nhưng cũng là cơ chế thị trường tại sao người Mỹ làm phim, viết văn vẫn hay và đắt khách, đắt hàng đến thế (!?). Có người bênh vực văn trẻ đang chịu sự lấn sân và lấn lướt của văn hóa nghe - nhìn. Nhưng nếu văn trẻ thực sự có nội lực mạnh thì tại sao lại không cạnh tranh được? Có người cay đắng nhận xét văn chương nói chung, văn trẻ nói riêng đang mất vị thế trong cuộc sống xã hội hiện đại, đang bị đẩy ra ngoại biên trong đời sống văn hóa nói chung.

Một trong những nguyên nhân khiến cho văn trẻ chưa đáp ứng được nguyện vọng của xã hội, trước hết xuất phát từ quan niệm về văn chương. Đã có người cách đây chưa lâu trình ra một tuyên ngôn xanh rờn khi coi văn chương chỉ là một “trò chơi vô tăm tích”. Không những người sáng tác, cả người nghiên cứu cũng đang lên “cơn sốt nhẹ” khi hướng tới nghiên cứu “bản chất trò chơi của văn học” (!?). Cho đến nay, vẫn còn nhiều người trong văn trẻ hô ứng một cách tuẫn tiết. Thật ra thì trong quá khứ đôi khi chúng ta cũng đã quan trọng hóa quá mức vai trò của văn chương (đề cao tuyệt đối chức năng nhận thứcgiáo dục), song nếu coi nó là một “trò chơi vô tăm tích” thì lại rơi vào một cực đoan khác. Tâm thế của văn trẻ bây giờ nhiều khi cũng đáng suy nghĩ khi không ít trong số họ không hề có ý nguyện “sống chết” với văn chương, đã đành, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề chữ này (cũng có thể ảnh hưởng quan niệm “lập thân tối hạ thị văn chương”). Có người khi mới xuất hiện viết vài tác phẩm đọc được bỗng dưng “mất tích”, sau này mới biết họ đã bình thản giã từ nghiệp viết và thậm chí không hề nuối tiếc một điều gì. Phải nói rõ hơn về tinh thần tiếp biến văn hóa của văn trẻ đang có vấn đề. Có một số người trẻ ấp ủ khát vọng làm mới văn chương bằng cách hướng ra thế giới với tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhưng đã xảy ra một tình trạng đáng tiếc là bộ lọc của họ chưa tinh xảo nên sự tiếp biến chưa có hiệu quả. Một số người, dường như cố tình khước từ truyền thống văn chương dân tộc có bề dày và thành tựu nhiều thế kỷ. Ai đã đọc công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu mới thấm thía cái cách thi nhân tự làm giàu mình bằng con đường học tập các bậc cổ điển của dân tộc. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Diệu viết tiểu luận cuối cùng Sự uyên bác với việc làm thơ dành tặng cho những người viết trẻ. Thi nhân mất ngày 18-12-1985, ngay sáng 19-12-1985 bài viết cuối cùng của ông được trình bày tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (Văn nghệ, số 36+37, ra ngày 3-9-2011).

Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi” (tự ngã trung tâm), tất nhiên không có gì là không đúng, song xem ra chưa thực sự quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách hài hòa nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình (hoặc không vô tình) xa rời đời sống của nhân dân mình. Ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh tỏ ra thuyết phục: “Văn trẻ giỏi thêu thùa cho bản thân nhưng kém vá may cho người khác”. Văn trẻ có nguy cơ bị đứt rễ với mảnh đất màu mỡ của đời sống nhân dân vốn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật. Đọc văn trẻ nhiều, người đọc có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực bao bọc quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe được các cung bậc âm thanh, thẩm thấu được những màu sắc ánh lên của một thế giới sống động, sinh sắc và sinh thành. Có thể cắt nghĩa tồn tại này bằng việc chỉ ra cách huy động vốn sống gián tiếp khi văn trẻ sáng tác. Đành rằng người viết trẻ không nhất thiết đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước (Sống đã rồi hãy viết), song, nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông và sự hỗ trợ của kỹ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt “nghĩa”. Ý kiến tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu về vấn đề này đáng suy ngẫm: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình - như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ - cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (1).

Tinh thần đón đợi văn trẻ đòi hỏi chúng ta vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc ngoặt bất ngờ nhất - như ai đó triết lý rằng, chờ đợi cũng là một nghệ thuật và cũng là một hạnh phúc. Nhưng chờ đợi chưa đủ, phải thúc đẩy văn trẻ tiến lên phía trước. Gần đây, chúng ta vui mừng nhận thấy những tín hiệu đáng mừng nhằm tái khởi động nhiệt huyết của văn trẻ. Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã năng động hơn trước, đã biết tổ chức và có những giải pháp thiết thực để phát huy nội lực của người trẻ sáng tác văn chương. Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều báo chí, nhà xuất bản khác thực sự là những sân chơi văn chương khá đặc sắc của những người viết trẻ trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã có những quyết sách đúng đắn và kịp thời để huy động sức mạnh tổng hợp của cả đội ngũ sáng tác văn chương nói chung, đội ngũ văn trẻ nói riêng. Các đơn vị đào tạo như Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, trong đó có đào tạo tài năng sáng tác văn học. Văn chương đang có một cuộc chuyển mình âm thầm nhưng khá quyết liệt, diện mạo của nó đang rõ ràng “thay da đổi thịt”, một phần có công sức của văn trẻ.

Nhà văn Anh Đức tâm sự: “Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hệ cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác với những sứ mệnh khác nhau, và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của dân tộc” (2).

Hơn ai (lúc nào) hết, người trẻ tuổi, cũng như văn trẻ, đã nhận được ân huệ của thời gian. Làm thế nào để văn trẻ sẽ trả cho đời những mầm nụ tươi xanh, trái quả ngọt lành mới? Câu trả lời, thiết nghĩ, nằm ngay trong câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”, là khẩu hiệu của Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, như đã, đang và sẽ vang lên đầy khích lệ những ai quyết chí dấn thân vào con đường thiên lý văn chương, nhiều vinh quang và cũng lắm cay đắng.

________________

1. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr.363.

2. Anh Đức - Tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.22.

BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;